MÌNH MÁU THÁNH CHÚA CAO TRỌNG LẮM, BẠN
ƠI!
Lm.
GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Đại Lễ Mình Máu Thánh Chúa
đưa chúng ta đến với tình yêu vô biên và quyền năng của Thiên Chúa, qua chính
Ngôi Hai là Chúa Giê-su. Ngài đã mặc lấy xác phàm của con người để cứu độ chúng
ta. Như hạt lúa mì Ngài đã rơi xuống đất, chết đi để rồi biết bao sự sống mới
được mở ra. Đó là hy tế tuyệt vời của Chúa trên bàn thờ. Trước hy tế là món quà
cao trọng này, muôn người từ khắp nơi và trong mọi thời luôn thờ lạy và tôn
vinh, đặc biệt trong dịp mừng đại lễ Mình Máu Thánh Chúa.
Đại lễ Mình Máu Thánh Chúa và lòng thờ kính của muôn
người.
Đại Lễ Mình Máu Thánh Chúa được
mừng kính từ thế kỷ thứ 13. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được
thực thi, trong đó lễ Corpus Christi – Mình Máu Thánh Chúa, được mừng kính vào
ngày thứ năm sau Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi. Suốt hơn 8 thế kỷ trôi qua, cứ
đến ngày lễ kính Mình Thánh Chúa, khắp nơi, trong nhiều giáo xứ, người ta tổ chức
chầu lượt thờ lạy Chúa Thánh Thể và rước kiệu cách trọng thể Mình Máu Thánh
Chúa.
Ở miền Nam nước Đức có truyền
thống Rước Kiệu Thánh Thể Chúa thật long trọng, để tôn vinh Bí Tích cao trọng
này, như ở tại Munich. Lúc còn học triết học tại đó, mỗi lần đến ngày lễ Mình
Máu Thánh Chúa, chúng tôi cùng tham dự thánh lễ trọng thể ở quảng trường trung
tâm của thành phố. Sau đó là cuộc rước kiệu rất long trọng với mọi thành phần,
từ Đức Hồng Y đến các chú giúp lễ, rồi các tu sĩ linh mục và giáo dân cùng biết
bao nhiêu hội đoàn, cả nhóm cảnh sát ngồi trên lưng ngựa. Tất cả với sự nghiêm
trang và tâm tình thờ lạy Chúa Thánh Thể đều muốn diễn tả niềm tin thật đẹp, thật
sâu lắng và mạnh mẽ vào Bí Tích Cực Thánh, Bí Tích mà mỗi người Công Giáo đều
được chuẩn bị đón nhận, khi còn tuổi thiếu nhi.
Thánh Thể Chúa và thuở ấu thơ.
Nhớ lại thời thơ ấu, khi được
học giáo lý chuẩn bị cho việc rước lễ lần đầu, các đứa trẻ như chúng tôi hồi hộp
lắm. Ngoài việc phải học thuộc giáo lý và các lời kinh, các Sơ còn giúp cho
chúng tôi cảm nhận được sự cao trọng của Mình Máu Thánh Chúa, vì nơi bí tích
này tình yêu của Chúa Giê-su được biểu lộ cách rõ ràng và thật gần gũi nữa.
Chắc chắn chúng tôi chẳng hiểu
được những gì cao siêu, nhưng chỉ với Đức Tin đơn sơ, chúng tôi tin rằng, khi vị
linh mục đọc lời truyền phép, là lúc bánh và rượu được trở nên Mình Máu Thánh
Chúa. Giây phút này là giây phút quan trọng nhất trong Thánh Lễ, chúng tôi được
dạy phải chắp tay lại, không được lơ đễnh, không được ngủ gà ngủ gật, không được
nói chuyện với bạn bên cạnh. Chúng tôi, những đứa trẻ hiếu động, phải đi vào
tĩnh lặng ít nhất trong vài khoảnh khắc, để toàn bộ con người tập trung vào những
gì đang diễn ra trên bàn thờ, đôi mắt chăm chú hướng về bàn thờ với đôi tay chắp
lại thật nghiêm trang, để chiêm ngắm giây phút long trọng chuẩn bị xảy ra qua lời
truyền phép của vị Linh Mục.
Rồi tới khi được rước lễ lần
đầu tiên trong đời, cùng với các bạn, chúng tôi những đứa trẻ được mặc chiếc áo
trắng đẹp nhất, sạch nhất, và gia đình nào khá giả thì là áo mới nhất. Chúng
tôi chỉnh tề vào hàng ngũ và thật nghiêm trang bước lên các hàng ghế đầu trong
nhà thờ.
Thánh Lễ bắt đầu, chúng tôi cố
gắng chuẩn bị tâm hồn, để đây là Thánh Lễ thánh thiện nhất, cao trọng nhất và
tuyệt vời nhất của đời mình. Bao nhiêu hiếu động thích đùa, thích nói của tuổi
thơ được “cất vào ngăn tủ”, ít là trong vòng hơn một tiếng đồng hồ. Đến giây
phút được rước Mình Máu Thánh Chúa, các Sơ sắp xếp hàng lối của chúng tôi đâu
ra đấy và lần lượt từng đứa trẻ được đón nhận qua môi miệng tấm bánh Thánh là
Mình Chúa được thấm chút rượu nho là Máu Chúa. Ôi hồi hộp và đẹp biết bao nhiêu
giây phút cao trọng mà tuổi thơ được trải nghiệm. Rồi thật nghiêm trang về lại
chỗ. Không được ngồi, mà quỳ xuống ngay, mắt nhắm lại, tay chắp lại và rồi miệng
nhấp nháy lời kinh các Sơ đã dạy để cám ơn Chúa Thánh Thể.
Cộng với trải nghiệm trên,
chúng tôi nhớ lại một tinh thần đạo đức rất tuyệt trong giáo xứ. Đó là ngày chầu
lượt. Vẫn còn nhớ những ngày chầu lượt, nhà thờ mở cửa từ sáng sớm đến chiều tối.
Mọi hội đoàn và mọi người trong giáo xứ được mời gọi dành thời gian trong ngày
đến chầu Chúa Thánh Thể. Khung cảnh nhà thờ và cả ngoài khuôn viên nhà thờ trở nên
sống động hơn mọi ngày. Đó là ngày mà muôn người trong giáo xứ “trẩy hội Đền Thờ”
rất đẹp! Vẫn nhớ đến người Mẹ yêu thương. Trong ngày chầu lượt, Mẹ lo lắng chuẩn
bị bữa ăn đơn sơ, để gia đình dành thời gian nhiều cho Chúa. Mẹ cũng luôn nhắc
nhở chúng tôi dành thời gian đến chầu Chúa Thánh Thể. Người người trẩy hổi, nhà
nhà trẩy hổi và cả giáo xứ chúng tôi trẩy hội Đền Thờ để thờ lạy Đấng Yêu
Thương, Đấng trao ban chính Mình và Máu Thánh của Ngài để nuôi sống linh hồn
chúng tôi.
Các trải nghiệm tuổi thơ đó
đã diễn tả sống động sự cao trọng của Mình Máu Thánh Chúa trong đời sống Ki-tô
hữu. Từ ngày đó, Mình Máu Thánh Chúa “đồng hành” với cuộc đời của người tín hữu
cho đến giây phút cuối đời. Nói khác đi, Mình Máu Thánh Chúa trở nên lương thực
thiêng liêng cao quý nhất đối với đời sống đức tin của người Ki-tô hữu, nhất là
khi họ rơi vào trong những hoàn cảnh sống không được đón nhận của ăn thiêng
liêng này cách thường xuyên.
Thánh Thể Chúa trong vòng xoay lịch sử.
Khi đến tuổi trưởng thành,
chúng tôi cảm nhận được lời mời gọi của Chúa bước vào đời sống dâng hiến. Trong
bối cảnh xã hội khá tế nhị lúc đó, chúng tôi những thanh niên chập chững đi tìm
hiểu ơn gọi dâng hiến ở chủng viện Sài-gòn, được cha linh hướng chủng viện mời
gọi bước vào thời gian “tôi luyện”. Chúng tôi được gởi tới sống trong một nông
trường và chung đụng với mọi thanh niên thuộc đủ mọi thành phần.
25 anh em chúng tôi bước vào
môi trường này, chúng tôi sống ở các nhà khác nhau thuộc nông trường. Ban ngày
vất vả ra cánh đồng 09 tiếng và làm việc dưới cái nắng gắt từ 35 độ đến 40 độ.
Chúng tôi trồng, chăm sóc cùng thu hoạch trái Dứa, cây Mía, cây Bạch Đàn cùng mọi
việc khác. Lao động trên cánh đồng nắng nôi suốt ngày vất vả, cộng vào đó thức
ăn và nước uống rất thiếu thốn. Có những ngày chúng tôi chỉ ăn cơm với “thịt cọp
– đó là muối ớt”, hay “sang hơn” là chút xì-dầu. Có ngày thì mỗi đứa được miếng
thịt Trâu “dai như đỉa”, cắn không đứt, chỉ có mút để lấy chút “mặn” cho bữa
cơm trưa.
Nước uống là nước mưa là
chính. Vào mùa hè nóng bức, nước mưa cạn dần. Nhóm thanh niên ăn xong xếp hàng
để uống nước từ một hồ chứa nước mưa. Vẫn nhớ hình ảnh, có ngày nước trong bể
đã gần cạn, thêm vào là rác và mọi thứ nằm ở dưới đáy hồ. Sau bữa ăn trưa, từng
đứa chú tâm cúi sâu vào trong hồ múc ly nước mưa để uống, nhưng khi múc cần phải
cẩn trọng, để không làm cho nước bị khuấy động và rác rưởi trồi lên làm đục nước.
Nếu không, người anh em sau mình sẽ la lối, vì nước đã bị rác làm đục. Thê thảm
hơn, có ngày nước mưa trong bể hết. Đi làm ở ngoài đồng giữa trời nắng oi bức,
mỗi nhóm cần phải có khoảng từ 10 đến 15 lít nước đưa theo để giải khát. Lấy nước
ở đâu?
Tại chỗ chúng tôi ở, ngay cửa
ra vào, có một container ngày xưa đựng xăng dầu, giờ đã rỉ sét. Trên container
nắp đậy đã mở sẵn, nhờ thế mà nước mưa “rơi vào” trong mùa mưa. Chúng tôi “chui
vào” container và kín 10 lít nước vào bình nhựa đem ra cánh đồng. Nhưng ôi
thôi, nước từ container rỉ sét, nên có màu nâu của sét. Dù vậy, bình nước màu
nâu của sét vẫn được nhóm chúng tôi thay phiên nhau “giải khát”, sau những nhát
cuốc bở hơi tai và mồ hôi ra như tắm.
