Mẹ Maria
Đức Maria Trong Tân Ước II
26/03/2023 - 31
ĐỨC MARIA TRONG TÂN ƯỚC II
Các bạn thân mến,
Do đó, ta không lấy làm ngạc nhiên với cách trình bày về Đức Maria của Thánh Mác-cô ! Chưa kể chính lối trình thuật quá ngắn lại tối nghĩa của thánh nhân đã khiến không ít người vội vã cho rằng Đức Giêsu xem thường hoặc giảm nhẹ vai trò của Mẹ Maria. Thí dụ, ở chương 3, thánh sử viết : “Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! " Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? " Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi." (Mc 3: 31-35). (Xin giải thích thêm chúng ta cũng nên biết Giáo Hội bị bách hại liên tục mãi cho đến năm 313. Và trong các hang toại đạo nơi các Kitô hữu lẫn trốn, sự khẩn cầu Đức Maria đã được minh chứng bằng các hình vẽ độc đáo về Mẹ, vẫn còn được lưu giữ cho tới ngày nay). Để giải thích biến cố này, Thánh Gio-an Henry-Newman (1801-1890) là linh mục Anh giáo và là một học giả lỗi lạc. Ngài trở lại Công Giáo và chịu chức linh mục năm 1847, được phong tước Hồng y năm 1879 bởi Đức Giáo Hoàng Piô XIII. Ngài được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tôn phong chân phước ngày 19-09-2010, tại Birmingham, Anh quốc và được Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô phong hiển thánh ngày 13-10-2019 tại Rôma. Ngài có lòng yêu mến Đức Mẹ đặc biệt, nêu lên hai lý do:
Thứ nhất, qua nhiều thế kỷ, các thiếu nữ Ít-ra-en luôn ao ước mình sẽ sinh Đấng Cứu Thế cho dân tộc, và hoàn toàn không biết gì về ý nghĩa thánh thiêng, cao cả của biến cố trọng đại có một không hai này. Bởi vậy, họ chỉ ao ước lập gia đình; và như thế, đám cưới được xem như một vinh dự đặc biệt đối với họ. Dĩ nhiên, vào thời kỳ này, người Do Thái chưa hiểu được rằng hôn nhân là một lệnh truyền của Thiên Chúa, và việc Đức Kitô nâng sự kết hợp vợ chồng lên hàng bí tích (một sự kết hợp thánh thiện, bền chặt) là biểu tượng cho sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Những gì họ có thể nghĩ ra được, đó là mối liên kết giữa tôn giáo với niềm vui của thế giới này, chứ chưa hiểu ra rằng phải từ bỏ thế giới này để có được thế giới đích thực mai sau.
Họ không hiểu rằng sự khó nghèo tốt hơn sự giàu có, không tiếng tăm hơn là nổi danh, chay tịnh và tiết chế hơn hẳn tiệc tùng, và trinh khiết thì tốt hơn lập gia đình. Bởi vậy, khi người phụ nữ trong đám đông lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! " thì Đức Giêsu đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Luca chương 11 câu 27-28). Người dạy cho người phụ nữ này, và cho tất cả những kẻ nghe Người dạy linh hồn thì quý hơn thân xác, và việc kết hiệp với Người trong tinh thần thì tốt hơn là kết hiệp với Người trong xác thịt. Khi tuyên bố như vậy, Chúa Cứu Thế không hề dễ duôi, nhưng trái lại đang đề cao chính Mẹ của mình ; bởi vì, trên thế gian này, từ xưa đến nay, có ai vâng lời Thiên Chúa và thi hành thánh ý của Người cách triệt để cho bằng Mẹ Maria chí thánh đâu?!
Thứ hai, trong ba mươi năm đầu tiên, Đấng Cứu Thế sống dưới cùng một mái nhà với Mẹ. Sau khi từ Giêrusalem trở về Na-gia-rét, lúc mười hai tuổi, cùng với Đức Maria và thánh Giuse, Người luôn vâng phục các ngài. Tuy nhiên, sự phục tùng đó – một sự phục tùng thường thấy trong cuộc sống gia đình - đã không kéo dài mãi. Người đã từng nói và hành động khác thường, như có lần nhấn mạnh với ông bà rằng Người còn những nhiệm vụ khác nữa phải chu toàn. Khi tìm lại Người trong đền thờ, hai ông bà ngạc nhiên khi thấy Người ngồi giữa các tiến sĩ, khi nghe Người trả lời: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? "(Luca chương 2 câu 49). Đây là những lời dự báo cho việc Người sẽ thi hành sứ vụ, sẽ rời khỏi nhà của ông bà. Trong ba mươi năm thực hiện bổn phận của mình đối với gia đình, cha mẹ, Người vẫn luôn liên tưởng đến công việc của Cha Người, Người nôn nóng mong chờ thời điểm ấy. (chú thích: Theo Đấng Đáng Kính Fulton Sheen, vào thời ấy, một người muốn giảng dạy hay truyền bá một ý tưởng hay một giáo thuyết riêng biệt nào đó, phải đủ ba mươi tuổi.) Rồi khi thời điểm thi hành sứ vụ đến, Người đã rời bỏ gia đình, rời bỏ cả người Mẹ rất mực thương yêu mình.
