Trong hơn hai ngàn năm qua, chưa có một người phụ nữ nào được yêu mến nhiều nhất, được nhắc đến, ca tụng, cũng như gây nhiều cảm hứng cho các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, thi ca nhiều cho bằng Đức Maria - một người phụ nữ hết sức đặc biệt, có một không hai trong lịch sử nhân loại và chắc chắn vẫn mãi mãi như thế. Riêng người Công Giáo trong nhiều thế kỷ đã yêu mến, đồng thời tôn vinh Bà là Mẹ Thiên Chúa, cũng là mẹ thiêng liêng của mỗi người. Tại sao? Tại vì Bà là một người mẹ đầy quyền năng và yêu thương, người được yêu thương và thương yêu tất cả chúng ta không phải là một phát minh của Công giáo. Bà là Âm lực thần linh được thể hiện như Người Mẹ Vĩ đại có một lịch sử xa xưa trong tâm hồn chung của nhân loại. Chỉ có tên của Bà đã thay đổi qua nhiều thế kỷ trong khi sự can thiệp, cứu giúp của Bà đối với nhân loại vẫn y nguyên. Theo truyền thống Kitô giáo, chúng ta có thể nói rằng từ thời trung cổ, việc cầu nguyện với Mẹ Maria đã không ngừng. Cứ như thể cả hành tinh hòa vào một bài ca không ngưng nghỉ, cũng như vui vẻ tin tưởng vào Người Mẹ Vĩ đại, âm lực thần linh của Thiên Chúa.
Chúng ta biết rằng Đức Maria có thể bênh vực, có thể làm cho thế giới này thay đổi cách nhìn về Bà -Bà vẫn làm như thế-. Có điều kỳ lạ khi nhiều người Công Giáo, dường như họ giảm lòng sùng kính đối với Đức Maria khi trưởng thành về tuổi tác, về hiểu biết. Thí dụ nhà thần bí Thomas Merton (sinh tại Pháp, tu sĩ dòng Xi-tô Hoa Kỳ, ngài viết 50 cuốn sách và khoảng 2000 bài thơ) là một điển hình của người Công giáo trưởng thành, chuyện này đã xảy đến với ngài. Từ năm 1940 đến năm 1950, trong khoảng 10 năm này ngài sáng tác 25 bài thơ về Đức Mẹ. Từ năm 1950 cho đến khi ngài qua đời vào năm 1968, trong 18 năm này ngài chỉ sáng tác được 6 bài. Đối với nhiều người Công giáo chúng ta, Đức Maria thường không sống sót trong quá trình lớn lên của chúng ta, chính điều đó thật bất hạnh, vì bà mang một thành phần rất cần thiết cho sự phát triển tâm linh của chúng ta: sức mạnh của âm lực. Đức Maria phải được tồn tại ngày hôm nay theo một cách thế mới mẻ. Ngày nay người ta ít sùng kính Đức Maria hơn, không phải vì họ sùng kính nhiều hơn đối với Chúa Giêsu; đó là việc người ta ít ý thức hơn về vai trò của phụ nữ trong câu chuyện về sự cứu rỗi của chúng ta. Nghịch lý thay, khi thừa nhận âm lực thần linh, mọi người lại tìm thấy Chúa Giêsu đầy đủ hơn. Điều này đúng vì Ngài tượng trưng cho sự toàn vẹn như chúng ta muốn nói, khi nói rằng Ngài là thần linh.
Các bạn thân mến,
Nhân loại hầu như không biết gì về cuộc đời trần thế của Mẹ Maria. Đức Maria lịch sử -giống như Chúa Giêsu lịch sử-, không được tiếp cận rõ ràng trong Tân Ước. Chúng được mô tả theo những cách lý tưởng hóa như những nguyên mẫu của đời sống đức tin, những gương mẫu cho chúng ta. Đức Maria của Tân Ước, của các phép lạ và sự hiện ra là Maria của Ave Maria, Đức Mẹ Maria, Đức Trinh Nữ Maria. Đức Mẹ của chúng ta, Bà là nữ thần năng lượng nguyên mẫu của tam hợp là trinh nữ trẻ, người mẹ trung thành và nữ hoàng khôn ngoan. Ba chiều kích đó đặc trưng cho nữ thần vĩ đại của mọi truyền thống trong suốt lịch sử. Nhà triết học thần bí Pythagoras đã phản ánh rằng nữ thần tam hợp đại diện cho các giai đoạn của cuộc đời phụ nữ: trinh nữ, người mẹ, lão bà thông thái. Nữ thần tam hợp thời cổ đại, giống như Đức Maria, đồng thời là bà chủ của thế giới (trinh nữ), chủ trái đất (người mẹ) và chủ thiên đàng (nữ hoàng). Ba chiều kích của chúng cũng phản ánh như các giai đoạn của mặt trăng: mới, sáng và chết, để chuẩn bị cho sự đổi mới.
