CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) Truyền hình Trực tiếp buổi Tiếp kiến chung của ĐTC, thứ Tư 15/01 Múi giờ: 8:50 giờ Roma ; 14:50 giờ Việt Nam Đọc tất cả   Chương trình Năm Thánh của giới Truyền thông Các chuyên gia truyền thông từ nhiều quốc gia sẽ tụ họp tại Roma từ ngày 24 đến 26/1/2025 để tham dự sự kiện Năm Thánh đầu tiên - Năm Thánh của giới Truyền thông, trong đó có buổi yết kiến Đức Thánh Cha. Đọc tất cả   “Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày 12/1/2025, nhật báo “Tương lai” (Avvenire) của Hội đồng Giám mục Ý đã đăng một phần trong cuốn tự truyện của Đức Thánh Cha. Phần trích đăng này có tựa đề: “Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Đức Thánh Cha nói rằng hài hước giúp chúng ta có sức mạnh đối mặt với khó khăn và vượt qua chúng. Ngài mời gọi hãy tìm lại khả năng vui cười như trẻ thơ và sống thật lòng mình. Đọc tất cả   Ngoại trưởng Tòa Thánh thăm Congo và nói rằng Đức Thánh Cha yêu mến quốc gia này Trong chuyến thăm thủ đô Brazzaville của Congo để cử hành Thánh lễ Năm Thánh của các phong trào giáo hội, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh gửi lời chào và sự gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến người dân Cộng hòa Congo, nơi đang phải chịu thử thách bởi thiên tai, xung đột bộ lạc và những khó khăn trong cuộc sống và xã hội. Đọc tất cả   Các Giám mục Hoa Kỳ công bố hướng dẫn cải cách nhập cư Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ công bố hướng dẫn cải cách nhập cư, khuyến khích các nhà làm luật bảo vệ các cộng đồng “có đích nhắm, tương xứng và nhân đạo”. Đọc tất cả   Các Giám mục Á châu chuẩn bị thành lập văn phòng hiệp hành khắp khu vực Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) đang chuẩn bị thành lập một văn phòng mới, nhằm tăng cường sự hợp tác và hiệp hành trên khắp các thực tế mục vụ đa dạng của khu vực. Đọc tất cả   Giáo hội Ý cử hành Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu trong Năm Thánh 2025 được cử hành đặc biệt, vì cũng là dịp kỷ niệm 1.700 Công đồng Đại kết Nicea (năm 325). Với chủ đề “Anh có tin điều này không?” (Ga 11,26), Giáo hội Ý cử hành Tuần lễ này bằng “buổi canh thức cầu nguyện lưu động” tại các nhà thờ Tin lành, Chính thống giáo và nhà thờ Công giáo Thánh Camillo de Lellis. Đọc tất cả   ĐHY Parolin gặp các Sứ thần Tòa Thánh ở các nước Trung Đông Ngày 13/1/2025, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin đã chủ trì một cuộc họp tại thủ đô Amman của Jordan với các Sứ thần Tòa thánh tại khu vực Trung Đông. Ngài đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn “trên mọi mặt trận”, cùng với mong muốn hòa bình ở Trung Đông. Đọc tất cả   Hoạt động chống lao động trẻ em ở Thái Lan của cha Alessandro Brai Đến Thái Lan vào năm 2012 cùng với một số nhà thừa sai Dòng Phanxicô khác, cha Alessandro Brai người Ý hiện đang hoạt động trợ giúp những người tị nạn đến từ Myanmar, đặc biệt nỗ lực chống lao động trẻ em ở quốc gia châu Á này. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Hợp tác xã Siêu thị Covirán - Virgen de las Angustias Trong buổi tiếp phái đoàn Hợp tác xã Siêu thị Covirán - Virgen de las Angustias đến từ Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha đưa ra hai chỉ dẫn cụ thể cho các siêu thị: “cộng tác, làm việc cùng nhau, hợp lực”, và “hướng về Đức Mẹ là mẫu gương cho nỗ lực này”. Đọc tất cả  

Giáo Hội Việt Nam

Đức tin Kitô và sự phát triển con người toàn diện

05/06/2022 - 32

CÔNG NGHỊ TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI NĂM 2022

ĐỨC TIN KITÔ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

Lm. Alphongso Phạm Hùng
Tiến sĩ Luân Lý

Dẫn nhập

Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai nghèo khó và khốn cho những kẻ giàu sang (Lc 6:20). Chúa bảo người giàu có khó vào thiên đàng còn hơn con lạc đà chui qua lỗ kim (Mt. 19:3). Vì thế nhiều người thường cho Kitô giáo đề cao sự nghèo khổ, hướng về Nước Trời và không quan tâm đến sự phát triển con người trên trần thế. Nhiều người nghĩ rằng Chúa Kitô và niềm tin vào ngài không mang lại cống hiến gì tích cực cho sự phát triển kinh tế cho nhân loại. Vì thế Giáo hội chỉ nên giới hạn mình trong lãnh vực tôn giáo, thờ phượng trong nhà thờ và không nên xen mình vào những vấn đề xã hội. “Những gì của Xêsa hãy trả cho Xêsa, những gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22:21).  

Trong tinh thần chuẩn bị cho Công nghị về canh tân đức tin, bài thuyết trình này xin trình bày vai trò then chốt của đức tin Kitô với sự phát triển con người toàn diện. Bài này gồm 4 phần chính:


I. CHÚA KITÔ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI 1

II. QUAN NIỆM VỀ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN. 3

      1. Sự phát triển con người toàn diện. 3

      2. Nền nhân bản đích thực và toàn diện. 4

      3. Vậy phải chăng nền nhân bản Kitô là nền nhân bản đích thực và toàn diện?. 6

III. SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA HỘI THÁNH VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN. 7

