GIÁO DÂN TRỞ NÊN CHỦ THỂ TÍCH CỰC LOAN BÁO TIN MỪNG
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc
Ngoạn
Sáng thứ Bảy, ngày 09/10/2021, tại Hội trường
Thượng Hội đồng Giám mục, Đức thánh cha Phanxicô đã khai mạc Thượng Hội đồng
Giám mục lần thứ XVI với chủ đề “Hướng tới
một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ.”
Chỉ mới đọc qua chủ đề, chúng ta thấy thao thức
và ước muốn cháy bỏng của Giáo hội về một Giáo hội đồng tâm nhất trí, một Giáo
hội không cục bộ, bè phái, không ngăn cách, quan liêu, không đấu đá, loại trừ.
Nhưng cũng qua chủ đề được chọn này, chúng ta cũng thấy hiện tình của Giáo hội,
một Giáo hội đang gặp nhiều thách đố từ bên ngoài, nhiều đối kháng, căng thẳng
ngay bên trong nội bộ; và chính vì hiện tình này, mà Thượng Hội đồng Giám mục với
chủ đề “Hội Thánh Hiệp Hành” được đề xướng, triệu tập.
Cùng một tâm tình với toàn thể Giáo hội trong
tiến trình của “Hiệp Hành” và với sự gợi ý từ số 12 của Tài liệu Chuẩn bị Thượng
Hội đồng,[1]
người viết xin được đóng góp một chia sẻ nhỏ với chiều kích thứ ba của chủ đề
Thượng Hội đồng Giám mục lần này: “Giáo dân trở nên chủ thể tích cực loan báo
Tin Mừng.”
Giáo hội bao gồm những người tin vào Đức Kitô
và được Ngài sai đi cho một sứ mạng chung, đó là: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân
danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy
đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20). Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi hợp
tác, tham gia, đóng góp, như mục tiêu thứ hai được Thượng Hội đồng Giám mục lần
thứ XVI đề ra. Khi nói đến tham gia là nói đến cùng một sứ mạng, cùng nhắm
chung một mục đích tối hậu; nếu không cùng chung một mục đích, không cùng chung
một sứ mạng, thì tham gia, đóng góp sẽ không có giá trị và trở nên vô nghĩa.
Chúng ta cần phải xác tín điều này: Tất cả người Kitô hữu, nhờ bí tích Thánh tẩy
đều được sai đi để cùng thi hành một sứ mạng chung. Đó là ý muốn của Thiên
Chúa, là lệnh truyền của Đức Giêsu khi sai chúng ta ra đi để làm chứng nhân sống
động, làm ánh sáng muôn dân, làm muối men cho đời (x. Mt 5,13.14; 13, 33), nên
không ai có thể tự cho phép mình độc quyền làm chứng Thiên Chúa, độc quyền rao
giảng Tin Mừng.[2]
Trái lại, bí tích Thánh tẩy tháp nhập những người đáp lời mời gọi đi theo Đức
Giêsu vào Thân Thể Ngài là Hội Thánh; bí tích Thánh tẩy mở ra cho tất cả những
ai tin vào Đức Giêsu con đường loan báo Tin Mừng (Truyền giáo).
Khởi đi từ sứ mạng chung, bắt nguồn từ ơn gọi
chung “được sai đi loan báo Tin Mừng”, các thành phần Dân Chúa mới có thể chân
thành và hăng hái cùng nhau tham gia, đóng góp xây dựng Thân Thể mầu nhiệm Đức
Kitô là Hội Thánh. Nếu một ai đó vẫn còn não trạng sứ mạng loan báo Tin Mừng chỉ
dành cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và những người được chọn; thì bấy lâu sự hợp tác,
tham gia tích cực của thành phần giáo dân vẫn chỉ là “giọt nước giữa đại
dương”, còn khác xa cách tham gia, cộng tác theo đòi hỏi của Tin Mừng: tham gia
vào sứ mạng với tinh thần khiêm tốn, xóa mình; cộng tác để hoàn thành sứ mạng với
tinh thần phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa mà thánh Phaolô đã làm gương và
không ngừng nhắc nhở các cộng đoàn khi viết: “Vậy Apôlô là gì? Phaolô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em
có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới,
nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là
gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng, người tưới
đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao tùy theo công khó của mình” (1Cr
3, 5-8).
Công đồng Vaticanô II đã nói rõ: “Mọi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần
vào cuộc gieo vãi đức tin...” (TG 23a), mà Giáo luật gọi là “nhiệm vụ cơ bản của dân Chúa” (GL 781);
vì thế, toàn thể Dân Chúa là một tập thể thừa sai, dù các chi thể trong thân thể
đóng giữ những vai trò khác nhau, tùy theo chức năng riêng.