Cuộc sống vất vả ở nông trường
với sự thiếu thốn cái ăn cái uống, nhưng nhóm chúng tôi gồm 25 thanh niên đang
tìm hiểu ơn gọi dâng hiến không bao giờ nản chí. Dù chúng tôi không có cơ hội
đi đến nhà thờ mỗi ngày, nhưng chúng tôi vẫn luôn nâng đỡ nhau trong các giây
phút “lén lút chia sẻ Lời Chúa và cùng cầu nguyện chung”. Đặc biệt, có những buổi
chiều tối chúng tôi âm thầm hẹn nhau, cùng “lén lút” đạp xe trên bờ đê đến nhà
của hai Thầy Dòng Tên gần đó. Trong ngôi nhà của hai Thầy chúng tôi sung sướng
được cử hành Phụng Vụ Lời Chúa và đặc biệt được hai Thầy cho đón nhận Thánh Thể
Chúa. Thật là một diễm phúc lớn lao. Cái thiếu của ăn nước uống cho thân xác được
bù đắp bởi lương thực thiêng liêng cao quý là chính Thánh Thể Chúa. Mỗi lần được
tham dự bàn tiệc cao quý đó, chúng tôi rất vui mừng. Còn ngày nào chúng tôi
không được đến rước Thánh Thể Chúa ở nhà hai Thầy, chúng tôi khuyến khích nhau
“rước lễ thiêng liêng”, để Chúa Giê-su Thánh Thể luôn hiện diện trong tâm hồn
và cuộc sống của chúng tôi trên cánh đồng với đá sỏi cùng nắng nôi gay gắt
này.
Có thể nói rằng, Thánh Thể
Chúa thật là lương thực cao quý nuôi sống và bổ dưỡng cùng thăng tiến đời sống
của chúng tôi, những thanh niên tìm hiểu ơn gọi dâng hiến. Đến nay hơn 30 năm
trôi qua, từ 25 anh em vào thời đó đi tìm ơn gọi dâng hiến, Thiên Chúa đã chọn
22 anh em chúng ta vào ơn gọi Linh Mục Tu Sĩ. Trong đó một anh em được Chúa
trao ban sứ mạng cao quý Giám Mục, và một số anh em đón nhận sứ mạng quan trọng
như Giám Đốc Chủng Viện, Giáo Sư Chủng Viện. Ngoài ra, một hai anh em sống đời
gia đình và một anh em qua đời ngay trong thời gian ở nông trường.
Thánh Thể Chúa đã đi vào giai
đoạn lịch sử khó khăn vất vả của chúng tôi là vậy đó. Ô cao quý thay Mình Thánh
Chúa, lương thực nuôi sống linh hồn chúng tôi và đời sống dâng hiến của chúng
tôi.
Từ một giai đoạn ngắn trong lịch
sử của đời chúng tôi, mời bạn cùng đọc lại lịch sử Giáo Hội. Chính Đức Thánh
Cha Phanxico nhắc nhớ rằng, chúng ta không thể quên con số lớn lao các Ki-tô hữu
trên toàn thế giới trong hai ngàn năm lịch sử, đã kháng cự tới chết để bênh vực
Thánh Thể, và biết bao nhiêu người cả ngày nay nữa liều mạng sống để tham
dự Thánh Lễ Chúa Nhật.
Vào năm 304 dưới thời hoàng đế
Diocleziano bắt đạo, có một nhóm Ki-tô hữu ở Bắc Phi đã bị bắt thình lình trong
khi họ đang cử hành Thánh Lễ trong một căn nhà. Trong cuộc hỏi cung quan tổng
tài Roma hỏi họ tại sao lại làm điều đó, khi biết nó bị cấm triệt để. Họ đã trả
lời: “Không có Chúa Nhật chúng tôi
không thể sống được, có nghĩa là nếu chúng tôi không thể cử hành Thánh Thể,
chúng tôi không thể sống, cuộc sống kitô của chúng tôi sẽ chết”.
Thật thế, Chúa Giêsu đã nói với
các môn đệ Ngài rằng: “Nếu anh em
không ăn thịt Con Người và không uống máu Người, anh em không có sự sống. Ai ăn
thịt Ta và uống Máu ta thì có sự sống vĩnh cửu và Ta sẽ cho người ấy sống lại
vào ngày sau hết” (Ga 6,53-54).
Các Ki-tô hữu Bắc Phi này
trong thời đầu tiên của Giáo Hội đã bị giết vì cử hành Thánh Thể. Họ đã làm chứng
rằng người ta có thể khước từ cuộc sống trần gian vì Thánh Thể, bởi vì Thánh Thể
trao ban cho chúng ta sự sống đời đời, bằng cách khiến cho chúng ta thông phần
vào chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết.
Một trải nghiệm khác trong
chiến tranh thế giới thứ hai: Cha Walter Ciszek bị bắt tại Nga. Ngài bị
giam trong tù hai mươi ba năm. Sau khi được thả, ngài viết cuốn sách nhan
đề là Người đã dẫn dắt tôi (He Leadeth Me). Trong đó có hàng sau: “Chúng tôi đã
dâng Thánh lễ trong những kho chứa đồ, hoặc tụm lại giữa chỗ bùn lầy hoặc tuyết
tan của một góc nền nhà sắp xây… Vậy mà trong những hoàn cảnh thô sơ ấy,
Thánh lễ đã đưa chúng tôi đến gần Chúa hơn là người ta tưởng.”