IV. XÂY DỰNG VÀ CỔ VÕ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN. 8

      1. Đổi mới cách thức thực hành đức tin. 8

      2. Tôn trọng thăng tiến sự sống và phẩm giá con người 9

      3. Thăng tiến kinh tế, những nhu cầu vật chất và giáo dục. 10

      4. Ý thức chiều kích xã hội của tội và thăng tiến tình liên đới 10

      5. Ưu tiên phục vụ người nghèo. 11

      6. Chu toàn phát triển mỗi người toàn vẹn trong Chúa Kitô. 12

KẾT LUẬN


I. CHÚA KITÔ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI

Khởi đi từ mạc khải trong Cựu Ước, chúng ta tin rằng: Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự đang hiện hữu và ban quy luật và bảo đảm cho con người và vũ trụ được hiện hữu. Thiên Chúa cũng là quy chuẩn cho mọi loài hiện hữu. Thiên Chúa đã tỏ mình cho Israel qua lời hứa cho sự phát triển của họ: một dân tộc đông đảo, có đất đai, chảy sữa và mật. Thiên Chúa không dửng dưng với đau khổ trong kiếp nô lệ của Israel tại Ai Cập. Ngài giải phóng họ với cuộc xuất hành, đưa họ trở về đất hứa. Chúa ban cho họ 10 điều răn để tạo nên một con đường sống an toàn và tự do khỏi bị nô lệ tội lỗi mà sống trong quan hệ giao ước thuộc về Chúa. “Ta là Chúa, Thiên Chúa các ngươi” (Lv 19, 33-34). Luật năm Sabat (cứ 7 năm một lần) và năm Toàn xá (50 năm một lần) cho đồng ruộng nghỉ ngơi và xóa hết nợ nần, tha bổng người và của, lấy Giao ước với Chúa làm nền tảng cho một sự phát triển cá nhân và cộng đoàn, vật chất và tinh thần, cũng như cho các mối quan hệ xã hội, giải quyết những vấn đề nghèo đói, bất công và cổ võ sự liên đới. Luật này theo lời Mosen, đưa dân Israel đến sự sống, một sự phát triển hùng cường. “Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh… Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?” (Dnl 4:5,8).

Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người ở giữa con người để diễn tả Thiên Chúa và thi hành kế hoạch cứu vớt con người của Thiên Chúa đưa con người đến sự sống sung mãn. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3: 16).

Chúa Giêsu đã mô tả sứ vụ cứu độ của ngài là hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa qua miệng tiên tri Isaia đưa con người đến một sự sống dồi dào và toàn diện: thể chất, linh hồn, cá nhân, xã hội. “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng.” Chúa Giêsu tuyên nhận: “Ai thấy thày là xem thấy Cha.. Cha ở trong thày.”  “Ta và Cha ta là một.”

Ơn cứu độ do sáng kiến của Chúa Cha trao ban cho con người trong Chúa Kitô dành cho hết mọi người và toàn diện. Chúa Giêsu không chỉ rao giảng và cứu giúp cho dân Israel mà ngài đến vùng đất dân ngoại, vùng Samaria. Ngài chữa lành cả người ngoài Do Thái. Chúa không chỉ chữa lành bệnh tật thể xác mà chữa lành bệnh tật thiêng liêng là tha thứ tội lỗi. Chúa không chỉ chỉ nuôi dân chúng bằng lời ban sự sống nhưng còn nuôi thân xác họ trong cơn đói khát nơi hoang mạc. Chúa phục hồi sự sống, một thiện ích căn bản của con người, cho nhiều người đã chết. Chúa cầm tay cô bé đã chết được trỗi dậy và bảo gia đình cho cô bé ăn. Chúa dạy sự liên đới, tha thứ cho cả kẻ thù, giúp đỡ những người nghèo khó và đau khổ là như giúp chính Chúa. Chúa dạy Tám mối phúc thật là nền tảng đời sống các môn đệ trong quan hệ với Chúa và các quan hệ xã hội.

Chúa Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa, một vương quốc có giá trị tuyệt đối cho con người mà tất mọi thứ khác chỉ là được “ban cho thêm” (X. Evangelii nuntiandi, 8). Trung tâm của Tin Mừng mà Chúa Giêsu rao giảng là ơn cứu độ, là sự giải thoát con người khỏi mọi thứ áp bức, như áp bức chính trị, kinh tế, trong đó sự giải thoát quan trọng nhất là khỏi áp bức tội lỗi và ma quỷ. Con người được thông hiệp trong sự sống hạnh phúc đời đời của Thiên Chúa. Ơn cứu độ được bắt đầu trong cuộc đời của Chúa Kitô và hoàn thành bởi cái chết và phục sinh của Người.  “Thày là đường là sự thật và là sự sống…. không ai đến được với Cha mà không qua thày.”

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người: “Định hướng duy nhất cho tinh thần, hướng đi duy nhất cho trí tuệ, cho ý chí, cho lòng ta là Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc con người, Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc thế giới. Chúng ta muốn đưa mắt hướng về Người, bởi vì chỉ nơi Người, Con Thiên Chúa, mới có ơn cứu độ, và chúng ta lặp lại lời tuyên xưng  của Phêrô: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Thông điệp Đấng Cứu Chuộc, Redemptor hominis, 7).

“Đức Kitô, Đấng cứu chuộc thế giới, là Đấng đã đi vào mầu nhiệm con người một cách độc nhất vô nhị và đã vào trong “lòng dạ” con người.” Qua mầu nhiệm nhập thể, Chúa Kitô kết hợp với mỗi con người. Chúa Kitô không chỉ mạc khải về Thiên Chúa cho con người mà còn mạc khải về chính mầu nhiệm của con người, cho con người hiểu được địa vị phẩm giá của mình, là người được Thiên Chúa yêu thương ( RH,8).  “Trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã mặc khải mình cách đầy đủ cho loài người và đã dứt khoát trở nên gần gũi loài người; đồng thời trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, con người đã có được một ý thức đầy đủ về phẩm giá của mình, về sự vinh thăng của mình, về cả giá trị siêu việt của loài người, về ý nghĩa của cuộc sống loài người” (RH số 11).