Tông huấn Kitô hữu Giáo dân, số 30 đã khẳng định
cách rõ ràng rằng: “Giáo dân, vì là thành
phần của Hội Thánh, nên mang ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Các bí tích
khai tâm Kitô giáo và các ân huệ Chúa Thánh Thần đã trang bị khả năng cho họ
thi hành sứ mạng này.” Xác quyết này rõ ràng là một giải thích cho đòi hỏi
phải thay đổi não trạng, khi cho rằng việc loan báo Tin Mừng được dành riêng
cho hàng giáo sĩ, tu sĩ, hay một thiểu số được chọn nào đó, điều mà Công đồng
Vatican II đã công khai tuyên bố: “Các chủ
chăn nhận thấy rõ sự đóng góp lớn lao của giáo dân cho lợi ích của Hội Thánh.
Các ngài biết rằng Đức Kitô đã không đặt các ngài lên để một mình lãnh lấy tất
cả sứ vụ cứu độ của Hội Thánh đối với thế giới. Nhưng nhiệm vụ của các ngài là
chăn dắt các tín hữu, và nhận biết các phận sự cũng như đoàn sủng nơi họ; để mọi
người đều góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách của mình” (GH 30).
Nếu loan báo Tin Mừng là làm cho Tin Mừng, với
các giá trị của nó, thấm nhập vào từng tâm hồn, từng môi trường, bằng chứng tá
đời sống và bằng tất cả mọi cách thế tốt và hữu hiệu, thì người giáo dân phải
nhận thức được hồng ân vô giá mà họ đã lãnh nhận và từ đó, họ sẵn sàng chia sẻ
cho những ai sống quanh mình, đúng như lời xác tín của Thánh Gioan Tông đồ: “Điều chúng tôi đã được nhìn thấy, được nghe,
chúng tôi xin loan báo cho cả anh em nữa...” (1Ga 1, 3). Nhờ bí tích Thánh
Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể, mọi người giáo dân trở nên phần tử đích thực của Hội
Thánh, cho nên họ cũng mang ơn gọi thực thi sứ mạng chung của Giáo hội là loan
báo Tin Mừng cho muôn dân. Do đó, Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân của Công đồng
Vatican II đã khẳng định rằng: “Giáo dân
góp phần tích cực vào đời sống và hoạt động của Hội Thánh, nhờ được tham dự vào
chức vụ của Chúa Kitô là tư tế, tiên tri và vua... Vì được nuôi dưỡng nhờ tham
dự cách tích cực vào đời sống phụng vụ của cộng đoàn, chính họ nhiệt thành góp
phần vào những công việc tông đồ của chính cộng đoàn đó; họ đem những người có
lẽ đang xa lạc trở về với Hội Thánh.” (TĐ 10). Do đó, loan báo Tin Mừng là
sứ mạng không thể thiếu trong ơn gọi và đời sống của người Kitô hữu giáo dân,
như Thánh Phaolô đã từng thâm tín cách xác quyết rằng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16).
Việc loan báo Tin Mừng không phải là một thực
thể tĩnh và đồng nhất, nhưng là rất đa dạng và chuyển biến không ngừng. Trong
thế giới toàn cầu hóa hôm nay, tất cả thực tại vô cùng phong phú và hỗn tạp của
nó, về sắc tộc, nhân văn, khoa học kỹ thuật, văn nghệ, tôn giáo, chính trị và
thương mại v.v..., cho chúng ta thấy rõ điều đó. Giáo hội, nhất là từ sau Công
đồng Vatican II cho đến hôm nay, đã nhận thức rõ điều này. Tuy nhiên, cũng
chính vì thế mà Giáo hội vẫn muốn mình luôn trở thành “Ánh sáng Muôn dân” cho
cái thực thể, tuy vô cùng biến hóa nhưng lại rất bi tráng đó (x. GH 01). Điều
này thật chính xác, vì con người của cái thế giới gọi là 4.0 này vẫn còn số
đông ngồi trong bóng tối, và cần được Tin Mừng soi sáng vào trong mọi lãnh vực.
Trong luồng tư tưởng đó, Tông huấn “Kitô hữu Giáo dân” số 34 đã có những nhận định
thật sâu sắc: “Mở toang cánh cửa đón Đức
Kitô vào! Việc đón nhận Ngài vào khoảng trống của cuộc sống con người không
mang chút đe dọa nào cho con người; trái lại, đó là lối đi duy nhất, nếu người
ta muốn nhận ra con người trong sự thật trọn vẹn của nó, và độ cao con người
trong giá trị của nó.” Nhưng Giáo hội sẽ thực hiện điều đó bằng cách nào?