Cha Walter đã diễn tả một cộng
đoàn tù nhân Công Giáo bé nhỏ thường bí mật tụ họp nhau mỗi khi có thể để cử
hành Thánh Thể như vậy đó. Hơn nữa, vào thời đó, theo luật người Công Giáo
phải nhịn ăn uống từ sau nửa đêm để được rước lễ ngày hôm sau. Trong những
Thánh lễ bí mật này, cộng đoàn thường để dành Mình Thánh lại để đem cho những
tù nhân Công Giáo khác không thể tham dự. Cha Ciszek viết: “Đôi khi chúng tôi chỉ gặp được họ khi chúng
tôi trở về nhà giam vào buổi tối trước bữa ăn. Thế mà những người này vẫn
nhịn đói cả ngày và lao động liên tục mà không một miếng bỏ bụng từ tối hôm trước,
chỉ vì họ muốn được rước Thánh Thể. Vậy mới biết Bí tích Thánh Thể đối với
họ quý trọng dường nào.”
Qua những chứng tá trên cùng
trải nghiệm của trẻ thơ, tôi cảm nhận rằng, người Kitô hữu cần phải luôn tái
khám phá lại sự cao trọng của Mình Máu Thánh Chúa, để qua đó luôn sống một cách
tràn đầy hơn tương quan của mình với Thiên Chúa. Chính các thánh đã để lại cho
chúng ta những tâm tình rất tốt lành giúp ta khám phá sự cao trọng của Thánh Thể
Chúa.
Sự cao trọng của Thánh Thể Chúa đối với một số thánh
nhân.
Thật vậy, dù chúng ta có ý thức
và nhận ra sự cao trọng của Mình Máu Thánh Chúa hay không, thì giá trị đó vẫn
luôn bền vững. Trong thế kỷ thứ 4 thánh Gioan Kim Khẩu (Ioannes Chrysostomos 347-407) đã nói: “Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi
anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần
run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm
của ăn, bằng mọi cách, Ngài lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Ngài kết hợp
chúng ta với Ngài, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng
nhau như một thân mình và một xác vậy”.
Một số vị thánh khác gần với
thời đại của chúng ta nêu bật tầm mức quan trọng đặc biệt của Mình Máu Thánh
Chúa trong đời sống tâm linh và Đức Tin.
Đó là anh Charles
de Foucauld, mới được tôn phong hiển thánh vào ngày 15.5.2022. Thời
gian sống ẩn dật ở Na-da-rét và ở trong Sa mạc Sahara, anh Charles đã chọn hai
yếu tố nền tảng luôn nằm ở trung tâm cuộc đời Anh: Tin Mừng và Thánh Thể. Chúng
ta có thể đọc tâm tình của anh Charles trong cuốn “Ai có thể chống lại Thiên Chúa”: “Với lòng khiêm tốn sâu xa, tôi đọc Kinh Thánh, cùng với ước ao được đọc
sách ấy từ đầu đến cuối, chỉ vì Chúa, để nhận biết Ngài, yêu mến Ngài, phụng sự
Ngài cách tốt hơn; gia đình nghèo khó ở Nadaret, tôi sẽ đọc Sách Thánh thường
xuyên nhất trước nhà tạm linh thánh, vào lúc cuối ngày…khi mà, công việc kết
thúc, tôi chẳng còn việc nào khác để làm ngoài việc nghỉ ngơi bên chân Ngài, đồng
thời tôn thờ Ngài trong sự hồi tâm vào những giờ phút bình yên buổi tối.
Trong tương quan với Thánh Thể,
Charles de Foucauld không cư xử theo kiểu nhà thần học tìm cách phân tích Thánh
Thể là gì, nhưng Thánh Thể chính là tâm điểm của cuộc đời Anh. Kể từ ngày anh
được hoán cải, Thánh Thể đã được cụ thể hoá, đã làm cho cuộc gặp gỡ của Anh với
Chúa Giêsu trở nên sống động và thực tế. Mầu nhiệm Nhập Thể được tiếp tục trong
sự hiện diện của Thánh Thể Đức Kitô”.
Thật vậy, Nhà Tạm Thánh Thể
trở nên “đồng cỏ xanh tươi”, nơi anh được gặp gỡ Chúa, được nghỉ ngơi bồi dưỡng
và kín múc sự dịu ngọt và bình an sâu thẳm Chúa ban tặng, dù anh sống trong Sa
mạc hiu quạnh.
Trong Sa mạc Sahara, anh
Charles tiếp tục mối tương quan thân mật với Thánh Thể. Anh viết cho chị họ
Bondy: “Em không hề đau khổ chút nào vì sự
hiu quạnh nơi đây, nhưng em nhận thấy nó thật ngọt ngào; em có Thánh Thể, người
bạn tốt nhất để cùng nói chuyện ngày đêm”.
