“NGƯỜI MẸ ĐỒNG TRINH” – “NGƯỜI NỮ SINH CON” phần 2
Các bạn thân mến,
Khi nghiên cứu kỹ Cựu Ước, ta nghiệm thấy có rất nhiều chỗ ám chỉ đến Đức Ma-ri-a Diễm Phúc. Có nhiều học giả nêu lên những đoạn, những luận cứ khác nhau nói về Đức Mẹ. Tuy nhiên bên cạnh sấm ngôn I-sai-a 7:14 thiết tưởng cũng phải nói đến sấm ngôn của ngôn sứ cùng thời với I-sai-a, cùng tại đất nước Giu-đa, đó là ngôn sứ Mi-kha (khoảng 750-660 trước Công nguyên). Lời tiên báo của Mi-kha hết sức cụ thể, đã được ứng nghiệm hoàn toàn, một cách rõ ràng, chính xác, và cũng được các tác giả Tin Mừng trích dẫn:
“Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa. Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời một phụ nữ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Ít-ra-en.” (Mi-kha chương 5 câu 1 và 2)
Khi ba nhà đạo sĩ ở phương Đông đến tiến vào Giê-ru-sa-lem, ngôi sao dẫn đường vụt tắt sau cuộc hành trình xa xôi, đầy mạo hiểm. Tuy vậy các ngài đã khôn ngoan khi tìm đến các chức sắc địa phương để dò tìm địa chỉ nơi Đấng Thiên Sai mà mọi người đang mong chờ, sinh ra. Vua Hê-rô-đê “Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: "Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời." (Mat-thêu chương 2 câu 4 đến câu 6)
Tưởng cũng nên nhắc lại, biến cố các nhà đạo sĩ đi tìm “Đấng chăn dắt Ít-ra-en” đã khiến vua Hê-rô-đê vừa hoảng sợ lo ngại mình có thể mất vương quyền trị vì thiên hạ, vừa giận dữ vì các nhà đạo sĩ đã xem thường mình nên lánh qua đường khác mà về. Có lẽ Hê-rô-đê nghĩ rằng các nhà đạo sĩ đã gặp được “Đấng chăn dắt Ít-ra-en”, thật sự, nên trở về nước mà không thèm báo cho ông, dù nhà vua đã căn dặn. Chính vì vậy mà Hê-rô-đê giận dữ cuồng điên, không ngần ngại giết chết những trẻ thơ vô tội và gây tang tóc, thương đau cho không biết bao nhiêu gia đình ở Bê-lem, khi “sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống,” (Mat-thêu chương 2 câu 16).
Trong Tin Mừng của thánh Gio-an, chúng ta đọc thấy điều tương tự, khi người Do thái tranh luận về nguồn gốc của Đấng Ki-tô: "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?" (Gio-an chương 7 câu 41 và 42)
Cả hai Thánh sử đều trích dẫn chính xác sấm ngôn của Mi-kha. Cả hai đều diễn tả chuẩn xác về Đấng Thiên Sai và Mẹ Ma-ri-a. Ý tưởng ẩn dấu trong sấm ngôn Mi-kha tiên báo về Mẹ của Đấng Thiên Sai “sinh con” và cho biết cách hết sức chính xác về nơi chốn Người sẽ sinh ra: tại “Bê-lem ở Giu-đa”.
Ngôn sứ Mi-kha cùng thời với ngôn sứ I-sai-a, dưới triều đại Giô-tham, A-khát và Hê-giê-Ki-an các vua của Giu-đa (Ki-kha chương 1 câu 1). Ngài hoạt động phần lớn thời gian ở ngoại ô và các vùng nông thôn, trong khi đó ngôn sứ I-sai-a hoạt động tại các vùng thành thị. Hoạt động ngôn sứ của ngài bắt đầu muộn hơn và chấm dứt sớm hơn I-sai-a. Theo các nhà chú giải thì tại Giê-ru-sa-lem ngôn sứ Mi-kha lên án lối sống hư hỏng trong thành phố, cảnh cáo cái xã hội vô trật tự với văn hóa sai lạc. Tình trạng này trong vương quốc Giu-đa càng lúc càng tệ hại, trước khi nó bị đế quốc Át-si-ri-a hủy hoại. Một thảm họa không thể tránh khỏi: dân chúng bị lưu đày sang Ba-bi-lon. Vào thời điểm đen tối, khủng khiếp này, ngôn sứ Mi-kha đã báo trước một vầng hy vọng về “Người Nữ sinh con”. Bà sẽ cưu mang Đấng Giải Thoát mà mọi người hằng mong đợi, sẽ quy tụ trở lại con cái của Ít-ra-en, và Ít-ra-en sẽ mãi mãi là một dân tộc.
Các bạn thân mến,
Như vậy, trong ánh sáng của sấm ngôn - tỏ lộ sự hoàn tất mỹ mãn, thì nhân vật người mẹ hiện diện một mình với con. Sấm ngôn không hề đề cập đến người cha, nghĩa là “người con” sẽ không có người cha trần thế khi sinh vào thế gian. Điều đặc biệt trong cả ba lời tiên báo ở Cựu Ước (Sáng thế 3:15; I-sai-a 7:14; và Mi-kha 5:1-2), người mẹ luôn luôn là một trinh nữ. Sự trinh khiết của người mẹ được nêu bật trong biến cố Truyền Tin, khi bắt đầu cưu mang Đấng Thiên Sai. Sự trinh khiết này là một dấu hiệu, và có thể được xem như một bằng chứng về Đấng Thiên Sai. Người thật sự là một tạo vật mới, một con người mới, là sự khởi đầu cho thời Cứu độ.