Hơn hết, Chúa Kitô mang lại sự phát triển toàn diện cho mỗi cá nhân khi người đó tin vào ngài. “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Trong Chúa Kitô, “Thiên Chúa đã hòa giải con người với mình” (2Cor 5:16). “Chính Chúa Kitô – hình ảnh và nét tương đồng với Thiên Chúa nơi con người được sáng lên đầy đủ và thể hiện trọn vẹn.” Thiên Chúa muốn cho con người được cứu chuộc cả linh hồn và thân xác cùng các mối quan hệ nhờ vào Chúa Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người (x. 1 Tm 2: 4-5).

Sự sống sung mãn – sự phát triển toàn diện mà Chúa Kitô mang đến cho con người không phải là cái gì  được thêm vào từ bên ngoài, nhưng đó là thông hiệp với sự sống của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Vượt Qua và sự tuôn đổ Thánh Thần vào tâm hồn tín hữu mà từ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người luôn khát vọng. Khi nhận ra sự giới hạn của mình, con người mở ra và khao khát sự siêu việt và Đấng Tuyệt Đối. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Đây là sự sống đời đời, đó là họ biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật và Đức Giêsu Kitô là Đấng Cha đã sai đến” (Ga 17:3).

Công đồng Vatican II tuyên xưng về Chúa Kitô như sau: “Quả thực, Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, đã làm người, là Con Người hoàn hảo, Người cứu rỗi mọi người và kết thâu vạn vật nơi Người. Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm qui tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của tâm hồn và đáp ứng mọi niềm khao khát [25]. Chính Người là Ðấng Chúa Cha đã phục sinh từ kẻ chết, đã tôn vinh và cho ngự bên hữu, đặt làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết. Ðược sống động và tụ họp trong Thánh Thần Ngài, chúng ta đang hành trình hướng về chung cục lịch sử nhân loại, phù hợp với ý định yêu thương của Ngài: “kết thâu tất cả trong Chúa Kitô: mọi sự trên trời dưới đất” (Eph 1,10).”

II. QUAN NIỆM VỀ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

1. Sự phát triển con người toàn diện

Trong thông điệp Populorum Progessio, Phát Triển các Dân Tộc (năm 1967), Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã đặt ra những yếu tố thiết yếu như một khung cho sự phát triển con người toàn diện. Sự phát triển con người không thể thiếu sự phát triển về kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, nhưng những lĩnh vực phát triển khác cũng phải được coi trọng ngang hàng như quyền con người, tự do, giáo dục, văn hóa, môi trường, tôn giáo. Ngài nhấn mạnh đến sự phát triển “không chỉ nhằm nguyên về mở mang kinh tế. Bởi sự phát triển đích thực là sự phát triển toàn diện, nghĩa là thăng tiến tất cả mọi người và toàn thể con người” như những con người. (Phát Triển Các Dân Tộc, số 14). ĐGH khởi đi từ nghĩa vụ hoàn thiện và phát triển chính mình của mỗi cá nhân: “Trong ý định của Thiên Chúa, mỗi người được sinh ra là để được phát triển, vì mỗi đời sống là một sứ mạng… để đạt tới đích mà Đấng tạo hóa đã chỉ định cho mình. Vì con người có trách nhiệm về sự phát triển, cũng như sự cứu rỗi của mình” (Phát triển Các Dân Tộc, số 15).

Vấn đề được đặt ra là “phát triển những con người chứ không phải chỉ là tăng số lượng những đồ vật mà con người có thể sử dụng…. vấn đề không phải ở chỗ “có nhiều hơn” cho bằng ở chỗ “là gì hơn” (x. Đấng Cứu Chuộc, số 16).

Đức Phaolô VI định nghĩa sự phát triển đích thực và toàn vẹn của mỗi người và với mọi người là “sự chuyển biến từ những điều kiện ít xứng với con người đến những điều kiện xứng với con người hơn” (Phát Triển Các Dân Tộc, số 20). Điều kiện ít xứng với con người là sự thiếu thốn về vật chất, tinh thần hay sa đọa ích kỷ quá độ, sự đè nén bởi xã hội, bóc lột, đàn áp, bị lạm dụng về nhiều mặt. Điều kiện xứng với con người là: tôn trọng nhân phẩm, hướng về ích chung, tiến bộ về văn hóa, dấn thân cho hòa bình, nhìn nhận những giá trị tối cao và Thiên Chúa là cội nguồn và cùng đích. Xứng hợp với con người là đón nhận đức tin, đón nhận ân huệ Chúa, sống yêu thương và thông hiệp trong sự sống của Thiên Chúa.

Nhưng sự phát triển mỗi người không phải là công việc quy về mình. Sự phát triển này được gắn trong sự liên đới với các thành phần khác trong xã hội vì mỗi người là phần tử của xã hội, cũng như sự phát triển của một quốc phải đặt trong sự liên đới với các quốc gia khác và xây dựng một sự bình đẳng. Chỉ trong sự liên đới và bình đẳng, sự phát triển của một người hay của một quốc gia được hình thành trên sự thiệt thòi của những người khác hay quốc gia khác. Sự phát triển toàn diện của mỗi người và của mọi người đòi hỏi sự liên đới ở nhiều cấp độ xã hội.

Sự phát triển toàn diện của một người chỉ đạt được khi đến được mục đích tối hậu của đời người là Thiên Chúa. Là thụ tạo có lý trí, con người có bổn phận hướng đời mình về Thiên Chúa “là chân lý nguyên thủy và tối thượng. Vì thế, việc phát triển con người được coi là tột đỉnh nghĩa vụ của chúng ta…. Tháp nhập vào Chúa Kitô là Đấng đã làm cho ta được sống, con người còn tiến tới một sự phát triển khác, một nền nhân bản siêu việt làm cho con người được sống đầy đủ tột độ” (Phát Triển Các Dân Tộc, số 16). Đó là Nước Trời.

2. Nền nhân bản đích thực và toàn diện

Khái niệm phát triển con người toàn diện xây dựng trên nền nhân bản hoàn hảo và đích thực.  Có nhiều khái niệm khác nhau về nền nhân bản.

Nền nhân bản hay chủ nghĩa nhân bản được Wikipedia định nghĩa “như một thế giới quan chuyên chú vào lợi ích, giá trị và phẩm cách của con người, cổ xúy giáo dục nhân văn, tôn trọng giá trị con người. Theo chủ nghĩa nhân văn, bao dung, bất bạo động và tự do lương tâm là những nguyên tắc quan trọng cho sự cộng sinh của nhân loại.”