Thánh Thể là người bạn tốt nhất,
là hồng ân bất tận đối với anh Charles. Anh cũng tâm tình: “Này là Mình Thầy… Này là Máu Thầy (Mt
26,26-28)… Hồng ân bất tận ấy của Thánh Thể khiến chúng ta phải yêu mến một
Thiên Chúa hết sức tốt lành, hết sức gần gũi, hết mình ở cùng và ở trong chúng
ta, vẻ đẹp và sự hoàn hảo tối thượng ấy tự hiến cho chúng ta, đi vào trong
chúng ta, không cần phải giải thích, vì điều đó đã quá hiển nhiên…
Thánh Thể chính là Chúa Giêsu, là tất cả Chúa Giêsu!…
Trong Thánh Thể, Chúa ngự đó trọn vẹn, hoàn toàn sống động, là Giêsu-chí-ái của
con, cũng y hệt như khi xưa Chúa sống tại nhà của Thánh Gia ở Nazareth… Như khi
ở giữa các Tông đồ vậy. Cũng thế, Chúa đang ở đây, lạy Chúa-chí-ái và Tất Cả của
con!”
Đó là chị thánh Edith
Stein, Dòng Kín, từ một người vô thần, một nhà trí thức người Đức gốc
Do-thái, trở lại Công Giáo, đi tu Dòng Kín và phải đón nhận cái chết tử đạo bởi
Phát-xít Đức, chị đã diễn tả về Bí Tích Cực Trọng này như sau: “Thiên Chúa đã chuẩn bị Bữa Ăn cho tất cả mọi
người chúng ta. Như thế, chúng ta cũng cần phải chuẩn bị đón nhận. Bí Tích
Thánh Thể là nguồn mạch ân sủng lớn nhất, vì Chúa đã tự mình ngự trong đó. Việc
chuẩn bị cần được thực hiện thật tốt với lòng kính trọng Chúa, cụ thể với các
tâm tình: Cần xa tránh tội lỗi và tìm cách làm cho hậu quả do tội lỗi gây ra được
xóa bỏ; cần ‘trang sức’ trái tim mình với lòng sốt sắng đạo đức đẹp lòng Đấng Cứu
Rỗi, và tương hợp với tinh thần của các thiên thần và các thánh; cần ‘trang sức’
trái tim mình với các của lễ mà chính chúng ta đã được đón nhận từ Chúa. Cuộc sống
của chúng ta cần phải là sự chuẩn bị cho Bí Tích Thánh Thể, và Bí Tích Thánh Thể
cần trở nên sự chuẩn bị cho chính cuộc sống của chúng ta, để rồi lời tạ ơn của
chúng ta luôn là cuộc sống tràn đầy hương thơm của Thánh Thể.
Chúng ta cần tưởng nhớ đến sự sống và sự chết của Chúa
Giê-su trong Của Lễ Hiến Dâng Thánh Thiện này. Nhưng không chỉ là một sự tưởng
nhớ mà thôi. Sự đau khổ của Chúa Ki-tô cần hiện diện và ảnh hưởng luôn mãi
trong Của Lễ Hiến Dâng Thánh Thiện này. Sự đau khổ của Chúa Ki-tô sẽ đưa lại
hoa quả tốt lành cho chúng ta, nếu chúng ta để cho sự đau khổ đó ảnh hưởng trên
chúng ta, và giúp chúng ta trở nên của lễ hiến dâng mà chúng ta tự mình dâng
lên Thiên Chúa với chức tư tế của chúng ta”.
Ngoài ra, chị thánh Edith Stein còn diễn tả tâm tình thờ lạy và tôn vinh Chúa Thánh Thể trong Nhà Tạm như là ngôi tòa cao sang. Dưới đây là một vài câu trong bài thơ với tựa đề “Ta ở với các con…” được viết vào dịp đại lễ Mình Máu Thánh Chúa, ngày 16.6.1938:
“Lạy Chúa, đó là ngôi tòa của Chúa trên trái đất này,
Chúa đã dựng ngôi tòa này để con được chiêm ngắm Chúa,
và Chúa thật vui thích khi nhìn thấy con ở gần bên
Chúa.
Với tình yêu dịu hiền Chúa hướng nhìn đến con,
Chúa ghé tai của Chúa gần bên con,
để lắng nghe lời thầm thì của con,
và Chúa đổ đầy bình an vào trái tim con.
Thật vậy, tình yêu của Chúa không bao giờ ngơi nghỉ.
Trong tình yêu luôn cháy bỏng,
Chúa không để cho sự chia cách xảy đến.
Trái tim Chúa luôn khao khát hơn nữa.
Mỗi buổi sáng, như lương thực buổi sớm Chúa đến với
con,
Mình và Máu Chúa trở nên của ăn và của uống cho con.
Ôi, điều tuyệt vời xảy đến và ảnh hưởng trên con.
Mình Thánh Chúa đã thấm nhập cách nhiệm mầu vào thân
xác con,
linh hồn Chúa kết hiệp nên một với linh hồn con.
Con không là con như trước đây nữa rồi.
Chúa đến và rồi Chúa đi, nhưng hạt giống ở lại.
Từ hạt giống này Chúa sẽ gặt được vinh quang cho Chúa,
hạt giống ẩn mình trong thân xác từ bụi tro của
con”.
Đó là Mẹ
Tê-rê-sa Can-cút-ta. Với Mẹ Mình Máu Thánh Chúa là điều cao trọng và nền
tảng trong đời Mẹ, cũng như trong linh đạo của các cộng đoàn và hiệp hội truyền
giáo khác nhau do mẹ thành lập. Mẹ nói: “Bởi đâu chúng ta được niềm vui yêu mến? Bởi Thánh Thể, bởi sự hiệp
thông. Chúa Giêsu muốn trở nên bánh để ban cho chúng ta sự sống. Ngày và đêm,
Người hiện diện ở đó. Trong các cộng đồng chị em chúng tôi, mỗi ngày chúng tôi
cầu nguyện một giờ trước Thánh Thể. Và từ khi chúng tôi bắt đầu cầu nguyện như
thế, tình yêu của chúng tôi đối với Chúa Giêsu trở nên thân mật hơn, tình yêu
huynh đệ trở nên thông cảm hơn, và tình yêu đối với người nghèo khổ trở nên cảm
thương hơn”.