Trong nhiệm thể Đức Kitô, chính người giáo dân mới là những phần tử có khả năng
len lỏi để hiện diện cách chan hòa và tích cực trong mọi ngõ ngách của cái thực
tại biến hóa này. Hơn cả hàng giáo sĩ và tu sĩ, người giáo dân mới là những chủ
thể chính yếu và tích cực nhất của việc loan báo Tin Mừng. Sự hiện diện của người
giáo dân là rộng khắp, về không gian lẫn thời gian, trong các lãnh vực đa diện
lẫn khả năng chuyên môn..., sẽ làm cho Tin Mừng được loan báo, và đem ánh sáng
của Tin Mừng chiếu tỏa tới khắp hang cùng ngõ hẻm của thực tại con người. Và để
thực hiện được điều này, nhất thiết người giáo dân phải xóa bỏ phân cách giữa
Tin Mừng với cuộc sống hằng ngày. Tông huấn “Kitô hữu Giáo dân” số 34 mời gọi: “Bằng cách sáng tạo được một thể thống nhất
của cuộc sống, trong sinh hoạt thường nhật, trong gia đình, trong công việc chu
toàn trong xã hội, nhờ được Tin Mừng gợi hứng và giúp sức thể hiện đầy đủ... Vì
chỉ có Phúc âm hóa mới có thể làm phát triển đức tin trong sáng và sâu xa, đủ sức
biến đổi các thực tại kia thành sức mạnh của tự do thực sự.”
Gần đây, Đức nguyên giáo hoàng Biển Đức XVI và
Đức giáo hoàng Phanxicô cũng đã chỉ rõ cho chúng ta thấy vai trò người giáo dân
quan trọng như thế nào trong công cuộc loan báo Tin Mừng.
Đức nguyên giáo hoàng Biển Đức XVI trong Tông
huấn “Lời Chúa”, số 94 đã xác định rằng: Giáo dân có trách nhiệm loan báo Tin Mừng.
Ngài viết: “Vì toàn Dân Thiên Chúa là một
dân tộc “được sai đi”, Thượng Hội đồng đã tái khẳng định rằng “sứ mạng loan báo
Lời Thiên Chúa là bổn phận của mọi môn đệ Đức Giêsu Kitô, như hệ quả của phép Rửa
của họ.” Không một tín hữu nào trong Chúa Kitô lại có thể thấy mình xa lạ với
trách nhiệm này, một trách nhiệm phát xuất từ chỗ ta thuộc về Thân Thể Chúa
Kitô theo cách bí tích. Ý thức này phải được thức tỉnh trong mỗi gia đình, giáo
xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào Giáo hội. Vậy, Giáo hội như là Mầu nhiệm
hiệp thông hoàn toàn có tính truyền giáo, và mỗi người, tùy theo bậc sống, đều
được kêu gọi góp phần rõ ràng vào việc loan báo Chúa Kitô… Giáo dân được kêu gọi thực thi nhiệm vụ ngôn sứ, nhiệm vụ
trực tiếp phát xuất từ phép Rửa của họ, và làm chứng cho
Tin Mừng trong đời sống hằng ngày, tại bất cứ nơi nào họ sinh sống.”
Trong Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” số
102, Đức giáo hoàng Phanxicô cũng đã dạy chúng ta về căn tính và sứ mạng của
giáo dân như sau: “Giáo dân rõ ràng là
thành phần đại đa số của Dân Chúa. Thành phần thiểu số - các thừa tác viên có
chức thánh - là để phục vụ giáo dân. Ngày càng có một sự ý thức nhiều hơn về
căn tính và sứ mạng của giáo dân trong Hội Thánh. Chúng ta có thể cậy dựa vào
nhiều giáo dân, tuy hầu như vẫn chưa đủ, là những người có một ý thức cộng đoàn
sâu xa và một sự trung thành lớn lao đối với các công việc bác ái, dạy giáo lý
và cổ vũ đức tin. Nhưng đồng thời, không phải ở mọi nơi đều có một sự ý thức rõ
ràng về trách nhiệm này của giáo dân, ăn rễ sâu trong phép Rửa tội và Thêm sức
của họ như thế. Trong một số trường hợp, lý do là vì người giáo dân đã không được
cung cấp một sự đào luyện cần thiết để đảm đương những trách nhiệm quan trọng.
