Nhiều người thắc mắc về thuở thiếu thời của Đức Maria cũng như về cha mẹ của ngài là ông Gioakim và bà Anna, vì tên của hai ông bà không hề được nhắc đến trong Thánh kinh. Điều này dễ hiểu, vì trong mỗi thời đại, các tín hữu luôn khao khát được biết nhiều hơn về Chúa Ki-tô và những người có vai trò quan trọng trong chương trình cứu độ. Đức Trinh Nữ Maria lúc nào cũng là nhân vật hàng đầu của sự thắc mắc chính đáng này.
Chính vì sự im lặng của các tác giả Phúc Âm và cũng vì các Giáo Phụ đã không giải đáp được hết các thắc mắc về đời tư của Đức Maria, nên các Ki-tô hữu từ những thế kỷ đầu tiên đã cố gắng tìm cách lấp kín khe hở này bằng việc trước tác các Phúc Âm ngụy thư còn được gọi là các “ngụy thư” (là những cuốn sách không được Giáo Hội nhìn nhận có tính cách linh ứng và do đó không được cho vào bản liệt kê trong quy điển Thánh Kinh. Có nhiều cuốn hàm chứa những giáo thuyết sai lạc và cũng có nhiều cuốn hàm chứa những giáo thuyết lành mạnh; do vậy nhiều Giáo phụ đã sử dụng chúng cách riêng tư, dù chúng không được đọc cách công khai trong các cuộc hội họp của các Ki-tô hữu). Được viết bởi những tác giả nặc danh, các trước tác này, tuy không được coi là sự phản ánh chính thức giáo huấn của Giáo hội, nhưng ít ra cũng đã cung cấp bổ sung một số ý tưởng cụ thể về lòng đạo đức, sự mến mộ Đức Maria của các tín hữu, và giải đáp những thắc mắc về Mẹ Thiên Chúa vào thời điểm đó. Chính những tác phẩm này ghi chép sự hiện diện mầu nhiệm và vai trò quan trọng của Mẹ trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, mà Giáo hội hằng ghi nhớ.
Những tác giả nặc danh của ngụy thư, tuy không theo đuổi mục tiêu hộ giáo hay tín lý (nghĩa là bảo vệ, bệnh vực đạo lý của Giáo hội), nhưng đã cung cấp một số dữ kiện ít ra nhằm nuôi dưỡng đức tin và lòng mộ đạo của các tín hữu. Do lắm khi họ thổi phồng những điều được trình bày, hoặc do họ tưởng tượng quá mức các sự kiện hoặc các nhân vật mà các trước tác của họ bị xem là “ngụy thư”. Những ngụy thư này đa dạng, nhưng phần lớn đều nói đến cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giê-su lúc thiếu thời. Đặc biệt Phúc Âm thánh Philiphê và Phúc Âm thánh Tô-ma được viết bằng ngôn ngữ Cổ Ai cập (Coptic), nói đến Đức Maria nhiều nhất. Dĩ nhiên những tác giả nặc danh này không phải lúc nào cũng phân biệt những dữ kiện lịch sử với những tưởng tượng thổi phồng, thêu dệt. Do đó, Giáo phụ Origen đã lưu ý về các ngụy thư như sau: “…Tuy rằng, một số được viết nhằm mục đích hủy diệt chân lý trong Thánh kinh của chúng ta và áp đặt những giáo huấn sai trái; thế nhưng, chúng ta không nên loại bỏ tất cả những tác phẩm có thể hữu ích, vì nó làm sáng tỏ Thánh kinh. Dấu chỉ của một người vĩ đại lắng nghe và thực hành lời dạy của Thánh Kinh; đó là “Biết cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ” (Thê-xa-lô-ni-ca 1 chương 5 câu 21).
Tiền Phúc Âm của Gia-cô-bê còn có tên gọi Sách Gia-cô-bê là ngụy thư quan trọng nhất, với nhiều chi tiết về Đức Maria. Thực ra ngụy thư này xứng đáng được gọi là Phúc Âm Đức Maria vì đây là “văn phẩm Kitô giáo đầu tiên quan tâm đặc biệt về thân thế Đức Maria”. Ngụy thư này kể lại các sự kiện:
•Sự ra đời kỳ diệu của Đức Maria, sau khi một Sứ thần được sai đến loan báo cho song thân cao niên là Gioakim và Anna;
•Việc Đức Maria được dâng mình vào đền thờ lúc ba tuổi;
•Cuộc đính hôn giữa Đức Maria với Thánh Giu-se, dưới sự chứng giám của vị Thượng tế;
•Biến cố Truyền Tin với nhiều chi tiết hấp dẫn, kỳ thú;
•Sư nghi ngại chính đáng của Thánh Giu-se;
•Biến có Chúa Giê-su chào đời trong một hang đá ngoài thành Bê-lem;
•Cô đỡ minh chứng Đức Maria vẫn còn đồng trinh và chứng cứ này được Thầy Thượng tế công nhận;
•Cuộc tàn sát các Hài nhi vô tội và trẻ Gioan Tiền hô thoát khỏi cuộc tàn sát của vua Hê-rô-đê;
•Ông Da-ca-ri-a bị lính của vua Hê-rô-đê giết hại.