Mẹ Tê-rê-sa cũng nhắm đến thập
giá và nhà tạm, như hai biểu tượng cụ thể cho tình yêu Thiên Chúa đối với nhân
loại: “Khi nhìn lên thập giá, chúng
ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến thế nào. Và khi nhìn lên
nhà tạm, chúng ta biết rằng Người vẫn ở đó để yêu thương chúng ta như thế nào”.
Đó là cha Phê-rô Arrupe,
nguyên tổng quyền Dòng Tên và hiện nay ngài đang được Giáo Hội xét phong thánh.
Trong cuốn sách nhỏ của ngài với tựa đề “Thánh Thể trong đời tôi”, cha Arrupe kể
lại kinh nghiệm sau: “Tôi xin kể lại kinh nghiệm riêng về Thánh Thể. Kinh nghiệm
này cho tôi nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng đã dẫn dắt tôi và tiếp tục
dẫn dắt tôi trong đời. Ngay lúc này, tôi tin chắc các bạn cũng đã có kinh nghiệm
về cách thức Thiên Chúa dẫn dắt các bạn trong cuộc sống.
Kinh nghiệm đầu tiên của tôi
về Thánh Thể liên quan đến ơn gọi vào Dòng Tên của tôi. Tôi đã chứng kiến một
phép lạ xảy ra ở Lộ Đức đang khi rước kiệu Thánh Thể. Mùa hè năm đó, tôi ở Lộ Đức.
Vì cha tôi mới chết vài tuần trước đó, tôi và gia đình tôi muốn nghỉ hè ở một
nơi yên tĩnh, thinh lặng và thiêng liêng.
Vì là sinh viên y khoa, nên
tôi được phép đặc biệt để tiếp cận và nghiên cứu các bệnh nhân đến đây xin ơn
lành bệnh. Một ngày kia, khi tôi đang ở trong sân Thánh Đường cùng với mấy người
chị, trước cuộc rước kiệu Thánh Thể vài phút, một người phụ nữ trung niên đã đẩy
một chiếc xe lăn đi ngang qua trước mặt chúng tôi. Một chị của tôi liền kêu
lên: “Nhìn người thanh niên đáng thương ngồi trên chiếc xe lăn kìa!” Đó là một
thanh niên độ 20 tuổi, thân thể dị dạng vì những cơn co giật của chứng bại liệt.
Mẹ cậu lần hạt lớn tiếng, và thỉnh thoảng lại than thở: “Lạy Thánh Nữ Đồng
Trinh Maria, xin cứu giúp con cùng”.
Thật là một cảnh tượng đầy
xúc động, gợi lại cảnh những người mắc bệnh phong van xin Chúa Giêsu: “Lạy Thầy,
xin cho tôi được lành sạch!” Bà vội vàng giành lấy một chỗ giữa đám người đang
chờ Đức Giám Mục mang Mặt Nhật Thánh Thể đi ngang qua. Khi Đức Giám Mục nâng
Thánh Thể chúc lành cho người bệnh nhân trẻ, cậu ngắm nhìn Thánh Thể với một niềm
tin đã từng ánh lên trong cái nhìn của người bại liệt trong Tin Mừng.
Đang khi Đức Giám Mục nâng Mặt
Nhật Thánh Thể lên, người thanh niên đột nhiên đứng dậy và ra khỏi xe lăn,
trong khi mọi người reo lên vui mừng: “Phép lạ! Phép lạ!”. Anh ta được chữa
lành hoàn toàn.
Tôi được phép dự những cuộc
khám nghiệm cùng với các bác sĩ liền sau đó. Quả thật, Thiên Chúa đã chữa người
thanh niên lành bệnh. Tôi là sinh viên thuộc khoa y thành phố Madrid (Tây Ban
Nha). Nơi ấy có biết bao giáo sư và sinh viên không tin vào Chúa. Họ thường chế
nhạo các phép lạ, trong khi tôi lại là chứng nhân tận mắt một phép lạ thực sự.
Phép lạ Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thể thực hiện vì chính người đã từng chữa
biết bao người tàn tật và bệnh nhân. Tôi cảm thấy vui mừng khôn tả: tôi có cảm
tưởng mình đang ở gần Chúa Giêsu; khi nghĩ đến sức mạnh toàn năng của Ngài, thế
giới xung quanh bắt đầu trở nên hết sức nhỏ bé đối với tôi.
Tôi trở về Madrid, sách vở để
qua một bên. Những bài học, những kinh nghiệm từng làm tôi vui thích, dường như
trở nên vô nghĩa đối với tôi. Các bạn tôi hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra với cậu vậy?
Trông cậu phờ phạc quá!…” Đúng là tôi phờ phạc. Cái kỷ niệm ấy đã làm cho tôi
phải sửng sốt. Hình ảnh của Bánh Thánh và người thanh niên bất toại bật dậy khỏi
chiếc xe lăn đã in sâu vào tâm trí tôi và đã biến đổi tôi. Ba tháng sau đó, tôi
xin vào tập viện Dòng Tên ở Loyola”.
