ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG THIÊN
CHÚA QUAN PHÒNG
Gm. Phê-rô Nguyễn Văn Viên
WHĐ (05.04.2024) – Theo Toát Yếu Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Sự quan phòng của Thiên Chúa là những sắp xếp nhờ đó Thiên Chúa hướng dẫn
các thụ tạo của mình đến chỗ hoàn hảo mà Ngài đã định cho chúng. Thiên Chúa là
tác giả tối cao của kế hoạch Ngài; nhưng để thực hiện kế hoạch đó, Ngài cũng sử
dụng sự cộng tác của các thụ tạo. Đồng thời, Ngài ban cho chúng phẩm giá là tự
hoạt động và trở thành nguyên nhân cho nhau” (Toát Yếu Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 55). Từ ‘quan phòng’ (providence) không phải là từ phổ biến trong Kinh Thánh.
Đặc biệt, cụm từ ‘sự quan phòng của Thiên Chúa’ (the divine providence) không
bao giờ xuất hiện trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, nghĩa của ‘sự quan phòng’ hay ‘sự
quan phòng của Thiên Chúa’, thấm đượm các trang Kinh Thánh từ cuốn đầu tiên
(sách Sáng Thế) đến cuốn cuối cùng (sách Khải Huyền). Điều này giúp chúng ta nhận
thức tầm quan trọng của chủ đề ‘quan phòng’ đối với mặc khải Kinh Thánh từ Cựu
Ước tới Tân Ước.
Trong văn chương Hy-lạp cổ, danh từ ‘πρόνοια/ pronoia’ (quan phòng) phát
xuất từ động từ ‘προνοέω/ pronoeō’. Từ này không xuất hiện trong Kinh Thánh Cựu
Ước Do-thái (the Hebrew Bible). Trong Bản Bảy Mươi (Bản LXX, Septuagint), bản dịch
Kinh Thánh Cựu Ước Do-thái sang tiếng Hy-lạp, từ này xuất hiện hai lần ở sách
Khôn Ngoan: “Lạy Cha, chính Cha mới quan
phòng [πρόνοια] hướng dẫn vì Cha đã vạch đường giữa biển, rẽ lối an toàn trên
sóng nước” (Kn 14,3) và “Thật vậy, quân vô đạo tưởng thống trị được dân
thánh, nhưng chính chúng bị bóng tối giam cầm, bị đêm dài xiềng xích, bị giữ chặt
trong nhà, bị loại khỏi sự quan phòng vĩnh cửu [προνοίας ἔκειντο]” (Kn 17,2). Đối với Tân Ước, từ này xuất hiện hai lần, một lần ở sách Tông Đồ Công Vụ
và một lần ở thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma: “Ông Phao-lô bị gọi ra toà, và ông Téc-tu-lô bắt đầu tố cáo như sau:
Thưa ngài Phê-lích đáng kính, nhờ ngài
chúng tôi được sống trong cảnh thái bình; nhờ ngài ân cần săn sóc [προνοίας],
dân tộc này được hưởng nhiều cải cách” (Cv 24,2) và “Anh em hãy mặc lấy
Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt [σαρκὸς πρόνοιαν] mà thỏa
mãn các dục vọng” (Rm 13,14).
Từ tương đương với danh từ Hy-lạp ‘πρόνοια/ pronoia’ trong tiếng La-tinh
là danh từ providentia (sự quan phòng). Danh từ providentia phát xuất từ động từ
providere. Động từ này có tiếp đầu ngữ là ‘pro’ (nghĩa là ‘trước’, ‘phía trước’,
‘thay mặt cho’) và động từ videre (với nghĩa là ‘nhìn’, ‘xem’, ‘biết’). Như vậy,
providere, nghĩa là ‘foresee/ nhìn thấy trước’ hoặc ‘see toward/ nhìn về phía
trước’ hoặc ‘attend to/ hướng tới, chú tâm, cung cấp’. Ngoài ra, động từ này
còn được hiểu như là ‘suy nghĩ trước’, ‘chuẩn bị’, ‘giám sát’, ‘chăm sóc’, ‘bảo
vệ’, ‘bảo toàn’. Danh từ providentia trong tiếng La-tinh được dịch ra tiếng Anh
là providence và tiếng Pháp cũng tương tự (providence). Như vậy, sự quan phòng
của Thiên Chúa chính là việc Thiên Chúa biết trước những gì trong thế giới thụ
tạo, thấy mọi sự trước khi xảy ra, đồng thời, Thiên Chúa thông ban những
ân huệ cần thiết để muôn vật muôn loài hướng tới việc thành toàn trong trật tự
của chúng. Sự quan phòng của Thiên Chúa còn được hiểu như là sự chăm sóc bảo vệ
của Người (the protective care of God) đối với con người và muôn vật muôn loài.
