Mẹ Maria
Đức Maria Trong Cựu Ước 4
06/08/2022 - 38
ĐỨC MARIA TRONG CỰU ƯỚC BÀI IV
“NGƯỜI NỮ” TRONG TIN MỪNG ĐẦU TIÊN
Các bạn thân mến,
Lời hứa đầu tiên và là nền tảng báo trước việc Đấng Cứu Thế đi vào thế gian, còn được gọi là “Tin Mừng Đầu Tiên”, đã được Thiên Chúa phán truyền trong vườn địa đàng, ngay sau khi nguyên tổ phạm tội. Bởi vậy ngay trong chương đầu của sách Sáng Thế, Đức Maria đã được đề cập đến, trước cả Đấng Cứu Thế “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (Sách Sáng Thế chương 3 câu 15)
Luận cứ lịch sử của đoạn văn nền tảng này cho chúng ta thấy tấn tuồng kỳ diệu mà hồi kết là lời hứa ban ơn cứu độ. Vào lúc khởi đầu của lịch sử nhân loại, tổ tiên đầu tiên của chúng ta là Ađamvà Êva sống hạnh phúc trong vườn địa đàng. Bất hạnh thay, Êva bị con rắn xảo quyệt dụ dỗ. Bà phạm tội, rồi xúi dục Ađam. Thế là cả hai cùng phạm tội. Đây đúng là giây phút bi thảm, kinh hoàng nhất của lịch sử loài người. Từ nay sự dữ sẽ làm chủ hoàn toàn trên nhân loại. Nhân loại sẽ mãi mãi lạc lối và oằn mình dưới gánh nặng của tội và hậu quả tất yếu, không thể tránh được đó là sự chết.
Khi tương lai nhân loại tưởng chừng như hoàn toàn sụp đổ, do nguyên tổ phạm tội (tội khiến nhân loại đánh mất ơn thánh của Chúa, cắt đứt quan hệ với Thiên Chúa, đánh mất căn tính của mình) thì Đấng Cứu Thế đã đến. Người là Đấng duy nhất có khả năng khôi phục tình bạn với Thiên Chúa Tạo Hóa, phục hồi tình trạng ban đầu của con người. Trong ngục tối, ánh sáng hy vọng đã lóe lên khi Thiên Chúa Tình Yêu can thiệp vào lịch sử đen tối tận cùng của nhân loại. Chính Đấng Tạo Dựng đã hứa ban Đấng Cứu Thế: Người sẽ được sinh ra bởi một “người nữ”. Đây thật sự là Tin mừng đầu tiên và quan trọng nhất loan báo ơn cứu độ cho nhân loại, báo trước sự chiến thắng trên sự dữ, tội lỗi và sự chết.
Đoạn Thánh kinh trên đây (Sách Sáng Thế chương 3 câu 15) được gọi là Tin Mừng Đầu Tiên vì báo trước sự ra đời của Đấng Cứu Thế do một người nữ. Nét độc đáo của Tin mừng này là báo trước việc cuộc chiến đã chia thành hai phe rõ rệt ngay từ đầu: một bên là Thiên Chúa và con cái Người; một bên là ma quỷ và đồng bọn của chúng. Với kết cục thắng thua đã được phân định, đã được báo trước fõ ràng.
Trong sắc chỉ “Thiên Chúa Khôn Tả” liên quan đến tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội (ban hành ngày 08-12-1854) Đức Giáo Hoàng Piô IX -căn cứ vào Truyền Thống- đã dùng Huấn quyền của Giáo hội để phán dạy “Tin Mừng Đầu Tiên” cách cố nhiên và rõ ràng báo trước Đấng Cứu Thế. Người nữ đầy vinh quang của Tin Mừng Đầu Tiên này chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Đấng Cứu Thế.
Có không ít nhà thần học lập luận rằng người “đàn bà” ở đây ám chỉ “Êva”, vì đâu có người nữ nào khác ngoài Êva khi Chúa chúc dữ rồi đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Nếu không phải chính “Êva”, thì ít ra “Êva” cũng được can dự vào chứ! Thoạt nghe lập luận này xem ra có lý; tuy nhiên, không thề chỉ dừng lại ở một chữ để hiểu đúng ý nghĩa của cả đoạn văn. Trái lại phải dựa vào toàn cảnh của mạch văn và bối cảnh của sự kiện, phải áp dụng phương pháp luận mới có thể nhận định đúng vấn đề. Thí dụ: nếu đoạn Sáng Thế 3:15 chứa đựng lời tiên báo, hứa hẹn cho tương lai, thì những dữ kiện chứa đựng trong đó nhắm đến đích điểm của tương lai, chứ không nói đến việc xảy ra trong hiện tại. Chính vì thế, chúng ta sẽ gặp trong Tin Mừng lối nói này hai lần; một lần tại tiệc cưới ở Cana: “Thưa bà, chuyện đó có can gì đến bà và đến con? Giờ của con chưa đến” (Gio-an chương 2 câu 4); và lần kia khi Đức Giê-su bị treo trên thập giá, lúc săp trút hơi thở cuối cùng: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh.” (Gioan chương 19 câu 26 và 27). Tất nhiên ở hai lần đó, lối nói này nhắm đến một “người nữ” khác: người nữ sẽ cưu mang toàn thể nhân loại. Hiểu như thế thì trong đoạn Sáng Thế 3:15, người nữ được nói đến không phải là Êva. Lối nói “người nữ” ở đây chỉ một Người Nữ hiền thục đại diện cho toàn thể nữ giới, tiêu biểu cho sự chiến thắng sự dữ sau này, dù sự dữ đã từng đánh gục Êva “người nữ đầu tiên”. Do đó, nếu thành ngữ này nói đến Êvà thì nó phải nhắm đến Êva như là tiên trưng cho “Người Nữ sau” là Đức Maria.