Trong những trường hợp khác, lý do là vì trong các Giáo hội địa phương của họ,
người ta đã không dành chỗ để họ lên tiếng và hành động, do một chủ trương giáo
sĩ trị thái quá khiến họ không được tham gia vào việc ra quyết định. Dù rằng
nhiều người nay đã tham gia vào các thừa tác vụ giáo dân, sự tham gia này không
phản ánh một sự xâm nhập sâu xa hơn các giá trị Kitô giáo vào các lãnh vực xã hội,
kinh tế và chính trị. Nó thường vẫn chỉ bó gọn vào các công việc trong nội bộ Hội
Thánh, mà không có một sự dấn thân thực sự để đem Tin Mừng làm biến đổi xã hội.
Sự đào luyện của giáo dân và việc Phúc âm hóa đời sống nghề nghiệp và tri thức
là một thách thức mục vụ quan trọng.”
Từ những hướng dẫn của Huấn quyền, người viết
xin được duyệt qua về công việc loan báo Tin Mừng dành cho người giáo dân Việt
Nam trong thời gian đã qua.
Công cuộc loan báo Tin Mừng đối với Giáo hội
toàn cầu đã khởi đi được hơn 2.000 năm, riêng đối với Giáo hội Việt Nam thì đã
trải qua hơn 350 năm. Một thời gian khá dài viết nên những trang sử thật hào
hùng cho Giáo hội toàn cầu cũng như cho Giáo hội Việt Nam nói riêng qua máu các
Anh Hùng Tử Đạo.
Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta phải khiêm tốn
mà thừa nhận rằng: Lòng khao khát của Chúa thì quá lớn mà công việc chúng ta
đáp lại thì vẫn còn quá nhỏ, vấn đề loan báo Tin Mừng vẫn còn là một vấn đề thời
sự nóng bỏng cho thời đại hôm nay và hơn bao giờ hết vẫn còn là những đòi hỏi cấp
bách cho mỗi người Kitô hữu.
Theo Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, trong bài viết
“Nhìn lại sứ mạng truyền giáo trong 50
năm qua”, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm tại Việt Nam (1960 -
2010), thì hiệu quả loan báo Tin Mừng tại Việt Nam chưa cao.
Nếu căn cứ vào các thống kê thường niên của Hội
đồng Giám mục Việt Nam, con số tín hữu Công giáo tại Việt Nam không gia tăng:
Năm 1960, số giáo dân tại Việt Nam là
2.000.000 / 30.000.000 người, tỷ lệ 6,93%.
Năm 2000, số giáo dân là 5.200.000 /
77.000.000 người, tỷ lệ 6,70%.
Năm 2008, con số này là 6.100.000 / 86.100.000
người, tỷ lệ 7,18%.
Năm 2015, tổng số giáo dân là 6.756.303 /
95.340.779 người, tỷ lệ 7,08%.[3]
Số người gia nhập Giáo hội không tương xứng với
số nhân sự lo việc loan báo Tin Mừng. Năm 2015, số linh mục cả nước là 5.197
(3.907 linh mục triều và 1.290 linh mục dòng); số tu sĩ dòng Giáo hoàng là
7.155 (2.631 nam tu, 4.524 nữ tu); số tu sĩ dòng Giáo phận là 16.041 (1.703 nam
tu, 14.338 nữ tu); số giáo lý viên là 66.624 người. Tổng số nhân sự gắn liền với
việc loan báo Tin Mừng là 95.017 người. Số người từ 7 tuổi trở lên gia nhập
Giáo hội năm 2015 là 38.050 người. [4]
So sánh hai con số 95.017 và 38.050, chúng ta thấy cứ 2,5 tín hữu ưu tuyển mới
đem được 1 người gia nhập Giáo hội. Đó là chưa nói đến con số rất lớn anh chị
em giáo dân cũng đang tham gia vào sứ vụ này.
Như vậy, tính từ năm 1960 đến năm 2015, số người
Công giáo có đông lên nhưng thực tế tính theo tỷ lệ dân số thì không tăng bao
nhiêu. Con số này chỉ tương đương với số sinh bình thường. Chúng ta phải thừa
nhận rằng số người gia nhập Giáo hội không khả quan cho lắm. Nếu có những người
lớn gia nhập Giáo hội thì hầu hết
là vì hôn nhân. Năm 2021 tại Giáo phận Hưng Hóa có 1.462 người lớn gia nhập đạo;
trong số này đã gần 1/3 gia nhập đạo vì lập gia đình với người Công giáo.[5]
Qua những con số thống kê trên, chúng ta cùng
nhau thử xem nguyên nhân nào mà công việc loan báo Tin Mừng của Giáo hội Việt
Nam chưa đạt được như mong muốn.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng người viết xin nêu
ra một số nguyên nhân mà người viết thấy tại nơi mục vụ của mình.