Trong bức tranh về sự quan phòng của Thiên Chúa đối với con người và muôn vật
muôn loài, chúng ta cùng điểm qua một số nhân vật đặc biệt trong Cựu Ước.
Sách Sáng Thế cho
chúng ta biết Thiên Chúa đã chọn
Áp-ra-ham để thực thi kế hoạch của Người cho gia đình nhân loại. Áp-ra-ham kết
hôn với Xa-ra. Theo lẽ thông thường, Áp-ra-ham và Xa-ra đã già thì không thể
sinh con được nữa, nhưng Thiên Chúa quan phòng cho ông bà đứa con theo lời hứa của
Người là I-xa-ác. Để thử thách Áp-ra-ham, Thiên Chúa đã chỉ thị ông hiến tế
I-xa-ác. Theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, Áp-ra-ham đem I-xa-ác lên núi để dâng lễ
toàn thiêu. Trên đường đi, “I-xa-ác thưa với cha là ông Áp-ra-ham: Cha!
Ông Áp-ra-ham đáp: Cha đây con! Cậu nói: Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ
toàn thiêu đâu? Ông Áp-ra-ham đáp: Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ
liệu, con ạ" (St 22,6-8). Thiên Chúa quan phòng, Thiên Chúa lo liệu,
đó là niềm tin của Áp-ra-ham trong hoàn cảnh bi thương này. Áp-ra-ham đã vượt
qua được thử thách. Sự quan phòng của Thiên Chúa được thể hiện khi Người cho một
con cừu đực mắc sừng trong bụi cây. Áp-ra-ham nhận ra điều đó và đã bắt lấy con
cừu làm của lễ toàn thiêu thay cho con mình là I-xa-ác. Từ đó, sự quan phòng của
Thiên Chúa được thể hiện cách tỏ tường nơi miêu duệ của Áp-ra-ham qua muôn thế
hệ và lan rộng tới mọi người trong gia đình nhân loại.
Cựu Ước giới thiệu cho
chúng ta mẫu gương sáng ngời về sự tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa là
ông Gióp. Giữa muôn thử thách, đau thương, mất mát gia sản cũng như con cái bị
chết, ông Gióp nói: “Thân trần truồng
sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức
Chúa lại lấy đi: Xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1,20-21). Trong mọi hoàn
cảnh, ông luôn thể hiện mình là người chính trực, thánh thiện (G 1,22). Khi vợ
nặng lời, khuyên ông ‘nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi’, ông nói với vợ:
“Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên
Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2,10). Giữa đêm trường
của muôn vàn hình thức đau khổ, mất mát dồn dập, ông Gióp đã không thất vọng.
Trái lại, càng đau khổ, mất mát, tâm hồn ông càng trong sáng, càng hy vọng vào
sự quan phòng của Thiên Chúa. Trong cảnh dường như bị Thiên Chúa và bạn bè bỏ
rơi, ông vẫn hướng về Thiên Chúa là Đấng mà ông tin tưởng sẽ mở ra cho ông chân
trời mới mẻ, xán lạn hơn. Ông nói: “Tôi
biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất.
Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên
Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người
xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ” (G 19,25-27). Với ông, Thiên Chúa
‘luôn có lý’ trong mọi lời Người nói cũng như mọi việc Người làm và tất cả đều
đem lại lợi ích cho những ai tin tưởng, hy vọng, yêu mến Người. Kinh nghiệm sâu
xa về tình thương của Đức Chúa cũng như những đau khổ của bản thân, ông Gióp
thưa với Người rằng: “Con biết rằng việc
gì Ngài cũng làm được, không có gì Ngài đã định trước mà lại không thành tựu…
Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây,
chính mắt con chứng kiến. Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi,
con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42,2-6). Trải qua quãng đời nhiều gian
nan thử thách, cuối cùng ông đã được Đức Chúa ban nhiều ơn lành hơn lòng ông hằng
mong ước.