Từ đó, chúng ta có thể hiểu được cách giải thích của thư Do Thái: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con.” (Thư Do Thái chương 1 câu 5). Cũng thế, trong lời tiên báo của tiên tri Nathan về con của vua Đa-vit “Đối với nó Ta sẽ là Cha, đối với Ta, nó sẽ là con…” (Samuen 2 chương 7 câu 14) thì ám chỉ của câu nói này vượt lên trên Salômon (con vua Đa-vit) và nhắm đến Đức Ki-tô. Như thế, trong bất cứ tình huống nào, Êva không hề có khả năng tự mình đứng ở vị trí đối nghịch với ma quỷ, kẻ đã làm bà vấp ngã.
Các bạn thân mến,
Học giả G. Nolli cho rằng :”Tin Mừng Đầu Tiên” là một đoạn văn tiên báo – công bố lời hứa về Đấng Cứu Thế và về chiến thắng chung cục gắn liền với một “người nữ” và dòng giống của Bà, kẻ sẽ đạp đầu con rắn. Nói cách khác, người nữ trong lời hứa, kẻ sẽ đánh bại con rắn, sự dữ, không ai khác hơn là Mẹ của Đấng Cứu Thế. Người nữ này không dính dáng gì đến Êva tội nghiệp, kẻ phải sống và chết trong tối tăm, phải đau khổ trong những ngày còn lại. Cứ đọc câu kế tiếp trong sách Sáng Thế chúng ta sẽ thấy rõ điều đắng cay này: “Với người đàn bà, Chúa phán: "Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi." (Sáng Thế chương 3 câu 16)
Các thánh Giáo phụ trong mấy thế kỷ đầu của Giáo Hội như Giút-ti-nô tử đạo, tiếp theo là I-rê-nê thành Lyon đã giải thích sự tương phản giữa Êva và “người nữ” trong sách Sáng Thế 3:15. Bởi vậy, mỗi khi đề cập đến Êva thì Thánh kinh luôn luôn nói đến tội lỗi, sự dữ, sự chết. Sách Huấn ca viết: “Tội bắt đầu là do đàn bà, và cũng tại đàn bà mà tất cả chúng ta phải chết” (Huấn ca chương 25 câu 14). Thánh Phao lô cũng không nói khác: “Nhưng tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối bà E-và thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Ki-tô như vậy.” (Côrintô 2 chương 11 câu 3) và “Cũng không phải A-đam đã bị dụ dỗ, nhưng là người đàn bà đã phạm tội, khi bị dụ dỗ.” (Timôthê 1 chương 2 câu 14).
Điều sâu xa trong “Tin Mừng Đầu Tiên” (ST 3:15) đó là Thiên Chúa muốn nói về cuộc chiến đấu, không phải giữa cái tốt và cái xấu, nhưng giữa người nữ và con rắn, giữa dòng giống người nữ và dòng giống của con rắn. (Trong thần học, “người nữ” này còn là hình ảnh tiên trưng cho Giáo hội Công Giáo sau này). Thiết tưởng, phải đọc Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân số 55 của Công Đồng Vaticano II chúng ta mới có được sự hiểu biết rõ ràng:
“Các sách của Cựu Ước trình bày lịch sử cứu độ, trong đó, việc Đức Ki-tô đến trong thế gian được chuẩn bị cách tiệm tiến. Các tài liệu tiên khởi này, như được đọc trong Giáo Hội và được hiểu theo ánh sáng mặc khải trọn vẹn sau này, dần dần cho thấy rõ ràng hơn hình ảnh của một người nữ, Mẹ Đấng Cứu Thế. Theo nguồn sáng mặc khải, người nữ ấy đã được tiên báo trong lời hứa chiến thắng con rắn, lời hứa nguyên tổ đã nhận được sau khi phạm tội (ST 3:15). Cũng thế, Ngài là Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh người con trai được đặt tên là Em-ma-nu-el”
Hơn nữa, mối thù giữa “người nữ” và con rắn không thể giải hòa khi tội lỗi vẫn còn tồn tại trong người nữ. Bởi vì không riêng tội nguyên tổ, mà bất cứ tội nào, dù nặng hay nhẹ cũng đều tiếp tay cho kẻ thù chiến thắng. Ý thức được như thế, ta mới hiểu được cái nền tảng diễn tả sự thánh thiện tuyệt vời của Đức Maria: Bà được miễn nhiễm tất cả những hệ quả bắt nguồn từ những sai trái về luân lý của nguyên tổ. Kể cả dục vọng cũng không thể đến gần được Bà. Bà đúng là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, trinh khiết vẹn tuyền.