“Nền nhân bản thế tục (secular humanism) còn gọi là phi thần chủ trương chỉ tập chú vào con người và lợi ích con người trong thế giới hiện tại là tất cả thực tại, loại trừ những giá trị siêu việt. Trong khi chú trọng đến khả năng tự quyết định của loài người, chủ nghĩa nhân văn bác bỏ những biện hộ tiên nghiệm như sự hệ thuộc vào tín ngưỡng, vào cái siêu tự nhiên hoặc những văn bản được xem là thiên khải. Những người chủ trương nhân văn tán đồng việc nhận thức được một đạo đức phổ cập lập cơ sở trên tính công cộng của bản chất loài người. (x. Wikipedia). Nền nhân bản thế tục dễ trở thành thứ tôn giáo thờ phượng con người.

Đức Phaolô VI nhận xét: “Một nền nhân bản đóng kín không chấp nhận những giá trị tinh thần cũng như không chấp nhận những giá trị tinh thần cũng không chấp nhận Thiên Chúa là nguồn gốc những giá trị ấy, thì chỉ là nền nhân bản thành công bề ngoài… loại bỏ Thiên Chúa ra thì rốt cuộc con người chỉ có thể tổ chức để chống lại con người. Một nền nhân bản đóng lại với các giá trị khác là một nền nhân bản phi nhân” (Phát Triển Các Dân Tộc, số 42). Đức Bênêđictô cũng nhận định, “Ngược lại, việc đóng kín dựa theo ý thức hệ đối với Thiên Chúa và chủ thuyết vô thần của sự dửng dưng, quên mất Đấng Sáng Tạo, sẽ gặp nguy hiểm là quên đi những giá trị của con người; ngày nay đó là những ngăn trở lớn  lao cho việc phát triển. Một nền nhân bản loại trừ Thiên Chúa là nền nhân bản phi nhân” (Bác Ái Trong Sự Thật, số 78).

“Nền nhân bản toàn diện bao gồm mọi lĩnh vực của con người như thể xác và tinh thần, cá nhân và tập thể, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới, vì con người là một mầu nhiệm không thể nào khám phá cho cùng…”[15]. Lãnh vực phát triển kinh tế không phải là yếu tố tiên quyết hay ưu tiên trong sự phát triển con người khi so sánh với các lãnh vực khác như văn hóa, tâm lý, chính trị, môi trường và tôn giáo. Ví dụ không thể vì phát triển kinh tế mà người ta phải hy sinh môi trường hay những truyền thống tốt đẹp hoặc quyền con người.

Nền nhân bản đích thực là nền nhân bản  khai mở cho Đấng Tuyệt Đối mới có thể hướng dẫn con người trong  việc thúc đẩy và hiện thực những hình thức sống mang tính xã hội và dân sự – trên bình  diện cơ cấu, tổ chức, văn hóa và đạo đức – đồng thời giúp chúng ta tránh những nguy hiểm trở thành nô lệ cho những trào lưu hiện hành. Bởi “không có Thiên Chúa, con người sẽ không biết mình là ai và sẽ đi về đâu” (Bác ái trong chân lý, số 78).  

Nền nhân bản Kitô đặt con người và xã hội con người vào điểm trung tâm để quy chiếu mọi hoạt động của Giáo hội Công giáo vào đó. Con người được đặt trên phẩm giá của mình biểu lộ qua tương quan với Thiên Chúa và với người khác. Con người từ muôn thuở, được Thiên Chúa yêu thương, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, nghĩa là có tinh thần với tình yêu, tự do và hiệp thông theo kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là tình yêu.

Nền nhân bản này có thể được gọi là nền nhân bản Kitô vì được xây dựng trên Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa tự nguyện trở thành người theo kế hoạch của Thiên Chúa Cha (x. Ga 1,14; 3,16; Dt 4,15). Ngài sống như con người để làm cho mọi giá trị của con người thành cao cả vô biên, vì “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể” (GS, số 22). Đức Kitô không được nhìn nhận như thêm vào cái gì đó cho nhân loại hay chỉ là đấng cứu nhân loại khỏi tội lỗi. Nhưng trong Chúa Giêsu, con người học biết những gì thực sự có nghĩa để trở thành người.

3. Vậy phải chăng nền nhân bản Kitô là nền nhân bản đích thực và toàn diện?

Nền nhân bản Kitô được xây dựng trên sự am hiểu về ơn cứu độ. Ơn cứu độ qua Chúa Kitô được Giáo hội rao giảng chắc chắn thuộc trật tự siêu nhiên, nhưng không có nghĩa trật tự siêu nhiên là thực thể bắt đầu khi thực thể tự nhiên kết thúc, hay nó loại bỏ những gì là tự nhiên, nhưng siêu nhiên nâng bình diện tự nhiên cao hơn. Vì thế khi nói ơn cứu độ thuộc về siêu nhiên thì cũng có nghĩa ơn cứu độ là toàn diện cho con người (x. HTGHXH, số 64). Thiên Chúa cứu độ con người cách toàn diện.

Nền nhân bản Kitô cố gắng để trở thành nền nhân bản toàn diện “để tạo ra một trật tự xã hội, kinh tế và chính trị mới, đặt nền tảng trên phẩm giá và tự do của mỗi con người; trật tự ấy phải được khai sinh trong hòa bình, công lý và liên đới.” (HTXHCG, số 19). Nền nhân bản này trở thành sự thật nếu mỗi cá nhân và cộng đồng sống các đức tính luân lý và xã hội nơi cá nhân và phổ biến trong xã hội. Như vậy người ta cần sự trợ giúp của ơn Chúa để sống như những tạo vật mới.