Đó là Đấng Đáng Kính, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Trong bài giảng tĩnh tâm dành cho giáo triều Roma năm 2000, ngài đã kể lại về
kinh nghiệm dâng Thánh Lễ trong lao tù, qua đó ta nhận ra được rằng: Thánh Thể
là trung tâm đời sống của ngài. Đức Hồng Y viết:
Năm 1975, khi bắt đầu ở tù,
tôi âu lo tự hỏi: “Tôi có thể dâng lễ được nữa hay không?” Đó cũng là câu hỏi
mà về sau các tín hữu đã hỏi tôi. Vừa khi thấy tôi, họ hỏi: “Trong tù Đức Cha
có làm lễ không?”
Trong lúc thiếu thốn mọi sự,
Thánh Thể là điều chúng ta nghĩ đến trước nhất: đó là Bánh hằng sống. “Ai ăn
bánh này thì sẽ được sống đời đời, và bánh Ta ban chính là thịt Ta để cho thế
gian được sống” (Ga 6, 51).
Biết bao nhiêu lần tôi đã nhớ
đến câu nói của các vị tử đạo ở Abitene (thế kỷ thứ IV): “Sine Domonico non
possumus! – Chúng tôi không thể sống mà không cử hành Thánh Lễ” (Cf Giovanni
Paolo II, Dies Domini, n. 46).
Trong mọi thời đại, nhất là
trong thời kỳ bách hại, các Kitô hữu sống bí quyết Thánh Thể: là lương thực của
các chứng nhân, là bánh hy vọng.
Eusebio thành Cêsarêa nhắc nhở
rằng các Kitô hữu đã không bỏ qua việc cử hành Thánh Lễ ngay cả giữa những cuộc
bách hại: “Mỗi nơi chịu khổ hình đều trở thành nơi cử hành Thánh Lễ cho chúng
tôi.. dù đó là một cánh đồng, một sa mạc, một con tàu, một quán trọ hay một nhà
tù…” (Historia ecclesiastica VII, 22, 4: PG 20, 678-688). Tử Đạo Thư của thế kỷ
20 cũng đầy những trình thuật về các buổi cử hành Thánh Lễ bí mật trong các trại
tập trung. Bởi vì không có Thánh Thể, chúng ta không thể có sức sống của Thiên
Chúa!…
Trở lại kinh nghiệm của tôi.
Khi bị bắt, tôi phải ra đi tay không, đi ngay lập tức. Ngày hôm sau, tôi được
phép viết cho những người thân để xin những thứ cần thiết nhất như quần áo, kem
đánh răng… Tôi viết: “Xin vui lòng gửi cho tôi một chút rượu thuốc để chữa bệnh
đường ruột”. Các tín hữu hiểu ngay. Họ gửi cho tôi một chai nhỏ đựng rượu lễ,
bên ngoài có ghi: “Thuốc chữa bệnh đường ruột”, còn bánh lễ thì họ giấu trong một
ống nhỏ chống ẩm thấp.
Giám thị hỏi tôi:
– Ông bị bệnh đường ruột?
– Phải. Tôi
trả lời.
– Đây, có ít thuốc cho ông đây.
Tôi không bao giờ có thể diễn
tả hết niềm vui lớn lao của tôi: mỗi ngày, với ba giọt rượu và một giọt nước
trên lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ. Và đó cũng là bàn thờ, là nhà thờ
chính toà của tôi! Đó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân xác tôi:
“thuốc trường sinh bất tử, thuốc giải độc để khỏi chết, nhưng luôn được sự sống
trong Chúa Giêsu”, như thánh Ignatio thành Antiokia đã nói (Ad Eph. 20,2:
Patres Apostolici, I, Ed. F. X. Funk, pp. 230 – 231).
Mỗi lần như thế tôi được dịp
giang tay và đóng đinh mình vào thập giá với Chúa Giêsu và cùng với Ngài uống
chén đau khổ nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép, với tất cả tâm hồn, tôi
làm lại một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, hoà lẫn
Máu Ngài với máu của tôi. Đó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi!…
Thế là, trong nhà tù, tôi cảm
thấy chính trái tim của Chúa Kitô đập trong tim tôi. Tôi cảm thấy rằng cuộc sống
của tôi là cuộc sống của Ngài, và cuộc sống của Ngài là cuộc sống của tôi.
Thánh Lễ trở thành một sự hiện
diện âm thầm và đầy khích lệ cho tôi và các Kitô hữu khác giữa đủ mọi khó khăn.
Chúa Giêsu Thánh Thể được các bạn tù Công Giáo thờ phượng một cách kín đáo, như
bao nhiêu lần đã xảy ra trong các trại tù của thế kỷ XX…
Chúa Giêsu đã trở thành “người
bạn đường đích thực của chúng ta trong Bí tích Thánh Thể” như thánh nữ Têrêsa
Avila đã nói (Libro de la Vida, cap. 22, n.6)”.