3.2.1. Phương tiện lấn át
mục đích
Nhìn vào những thống kê nơi các Giáo phận, số
linh mục, tu sĩ nam nữ hằng năm đều tăng, nhưng cánh đồng truyền giáo lại không
tăng, có nơi hình như còn bị thu hẹp vì phong trào tục hóa gia tăng nhanh. Để
cho công cuộc loan báo Tin Mừng khởi sắc, không cần phải đưa ra nhiều đường hướng
và in ấn nhiều các loại sách truyền giáo, vì mọi giáo sĩ và tu sĩ đã hiểu rất
rõ “bản chất của Giáo hội là truyền giáo.” Nhưng điều quan trọng hơn là phải trả
lời được câu hỏi: Trách nhiệm truyền giáo/ loan báo Tin Mừng thuộc về ai?
Rồi điều quan trọng hơn nữa là những vị lãnh
trách nhiệm phải trả lời câu hỏi đó bằng hết khả năng của mình. Cần phải quan
tâm đầu tư nhân lực và tài lực cho công cuộc loan báo Tin Mừng, ít là ngang tầm
với việc xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà thờ, nhà mục vụ, nhà xứ... Các giám mục
phải dành một phần nhân lực và vật lực để loan báo Tin Mừng cho những người
chưa biết Chúa: “Giám mục phải lo liệu để
hoạt động tông đồ không chỉ giới hạn cho những người đã tòng giáo, nhưng phải
dành một phần nhân lực và vật lực tương đương vào việc rao giảng Phúc Âm cho những
người ngoài Kitô giáo” (AG 30). Có như thế việc loan báo Tin Mừng mới khởi
sắc, mới tiến triển tốt được.
3.2.2. Lo mưu sinh là
chính
Các Dòng tu đều có chung một mục đích đó là “dâng hiến cuộc đời để phụng thờ Thiên Chúa
và phục vụ Giáo hội.” Người viết đang phục vụ tại miền Tây Bắc nên có rất
nhiều anh chị em của các Hội dòng và Tu hội đã đến thăm hoặc hỏi thăm về giáo xứ.
Nhưng những câu hỏi thường được nghe là: Giáo dân có đông không? Có mở được trường
mẫu giáo không? Có thể làm thuốc hay không?... Hiếm lắm mới có người đặt câu hỏi:
Môi trường Giáo xứ có thể truyền giáo được không? Như vậy việc loan báo Tin Mừng
chưa được đặt ưu tiên, chưa được quan tâm hàng đầu.
Còn giáo dân thì sao? Nhiều người ngày nay lo
cơm áo gạo tiền là chính. Có một anh giáo dân tuyên bố với người viết rằng: “Cuộc sống là chính còn đạo là phụ.” Nhiều
người sống đạo theo hình thức hơn là trưởng thành. Bản thân sống đạo như vậy
thì làm sao có thể giới thiệu Chúa cho người khác được.
3.2.3. Giáo dân chưa được
huấn luyện đúng mức
Với những lý do khách quan và chủ quan, Giáo hội
Việt Nam nói chung và một số giáo phận nói riêng chưa quyết tâm mở các lớp thần
học cho giáo dân. Các lớp giáo lý cũng vậy, vẫn còn tình trạng “trống nhà nào thì nhà ấy đánh.”
Một vấn đề được đặt ra là tại sao không có một
trường nào để đào tạo giáo dân? Hầu hết các giáo xứ cũng không có kế hoạch để
đào tạo những giáo dân nòng cốt cho việc loan báo Tin Mừng. Điều này đưa đến một
thực trạng là Giáo hội không có một lớp giáo dân trưởng thành về kiến thức tôn
giáo để hỗ trợ cho công việc loan báo Tin Mừng. Họ sống đơn sơ, nhưng thiếu sâu
sắc và không có khả năng trở nên chứng nhân Đức tin giữa đời.
3.2.4. Giáo dân còn đứng
ngoài cuộc
Qua các buổi gặp gỡ hiệp hành tại các giáo xứ,
người viết nhận thấy hầu hết mọi giáo dân đều nghĩ rằng việc loan báo Tin Mừng
không phải là việc của họ, mà là của hàng giáo sĩ và tu sĩ. Lịch sử Giáo hội đã
cho chúng ta thấy các nước loan báo Tin Mừng nhanh lại nhờ hàng ngũ giáo dân
(Nhật Bản, Hàn Quốc). Tại tỉnh Điện Biên hiện nay, anh chị em các hệ phái Tin
Lành rất nhiệt tình trao tặng Kinh Thánh và loan báo Tin Mừng hơn giáo dân Công
giáo rất nhiều. Họ chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu tâm lý lúc nào con người dễ
đón nhận Tin Mừng là họ có mặt, họ len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống để
loan báo Tin Mừng, họ chắt chiu từng cơ hội nhỏ để giới thiệu Chúa cho người
khác. Giáo dân Công giáo chưa làm được việc đó, nên công cuộc loan báo Tin Mừng
còn chậm và trì trệ.
Vì thế, các vị hữu trách trong Giáo hội cần
trang bị hành trang cho người giáo dân, gây ý thức trách nhiệm loan báo Tin Mừng
cho họ, vì chính họ có nhiều cơ hội gặp gỡ anh chị em ngoài Công giáo nhiều nhất.
Hội đồng Giám mục Việt Nam qua các Thư Mục Vụ
từ trước đến nay, nhất là từ đầu Thiên niên kỷ thứ III, hòa với Giáo hội toàn cầu,
đáp ứng lời kêu gọi của Đức thánh cha, luôn nhắc nhở mọi thành phần Dân Chúa sứ
mạng loan báo Tin Mừng, việc kêu gọi người giáo dân tham gia sứ mạng này được
thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: thiết lập Ủy ban Loan báo Tin Mừng cấp
Giáo phận, Giáo xứ, các Hội đoàn Công giáo Tiến hành và các Hội dòng có sứ mạng
loan báo Tin Mừng được tái lập hay thành lập và khuyến khích hoạt động. Tuy
nhiên, ý thức là một việc, thực hiện lại là một việc khác, nhiều khi muốn mà
không làm được, như người ta vẫn thường nói “lực bất tòng tâm”, vì những trở ngại
từ nhiều phía. Trở ngại lớn nhất hiện nay theo thiển ý của người viết đó là hầu
hết người giáo dân chưa được trang bị những hành trang cần thiết để trở thành
người môn đệ thừa sai.
Đã có rất nhiều tài liệu hướng dẫn của Huấn
quyền và nhiều tác giả có bài viết đề xuất cần phải đào tạo cho người giáo dân
trở nên: một người gắn bó với Chúa Giêsu, một người tràn đầy Thánh Thần, một
người tuyệt đối tín thác vào Thiên Chúa, một người gần gũi với mọi người, một
người biết yêu thương và tôn trọng mọi người, một người biết lắng nghe và đối
thoại, một người tràn đầy niềm vui... Ở đây, người viết xin nhấn mạnh đến hai
điều cần thiết và cũng là nền tảng: Đào tạo nhân bản, đào tạo đức tin.
Đào tạo nhân bản là nền móng cho tất cả, kể cả
cho đức tin tôn giáo. Nhân bản là giá trị chung, người có nền nhân bản là người
tử tế, người có lương tri. Đó là người biết ăn, nói, gói, mở, người biết tôn trọng
công bằng, tôn trọng sự thật, biết yêu quê hương, biết yêu tổ quốc. Trên tất cả
người có nhân bản là người biết tôn trọng con người, tôn trọng chính mình và
người khác, biết lấy con người làm gốc. Người ấy không làm cho người khác bất cứ
điều gì mình không muốn người khác làm cho mình và đi bước trước để đối xử với
người ta theo cách mà mình muốn người ta được đối xử.
Thánh Phaolô đã căn dặn các tín hữu Philípphê
về vấn đề này: “Thưa anh em, những gì là
chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và
đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em
hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi,
thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em”
(Pl 4, 8-9).
Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trong Tông huấn
“Loan Báo Tin Mừng” cũng đã mời gọi: “Thế
giới kêu nài và mong thấy nơi nơi chúng ta một đời sống đơn sơ, tinh thần cầu
nguyện, tình bác ái đối với mọi người, nhất là đối với trẻ em và người nghèo.
Thế giới mong thấy nơi chúng ta sự vâng phục và khiêm tốn, sự siêu thoát và từ
bỏ chính mình và mọi sự. Nếu không có dấu hiệu về sự thánh thiện này thì những
lời của chúng ta khó mà đi vào lòng con người thời đại hôm nay. Nó có nguy cơ
trở thành uổng công và vô hiệu” (EN 76).
Liên Hội đồng Giám mục Á Châu cũng nhắc nhớ: “Trên cánh đồng truyền giáo bao la tại châu
Á, chứng từ lặng lẽ nhưng hùng hồn của đời sống Kitô hữu đích thực đòi phải biết
hiện diện trong khiêm hạ, biết sống đối thoại, trong đó bao gồm cuộc sống cầu
nguyện và “chiêm niệm.” Đó là yêu cầu đặt ra cho các sứ giả mới của Tin Mừng,
hoạt động giữa những nền văn hóa đề cao sự bỏ mình và quý trọng cầu nguyện. Sự
hiện diện khiêm hạ phải được thể hiện bằng nếp sống giản dị và liên kết với người
nghèo.”[6]
Như vậy, nhân bản không chỉ là chuyện của cá
nhân mà còn là của cả một cộng đồng, qua đó mỗi người sẽ bộc lộ nhân bản của
mình. Đây là bước thứ nhất phải được thực hiện, trước khi nói đến các chuyện
khác như đức tin hay loan báo Tin Mừng.
Cấp độ thứ hai là kiến thức về đức tin và những
hiểu biết cơ bản về đời sống của cộng đoàn đức tin, tức là Giáo hội. Hễ vô tri
thì bất mộ. Hơn nữa, “đạo” không chỉ là chuyện yêu mến, kính sợ Thiên Chúa mà
còn thiết yếu bao hàm việc trả lời cho người khác về niềm tin và niềm hy vọng của
mình nữa. Chúng ta không thể đòi mọi tín hữu đều phải am tường giáo lý như các
linh mục, tu sĩ; nhưng nói chung thì một nền kiến thức cơ bản về tôn giáo là điều
kỳ vọng đối với mọi người tin. Chẳng hạn, tôi là người Kitô hữu, tôi được kỳ vọng
có sự hiểu biết về niềm tin tôn giáo của tôi tương thích với trình độ học vấn của
mình. Nếu chúng ta dễ chấp nhận một người ít học, mù chữ mà mù mờ luôn cả giáo
lý; thì trái lại chúng ta thật khó cho là bình thường việc một bác sĩ, một kỹ
sư hay một cử nhân sư phạm có đức tin trong gia đình Công giáo lâu đời, lại
không biết ít nhất một cách khái quát về lịch sử Giáo hội Công giáo nói chung
và Giáo hội Công giáo tại Việt Nam nói riêng, về Kinh Thánh, về Giáo lý, về
Giáo huấn Xã hội của Giáo hội. Đây cũng là vấn đề cấp thiết đối với người Công
giáo Việt Nam nói chung. Hầu hết người giáo dân từ trước đến nay theo đạo chỉ
là “cha truyền con nối”, số người hiểu một cách tương đối về niềm tin của mình còn
rất hạn chế. Việc hiểu lờ mờ, lơ mơ về niềm tin thì khó lòng có thể loan báo
Tin Mừng.
Vì thế, các vị hữu trách của các giáo phận cần
quan tâm việc đào tạo giáo lý cho mọi độ tuổi và cần mạnh dạn tổ chức các khóa
thần học sơ cấp, trung cấp, cao cấp cho giáo dân.
Trong lãnh vực giáo dục đức tin nói riêng và
trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội nói chung, còn một thiếu sót rất lớn
về chứng tá; tức thiếu một đời sống thực sự đậm chất Tin Mừng. Người ta vẫn thường
nói “trăm nghe không bằng một thấy”
hay “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”
là kinh nghiệm phổ quát ngàn đời. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nói một câu mà
cho đến hôm nay vẫn được nhắc lại thường xuyên: “Con người thời nay nghe các chứng nhân hơn các thầy dạy, và nếu họ nghe
các thầy dạy thì đấy bởi vì các thầy dạy ấy là những chứng nhân.” Chính
Ngài đã dẫn lại trong Tông huấn “Loan Báo Tin Mừng” (1975), rồi được Thánh Giáo
hoàng Gioan Phaolô II tiếp tục trích dẫn trong Thông điệp “Sứ Mạng Đấng Cứu Thế”
(1990) và trong Tông huấn “Giáo hội tại Á Châu” (1999).
Hưởng ứng định hướng giáo dục toàn diện, Hội đồng
Giám mục Việt Nam đã phản ảnh chính cái nhìn này khi tham chiếu Tuyên ngôn về
Giáo dục Kitô giáo của Công đồng Vatican II và nhất là khi dẫn lại câu tuyên bố
thời danh trong thư Giacôbê: “Là Mẹ và là
Thầy, Giáo hội Công giáo có bổn phận thông truyền cho mọi người, nhất là các
Kitô hữu, một nền giáo dục toàn vẹn. Mục tiêu hàng đầu của giáo dục Kitô giáo
là đức tin. Giáo dục đức tin không chỉ là truyền lại cho tín hữu những định
tín, nhưng còn giúp cho tín hữu sống đức tin trong cuộc sống cụ thể, vì ‘đức
tin không có việc làm là đức tin chết' (Gc 2,17). Các tín hữu, nhờ được huấn
luyện, sẽ trở thành men, muối và ánh sáng cho trần gian.”[7]
“Đức tin
không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17), nếu chúng ta nói mà không
làm thì chẳng đem lại kết quả gì. Câu chuyện “há miệng chờ sung” trong kho tàng
văn học dân gian Việt Nam sẽ giúp chúng ta hiểu về đức tin và việc làm. Muốn đạt
được kết quả nào đó ngoài việc suy nghĩ, có ý tưởng, lên kế hoạch và đặt mục
tiêu, nó còn đòi hỏi chúng ta phải hành động qua những việc làm thiết thực. Khi
chúng ta thể hiện đức tin qua hành động, Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn công
chính hóa.