Đức giáo hoàng Phaolô VI nhắc nhớ rằng con người không đủ khả năng tự tạo sự phát triển, vì con người tự mình không thể thiết lập một chủ thuyết nhân bản đích thực. Nền nhân bản Kitô dựa trên mạc khải của Chúa được xây dựng bởi đức tin vào Chúa Kitô. Đời sống trong Chúa Kitô là yếu tố đầu tiên và chính yếu của phát triển. Phát triển không chỉ giới hạn trong cuộc sống trần thế, sự phát triển con người thực sự phải đưa con người đến hạnh phúc tối hậu là sự sống đời đời trong Chúa. “Tháp nhập vào Chúa Kitô là đấng đã làm cho ta được sống, con người tiến đến một sự phát triển khác, một nền nhân bản siêu việt làm cho con người sống đầy đủ tột độ. Đó là mục đích phát triển con người” (Phát Triển các Dân Tộc, số 16). Cốt lõi của sự phát triển đích thực và toàn vẹn là đức bác ái. Chúa Kitô là tình yêu trong sự thật (logos).

Theo Đức Bênêđictô, “Chỉ trong bác ái được ánh sáng lý trí và đức tin soi sáng, chúng ta mới có thể đạt được những mục tiêu phát triển mang những giá trị nhân văn và nhân hóa” (Bác Ái, số 9). Ý thức về tình yêu bất biến của Thiên Chúa, các Kitô hữu dấn thân tích cực cho sự công bằng và sự phát triển các dân tộc, theo đuổi không mỏi mệt  những trật tự chân chính cho những thực tại nhân sinh, tìm kiếm công ích cho mọi người.

Do đó, công việc phục vụ lớn nhất cho phát triển con người là nền  nhân bản Kitô, nền nhân bản làm sống lại đức bác ái và để cho chân lý hướng dẫn  mình, khi đón nhận người khác như những quà tặng thường xuyên của Thiên Chúa. Do đó, ơn gọi Kitô giáo hướng đến việc phát triển này tác động không những đến bình diện tự nhiên mà còn cả bình diện siêu nhiên; đó là lý do tại sao: “khi đẩy Thiên Chúa vào trong bóng tối, khả năng của chúng ta sẽ chao đảo không còn nhận ra trật tự tự nhiên, mục đích và sự “thiện” [50]. (Bác Ái Trong Sự Thật, số 18).

III. SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA HỘI THÁNH VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

Chúa Kitô cứu chuộc con người trong mọi lĩnh vực kể cả chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa, không những chỉ những cá nhân mà cả các quan hệ xã hội.  Ngài được Chúa Cha sai đến vì con người. Hội Thánh rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh, rao giảng tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô là phục vụ cho con người được phát triển toàn diện và đích thực.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Đức Giêsu Kitô là con đường chính của Giáo hội. Chính Người là đường chúng ta đi về “nhà Cha” và Người cũng là đường cho mọi người. Trên đường đưa từ Đức Kitô đến con người đó, trên con đường Đức Kitô kết hợp với từng người đó.” (Đấng Cứu Chuộc Con Người, số 13). Đức Giáo Hoàng chú ý rằng con người ở đây không phải là “trừu tượng” mà là con người  “hiện thực,” “cụ thể”, “lịch sử” trong tất cả chiều kích. Đây là từng người một, bởi vì mỗi người đã được bao hàm trong mầu nhiệm cứu chuộc, và Đức Giêsu Kitô đã kết hợp với từng người một, mãi mãi, qua mầu nhiệm này.

Con người, chính con người đó, có xu hướng tốt xấu, yếu tố xung khắc chia rẽ trong chính bản thân, là “con đường của Giáo hội, con đường mở ra, một cách nào đó, từ nền tảng mọi con đường Giáo hội phải đi, bởi vì con người – mọi người, không trừ một ai – đã được Đức Kitô cứu chuộc, bởi vì Đức Kitô kết hợp cách nào đó với con người, với từng người một không trừ ai, ngay cả khi họ không ý thức: “Đức Kitô , chết và sống lại cho tất cả, ban cho con người” – cho người nào cũng vậy và cho tất cả mọi người – “ánh sáng và sức lực để họ có thể đáp ứng với ơn kêu gọi cao cả của mình.” (Đấng Cứu Chuộc Con Người, số 14).

Con người đó là con đường đầu tiên và con đường căn bản của Giáo hội, con đường do chính Đức Kitô vạch ra, con đường mãi mãi đi xuyên qua mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu chuộc.” Là thừa tác viên của ơn cứu độ, Giáo Hội không sống trừu tượng hay thuần túy thiêng liêng, mà ở trong bối cảnh của lịch sử và thế giới mà con người đang sống.

Vì con người đó là con đường của Giáo hội, con đường cho cuộc sống và những kinh nghiệm hằng ngày, cho sứ mệnh và lao khổ của Giáo hội, nên Giáo hội  luôn canh tân ý thức về hoàn cảnh con người… nhận ra những gì xem ra trái ngược với cố gắng làm cho “cuộc sống con người luôn nhân bản hơn”, cho xứng với phẩm giá thật của con người về mọi phương diện.

Đức tin thấm nhập vào cả vào đời sống xã hội trong một thế giới thật. Đức tin đòi hỏi Giáo hội và mỗi Kitô hữu trở thành “muối” “men” và “ánh sáng” cho thế gian để làm chứng cho Chúa Kitô. Người Kitô hữu đáp lại mạc khải của Chúa với toàn bộ đời sống của mình – trong tất cả mọi mối liên hệ làm nên đời sống – đến nỗi không bỏ điều gì, không có lãnh vực trần thế hay phàm tục không liên quan hay xa lạ với ơn cứu độ (x. HTGHXH, số 70).

Công đồng Vatican II giải thích về mục đích duy nhất  giáo huấn xã hội của Hội Thánh hay sự dấn thân trong những lãnh vực trần thế và xây dựng thế giới là “làm cho Nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu rỗi….’Giáo Hội là “bí tích phổ quát cứu rỗi’, tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người” (GS, số 45).

Giáo hội can dự vào việc chính trị, cũng không thay thế các chính quyền. Giáo hội chỉ nhằm một mục đích duy nhất là tiếp tục công việc cứu rỗi của Chúa Kitô. Giáo hội được thiết lập để xây dựng ngay từ bây giờ Nước Trời ở trần gian. Ở giữa nhân loại, Giáo Hội muốn thăng tiến con người đạt tới sự phát triển toàn vẹn, đề nghị cái nhìn toàn diện về con người và nhân loại. (x. Phát Triển, số 13). Giáo hội không đưa ra các giải pháp kỹ thuật, vì điều đó nằm ngoài chức năng của Giáo Hội.

