Mỗi bà mẹ đều mong chờ ngày con mình chào đời. Chín tháng của thai kỳ là thời gian chuẩn bị để “tìm hiểu con, tìm hiểu mọi thứ về con”. Và, trong cuộc sống bình thường, kỳ vọng đó được xây đắp cho đến thời gian con chào đời.
Thời gian lịch sử nhân loại chia làm hai phần: thời gian “Ante Christum - Trước Chúa Kitô” và “Anno Domini - Năm của Chúa”.
Tại sao Thiên Chúa trở thành con người? Bởi vì con người cần Thiên Chúa và Thiên Chúa yêu thương con người.
Thiên Chúa dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài. Bởi tội lỗi, con người tự do lựa chọn làm xấu đi hình ảnh đó. Con người tự do lựa chọn cắt đứt mình khỏi Thiên Chúa, tuyên bố một “quyền tự chủ” giả mạo chống lại Thiên Chúa.
Nhưng nếu Thiên Chúa là nguồn gốc của sự hiện hữu của chúng ta, thì việc chọn cách cắt đứt bản thân ra khỏi Thiên Chúa chỉ có thể dẫn đến một kết quả: không hiện hữu. Đó là lý do tại sao, khi Thiên Chúa cảnh báo Adam và Eva rằng tội lỗi của họ sẽ dẫn đến cái chết, thì đó không phải là một lời đe dọa độc đoán và chẳng đi đến đâu. Thậm chí, theo một nghĩa nào đó, đó không phải là một “hình phạt”. Đó là một sự thật đơn giản. Nếu ánh sáng cắt đứt kết nối của nó với nhà máy điện, “một chiếc đèn đường sẽ tắt”, không phải vì nhà máy điện đang “trừng phạt” nó mà vì bản thân nó không có đủ năng lượng để tiếp tục tỏa sáng.
Mọi thứ sụp đổ. Con người trốn tránh Thiên Chúa. Khi bị phát hiện, người đàn ông đổ lỗi cho người phụ nữ và người phụ nữ đổ lỗi cho con rắn. Thiên nhiên, mà con người có thể thống trị, bắt đầu nổi loạn. Công việc không hiệu quả, cơm bánh được làm ra bằng mồ hôi tuôn đầy trên trán.
Nhưng, ngay từ những trang đầu của Kinh thánh, Thiên Chúa đã nói rõ rằng tội lỗi và sự chết sẽ không có tiếng nói quyết định cuối cùng. Ngài đã hứa “người đàn bà và dòng giống người ấy” (Sáng thế ký 3:15) sẽ nghiền nát đầu của ma quỷ.
Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa đó vào lễ Giáng sinh. Thực ra, Ngài đã làm như vậy vào lễ Truyền tin.
“Và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết.... Nhiều lần Cha đã giao ước với loài người” (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 55). Cựu Ước đầy những manh mối. Đấng Mêsia sẽ xuất thân từ dòng dõi của Đavít, và Ngài sẽ tiếp tục mãi mãi: “Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi” (2 Samuel 7:13-16). Một trinh nữ sẽ thụ thai: “Này đây người thiếu nữ thụ thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7:14). Ngài sẽ đến từ Bêlem: “Phần ngươi, hỡi Bêlem...” (Mikha 5:2).
Thiên Chúa giữ Lời của Ngài. Ngài thậm chí còn ban Lời đó cho nhân loại (Ga 1:1-18).
Sự khiêm nhường của Mẹ Maria tiếp tục với Con của Mẹ. Mẹ Maria đã làm mọi thứ có thể để giúp đỡ bà Elisabeth, nhưng những điều kiện tối thiểu của con người đã không được dành cho Mẹ và đứa con của mẹ. “Không tìm được chỗ trong quán trọ” (Lc 2:7). Thiên Chúa vốn đã tạo ra vũ trụ nay bước vào thế giới đó trong máng ăn của một con vật trong một cái chuồng để nhốt những con vật đó.