Loan báo Tin Mừng cũng không phải là ngoại lệ,
vì khi tin vào Thiên Chúa chúng ta phải sống đức tin đó qua các việc bác ái đối
với mọi người trong môi trường sống, trong sự học tập, làm việc, để họ nhận ra
gương mặt nhân hậu của Thiên Chúa đang sống nơi mỗi người chúng ta. Để đem lời
Chúa đến với những người chưa nhận biết Người quả là một vấn đề khó khăn, thử
thách và đầy gian nan, nhưng chúng ta phải có niềm tin vào Chúa như lời Chúa
Giêsu đã hứa với các môn đệ khi Người hiện ra ở Galilê và sai các môn đệ đi đến
với muôn dân: “Thầy ở cùng anh em mọi
ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Tóm lại, để tìm lại bầu khí thấm đẫm nhiệt
tình sứ mạng của các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai và giúp người giáo dân hôm nay
trở nên những chủ thể tích cực trong công cuộc loan báo Tin Mừng, thì nền giáo
dục đức tin nói chung và công cuộc đào tạo người giáo dân nói riêng cần được chấn
chỉnh theo định hướng toàn diện. Chúng ta đặt móng bằng một nền nhân bản xây
lên các cây cột là kiến thức đức tin, và hoàn thành công trình bằng đời sống đức
tin trong đó các giá trị của Tin Mừng được chiếu tỏa khắp các thực tại của trần
thế, chứ không dừng lại ở chỗ phân hai “tốt đạo, đẹp đời.”
Ước mong sao trong thời gian diễn ra Thượng Hội
đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI này, mọi thành phần trong Hội Thánh, cách
riêng là anh chị em giáo dân ý thức trách nhiệm về căn tính và ơn gọi của mình,
can đảm làm một cuộc hoán cải tận căn để cùng nhau thi hành sứ vụ loan báo Tin
Mừng.
1. Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Tân Ước, NXB Tôn Giáo, 2007
2. Giáo hoàng học viện Piô X, Công đồng
Vaticanô II, NXB Tôn Giáo, 2008
3. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Bộ
Giáo luật 1983, NXB Tôn Giáo Hà Nội, 2007
4. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Tông
huấn Loan Báo Tin Mừng - Evangelii Nuntiandi (EN), 08/12/1975.
5. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông
huấn Kitô hữu Giáo dân - Christifideles laici, 30/12/1988.
6. Đức giáo hoàng Biển Đức XVI, Tông
huấn Lời Chúa - Verbum Domini, 30/11/2010
7. Đức giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn
Niềm vui Tin Mừng - Evangelii Gaudium, 24/11/2013.
8. Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2007
9. Sứ điệp liên Hội đồng Giám mục Á Châu 2012 về canh tân sứ giả Tin Mừng.
10. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Niên
giám Hội đồng Giám mục Việt Nam, 2016.
11. Thượng Hội đồng Giám mục, Tài liệu
Chuẩn bị, 2021.
12. Thượng Hội đồng Giám mục, Cẩm
nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính Hiệp hành, 2021.
13. Báo cáo mục vụ năm 2021 của Ủy ban Mục vụ Giáo dân, Giáo phận Hưng Hóa.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 129 (Tháng 5 & 6 năm 2022)
[1] Công đồng Vaticanô II, vốn gắn bó với truyền
thống năng động này, nhấn mạnh rằng “Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ con
người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài
muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự
Ngài trong thánh thiện” (LG, 9). Các thành viên của dân Chúa hợp nhất bằng phép
Thánh tẩy và “mặc dù theo ý Đức Kitô, một số người được đặt làm thầy dạy, làm
người phân phát các các mầu nhiệm, và làm mục tử, vì lợi ích của những người
khác, nhưng tất cả mọi người đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động
chung của toàn thể các tín hữu, trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô” (LG,
32). Do đó, tất cả những người đã chịu phép Thánh tẩy, những người tham gia vào
chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô, “khi thi hành các đặc sủng đa
dạng và phong phú Chúa ban cho theo ơn gọi và tác vụ của họ”, đều là những chủ
thể tích cực loan báo Tin Mừng, trong tư cách cá nhân cũng như với tư cách toàn
thể dân Chúa.
[3] x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2016,
NXB. Tôn Giáo, trang 481
[7] x. Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2007, số
32.
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com