Ngày nay Giáo Hội công nhận “nhiệm vụ loan báo Tin Mừng bao hàm và đòi hỏi sự thăng tiến toàn vẹn mỗi con người. Không còn có thể chủ trương rằng tôn giáo phải được hạn chế trong lãnh vực tư riêng và nó chỉ tồn tại để chuẩn bị các linh hồn vào thiên đàng” (Niềm Vui Tin Mừng, số 183). Vì thế Đức Phaolô VI đã nhận định sẽ không thể có việc Phúc Âm hóa trọn vẹn nếu không chú ý đến những liên hệ cụ thể và thường trực hiện hữu giữa Tin Mừng và đời sống cá nhân và xã hội của con người. ” (Tông huấn Loan Báo Tin Mừng cho Thế Giới, số 29). Công cuộc rao giảng Tin Mừng có liên hệ rõ ràng với đòi hỏi của con người trong xã hội, với những đòi hỏi nhân bản – phát triển và giải phóng. Làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô qua các công việc xây dựng công lý, hòa bình và phát triển, là thành phần quan trọng của việc loan báo Tin Mừng, vì Đức Giêsu Kitô đến thế gian để con người sống trọn vẹn. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội và sự cống hiến của các tín hữu cho sự phát triển toàn diện xuất phát từ ước muốn truyền thông các giá trị tốt đẹp của đức tin cho thế giới. Nhân loại là một gia đình mọi người là anh chị em, trái đất là ngôi nhà chung. Hội Thánh quan tâm và đóng góp các đề nghị, xây dựng và mang niềm hy vọng cho thế giới xuất phát từ trái tim mục tử của Đức Kitô để thế giới tốt đẹp hơn (x. Niềm Vui Tin Mừng, số 183).

Đức Phanxicô khẳng định nhiệm vụ xây dựng trần thế của Giáo Hội và mỗi tín hữu:  “Thiên Chúa muốn các con cái Người được hạnh phúc cả ở đời này nữa, mặc dù họ được kêu gọi để hưởng sự viên mãn trong cõi vĩnh cửu, vì Người đã tạo dựng nên mọi sự “cho chúng ta hưởng dùng” (1 Tm 6:17), cho mọi người hưởng dùng. Hệ quả là sự hoán cải của người Kitô hữu đòi hỏi phải duyệt xét lại đặc biệt những lãnh vực và những khía cạnh của đời sống ‘liên quan đến trật tự xã hội và việc theo đuổi lợi ích chung”’ (Niềm Vui Tin Mừng, số 183).

IV. XÂY DỰNG VÀ CỔ VÕ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

Giờ đây chúng ta nói đến: làm thế nào để xây dựng cổ võ sự phát triển con người toàn diện. Có nhiều yếu tố để xây dựng một sự phát triển con người toàn diện, nhưng chúng ta chỉ đề cập những yếu tố thiết yếu:

1. Đổi mới cách thức thực hành đức tin

Trước đây chúng ta thường nghĩ, thực hành đức tin (giữ đạo) là đến nhà thờ cử hành bí tích và giữ 10 điều răn một cách cá nhân, giữa tôi với Chúa. Truyền giáo là rao giảng phúc âm, nói về Chúa Giêsu, dạy giáo lý, đưa người ta đến bí tích rửa tội. Chúng ta hát bài Đức Mẹ “Dương gian này là chốn lưu đày, đoàn con như khách lữ hành.” Chốn lưu đày nên ít ai xây dựng hay tình nguyện xây dựng thế giới. Nên có thể đưa người tín hữu đến buông xuôi, thờ ơ với những vấn đề xã hội, đến đời sống của những người khác. Nhưng ngày nay từ sau CĐ Vatican II, Giáo Hội nhấn mạnh về  việc mang men Tin mừng làm biến đổi các quan hệ xã hội, cấu trúc xã hội. Giáo hội không chỉ chăm sóc phần hồn cho dân chúng mà phải góp phần thăng tiến đời sống con người về mọi mặt, không chỉ về kinh tế thoát khỏi nghèo đói. Vì thế các ĐGH đã ra những thông điệp về xã hội: phát triển, công lý hòa bình, các vấn đề xã hội, lao động, môi trường, bác ái trong sự thật, tình huynh đệ trên thế giới, và nhiều văn kiện liên quan đến đời sống xã hội. Giáo hội nhận định rằng: khi tham gia phát triển đời sống con người thì chúng ta đang truyền giáo vì Chúa Kitô cứu chuộc con người cách toàn diện.

Vì thế chúng ta phải thay đổi cách thức thực hành đức tin, thay vì đóng kín, mang chiều kích cá nhân, riêng tư mà phải gieo trồng những giá trị Tin mừng vào môi trường chúng ta đang sống. Tổ chức Caritas mà chúng ta đang có trong hầu hết các giáo xứ giúp chúng ta đóng góp xây dựng sự phát triển con người, nhưng không chỉ về lĩnh vực kinh tế, chúng ta phải quan tâm đến sự sống, quyền con người, giáo dục..

2. Tôn trọng thăng tiến sự sống và phẩm giá con người

Sự sống là thiện ích cơ bản của mỗi người. Sự sống con người là thánh thiêng đến từ Thiên Chúa. Sự sống con người cần phải được tôn trọng và bảo về từ lúc thụ thai cho đến chết tự nhiên. Sự sống con người là một quyền cơ bản bất khả nhượng. Ngày nay quyền sống con người bị tấn công mạnh mẽ bởi nạn phá thai và làm cho chết êm dịu.

