Khi mừng lễ Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa, chúng ta thường hình dung hình ảnh Đức Mẹ tay cầm vương trượng, đầu đội triều thiên và ngự giữa muôn triều thần thánh..., mà ít ai nhớ đến hình ảnh của Mẹ Maria - một người phụ nữ bình thường, dung dị như bao người bình thường khác - nơi thôn làng Nadarét.
Lời Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên: “Khi các mục đồng đến nơi, họ gặp bà Đức Maria, ông Giuse và Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 16). Quả là một cảnh sống thật trái ngược với những gì mà chúng ta vẫn tưởng tượng. Đáng lý ra, một vị Cứu Tinh phải được sinh ra nơi cung điện đền vua với quần thần hầu cận. Và đương nhiên người mẹ của vị vua đó cũng phải được các cung nữ hầu cận, nhưng đàng này, Vị Cứu Tinh lại được sinh ra nơi hang đá nghèo hèn, trong một đêm đông giá lạnh, còn bên cạnh “mẫu hậu Maria” chỉ có ông Giuse - người bạn trăm năm của Mẹ và con trẻ Giêsu.
Chắc hẳn, khi lựa chọn bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 2, 16 – 21) vào thánh lễ hôm nay, Giáo Hội không muốn chúng ta nhìn Đức Mẹ như một bà hoàng, bà chúa, cho bằng, có ý giới thiệu cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn hơn về con người và tước hiệu cao quý mà Mẹ đã lãnh nhận.
Là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ là mẫu gương cho chúng ta trong đức tin
Từ lời xin vâng của Mẹ, một kỷ nguyên mới được mở ra: Thiên Chúa đã đi vào giữa lòng nhân loại; Ngôi Hai đã nhập thể nơi cung lòng của Mẹ... Thế nhưng, cũng từ khi nói lời xin vâng đó, Mẹ bắt đầu đón nhận biết bao nhiêu thử thách, gian nan. Gian nan khi không tìm được chỗ trong quán trọ, mặc dù đã đến ngày sinh; gian nan khi đang đêm phải cùng thánh Giuse và con trẻ trốn sang Ai-cập, vì người ta đang lùng để giết Hài Nhi Giêsu; gian nan khi bị lạc mất con trong đền thờ 3 ngày...; và nhất là khi đứng dưới chân thập giá để chứng kiến cái chết của người con một yêu dấu của mình. Thử hỏi, có người mẹ nào cầm lòng được, khi phải chứng kiến cảnh người ta hành hạ đứa con mình rứt ruột đẻ ra? Trong khi Mẹ Maria còn hơn cả một người Mẹ, thử hỏi, Mẹ không đau đớn sao được!
Là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Mẹ cũng là người rất mực khiêm hạ
Cũng như bao thiếu nữ Dothái khác, Mẹ biết rõ lời của ngôn sứ Isaia 7 thế kỷ trước đó loan báo về việc một người nữ sẽ sinh con và người con ấy được gọi là Đấng Emmanuel. Nhưng làm sao Mẹ có thể biết được, Mẹ lại chính là người phụ nữ diễm phúc đó. Thế nên, khi được Sứ Thần Gabriel truyền tin, Mẹ tỏ ra bối rối: “Việc đó xảy đến thế nào, vì tôi không biết đến người nam” (Lc...). Và khi được sứ thần giải thích, Mẹ đã cúi đầu xin vâng với tất cả sự khiêm nhường của một người “nữ tì của Thiên Chúa”.
Vì khiêm hạ, nên Mẹ đã chấp nhận sinh con nơi hang bò lừa, trong một điều kiện thiếu thốn về vật chất, mà đáng lý ra Mẹ có quyền đòi hỏi một sự sang trọng hơn thế, vì người con mà Mẹ sắp hạ sinh là Con Thiên Chúa! Thế nhưng, Tin Mừng đã không ghi lại một lời oán than nào của Mẹ.
Đức Maria khiêm hạ là vậy, trong khi ngày hôm nay, chỉ vì một chút danh dự, chỉ vì một chút lợi lộc, người ta sẵn sàng chà đạp nhân phẩm của người khác. Biết bao cuộc tranh giành quyền lực, biết bao cuộc chiến tranh đẫm máu diễn ra hàng ngày trên thế giới, biết bao những bất đồng trong gia đình, giữa những người xóm giềng, chỉ vì thiếu sự khiêm hạ.
Cùng với tâm hồn khiêm hạ, Mẹ là người đã quên mình để vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện. Mẹ đã cưu mang, che chở và nâng niu Chúa Hài Nhi. Mẹ đã nêu gương cho tất cả chúng ta hôm nay, hãy biết nâng niu những mầm sống, ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Thế nhưng, một thực tế phũ phàng là, ngày nay, người ta có thể chưng ra một ngàn lẻ một lý do để tự cho phép mình giết đi những mầm sống ngay từ khi còn trong bào thai. Việt Nam của chúng ta là quốc gia đứng nhất nhì trong bảng xếp hạng các quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng lại đứng đầu trong các quốc gia có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới. Phải chăng, cứ nghèo là người ta tự cho phép mình cái quyền giết các thai nhi ??? Ngày xưa, bạo chúa Hêrôđê ra lệnh giết tất cả các con trẻ tại Belem từ hai tuổi trở xuống, khiến cho cả thành không ngớt tiếng khóc than. Việc làm đó của ông bị muôn đời lên án. Ngày hôm nay, người ta sẵn sàng giết chính đứa con ruột của mình ngay từ trong bào thai, thì ai sẽ lên án đây, nếu không phải là Thiên Chúa, Đấng vô cùng công thẳng?
Là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ trở nên mẫu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực hành lời Chúa.
Thánh Luca kể lại, sau khi lắng nghe tất cả những lời mà các trẻ mục đồng nói về Hài Nhi Giêsu, Đức Maria đã giữ kín các sự việc ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng. Tại sao Mẹ lại phải “Suy đi nghĩ lại trong lòng”? Mẹ có thể biết trước tương lai không? Thưa, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Mẹ cũng là những con người như chúng ta. Đức tin của Mẹ vẫn phải được củng cố bằng việc “lắng nghe Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Nhiều người hôm nay than rằng: Tại sao con cầu nguyện mà Chúa chẳng nhận lời. Con đã cố gắng làm những điều thiện, nhưng chẳng thấy Chúa đoái trông. Thế nhưng, họ lại không biết rằng, những ơn lành Chúa ban cho rất nhiều, nhưng họ lại không nhận ra, bởi vì họ không biết “suy đi nghĩ lại trong lòng”, không biết đọc ra những sứ điệp của Chúa thông qua các dấu chỉ hằng ngày, mà chỉ đòi cho được những ơn huệ một cách tỏ tường.
Vậy đâu là thái độ cần có của chúng ta đối với Đức Mẹ?
Như lời trong sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo dạy chúng ta rằng: Tình cảm của chúng ta đối với Đức Mẹ không chỉ dừng lại ở thứ tình cảm ủy mị ướt át, mà là thái độ chiêm ngắm, và noi theo các nhân đức của Mẹ. Mừng lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa hôm nay, chúng ta cũng hãy bắt chước Mẹ, sống khiêm hạ, biết tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, biết quên mình để bảo vệ quyền lợi của Thiên Chúa, và sau cùng là thái độ lắng nghe và thực hành lời Chúa. Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ của Chúa Giêsu và là con yêu dấu của Mẹ.
Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên