Bài Phúc Âm theo thánh Gioan (Ga 8,1-11) thường được gọi là câu chuyện về “Người đàn bà ngoại tình”. Nhưng sứ điệp của câu chuyện là “Lòng Xót Thương biến đổi”.
Có 3 nhân vật trong bài Tin Mừng này:
Trước hết là người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Trong câu chuyện, trước biến cố này, thái độ của người phụ nữ là hoàn toàn thinh lặng khi luật sĩ biệt phái tố giác và kết án, nhưng đã cởi mở trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu (c.11). Theo lẽ thường tình, sự thinh lặng trước những tố cáo được coi là sự chấp nhận mình đã phạm tội. Ðến đây, sự thinh lặng có thể chỉ là thái độ cam chịu vì không thể chối cãi được. Thinh lặng trước những tố cáo, nhưng người phụ nữ lại trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu. Trả lời là mở lòng mình tiếp cận với người khác. Ở đây, người phụ nữ tiếp cận với Chúa Giêsu, và với thái độ chấp nhận mình phạm tội, nàng khiêm tốn đón nhận lòng xót thương tha thứ. Ðón nhận lòng xót thương với lòng sám hối, nàng để mình được biến đổi. “Thôi chị cứ về, và từ nay đừng phạm tội nữa” (c.11)
![]() |
Thứ đến là giới luật sĩ và biệt phái. Họ là một đám đông ồn ào tố cáo người phụ nữ với Chúa Giêsu. Họ dùng luật Môse để xét xử và kết án người phụ nữ (c.5). Họ tự hào mình là luật sĩ và biệt phái, cho mình có quyền dùng luật Môse để xét xử và kết án người khác. Hơn nữa, họ cũng dùng luật Môse áp dụng vào một thực tế để gài bẫy và tố cáo Chúa Giêsu (c.6). Trong thực tế, giới luật sĩ và biệt phái đã nhận ra sự nguy hại cho họ trong lập trường yêu thương của Chúa Giêsu. Lập trường này đe dọa địa vị và quyền lợi của họ. Vì lòng thù ghét và ghen tương, họ âm mưu tiêu diệt Chúa Giêsu. Trong trường hợp này, giới luật sĩ và biệt phái lấy mình làm tiêu chuẩn đạo đức, nên họ xét đoán và loại trừ người khác khi người khác không giống họ. Toa rập với nhà cầm quyền, và đút lót cho Giuda Iscariốt, họ đã đạt được mục tiêu là kết án tử hình cho Chúa Giêsu.
Cuối cùng là Chúa Giêsu. Khởi đầu Ngài thinh lặng và viết trên đất (c.6, 8). Theo William Barclay, Chúa Giêsu cúi xuống và viết trên đất là vì Ngài xấu hổ, Ngài dấu mặt đi. Xấu hổ vì nhìn thấy những khuôn mặt dâm dật của giới luật sĩ và biệt phái. Theo tâm lý tự nhiên, khi tố cáo ai về điều gì, thì chính mình đang có khuynh hướng về điều xấu đó. Chính vì thế, khi cần cất tiếng với những kẻ tố cáo, Ngài yêu cầu họ đối diện với lương tâm, phải nhìn lại chính mình trước khi kết án người khác: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (c. 7). Chúa cũng xấu hổ vì nhìn thấy sự bẽn lẽn của người đàn bà ngoại tình. Chúa đã gặp gỡ bà trong cái nhìn hổ thẹn này. Chính vì thế, khi cần phải lên tiếng với tội nhận, Ngài gây ý thức về tội và hệ quả của tội “Không ai lên án chị sao?”. Và Ngài bày tỏ lòng xót thương “Tôi không lên án chị đâu”. Quả thật, khi đối diện với tội nhân, chỉ mình Ngài là Ðấng có quyền ném đá tội nhân, vì Ngài là vô tội. Nhưng Ngài lại bày tỏ lòng xót thương, vì Ngài là hiện thân của Thiên Chúa Cha giàu lòng xót thương.
Kết quả là, người phụ nữ được biến đổi. Một truyền thống nói người đàn bà này là Maria Madalena, người được trừ khỏi bảy quỷ (Lc 8,2), và đã bảy tỏ tình yêu qua việc dùng nước mắt rửa chân Chúa, lấy tóc mình lau chân Chúa, xức dầu và hôn chân Chúa Giêsu (Lc 7, 37). Một truyền thống khác cho rằng đây là Maria làng Betania, em của Marta và Lazarô (Lc 10, 39), đã xức dầu thơm cho Chúa (Ga 12, 3). Có lẽ người đàn bà ngoại tình, Maria Madalena, và Maria làng Betania cùng là một người. Và cả 4 Phúc Âm đều nói đến Maria Madalena ở mộ Chúa như chứng nhân đầu tiên của sự Sống Lại, và như người loan báo Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên. Chính lòng xót thương của Chúa đã biến đổi từ một người tội lỗi trở thành một môn đệ thân thiết nhất của Chúa Giêsu: “Maria ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người”, và trở thành người loan báo Tin mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu: Bà Maria Macdala đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa” và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20, 18). Tình Yêu và lòng Sám Hối có quyền lực biến đổi bóng tối thành ánh sáng, biến đổi những tội nhân thành các thánh nhân (Lumen Gentium số 171).
Người phụ nữ phạm tội ngoại tình trong bài Tin Mừng hôm nay đã giới thiệu cho ta một cách sống đạo. Sống đạo không phải là thuận theo một giáo thuyết để thỏa mãn tò mò trí thức. Cũng không phải là thực hành một số công việc phượng tự để trấn an lương tâm. Lại càng không phải là tuân giữ luật lệ để tự hài lòng. Sống đạo theo bài Tin Mừng hôm nay là gặp gỡ một vị Thiên Chúa yêu thương và tha thứ. Ðây là một trải nghiệm thiêng liêng. Và theo Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, từ sự trải nghiệm thiêng liêng này, người môn đệ của Chúa Kitô được biến đổi để cùng với Chúa Kitô đi ra ngoại biên cuộc đời, ở đó ta xây dựng tình liên đới với anh chị em mình, nhất là những người đang bị loại trừ, và chính trong tình liên đới đó ta trở thành chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Ðể kết thúc, chúng ta cùng lắng nghe Ðức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót. Ðiều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau. Anh chị em hãy lên đường! Chúng ta đang sống trong thời đại của lòng thương xót, đây là thời đại của lòng thương xót”.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, và xin cho chúng con biết thương xót nhau.
Giám mục Giuse TRẦN VĂN TOẢN, GP Long Xuyên
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com