ĐGH Phanxicô viết: “Trong số những thành phần dễ tổn thương mà Hội Thánh muốn chăm sóc bằng tình thương và quan tâm đặc biệt là những thai nhi, những đứa trẻ vô phương tự vệ và vô tội nhất trong chúng ta….Nó bao hàm niềm tin rằng một con người luôn luôn là thánh thiêng và bất khả xâm phạm, trong mọi hoàn cảnh và mọi giai đoạn phát triển của nó. Con người tự nó là mục đích chứ không bao giờ là phương tiện để giải quyết các vấn đề khác” (Niềm Vui Tin Mừng, số 213).  

Việc mở ra với sự sống nằm ở trung tâm việc phát triển đích thực. Tôn trọng cổ võ sự sống còn đòi hỏi thăng tiến sự sống, các điều kiện sống, giúp đỡ những bà mẹ mang thai đang gặp khó khăn, giúp đỡ những người bần cùng đang sống trong hoàn cảnh thiếu những nhu cầu cơ bản của con người.

Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa Con người có một giá trị duy nhất nên có một phẩm giá cao vời. Sự phát triển con người đòi hỏi các quyền con người được tôn trọng đặc biệt là tự do, công lý và quyền tự do tôn giáo. Thực hành đức tin không phải chỉ những công việc cá nhân mà cần mang đức tin ảnh hưởng đến người khác tiến đến cuộc sống phát triển nhân bản hơn. Chúng ta cần cổ võ làm mọi người ý thức tôn trọng quyền sống các thai nhi, sống với phẩm giá con người, và tôn trọng phẩm giá người khác trong các quan hệ.

3. Thăng tiến kinh tế, những nhu cầu vật chất và giáo dục

Khi thăm viếng những khu nhà ổ chuột ở Manila, thánh Giáo Hoàng JP. II đã nói: Những hoàn cảnh sống quá nghèo nàn giam hãm con người trong những điều kiện phi nhân là sự dữ và bất công, dù rằng những người nghèo đó gần hơn với Thiên Chúa và Nước Trời. Không ai được phép đầy đưa một người hay gia đình họ đến cảnh sống quá nghèo khổ không xứng hợp với con người. Người nghèo ngày nay được Giáo hội nhìn nhận trong các giáo huấn xã hội không chỉ là nghèo về kinh tế, nhưng nghèo vì bị bóc lột, tước mất phẩm giá và quyền con người, người thất học, người lao động phải làm việc trong những điều kiện phi nhân, người già cô đơn, người tỵ nạn và di dân. Đức Phanxicô gọi những phụ nữ đang sống trong những hoàn cảnh bị bạo hành, phân biệt, đối xử tệ hại là những người nghèo gấp đôi (X. Niềm Vui Tin Mừng, số 212).

Công bằng phải hiện diện trong mọi giai đoạn phát triển kinh tế. Nếu chỉ chú trọng về phát triển kinh tế thì chưa đủ.  Để xây dựng một sự phát triển toàn diện chúng ta cần thiết phải giúp người nghèo thăng tiến văn hóa và những điều kiện sống cho xứng hợp với nhân phẩm. Hơn bao giờ hết chúng ta ước mong Giáo hội được góp phần trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và các lãnh vực khác để thăng tiến công ích.

4. Ý thức chiều kích xã hội của tội và thăng tiến tình liên đới

Giáo huấn xã hội của GH ngày nay dùng cụm từ “tội xã hội” để nhấn mạnh đến chiều kích xã hội của hậu quả tội lỗi. Tội luôn là một hành vi các nhân, vì liên quan đến tự do cá nhân của chủ thể. Một người phải chịu trách nhiệm luân lý của hành vi tội lỗi vì sự tự do của mình. Tội có ảnh hưởng nơi chính tội nhân vê quan hệ với Chúa và với tha nhân. Khi nói về “tội xã hội” có nghĩa là ảnh hưởng của tội cá nhân trên người khác.  Chúng ta có thể gọi là “hiệp thông trong tội” mỗi tội đều mang hậu quả tai hại đến cả Hội thánh và nhân loại (Gioan Phaolô II, Hòa Giải và Sám Hối, số 16). Tội xã hội cũng có nghĩa thứ hai là tội đó trực tiếp gây tổn hại đến người khác thể chất hay tinh thần, ví dụ, tội phá thai, bất công, gian tham. Nghĩa thứ ba của tội xã hội là những quan hệ rối loạn giữa những cộng đồng không sống theo công bằng, hòa bình và tự do, hay còn gọi là sự dữ xã hội, như tranh chấp giữa những nhóm này với nhóm kia vì các quyền lợi không công bằng.

Thánh GH Gioan Phaolô II đề cập đến “cấu trúc xã hội tội lỗi” xuất phát từ quyết định luân lý và hành động của những cá nhân, những người can thiệp để ngăn cản hay làm chậm lại tiến trình phát triển con người.

Cấu trúc xã hội tội lỗi cắm rễ trong những tội của các cá nhân những người tạo ra những cấu trúc, đưa người ta vào và làm cho người ta khó thoát ra khỏi những chuỗi hay hệ thống xã hội tội lỗi đó. Vì thế cấu trúc xã hội tội lỗi trở thành nguyên do tội lỗi và ảnh hưởng đến người khác.

Vì thế sự hoán cải tội lỗi không chỉ là hoán cải cá nhân mà còn mang tính chất xã hội. Hoán cải không chỉ là sự thay đổi tâm hồn và thái độ bên trong con người nhưng còn chịu trách nhiệm  cải thiện xã hội bằng liên đới để và đưa đến sự phát triển con người toàn diện, phát triển mỗi cá nhân và của mọi người.

Không có bác ái và liên đới thì không có sự phát triển toàn diện và thay đổi xã hội. Mục đích của liên đới là sự phát triển con người toàn diện. Sự phát triển toàn diện phải mang sự thiện ích đến cho con người toàn vẹn và cho mọi người.

Liên đới là một nhân đức, xuất phát từ nhân đức  mến (bác ái); hay có thể nói liên đới là một chiều kích của bác ái. Liên đới là sự sẵn sàng làm hơn bổn phận của mình để trợ giúp người khác, người không thể đóng góp phần trách nhiệm của họ cho công ích, trong tinh thần cùng hợp tác để xây dựng thiện ích chung.