Sự tôn sùng thái quá của thần học trong hai thiên niên kỷ qua liên quan đến Đức Maria trở nên hoàn toàn có thể hiểu được, một khi chúng ta áp dụng chúng cho nữ thần vĩ đại được tôn kính lâu năm chứ không phải cho Đức Maria trong lịch sử. Điều có vẻ giống như việc thờ ngẫu tượng khi áp dụng cho người phụ nữ từ Na-gia-rét, lại hoàn toàn thích hợp khi áp dụng cho ý nghĩa nguyên mẫu của Bà trong đời sống đức tin. Trên thực tế, vẫn chưa có ai khen ngợi Bà đủ. Không thể có điều gì quá đáng đối với nguồn gốc, và người dẫn đường đến với mầu nhiệm của sự sống thần linh trong chúng ta và trong tất cả thiên nhiên.
Một linh mục cũng là học giả ngành tâm lý giải thích rằng: Những tước hiệu và niềm tin cao quý của chúng ta trong những thế kỷ trước là những dấu chỉ sống động cho thấy một trực giác tồn tại trong chúng ta và đặc biệt được phục vụ trong truyền thống Công giáo. Chúng ta ngầm hiểu rằng mình đang tôn kính Đức Maria như một người mẹ thiêng liêng, không phải như một người phụ nữ vật lý theo nghĩa đen đã sinh ra Chúa Giê-su. Nếu Chúa Giê-su là Sự Nhập Thể duy nhất của Thiên Chúa, thì Đức Maria lịch sử, theo nghĩa đen là đối tượng mà chúng ta sùng kính. Nhưng nếu sự Nhập thể của Chúa Giê-su là một ẩn dụ nguyên mẫu - trái ngược với một ẩn dụ văn học đơn thuần - về số phận con người của chính mỗi cá nhân, để đưa ý thức thần linh vào thời gian trong cuộc đời đức tin duy nhất của chúng ta, thì Đức Maria huyền bí chính là người mà chúng ta ngưỡng mộ. (Các phép ẩn dụ tôn giáo không phải là văn học mà là sự xác nhận một chân lý tâm linh được biết đến trong trực giác nhưng không được biết đến trong luận lý).
Các bạn thân mến,
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với Thần Học Thân Xác của Ngài (Ðây là chủ đề quan trọng đầu tiên Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 trình bày vào thứ tư hàng tuần từ năm 1979 đến 1984. 129 bài giảng ngắn này được các học giả nghiên cứu, gom lại rồi phát hành với tựa đề The Theology of the Body: Human Love in Divine Plan (tạm dịch Thần Học Thân Xác: Tình yêu Nhân loại trong Kế hoạch của Thiên Chúa) (do Pauline Books and Media ấn hành năm 1997, chứ không phải do ngài phát hành.) Xin nói thêm ngài là học giả uyên thâm cả hai hệ thần học truyền thống Augustinô và Thomas Aquinô, ngài khám phá ra một sự hợp nhất hết sức mới mẻ giữa đức tin và lý trí. Ngài cho rằng nghiên cứu về Thiên Chúa cũng là nghiên cứu về nhân loại, vì con người được mạc khải trong ánh sáng của Ðức Kitô. Ngài nói: “Chúa Giêsu Kitô là khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa, và khuôn mặt Thiên Chúa của loài người”). Nhiều học giả đồng ý rằng thời đại mới nên cần phải có những “từ vựng” mới, để làm cho khoa thần học, cho Giáo lý của Giáo Hội thêm phong phú và hấp dẫn. Chính điều này đã làm cho Thần Học Thân Xác của Ngài khởi sắc, như được một luồng gió mới thổi vào. Cũng xin nói thêm Ngài là vị Giáo Hoàng hết lòng yêu mến Đức Mẹ.
Có thần học gia giải thích rằng Đức Maria là Mẹ Đức tin, do đó, Huấn quyền về thần học của Giáo hội là hình mẫu, hướng dẫn và hỗ trợ cuối cùng cho tất cả những ai nghiên cứu hoặc giảng dạy về Chúa. Không có tình yêu của Bà và sự tham gia tích cực vào trong cuộc sống của chúng ta, và một tình yêu đáp trả tương xứng và sự ngoan ngoãn vô điều kiện từ phía chúng ta, thì không thể có thần học xứng đáng với tên gọi. Điều này chính xác, vì Thần học là một tiến trình giải thích có ý thức và có phương pháp những mạc khải của Thiên Chúa vốn đã được đón nhận và cất giữ từ lâu trong kho tàng đức tin của Giáo hội. Tuy nhiên, Thánh mẫu học đòi hỏi hoàn toàn khác: phải có lòng yêu mến Mẹ thật sự, mới tha thiết nghiền ngẫm, suy tư, mới nghiệm ra, thẩm thấu, mới có thể làm tỏa sáng chân lý về Mẹ.