Cuối cùng, Bà là kẻ chiến thắng trên kẻ thù từ địa ngục tăm tối khổ đau. Kẻ thù mãi mãi không thể làm tổn hại đến thân xác Bà, không bao giờ tìm thấy nấm mồ của Bà -nơi thân xác bị hủy hoại- do hình phạt của tội lỗi. Do đó, đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội (kể cả được gìn giữ khỏi mọi tội lỗi dù lớn dù nhỏ để Bà xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa), cũng như đặc ân Hồn Xác Lên Trời và tước vị Nữ Vương Thiên Đàng của Bà, là một thực tại đã được báo trước trong Sách Sáng Thế chương 3 câu 15.
Các bạn thân mến,
Tóm lại, khi suy tư về người nữ theo quan điểm nhân học: chúng ta thấy mầu nhiệm Êva-Maria cũng là mầu nhiệm của từng phụ nữ. Chính trong cuộc sống, mỗi phụ nữ đều có thể làm cho người khác thấy được mình giống ai hoặc thuộc về ai: “Êva “người nữ thứ nhất” hoặc Maria “người nữ thứ hai”. Người thứ nhất làm mất giá trị của bản thân, người thứ hai làm cho bản thân trở thành cao thượng, tốt đẹp. Người thứ nhất đầu hàng sự cám dỗ; người thứ hai chống lại và đánh bại sự cám dỗ. Người thứ nhất gây ra sự hủy diệt cho chính mình và những người khác; người thứ hai cứu sống chính mình và những người khác. Người thứ nhất làm cho Ađam vấp phạm nên cùng bị loại bỏ chung với mình; người thứ hai cộng tác với “Ađam mới” trong công cuộc cứu độ, nên được tưởng thưởng xứng đáng.
Như thế, “Người Nữ” trong Tin Mừng Đầu Tiên chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Maria không chỉ là Mẹ của Đấng Cứu Thế, mà còn là người Mẹ thiêng liêng đích thực của mỗi tín hữu. Mẹ cũng là Mẹ của Giáo Hội, vì Con Thiên Chúa đã trối Mẹ của Người lại cho chúng ta, khi hấp hối trên thập giá: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Gio-an chương 19 câu 26) và “Đây là Mẹ của con” (Gio-an chương 19 câu 27). (Xin mở ngoặc ở đây, nếu căn cứ niềm tin vào Ngưòi Mẹ Nữ Thần, Người Mẹ Vĩ Đại hay Nữ thần Tam Hợp của những nền văn hóa Hy lạp, văn hóa Ai cập cổ xưa v.v…, cùng với sự phân tích, giải thích hợp lý của tâm lý học hiện nay, Đức Maria là Nguyên Mẫu (Archetype) là Âm lực thần linh (Divine Feminine) ở trong mỗi người; càng đào sâu càng nghiên cứu chúng ta sẽ cảm nghiệm và xác tín Bà chính là Mẹ của tất cả mọi người, Mẹ của tất cả mọi dân tộc (trong Bách khoa toàn thư (Wikipedia) có định nghĩa và giải thích về tước vị này của Bà “The Lady of All Nations).
Để kết thúc, xin mượn câu nói đầy tính nhân văn của nhà thần học P. Evdokimov:
“Người nữ của Sách Sáng Thế 3:15 mời gọi mỗi chị em phụ nữ hãy kiện toàn chính bản thân bằng cách luôn duy trì tình bạn hữu với Thiên Chúa. Hãy quyết tâm chiến đấu và kháng cự tội lỗi cách triệt để, để có được đời sống của ân sủng, ngay tại trung tâm của gia đình, của Giáo Hội và của xã hội, để gánh vác trách nhiệm làm cho sự tốt lành thắng thế, mang lợi ích thiết thực cho chính mình và cho những người khác. “Người Nữ” của Sách Sáng Thế là người nữ của ơn cứu độ”.
Thân ái tạm biệt các bạn.
Nguồn: Dòng Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình - dongnuvuonghoabinh.org