Các bạn thân mến,
Trong Cựu Ước, các thầy tư tế Lê-vi được dân Do Thái ca ngợi vì họ lìa bỏ gia đình cha mẹ khi thi hành nhiệm vụ của mình, đến nỗi họ tuyên bố “không biết” cha mẹ, anh em, và cả con cái mình (Sách Đệ Nhị Luật viết: “Nó là người đã nói về cha mẹ nó: "Tôi không nhìn thấy họ", anh em nó, nó không nhìn nhận, con cái nó, nó không biết. Chi tộc Lê-vi đã tuân thủ lời Ngài và đã giữ giao ước của Ngài” (Đệ Nhị Luật chương 33 câu 9). Nếu như các “linh mục” bình thường mà còn thi hành những điều lề luật qui định như thế, huống chi vị Linh Mục Tối Cao của Tân Ước, Đấng đã vẽ ra mô hình những nhân đức để các thầy tư tế Lê-vi noi theo mà được tưởng thưởng. Chính Người đã phán :“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mát thêu chương 10 câu 37), và Người cũng bảo chúng ta rằng: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mát thêu chương 19 câu 29). Những lời dạy này đã trở thành hiện thực, và Đấng Ban Giáo Huấn đã làm gương cho chúng ta. Khi bảo các môn đệ hãy từ bỏ tất cả những gì mình có vì lợi ích Nước Trời, thì chính bản thân, Người cũng làm tất cả những gì có thể (từ bỏ mái ấm gia đình và cả Mẹ) để ra đi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Do đó, ngay từ lúc bắt đầu sứ vụ của mình, Đức Giêsu đã “chối bỏ” mẹ mình, trở thành xa lạ với Bà. Khi thực hiện phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana, Người đã tỏ lộ điều đó. Đức Giêsu làm phép lạ đầu tiên do sự gợi ý mang tính nài xin của Mẹ Người, nhưng Người cũng đồng thời tuyên bố là Người đang bắt đầu tách rời khỏi Bà :“Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Và một lần nữa “Giờ của tôi chưa đến” (Gio-an chương 2 câu 4). Hẳn là lúc đó, trong tâm tư, Đấng Cứu Thế như thưa với Mẹ : “ Khi giờ đó đến, Con sẽ lại thừa nhận Mẹ, Mẹ ơi ! Lúc bấy giờ Mẹ sẽ được đầy quyền uy, với Con, Mẹ muốn gì, cầu bầu cho ai cũng được, con sẽ làm bất cứ điều gì Mẹ yêu cầu, nhưng bây giờ Con phải tách rời Mẹ, Con phải xa lạ với Mẹ, Con phải như quên Mẹ!”.
Từ dạo đó, chúng ta không hề nghe nhắc đến lần gặp gỡ nào nữa giữa hai mẹ con, mãi đến khi Người gặp lại Bà đứng dưới chân thập giá. Trong Tin Mừng, còn có câu chuyện bạn bè Người đi tìm để đem Người về. Hồi đó, Mẹ Maria đã không chịu ở nhà, mà cùng đi với họ. Khi nhận được tin có mẹ và anh em đang tìm cách nói chuyện với mình, thay vì bước ra gặp và nói chuyện, Người trả lời một cách nghiêm nghị rằng :“Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi?...” (Mát-thêu chương 12 câu 46-50). Qua cung cách xử sự đó, Đức Giêsu cho thấy Người đã từ bỏ tất cả để thi hành sứ vụ mà Chúa Cha trao phó. Chỉ vì lợi ích của chúng ta, Người đã được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ, và cũng vì lợi ích của chúng ta, Người đã lìa bỏ Đức Trinh Nữ Mẹ Người, để có thể làm công việc của Cha và tôn vinh Cha.
Mời nghe tiếp bài III.
Nguồn: Dòng Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình - dongnuvuonghoabinh.org