Còn đối với vị Cha Chung của
chúng ta, Đức Thánh Cha Phanxico,
ngài luôn dành chỗ đặc biệt cho Mình Máu Thánh Chúa, ngài đã nhắc nhớ chúng ta: “Thánh Thể là một biến cố tuyệt diệu trong
đó Chúa Giêsu Kitô, sự sống của chúng ta, hiện diện. Tham dự Thánh Lễ “là sống
một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa. Đó là một sự hiển
linh: Chúa hiện diện trên bàn thờ để được hiến dâng cho Thiên Chúa Cha cho
ơn cứu độ của thế giới” (Bài giảng Thánh Lễ, Nhà trọ Thánh Marta, 10-2-2014).
Chúa ở đó với chúng ta, Ngài hiện diện. Nhưng biết bao lần chúng ta đến đó,
chúng ta nhìn các sự việc, chúng ta nói chuyện bép xép với nhau, trong khi linh
mục cử hành Thánh Thể… Nhưng chúng ta không cử hành gần Ngài. Nhưng đó là
Chúa!”.
Tất cả những tâm tình thiêng
liêng cùng trải nghiệm sống kết hiệp và thờ lạy Thánh Thể Chúa của các thánh
nhân như là một nhắc nhớ cho bạn và cho tôi hôm nay: “Thánh Thể Chúa cao trọng
lắm đó, Bạn ơi!”.
Chúng ta cùng chạy đến với
Chúa Thánh Thể khi nào có thể, để kết hiệp với Ngài, để đón nhận tình yêu cao
quý của Chúa ban và để nghỉ ngơi bên Ngài cùng kín múc nguồn năng lực thiêng
liêng cho đời sống nhiều lo toan vất vả của chúng ta.
Thay cho lời kết.
Thay cho lời kết chúng ta
cùng đọc suy tư của thánh tiến sĩ Tôma Aquino được Giáo Hội đưa vào giờ kinh
Sách của lễ Mình Máu Thánh Chúa: “Cao quý và lạ lùng thay bữa tiệc của Chúa, bữa
tiệc mang lại ơn cứu độ và đầy dịu ngọt !
Quả thật, còn gì quý giá hơn
bữa tiệc ấy ? Ở đó không phải là thịt bê thịt dê như trong luật cũ nữa, mà là
chính Đức Ki-tô, Thiên Chúa thật, được dọn ra cho chúng ta rước lấy. Còn gì kỳ
diệu hơn bí tích này?
Cũng không có bí tích nào đem
lại lợi ích dồi dào hơn, vì nhờ bí tích này, tội lỗi được tẩy sạch, nhân đức được
gia tăng, và tâm hồn được chan chứa mọi ân huệ thiêng liêng. Bí tích này được
tiến dâng trong Hội Thánh để cầu cho kẻ sống và kẻ chết, hầu sinh ích cho mọi
người, vì đã được lập ra cho mọi người được ơn cứu độ.
Cuối cùng, không ai đủ sức diễn
tả sự ngọt ngào của bí tích ấy, dù đã cảm nếm được sự dịu dàng thiêng liêng
ngay tại nguồn mạch. Tình yêu bao la tuyệt vời mà Đức Ki-tô đã tỏ ra trong cuộc
Thương Khó của Người lại được kính nhớ trong bí tích này.
Vậy, để ghi khắc sâu hơn tình
yêu bao la ấy vào lòng các tín hữu, thì trong bữa ăn tối cuối cùng, sau khi mừng
lễ Vượt Qua với các môn đệ, lúc sắp qua khỏi thế gian này mà về cùng Chúa Cha,
Đức Ki-tô đã lập bí tích này để làm kỷ vật muôn đời ghi nhớ cuộc Thương Khó của
Người, để hoàn tất những hình ảnh xưa tiên báo; đó là phép lạ lớn nhất trong
các phép lạ Người làm; đồng thời Người đã lưu lại niềm an ủi đặc biệt cho những
kẻ buồn phiền vì Người vắng bóng”.
Tiếp với suy tư trên của
thánh nhân, ta cùng kết với bài thánh thi Kinh Chiều Pange lingua gloriosi cũng do thánh Tôma sáng tác:
“Nào ca hát để họp mừng mầu
nhiệm
Vua muôn dân đã hiến trót
thân mình,
Dâng máu đào làm lễ tế hy
sinh,
Làm giá chuộc muôn người trên
thế giới.
Người tự hiến cho ta nên chẳng
ngại
Sinh làm con Đức Trinh Nữ vẹn
toàn,
Trót cuộc đời gieo chân lý
Phúc Âm
Và kết thúc bằng điềm thiêng
kỳ diệu.
Đêm dự bữa tiệc ly cùng bạn hữu,
Khi đã dùng thực phẩm luật
truyền xưa,
Người trao tay cho tất cả môn
đồ
Mình Máu Thánh làm thần lương
mỹ vị.
Câu tuyên phán của Ngôi Lời
nhập thể
Đã làm cho bánh thật nên Mình
Người,
Rượu nho thành bao giọt máu hồng
tươi,
Mắt chẳng thấy nhưng lòng tin
vững mạnh.
Ôi bí tích thật cao vời khôn
sánh,
Ta bái thờ Chúa đang ngự nơi
đây,
Nghi lễ xưa đâu sánh bí tích
này,
Niềm tin thế cho giác quan cảm
nghiệm.
Lòng hớn hở, cùng tán dương
trìu mến
Cha uy quyền và Con Một từ
nhân,
Cùng tôn vinh ca ngợi Chúa
Thánh Thần,
Xin chúc tụng Ba Ngôi ngàn
muôn thuở”. Amen
Nguồn: dongten.net (14.06.2022)
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com