Ngắm sự thương khó Ðức Chúa Giêsu là một trong những cử hành đạo đức bình dân phổ biến ở các cộng đoàn đức tin để tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa. Dần theo thời gian, tuy có cách tổ chức khác nhau ở các vùng miền, song hình thức này trở thành nếp sinh hoạt đặc sắc, đáng trân quý…
ÐẶT CẢM XÚC
Ông Nguyễn Khánh (Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ Tân Vĩnh, giáo phận Hà Tĩnh): Bao đời nay, khi đến Mùa Chay, Tuần Thánh, giáo xứ tôi đều tổ chức các buổi nguyện ngắm. Nhận ra cái hay trong sinh hoạt đạo đức nên tôi học hỏi cách ngắm từ những người đi trước. Bây giờ, tôi thường tham gia ngắm. Vì là trùm xứ nên có cơ hội được ngắm nhiều. Ban đầu, khi mới tập tành, lên ngắm trước cộng đoàn trong bầu khí sốt sắng, trang nghiêm, tôi có phần hồi hộp, lo lắng, dần dần thì mạnh dạn hơn, quen hơn. Khi ngắm, tôi cố gắng nhập tâm, tập trung vào lời để có thể ngâm cho phù hợp, đặt cảm xúc của mình. Ngắm không phải là thực hành biểu diễn nhưng để giúp cộng đoàn tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa, cầu nguyện với Chúa.
DUY TRÌ NGẮM
Ông Nguyễn Thành Hoàng (Giáo xứ Lạc Quang, TGP TPHCM): Có nơi ngắm đứng. Có nơi thì ngắm quỳ. Có nơi khác ở miền Nam thì gọi hình thức sinh hoạt này là lễ đèn. Cách tổ chức cũng tương tự nhau. Ngắm, tùy vùng miền mà có cung giọng đặc trưng. Miền Bùi Chu, Phát Diệm sẽ khác các xứ Nam bộ. Ðó là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đây là hình thức sinh hoạt đạo đức hay, thể hiện lòng sùng đạo của người tín hữu và đã được nối dài qua nhiều đời. Tôi cũng biết ngắm. Học từ những người đi trước. Và ngày nay, muốn duy trì được cách thức sinh hoạt này, thiết nghĩ các xứ đạo cần làm sao gieo vào lòng người trẻ niềm yêu mến, trân quý tập tục truyền thống. Ai cũng biết để ngắm đúng và hay cần phải học. Mà muốn học thì cần có người dạy. Như vậy, giáo xứ, những người đi trước trong xứ đạo cũng nên lưu ý đến việc truyền lại cho lớp trẻ cách ngắm để giữ cung, giọng đặc trưng ở quê mình. Nếu được tổ chức thành lớp thì càng tốt. Thế hệ của tôi, đa số tự học. Vì thấy hay nên tự tập, bắt chước ông bà. Nói chung, việc gìn giữ nếp sinh hoạt này thật quan trọng. Trong bối cảnh người trẻ có quá nhiều thứ để học, thì cần thiết phải được nuôi dưỡng lòng đạo, các truyền thống sinh hoạt không bị mai một vì sau này, chính họ là lớp kế thừa.
TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG
Ông Ðinh Xuân Huy (Phó Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ Kim Phát, giáo phận Ban Mê Thuột): Cộng đoàn xứ đạo Kim Phát ngày nay là người di cư từ giáo phận Phát Diệm. Các tập tục sinh hoạt truyền thống được gìn giữ, dù theo dòng thời gian có thể có những thay đổi, thêm bớt cho phù hợp. Riêng cá nhân tôi cảm nhận ngắm không quá khó, nếu như có lòng yêu mến. Nghe qua vài lần, học và thực hành nhiều thì sẽ ngắm được. Chưa nói đến việc ngắm hay, chỉ cần ngắm đúng thì không phải ai cũng ngắm tốt được vì cần có chất giọng nữa. Ngắm là hình thức giúp người tín hữu suy tư, tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa. Tham dự ngắm và nhất là được đại diện cộng đoàn ngắm, với tất cả tâm tình, có thể nghĩ về sự hy sinh, nỗi đau khổ của Chúa, để từ đó nhìn lại đời sống của mình, sửa đổi bản thân. Chính việc tham dự hoặc tham gia ngắm góp phần làm gia tăng đức tin, vun bồi lòng yêu mến Chúa cho những tín hữu Công giáo.
