Một câu hỏi được đặt ra: Có phải Chúa Giêsu bị bắt vì Giuđa phản bội không?
Câu trả lời: Có thể không phải, mà cũng có thể là phải.
Việc phản bội của Giuđa được thực hiện bằng hành vi “chỉ điểm” với nụ hôn làm ám hiệu để quân lính bắt Chúa Giêsu. Trước đó chính Giuđa đã chủ động đến gặp giới lãnh đạo Do Thái để đặt vấn đề “trao nộp” thầy mình, đổi lại ông nhận được 30 đồng bạc. Xét một cách khách quan, hành vi “trao nộp” và “chỉ điểm” đó của Giuđa không thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Trước hết, Giuđa chỉ là một trong số mười hai tông đồ, ông không có đủ thế lực để bắt trói và “trao nộp” Chúa Giêsu theo đúng nghĩa của từ này. Còn về hành vi “chỉ điểm”, dù Giuđa không nhận làm việc này thì cũng chẳng có gì khó khăn để quân lính điều tra tìm hiểu ai là tên Giêsu trong nhóm người kia. Tóm lại, giả sử như Giuđa không phản bội thì Chúa Giêsu vẫn có thể bị bắt.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nói rằng Chúa Giêsu bị bắt vì Giuđa phản bội. Giới lãnh đạo Do Thái đã nhiều lần tìm cách bắt Chúa Giêsu nhưng họ chưa ra tay được vì sợ ảnh hưởng tới dân chúng là những người đang ủng hộ Chúa Giêsu. Bên cạnh nhóm Pharisêu, nhóm người theo Chúa Giêsu đã tạo nên một hiện tượng trong xã hội Do Thái thời bấy giờ. Những lời dạy và việc làm có uy quyền của Chúa Giêsu khiến nhiều người cảm phục và tin theo. Thật không dễ để giới lãnh đạo Do Thái ra tay bắt một nhân vật có tầm ảnh hưởng như thế. Thật ra họ không thể trực tiếp ra tay mà phải nhờ đến quân lính Rôma bắt Chúa Giêsu. Khác với giới lãnh đạo Do Thái, quân lính Rôma không có thù hằn trực tiếp với Chúa Giêsu, cho nên họ cũng không mặn mà lắm chuyện bắt Người. Đó là chưa kể đến việc Chúa Giêsu luôn được vây quanh bởi những người khỏe mạnh và không phải là không biết chiến đấu để bảo vệ thầy mình. Ngay cả một ngư phủ như Phêrô cũng sẵn sàng rút gươm chém đứt tai tên lính thì nói gì đến những người có “máu mặt” khác như Simon thuộc nhóm Nhiệt Thành. Nói chung, nếu quân lính muốn bắt Đức Giêsu thì cũng phải dè chừng những môn đệ của Người.
Chính trong bối cảnh như thế mà hành vi phản bội của Giuđa đã làm thay đổi cục diện. Dù còn dè dặt và lo sợ tầm ảnh hưởng Đức Giêsu nhưng khi những người lãnh đạo Do Thái khi nghe Giuđa đề xuất việc “trao nộp” thì họ có thêm tự tin để vạch kế hoạch câu kết bắt Người. Ngẫm mà xem, ngay cả người môn đệ thân tín của ông ta mà còn có ý định phản bội thì đâu cần phải sợ đám đông đi theo đằng xa kia. Đám đông đó chỉ đi theo hô hào “vạn tuế, vạn tuế” vậy thôi chứ nếu ông Giêsu mà bị bắt thì chắc là cũng chẳng có mấy ai dám đứng ra bênh vực đâu. Tương tự như thế, quân lính Rôma cũng không cần phải quá lo sợ những người đang ở bên cạnh Chúa Giêsu. Chúng biết một tên đã phản bội rồi thì suy ra có thể còn vài tên khác cũng chẳng dám chiến đấu bảo vệ thầy của họ đâu. Vâng, hành vi phản bội của Giuđa đúng là chẳng có gì quan trọng, tuy nhiên nó lại thực sự nghiêm trọng, vì ông ta là người môn đệ của Chúa Giêsu.
Khi suy ngẫm về vai trò của Giuđa trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta phản tỉnh về hậu quả của tội lỗi của mỗi cá nhân đối với Hội thánh Chúa. Xét về mức độ nghiêm trọng, cũng giống như hành vi “trao nộp” và “chỉ điểm” của Giuđa, những tội lỗi của mỗi người chúng ta thường không đủ sức khiến Giáo hội bị bách hại hay tàn phá. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh tương quan và liên đới, mỗi tội dù là nhỏ nhất của từng cá nhân đều gây nên tổn hại to lớn cho Hội thánh là thân thể Chúa Giêsu. Với những người được cho là càng gần Chúa hơn thì hậu quả tội lỗi của họ càng nghiêm trọng hơn. Ví dụ, những vụ ấu dâm gây ra bởi các vị lãnh đạo trong Giáo hội đã làm tổn thương đến nhiều tín hữu. Đến các vị linh mục, tu sĩ, giám mục hay hồng y mà còn phạm những tội tầy đình như thế thì ai còn muốn tin vào đạo Công giáo nữa. Hoặc là đến những bậc như thế mà còn chống đối, công kích lẫn nhau thì ai mà tin vào sự hiệp nhất trong Giáo hội nữa. Chúng ta vẫn biết rằng đó chỉ là yếu đuối của cá nhân từng người, dù họ có nắm giữ chức vụ gì đi nữa, không phải là đại diện cho toàn Giáo hội. Tuy nhiên, chuyện không hề đơn giản như thế. Tội của những vị đó chắc cũng “nhẹ” như Giuđa thôi, vấn đề ở chỗ là họ lại có địa vị như Giuđa – là người môn đệ của Chúa Giêsu. Vì thế cho nên tội lỗi của họ mới gây ra hiệu quả nghiêm trọng như vậy.
Vai trò môn đệ của Chúa Giêsu hoàn toàn không phải là đặc ân dành riêng những người lãnh đạo trong Giáo hội. Tất cả chúng ta, bạn và tôi, là những người đã được rửa tội, đều được mời gọi để trở nên người môn đệ của Chúa Giêsu giống như Giuđa và bao nhiêu người khác. Do đó chúng ta luôn phải ý thức về hậu quả từ việc “phản bội” mình. Có thể chúng ta chỉ phạm những tội “nho nhỏ”, ảnh hưởng trực tiếp tới một vài người. Tuy nhiên, từ câu chuyện của Giuđa, chúng ta hiểu ra rằng vì chúng ta mang danh môn đệ Chúa Giêsu nên mọi tội lỗi, dù nặng hay nhẹ, đều có thể làm tổn hại đến Hội thánh Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, nhất là trong Tam Nhật Thánh này, biết ăn năn thống hối tội lỗi mình đã phạm. Và quan trọng hơn, chúng ta cũng nhận ra rằng tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua mầu nhiệm thập giá còn lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta chừng nào. Hành vi phản bội của Giuđa và của mỗi người chúng ta đã gây ra chết chóc, nhưng chính Chúa Giêsu đã đem cái chết đó treo trên thập giá để rồi chúng ta có quyền vui mừng hy vọng đón chờ ngày Phục Sinh như Người.
Giuse Lê Đắc Thắng, SJ