Và rồi những điều tuyệt vời bắt đầu xảy ra.
Người chủ quán trọ có thể đã đóng cửa, nhưng những người chăn cừu vẫn xuất hiện. Họ không phải là những nhân vật được kính trọng đặc biệt ở Israel xưa kia: là những người du mục đi theo đàn cừu của mình, họ được coi là không gắn bó với một nơi nào, một phẩm chất rất được ưa chuộng trong giới đó. Chúng ta hãy xem coi liệu có thật sự là việc tốt lành không nếu Thánh Giuse nộp các tài liệu điều tra dân số của mình ở Nazareth, nơi cư trú của ngài, thay vì phải đến Bêlem, thành phố tổ tiên của ngài. Thiên Chúa đã không gửi các minh thần cherubim đến để cảnh báo Caesar, nhưng Ngài đã gửi các thiên thần - có lẽ cũng là những thiên thần đó, những thiên thần đã hát vang kể từ khi Mẹ Maria nói lời “Fiat!” vào tháng Ba trước đó – đến báo cho những người chăn cừu biết điều bí nhiệm. Sau đó, ba người nước ngoài kỳ lạ sẽ xuất hiện với những món quà cũng kỳ lạ không kém.
Sự khởi đầu của ơn cứu độ của chúng ta bắt đầu từ Lễ Giáng sinh. Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi Ngài không chỉ làm cho chúng ta điều mà chúng ta không thể tự làm cho mình - Ngài đã trở thành một người trong chúng ta. Giáo lý Công giáo, như Công đồng Chalcedon đã nói, rất rõ ràng: Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Không phải Thiên Chúa giả trang thành người nhưng là Thiên Chúa - người.
Thiên Chúa không làm điều này cho các thiên thần: sự sa ngã của họ là muôn đời. Thiên Chúa không để công trình sáng tạo “lệ thuộc vào sự chóng qua” hoặc đặt nó dưới một quyền thống trị khác. Thiên Chúa đã đến, và không chỉ để nâng con người dậy, vốn đã ngã không dậy được nữa, mà còn để ban cho con người một phẩm giá và khả năng thậm chí còn lớn hơn cả trước đây.
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3:16).
Chúng ta hãy dừng lại và suy nghĩ về thông điệp tuyệt vời của Kitô giáo: Thiên Chúa đã trở thành con người để con người có thể chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trở thành con người, không phải vì con người xứng đáng - con người thực ra chỉ đích đáng với sự thất bại của mình - nhưng là vì tình yêu, tình yêu được thể hiện ngay cả giữa sự nổi loạn của con người.
Nghịch lý thực sự đáng kinh ngạc là, khi đối mặt với những sự thật đó, vẫn có những người nói rằng: “Tôi không quan tâm”.
Mầu nhiệm này được thể hiện trong nghệ thuật của họa sĩ Sandro Botticelli, người Ý, thời kỳ đầu Phục hưng. Bức họa “Mystical Nativity - Giáng Sinh Nhiệm Mầu” được treo tại Phòng trưng bày Quốc gia, London.
Sandro Botticelli, “Mystic Nativity – Giáng Sinh Nhiệm Mầu”, 1500 (ảnh: Public Domain)
Tại sao lại là bức tranh này? Bởi vì nó mô tả chiều kích vũ trụ thực sự của những gì đã xảy ra vào lễ Giáng sinh đầu tiên. Hầu hết các bức tranh về Chúa giáng sinh chỉ cho thấy các diễn viên là con người và con vật, đôi khi có thêm một hoặc hai thiên thần để tạo hiệu ứng. Botticelli minh họa ý nghĩa vui tươi của ngày đó đối với toàn bộ trật tự được Thiên Chúa tạo dựng.