Tác phẩm này được viết vào khoảng giữa thế kỷ thứ hai, tác giả dùng tên của Tông đồ Gia-cô-bê (con ông An-phê) (xin ghi chú: vào thời gian này, một tác phẩm được coi là có giá trị phải mượn tên của một người nào đó có uy tín đương thời). Có thể tác giả không phải là người Do Thái, hoặc là người Do Thái nhưng sống ngoài vùng Palestine, vì ông có ít kiến thức về địa lý của vùng đất này cũng như những phong tục tập quán của người Do Thái. Mặc dù ngụy thư ít có giá trị về phương diện thần học, tuy nhiên, do đặc tính bình dân và sự quảng bá rộng rãi lạ thường của nó (đến nỗi các Giáo phụ cũng dựa vào, nhất là khi các ngài viết và nói chuyện với dân chúng), nên tác phẩm này có một giá trị đặc biệt.
Các bạn thân mến,
Muốn biết Đức Maria là ai trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta phải tìm hiểu vấn đề này qua các nguồn Cựu Ước, Tân Ước và Truyền Thống, nhất là trong các giáo huấn và niềm tin của các thánh, mà trước tiên là các Giáo phụ (Giáo phụ là các tác giả Kitô giáo đã bênh vực đức tin truyền thống. Để được coi là Giáo phụ các ngài phải hội đủ 4 yếu tố sau: 1/thuộc thời Giáo hội sơ khai (8 thế kỷ đầu của Giáo hội); 2/có đời sống thánh thiện; 3/truyền dạy giáo lý chính thống; 4/tư tưởng, đạo lý được Giáo hội tán thành). Các Giáo phụ là những bằng chứng tuyệt đẹp, có sức hấp dẫn và thu hút, thường giúp cho niềm tin của chúng ta được củng cố, vững bền và sâu đậm. (Xin mở ngoặc: nhiều học giả, nhiều nhà trí thức ly giáo đã tự động trở lại với Giáo hội Công giáo, sau quá trình tự nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi về các Giáo phụ. Thánh John Henry Newman, một vị Thánh được thời, là một thí dụ điển hình, Ngài viết :”Các Giáo phụ đã làm cho tôi trở thành người Công Giáo, và tôi không bao giờ phản bội công ơn của các ngài đã đưa tôi đến với Giáo hội”).
Ở đây một câu hỏi được đặt ra: tại sao Đức Maria lại không bao giờ được nêu đích danh trong Cựu Ước? Phải chăng vì lâu lắm sau khi cuốn sách cuối cùng của Cựu Ước được viết ra thì Đức Maria mới được sinh ra (Từ các ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước là Da-ca-ri-a và Ma-la-ki đến Chúa Giê-su là 350 năm).
Thiết tưởng muốn trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần phải hiểu được cách đọc Thánh kinh của người Công Giáo. Các tín hữu Công Giáo không cho rằng Cựu Ước và Tân Ước là hai thực thể tách rời, hoàn toàn không liên quan gì đến nhau. Ngược lại, họ tin rằng cả hai cùng được một Thiên Chúa linh hứng để viết ra và nói về cùng một câu chuyện lịch sử cứu độ. Bởi vậy có thể xác định rằng “Tân Ước tiềm ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước hiển hiện trong Tân Ước”. Chúng ta tin rằng cả Cựu Ước và Tân Ước đều có thể thật sự hiểu được, thẩm thấu được trong ánh sáng của nhau. Nói cách khác, những gì được báo trước trong Cựu Ước thì được tỏ lột trong Tân Ước, và những gì tỏ lộ trong Tân Ước thì được ẩn dấu trong Cựu Ước…
Thứ đến, người Công Giáo không ngạc nhiên hay lúng túng về việc Đức Maria không được nêu đích danh trong Cựu Ước. Tất nhiên, có nhiều người không hiểu, nhưng cũng có những người cố tình không muốn hiểu, không muốn chấp nhận, hẳn vì một lý do hoặc một dụng ý khác! Tuy Đức Maria không được nêu đích danh, nhưng trong Cựu Ước, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều gợi ý về lịch sử của dân Do Thái, sự ra đời của Chúa Giê-su và sự thiết lập một mô hình Vương quốc mới, và chính qua những gợi ý này mà chúng ta khám phá ra những “tên gọi” của người phụ nữ sẽ sinh ra Chúa Ki-tô và vai trò của Bà trong Vương quốc của Người.
Không phải ai cũng hiểu điều đó như bạn và tôi cho dù hoàn toàn là sự thật. Nên biết rằng không phải chúng ta đi tìm kiếm Đức Maria, nhưng chính Thiên Chúa đã tự ý trao ban Bà cho chúng ta. Không phải chúng ta tự ý yêu thương Bà, nhưng Thiên Chúa đã dạy chúng ta yêu thương Bà. Không phải chúng ta tìm kiếm Bà rồi sùng kính, học tập các nhân đức tuyệt vời của Bà, nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt Bà vào hành trình đức tin, vào cuộc sống của mỗi người chúng ta, cũng như chính Người đã đặt để Bà trong mầu nhiệm Nhập Thể của Người. Giờ đây chúng ta sẽ cùng nhau từng bước khảo sát những tên gọi của Bà trong Truyền thống Giáo Hội, chẳng hạn “Người phụ nữ”, “Êvà mới, “người Mẹ đồng trinh, “người nữ sinh con” v.v…. Tất nhiên, chúng có liên hệ mật thiết với những nhân vật, những biến cố đáng nhớ trong Cựu Ước -được chuẩn bị từ trong Cựu Ước.
Mời nghe tiếp bài IV
Nguồn: Dòng Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình - dongnuvuonghoabinh.org