THI NGẮM
Bà Mai Thị Lân (Giáo xứ Chánh tòa, giáo phận Thanh Hóa): Có lẽ vì thấy hữu ích nên giáo xứ tôi từ lâu có tổ chức các lớp học ngắm. Có nhóm học từ 10 - 15 người, tùy theo số lượng đăng ký. Trước đây, khi dịch Covid-19 chưa hoành hành, vào mùa Chay, Tuần Thánh, các xứ đạo trong giáo phận còn tổ chức thi ngắm. Ðại diện các giáo xứ thi ngắm với nhau. Có ban tổ chức, ban giám khảo hẳn hoi. Bà con theo dõi xem đội nào ngắm hay, có giọng giàu cảm xúc, ngắm không bị vấp, không lỗi…, đánh động được người dự. Mục đích của các cuộc thi, có thể hiểu nhằm cổ võ và duy trì hình thức sinh hoạt đạo đức này.
Nhiều lần tham dự, tôi thấy có nhiều người vì quá nhập tâm, xúc động nên bật khóc, ngắm rất thống thiết. Ðể ngắm đúng và hay đòi hỏi phải tập, điều chỉnh giọng cho phù hợp, và quan trọng nhất là tập trung, cảm nghiệm, bản thân phải có lòng yêu mến Chúa dồi dào. Hằng năm, giáo xứ Chánh tòa chúng tôi đều tổ chức ngắm cách bài bản, trang trọng.
MỘT NÉT SINH HOẠT ÐỘC ÐÁO
Anh Lê Ðăng Khoa (Giáo xứ Bình Lộc, giáo phận Long Xuyên): Có thể nói ngắm là một việc đạo đức truyền thống tốt đẹp trong các cộng đoàn đức tin. Như thường lệ, giáo xứ tôi năm nào cũng tổ chức ngắm. Các giáo xứ Nam bộ gọi hình thức này là lễ Ðèn, vì sau khi ngẫm một sự thương khó, người ta sẽ tắt đi một ánh đèn được thắp sẵn ở giữa cung thánh. Ðối với tôi, là một người trẻ, việc tham dự lễ Ðèn đã trở thành thói quen. Dẫu thời gian có bận rộn đến đâu, tôi vẫn sắp xếp công việc để tham dự. Tôi nghĩ, tham dự lễ Ðèn còn là niềm khát khao với mình. Sự khát khao này không chỉ giúp tôi sống trong nét thực hành đức tin đậm chất văn hóa nhà đạo, mà còn khơi dậy tâm tình thống hối trong mùa Chay. Ước mong, những việc đạo đức truyền thống tốt đẹp như ngắm 15 sự Thương Khó của Chúa Giêsu vẫn được duy trì trong nếp sống đạo của người Công giáo Việt, nhất là với người trẻ.
Ngắm 15 sự Thương Khó của Chúa Giêsu là một trong những cách tưởng niệm cuộc Thương Khó, tên gọi của hình thức này khác nhau trong ba miền: “Ngắm đứng” ở miền Bắc, “ngắm lễ đèn” và “than kinh lễ đèn” ở miền Nam và miền Trung. Theo nhiều tài liệu, cha Ðắc Lộ được xem là người đã khai sinh ra “ngắm lễ đèn”. Ngài đã chia mầu nhiệm thương khó của Chúa Giêsu thành 15 đề tài chính, cứ sau khi đọc mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm. Sau mỗi lần như thế thì tắt một ngọn nến đang cháy sáng theo thứ tự lần lượt từ đoạn một đến đoạn thứ mười lăm. Ngắm có thể sử dụng theo cung điệu Passio, ca vọng cổ hoặc ngâm thơ tùy theo từng vùng miền. Mỗi đoạn thì giọng điệu ngân nga của người ngắm khác nhau và cố gắng diễn tả một cách sinh động sự thống khổ của Chúa Giêsu và truyền tải cho người nghe đầy đủ ý nghĩa để đi vào chiều sâu của tâm hồn. Qua đó mỗi người cảm nhận sâu sắc cuộc thương khó để liên kết một cách thiêng liêng với Ngài. |
Anh Nguyên (thực hiện)
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com