Thánh Augustinô nói rằng Thánh kinh như một giòng suối nước, đặc biệt nó thỏa mãn cho tất cả. Bất cứ động vật nào, dù lớn hay nhỏ, cũng đều được thỏa mãn thật sự khi đến uống nước giòng suối đó. Giống như nước trong một cái giếng, khi chúng ta nghiền ngẫm, chẳng khác nào đào sâu xuống giếng nước, chúng ta sẽ uống được nước ngọt, nếu không đào chúng ta chỉ uống nước phèn trên mặt. Khi nghiên cứu Thần học (với một chủ đề nào đó), người ta không cần có niềm tin hay yêu thích nó (cụ thể có nhiều nhà nghiên cứu Thánh Kinh không có đạo, thí dụ Bart Denton Ehrman (sinh năm 1955) là một Học giả Tân Ước người Mỹ theo thuyết vô thần, theo thuyết bất khả tri), nhưng điều này hoàn toàn trái ngược khi áp dụng vào nghiên cứu Thánh mẫu học. Đây chính là nét độc đáo, nét rất riêng của Thánh Mẫu Học.
Theo cha đẻ Tâm lý học và khoa tâm lý trị liệu Carl Jung (người cùng nghiên cứu chung với Sigmund Freud, Jung là con của một mục sư Tin lành) thì Đức Maria là một Nguyên mẫu (Archetype). Theo Tâm lý học thì nguyên mẫu hiện diện trong vô thức và tiềm thức (tâm trí vô thức là giai đoạn sâu nhất của tâm trí và tiềm thức là giai đoạn giữa tâm trí có ý thức và tâm trí vô thức) của mỗi người. Đó là một Âm lực thần lình (Divine Feminine) được gọi là nguyên mẫu (Archetype), là năng lực, sức mạnh tinh thần. Nguyên mẫu này trợ giúp, tăng sức mạnh, chi phối cuộc sống, định hình số phận từng người, giúp người đó đi đến sự thánh thiện, cũng như qua cá nhân đó giúp cho hành tinh này phát triển. Nguyên mẫu là các cơ quan của lực lượng tâm linh nuôi dưỡng chúng ta hướng tới mục tiêu cá nhân hóa. Trên thực tế, chúng ta đã được ban cho cả cuộc đời để có thể cho phép sự tích hợp này xảy ra. Sống ở đây để hiển thị trong thói quen cuộc sống đã được thiết kế trong chiều sâu tâm linh của chúng ta. Chúng ta ở đây để tiêu biểu, đại diện cho Chúa; chỉ có chúng ta mới đại diện thực sự cho sự hiện diện của Thiên Chúa trên trái đất này, vì con người là thọ tạo duy nhất mang hình ảnh và họa ảnh của Ngài-, và Chúa muốn điều đó xảy ra, tức là có một bản năng không thể kìm nén trong chúng ta đối với sự trọn vẹn. Bản chất bên trong của chúng ta luôn luôn và đã được hướng về một hướng thần thánh. Do đó, thể hiện một nguyên mẫu là để hoàn thành bản chất của chúng ta.
Dĩ nhiên Chúa Giêsu Kitô là nguyên mẫu tối hậu ở trong từng người chúng ta. Dù bạn có muốn hay không, có biết hay không, Đức Maria vẫn là nguyên mẫu của mỗi người chúng ta trong Chúa Ki-tô. Chúng ta biết Kinh cầu Đức Bà đã xuất hiện rất sớm trong Giáo Hội. Thí dụ, vào thế kỷ thứ tư, thánh Cyril của Alexandria viết về Đức Maria như sau: Kính mừng, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Kho báu đáng kính của toàn thể Giáo hội, Đèn không thể dập tắt, Vương miện của sự trinh tiết, Pháo đài giáo lý chân chính, Đền thờ bất khả phân ly, Nơi ở của Ngài là Đấng vô hạn, Mẹ và Đồng trinh." Lời ca tụng hoa lệ này, gợi nhớ đến những lời cầu nguyện theo nghi lễ của nữ thần, cho thấy rằng Đức Maria nguyên mẫu đã hiển nhiên và được tôn vinh ngay cả trước Công đồng Ê-phê-sô (năm 431).
Xin nghe tiếp phần II
Nguồn: Dòng Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình - dongnuvuonghoabinh.org