Sự hiện diện của thiên thần trong bức tranh này là vô cùng mênh mông. Điều đó hẳn nhắc nhở chúng ta rằng, trong khi chúng ta tuyên xưng đức tin của mình vào Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra “mọi vật hữu hình và vô hình”, đôi khi chúng ta quên mất “đám mây nhân chứng” vô hình (Hípri 12:1) chung quanh chúng ta. Sự gắn bó của chúng ta với những gì có thể trông thấy được khiến chúng ta bỏ qua “bức tranh lớn hơn”.
Trong bức tranh này, niềm vui của thiên thần tràn ngập. Mười hai thiên thần trên trời nhảy múa, tung vương miện của họ xuống. Ba thiên thần, ám chỉ đến Chúa Ba Ngôi, trên nóc máng cỏ. Thiên thần ở giữa đọc một cuốn sách, có lẽ là những lời tiên tri về những gì đang diễn ra. Các thiên thần cũng là người bảo vệ không chỉ của con người mà còn của những nơi chốn: các ngài có phải là thiên thần bảo vệ máng cỏ không?
Những thiên thần hộ mệnh khác hộ tống những người đàn ông từ bên phải và bên trái đến nơi đặt máng cỏ, chỉ cho họ biết điều gì đang xảy ra, đội cho họ vương miện bằng lá nguyệt quế, bởi vì Thiên Chúa đã tuyên bố chiến thắng của con người trước tội lỗi trong Chúa Kitô. Hai người bên phải là những người chăn chiên; ba người bên trái, trong trang phục xoàng xĩnh hơn, là các Đạo sĩ. Ở phía dưới bức tranh, ba cặp người - đàn ông và thiên thần - ôm nhau. Tình huynh đệ không chỉ là một thứ tạm thời, không chỉ thuộc thế gian này.
Tuy nhiên, để chúng ta không quên mất lý do tại sao sự ra đời này lại cần thiết trong kỷ nguyên của những cảm xúc tốt đẹp này, hãy lưu ý rằng dưới chân những người đàn ông và thiên thần ở dưới cùng, những con quỷ nhỏ đang chạy trốn tìm nơi ẩn náu, vì chúng biết rằng Satan đang trên bờ vực sụp đổ.
Ở trung tâm bức tranh, tất nhiên, chúng ta có ba nhân vật chính: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Các bậc cha mẹ này, giống như tất cả những bậc cha mẹ tốt lành, đang canh chừng. Cũng lưu ý rằng ở giữa chuồng vật có con bò và con lừa. Thế giới sự sống không phải con người cũng vui mừng vì Adam mới đang nằm trên rơm rạ sẽ thực hiện một quyền thống trị lớn hơn bao giờ hết, một “quyền thống trị vĩnh cửu”, so với Adam cũ. Con lừa, vì vai trò của nó trong việc làm cho đêm nay có thể xảy ra, chiếm một vị trí hàng đầu. Đằng sau cả hai con vật là thế giới tự nhiên rộng lớn hơn được mở ra, được mô tả bằng một khu rừng: tất cả công trình tạo dựng đều ở đây.
“Một Người Con đã sinh ra cho chúng ta.” Phải chăng mầu nhiệm Giáng Sinh là sự nghèo khó? Theo một nghĩa nào đó, thì đúng vậy. Tuy nhiên, theo một nghĩa khác, lễ Giáng sinh nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đã làm ra một người giàu có từ một người nghèo khó. Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta rằng hình ảnh của Ngài và sự giống như Ngài nơi chúng ta quý giá biết bao đối với Ngài, một sự thật mà chúng ta dễ dàng quên lãng. Và Ngài đã ban sự thật đó cho những lời hát trong ca khúc Giáng sinh hiện đại của Harry Belafonte, “Mary's Boy Child – Con trai của Mẹ Maria”:
“Tiếng kèn vang lên và các thiên thần hát vang
Hãy lắng nghe những thiên thần cất tiếng hát
Rằng con người sẽ được sống mãi mãi
Vì ngày Chúa Giáng trần.”
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: ncregister.com
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com