Trên cái nền của ba lời tiên báo quan trọng trên đây về Đấng Thiên Sai và Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, khi chiêm ngắm nhân vật Ma-ri-a, Mẹ của Đấng Thiên Sai Giải Thoát, hẳn chúng ta sẽ có cùng cảm nghiệm với Thánh Giáo Hoàng Gio-an – Phao-lô II , trong ngày lễ Sinh Nhật Đức Ma-ri-a:
“Chính hài nhi bé nhỏ và mỏng manh mà “Người Nữ” được đề cập trong lời tuyên bố đầu tiên của chương trình cứu chuộc tương lai, là Đấng mà Thiên Chúa dùng để đạp đầu con rắn “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (Sáng thế chương 3 câu 15)
Chính hài nhi này mà người “Mẹ” tại Bê-lem sẽ sinh ra “một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.” (Mi-kha chương 5 câu 1)
Tóm lại “Người Mẹ Đồng Trinh” - Người Nữ Sinh Con” là nhân vật lịch sử, có thật trong thế giới này, dù nhiều người “vô tư” khi nghe đến thấy buồn cười cho rằng đó là chuyện huyền thoại. Có điều chúng ta có thể suy nghĩ tại sao ngày xưa các nền văn minh cổ đại như Ai cập, Hy lạp v.v… đều tin và thờ nữ thần, cũng như đặt tên cho nữ thần đó. Độc đáo hơn nữa thiên tài Py-ta-go một triết gia, nhà toán học, nhà thiên văn học, nhà lý thuyết âm nhạc lại tin rằng có một nữ thần, một nữ thần tam hợp, gồm ba yếu tố “Người Mẹ, Trinh Nữ và Nữ Vương”. Lạ lùng không các bạn, niềm tin vào nữ nhân vật xem ra huyền thoại này lại ứng hợp chính xác vào Đức Ma-ri-a. Chỉ có Bà là nhân vật lịch sử duy nhất hội đủ ba yếu tố dường như có vẻ huyền thoại này.
Các bạn thân mến,
Xin mở ngoặc để nói về vai trò Người Mẹ Đồng Trinh của Bà. Thánh Giáo phụ Âu-gút-tin-nô giải thích rằng: Chính niềm tin của Mẹ đã làm cho Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Cứu Thế: “Bà Maria đã diễm phúc vì nhận được niềm tin của Chúa Ki-tô, hơn là vì Bà cưu mang xương thịt của Chúa Ki-tô” (Điều 506 sách Giáo Lý Giáo hội Công Giáo).
Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con yêu thương nhau bằng một tình yêu kỳ diệu, mạnh đến nỗi tình yêu đó đã biến thành một ngôi vị là ngôi ba Thiên Chúa (tức Chúa Thánh Linh, giáo hội La-tinh tuyên xưng rằng Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Ngài nhiệm xuất “bằng tác động của ý muốn”, “theo cung cách của tình yêu”). Theo tôi, vì niềm tin dữ dội, niềm tin thần thánh, vượt ra khỏi trí tưởng nhân loại của Mẹ Ma-ri-a, nên Thiên Chúa đã biến Mẹ thành Từ Mẫu Đồng Trinh (Mẹ thể xác của Chúa Giê-su và Mẹ tinh thần của nhân loại), và là nữ vương trên trời dưới đất (tôi không muốn nói điều ai cũng biết, Mẹ của Vua dĩ nhiên là Hoàng thái hậu, là Nữ hoàng). Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài đã tạo ra chúng ta giống hình ảnh và họa ảnh của Ngài, đó là về hình thức. Dĩ nhiên, tác giả của một tác phẩm nào, đều luôn luôn muốn gởi gắm, thông chuyển điều gì đó trong tác phẩm của mình. Thiên Chúa đã gởi gắm hình ảnh của Ngài nơi con người, về hình thức, còn nội dung: thì gần hai ngàn năm sau, khoa Tâm Lý trị liệu mới khám phá và xác nhận: Đức Ma-ri-a là nguyên mẫu, là âm lực thần linh (Âm lực thần linh tức Nữ tính thiêng liêng là khía cạnh nữ của sức mạnh thần thánh kết nối và gắn kết Trái đất với nhau. Nói cách khác, đó là năng lượng nữ thần chi phối, định hình suy tưởng cũng như hành vi, và tồn tại trong tất cả chúng ta. Nhiều nền văn hóa, văn minh cổ đại cổ súy và tôn thờ Âm lực thần linh. Người Ai Cập có Isis, người Hy Lạp có Aphrodite, và người Hindu có Shakti); trong mỗi người đều có “nguyên mẫu đức tin”. Thiên Chúa đã chuẩn bị quá chu đáo cho thọ tạo, Ngài đã tạo sẵn nguyên mẫu trong vô thức của từng người một cách huyền nhiệm. Nghĩa là bên ngoài thì con người mang hình dáng của Ngài, còn bên trong thì mang niềm tin mạnh mẽ tuyệt vời của Mẹ Ngài, một năng lực Ma-ri-a kỳ diệu, và năng lực thần linh này chỉ hoạt động đúng mức nếu được kích hoạt bởi bí tích rửa tội.
Mời nghe tiếp bài IX
Nguồn: Dòng Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình - dongnuvuonghoabinh.org