Liên đới giúp Kitô hữu tôn trọng, tin tưởng, cùng công tác và giúp đỡ người khác, yêu thương người khác như những con người hơn là sử dụng họ vì chúng ta tin rằng Chúa mời gọi mọi người được chia sẻ như nhau bàn tiệc sự sống. Liên đới không phải là sự ban ơn hay làm cho người nghèo phải thụ động, nhưng đồng hành giúp họ phát huy khả năng của họ để chu toàn bổn phận phát triển chính mình và xây dựng công ích.

Liên đới giữa các Kitô hữu xuất phát từ sự thông hiệp Hội Thánh, thân thể mầu nhiệm Chúa. Chúng ta theo gương Chúa Giêsu đã liên đới với nhân loại và đặc biệt với người nghèo. Liên đới với những người ngoài Kitô giáo dựa trên nền tảng ý muốn cứu độ của Chúa cho hết mọi người và Chúa Thánh Thần hoạt động trong mọi tâm hồn con người. “Mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa cho việc giải phóng và thăng tiến người nghèo, và giúp họ là thành viên đầy đủ của xã hội. Việc này đòi chúng ta phải mở lòng và chăm chú lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và đến cứu giúp họ “ (Niềm Vui Tin Mừng, số 187).  

5. Ưu tiên phục vụ người nghèo

Chúa Giêsu dạy: “Các con luôn có người nghèo bên mình” (Mt 16:21). Khi Thánh Phaolô lên Giêrusalem gặp các tông đồ tại để xác định rõ liệu ngài đang “ngược xuôi hay đã ngược xuôi vô ích” (Gl 2:2), thì tiêu chí các ngài nêu ra để đánh giá tính xác thực là ngài không được bỏ quên người nghèo (xem Gl 2:10). Nguyên tắc quan trọng này—nghĩa là các cộng đoàn của Phaolô không được rơi vào lối sống vị kỷ của người ngoại giáo. Theo Đức Phanxicô, điều này vẫn mang tính thời sự hôm nay cho chúng ta (Niềm Vui Tin Mừng, số 195). Khuynh hướng tiêu thụ và hưởng lợi dễ làm lòng chúng ta ra chai đá khó dấn thân trong liên đối với người khác.

Đức Giáo Hoàng JP II đã khẳng định: “Ưu tiên chọn lựa người nghèo là chọn lựa Kitô.” Đây không phải là thuộc phạm trù triết học, chính trị hay xã hội học, nhưng đây là sự lựa chọn của Thiên Chúa và Chúa Kitô.

Trong trái tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho người nghèo, vì chính Thiên Chúa “đã trở nên nghèo khó” (2 Cr 8:9). Toàn thể lịch sử cứu độ được đánh dấu bởi sự hiện diện của người nghèo. Vì thế, Giáo Hội dấn thân phục vụ và liên đới, đứng về phía người nghèo. Sự lựa chọn này được xây dựng trên nền tảng, mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa. Khi một người bị bóc lột, đàn áp hay bị cướp mất quyền sống hay những nhu cầu căn bản của con người, thì hình ảnh Thiên Chúa bị xúc phạm. Mỗi người đều có quyền được sống phù hợp với nhân phẩm. Nhưng sự chọn lựa ưu tiên cho người nghèo không có nghĩa Giáo Hội thiên vị và chỉ phục vụ ưu tiên một nhóm mà loại trừ nhóm khác. Giáo Hội không cổ võ đấu tranh giai cấp, phân biệt, thành kiến mà chi tỏ sự phục vụ yêu thương đặc biệt cho những người có nhu cầu nhất.

6. Chu toàn phát triển mỗi người toàn vẹn trong Chúa Kitô

Giáo Hội và mỗi Kitô hữu chúng ta không phải là thuần tuý những nhà hoạt động xã hội. Sự phát triển toàn diện mỗi người là bổn phận của mỗi Kitô hữu trước tiên trong tương quan với sự phát triển của mọi người.

Mỗi người sẽ phát triển toàn vẹn linh hồn và thân xác nếu có chỗ trung tâm cho Chúa hiện diện trong mình và ngài nói với mình. Thiên Chúa mạc khải chính mình cách đầy đủ nơi Chúa Kitô, trong ngài con người và Thiên Chúa kết hợp bền chặt. Ngôi Lời nhập thể  để làm cho cuộc sống con người, trong cả chiều kích cá nhân và xã hội, thành một con đường cụ thể chắc chắn đến ơn cứu độ.

Chúa Kitô là con người hoàn hảo và chỉ trong Người và qua Người chúng ta mới đến được hạnh phúc tối hậu là Thiên Chúa. Sự mạc khải của Thiên Chúa trong Chúa Kitô (bao gồm ơn tha thứ, hoà giải, chữa lành) chỉ ra cách thức và con đường chúng ta có thể cống hiến và phục vụ xã hội, đưa người khác đến sự phát triển toàn diện, một sự phát triển không đo lường bởi con người mà  bởi Thiên Chúa đấng yêu thương và muốn hết mọi người hạnh phúc trong ngài.

KẾT LUẬN

Sự phát triển con người toàn diện  được xây dựng trên nền nhân bản Kitô là bổn phận của mỗi người và của xã hội. “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5:18). Là Kitô hữu chúng ta ý thức về chiều kích xã hội của đức tin, của tội lỗi và ân sủng. Canh tân đức tin là thăng tiến sự phát triển toàn diện con người đó là đón nhận Tin mừng của Chúa Kitô, đấng đến để cho thế gian được sống dồi dào, đồng thời phát triển con người cũng là yếu tố quan trọng của việc loan báo Tin Mừng cho người khác. Giáo huấn về sự phát triển toàn diện của Hội Thánh mở ra cho chúng ta cái nhìn rộng hơn, nhập thể hơn và sâu sắc hơn về cách thực hành đức tin về các tương quan của chúng ta với người khác và môi trường xã hội để chúng ta trở nên những ngọn đèn đặt trên đế cao soi sáng cho mọi người, trong một viễn tượng để giấc mơ của Chúa người nghèo Lazarô được cùng bàn tiệc sự sống với những người giàu có.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org



Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com

× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.