Một người bình thường khi nghe nói có phụ nữ nào đó sinh con mà vẫn còn đồng trinh, hẳn sẽ buồn cười vì trên thế gian này làm gì có chuyện lạ đời như thế. Vậy mà điều này đã là sự thật, đã xảy ra trong lịch sử nhân loại. Nó không bất ngờ xảy ra nhưng đã được tiên báo bảy, tám trăm năm trước. Điều này, dĩ nhiên, vượt ra ngoài sức tưởng tượng, khả năng suy đoán của con người. Có điều lạ lùng là vào thời kỳ đó, có nhiều hệ phái, dị giáo, tuy chống lại một số giáo huấn của Chúa Giê-su, nhưng không có hệ phái, dị giáo nào chối bỏ việc Người được sinh ra bởi một trinh nữ. Lẽ ra, đây phải là vấn đề đầu tiên bị tấn công, nhưng lạ lùng thay, mọi người dường như chấp nhận điều đó, dù có đức tin hay không!
Trở lại với việc người nữ sinh con đồng trinh, thì ngôn sứ Isaia đã từng tiên báo: Một lần nữa ĐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng: "Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh." Vua A-khát trả lời: "Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA." Ông I-sai-a bèn nói: "Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.” (Is chương 7 câu 10 đến 14).
Để hiểu được lời tiên báo của Isaia, thiết tưởng ta phải biết một số điều kiện thiết yếu để hiểu đúng nội dung và ý tưởng của Thánh Kinh - bộ sách mà khi mới đọc qua xem ra dễ hiểu, nhưng lần hồi mới thấy nó chất chứa vô số vấn đề phức tạp. Quả vậy, khi tiếp xúc lần đầu bộ Thánh Kinh, sự thường, ta cứ tưởng là nó đơn sơ, là sự nối kết từ những câu chuyện riêng lẻ, chứ không là từng phần, từng đoạn của một tổng thể gắn kết chặt chẽ với nhau. Theo Công đồng Vaticanô II, vì Thánh Kinh là một thể thống nhất, nên người đọc phải có một cái nhìn xuyên suốt: phải xem xét cách kỹ lưỡng đến nội dung và tinh thần duy nhất của toàn bộ Sách Thánh, và phương cách loại suy trong lãnh vực đức tin. Điều đó giả thiết một kiến thức tổng quát về Kinh Thánh và một thái độ nghiên cứu, tìm tòi cẩn trọng khi diễn giải Lời Chúa. Thêm váo đó, muốn hiểu được và hiểu đúng Thánh Kinh, cần phải có sự hướng dẫn của Huấn quyền -tức Giáo Hội, chứ ta không nên tùy tiện diễn giải.
Theo lịch sử thì bối cảnh lời tiên báo của Isaia là thời vua A-khát (vua Giu-đa ở phía Nam vào những năm 735-715). Số là vua của Syria (ở phía Tây Nam nước Do Thái) và vua của Ít-ra-en (ở phía Bắc) định truất phế vua A-khát, lý do là vì A-khát không muốn nhập bọn với họ để chống lại đế quốc Assyria khổng lồ ở phía Bắc. Ngược lại A-khát định yêu cầu vua Assyria giúp đỡ mình. Ngôn sứ Isaia động viên vua A-khát hãy tin vào Thiên Chúa và xin Thiên Chúa ban cho mình một dấu hiệu cho biết nhà Giu-đa sẽ không bị tiêu diệt bởi Syria và It-ra-en. Vua A-khát từ chối, vì ông không tin tưởng vào Gia vê Thiên Chúa. Ông nghĩ rằng quân đội khổng lồ của Assyria đủ mạnh giúp ông phòng thủ chống lại các quốc gia lân cận. Ngay lúc này, ngôn sứ Isaia tức giận vì vua A-khát thiếu lòng tin vào Thiên Chúa, nên báo trước rằng nhà của Giu-đa sẽ bị tiêu diệt bởi chính tay những người Assyria, là những kẻ mà A-khát định nhờ cậy. Ngôn sứ Isai nói rằng một trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ một “Em-ma-nu-en” “một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình.” (Is chương 9 câu 5).
Các bạn thân mến,
Một số học giả -kể cả những học giả Công giáo- ngay trong thế kỷ XX, vẫn không cho rằng “người trinh nữ sinh con” trên đây ám chỉ Đức Maria. Theo họ, người trinh nữ (virgin) mà Isaia nói đến, có thể là một người đã có gia đình, cũng có thể là vợ của vua A-khát và mẹ của Hê-giê-ki-a; hoặc là chính vợ của ngôn sứ Isaia, hoặc một ai đó. Dù có lý giải cách nào đi nữa, các học giả vẫn không thể không đối diện với sự thật này: giả như có những lời tiên đoán đã được trích dẫn rõ ràng trong Cựu Ước, rồi được xác minh cách đầy đủ trong Tân Ước thì một trong số những lời đó, là lời của Isaia được các thánh sử Mát-thêu và Lu-ca trích dẫn nguyên văn.
•Thánh sử Mát-thêu sau khi trình bày việc thiên thần báo mộng cho thánh Giu-se để bảo đảm và xác nhận về Đức Maria thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, đã cho thấy việc trinh nữ thụ thai kiện toàn lời tiên báo của Isaia: “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." (Mát-thêu chương 1 câu 22-23).
•Thánh sử Lu-ca trình thuật cuộc đối thoại giữa Thiên thần Gap-ri-en và Đức Trinh Nữ Maria khi Truyền Tin: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." (Lu-ca chương 1 câu 31-33).
Rõ ràng hai đoạn trên đối xứng cách khít khao với lời tiên báo của Isaia: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai,và đặt tên là Em-ma-nu-en.” (Isaia chương 7 câu 14); “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít.” (Isaia chương 9 câu 5-6)
Các bạn thân mến,
Sự đối xứng giữa Cựu và Tân Ước trên đây đã xác nhận cách minh nhiên Chúa Cứu Thế - “Đấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là Chúa Giê-su Ki-tô, và Thánh Mẫu của Người - “Trinh Nữ mang thai và hạ sinh con trai”, là Đức Maria. Một trong những điều cơ bản mà ngôn sứ Isaia đã chú trọng nơi sự thụ thai trinh khiết (virginal conception) và sinh nở của Mẹ Đấng Em-ma-nu-en, đó là: trước, trong và sau khi sinh nở, Đức Maria vẫn đồng trinh. Đây là đối tượng của niềm tin Giáo Hội về sự khiết trinh của Mẹ.
Dĩ nhiên các Giáo Hoàng, nhất là nhiều thánh Giáo phụ như Giút-ti-nô, I-rê-nê, Am-brô-si-ô, Giê-rô-ni-mô, Au-gút-ti-nô v.v… luôn xác tín mặc khải này. Có một điều tuy thú vị, nhưng khác thường ở đây, đó là ngày xưa, đối với người Do Thái, người cha luôn luôn là kẻ đặt tên cho con mình (thí dụ Ông Gia-ca-ri-a, cha của Gio-an Tẩy giả, dù bị câm vẫn phải quyết định về tên của con mình) “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.” (Isaia chương 7 câu 14) đối chiếu với: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su” (Lu-ca chương 1 câi 31). Ta nhận ra ở đây một sự đối xứng lạ lùng -xác nhận lời tiên tri của Isaia nói về Đấng Thiên Sai là Chúa Giê-su Ki-tô và Thánh Mẫu Đồng Trinh của Người là Đức Maria: Đấng Thiên Sai được sinh vào thế gian mà không nhất thiết cần đến một người cha!
Tuy nhiên, còn một điểm khó khăn mà không học giả nào có thể tránh khỏi. Đó là làm thế nào để vua A-khát xác nhận “dấu hiệu” mà Isaia tuyên sấm - một dấu hiệu mãi đến 8 thế kỷ sau mới xảy ra?- Khó khăn này có thể giải quyết nếu ta hiểu lời tuyên sấm của Isaia không nhắm vào vua A-khát như ý ngài muốn ám chỉ nhà Đa-vít “Nghe đây hỡi nhà Đa-vít” (Isaia chương 7 câu 13). Thật ra, sấm ngôn này không loan báo việc xảy ra tức thời, nhưng nhắm đến một kết cục lâu dài và sâu rộng hơn, nghĩa là việc Thiên Chúa sẽ giữ lời hứa để duy trì dòng dõi Đa-vit và cho ngôi báu nhà Đa-vít được mãi vững bền, qua sự xuất hiện của Đấng “Em-ma-nu-en”.
Từ những lý lẽ trên, chúng ta có thể quả quyết đạo lý đức tin của Giáo Hội Công Giáo về sự trinh khiết của Đức Maria khi thụ thai và lúc hạ sinh Con Chí Thánh đã được báo trước trong sấm ngôn của Isaia 7:14. Chúng ta cũng có thể kết luận như Công Đồng Vaticanô II: “Cũng thế, ngài là Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh người con trai được đặt tên là Em-ma-nu-el” (Ánh Sáng Muôn Dân 55)
Mời nghe tiếp bài VIII
Nguồn: Dòng Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình - dongnuvuonghoabinh.org