Một trong những câu
chuyện đặc sắc về sự quan phòng của Thiên Chúa trong Cựu Ước là câu chuyện về Giu-se,
người con trai thứ mười một của Gia-cóp (Ít-ra-en) bị các anh mình bán sang
Ai-cập. Khi tới đất khách quê người: “Ông
Pô-ti-pha thái giám của Pha-ra-ô và chỉ huy thị vệ, một người Ai-cập, đã mua cậu
từ tay người Ít-ma-ên là những người đã đưa cậu xuống đó… Chủ cậu thấy rằng Đức
Chúa ở với cậu và mọi việc cậu làm thì Đức Chúa cho thành công… Tài sản của
ông, ông phó mặc tất cả trong tay Giu-se, và có Giu-se thì ông không còn lo gì
cả, chỉ biết đến bữa là ăn” (St 39,1-6). Giu-se bị tù oan và trong cảnh tù
đày, sự quan phòng của Thiên Chúa vẫn luôn thể hiện: “Viên quản đốc nhà tù giao phó cho Giu-se hết mọi tù nhân trong nhà tù,
và tất cả những gì họ làm, đều do cậu cho làm. Viên quản đốc nhà tù chẳng ngó
ngàng chi đến tất cả những việc đã giao phó cho Giu-se, vì Đức Chúa ở với cậu,
và điều gì cậu làm, thì Đức Chúa cho thành công” (St 39,22-23). Khi dân
Do-thái lâm cảnh đói khát thì họ đã tới Ai-cập. Nhờ Giu-se, dân này mới thoát cảnh
chết đói. Chính Giu-se nói chuyện với các anh mình: “Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em, để giữ cho anh em một số người
sống sót trong xứ, và để cứu sống anh em, nhằm thực hiện cuộc giải thoát vĩ đại.
Vậy không phải các anh đã gửi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa. Người đã đặt
tôi làm cha của Pha-ra-ô, làm chúa tất cả triều đình, và làm tể tướng trên khắp
cõi Ai-cập” (St 45,7-8) hay “Các anh
đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để
thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50,20). Giu-se
cũng nói với các anh mình: “Bây giờ các
anh đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng cho các anh và con cái các anh” (St 50,21).
Câu chuyện Giu-se ở Ai-cập ứng nghiệm lời hứa và giao ước của Thiên Chúa với
Áp-ra-ham: “Ngươi phải biết rằng dòng dõi
ngươi sẽ trú ngụ trong một đất không phải của chúng” (St 15,13).
Câu chuyện của vua
Đa-vít đáng để được chúng ta quan tâm. Tội ông thật lớn nhưng tình thương và sự
tha thứ của Thiên Chúa còn lớn hơn (2 Sm 12,13). Đặc biệt, ông luôn đặt niềm hy
vọng vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chẳng hạn, khi được tin con trai của
mình với bà Bát Se-va đau nặng, Đa-vít đã cầu nguyện, ăn chay, nằm đất khẩn khoản
Thiên Chúa cho đứa bé được khỏi. Sau bảy ngày, đứa bé chết. Đa-vít vẫn đặt niềm
tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Cách hành xử của Đa-vít khiến mọi
người bỡ ngỡ: “Vua Đa-vít từ dưới đất trỗi
dậy, tắm rửa, xức dầu thơm, thay quần áo; rồi vua vào Nhà Đức Chúa mà phủ phục.
Trở về nhà, vua yêu cầu người ta dọn bữa, và vua đã ăn” (2 Sm 12,20).
Đa-vít biết rằng tâm trạng buồn thảm không thích hợp khi đứa trẻ đã chết: “Bây giờ nó chết rồi, ta ăn chay làm gì? Hỏi
rằng ta còn có thể làm cho nó trở lại được không? Ta đi đến với nó, chứ nó
không trở lại với ta” (2 Sm 12,23). Sau đó, Đa-vít ăn ở với bà Bát Se-va và
Sa-lô-môn được sinh ra. Đa-vít không hiểu được chương trình của Thiên Chúa, tuy
nhiên, Đa-vít luôn tin tưởng sự quan phòng của Người. Đa-vít phạm tội nặng,
nhưng được tha thứ vì ông sám hối ăn năn. Ông được gọi là vua thánh, sự thánh
thiện của ông là sự thánh thiện của người biết thống hối ăn năn và đặt trọn niềm
tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Cựu Ước cung cấp cho chúng ta vô số trình thuật về sự quan phòng của
Thiên Chúa. Chẳng hạn, dưới nhãn quan của các tác giả Thánh Vịnh, không gian, thời
gian và những gì trong đó cùng diễn tả sự quan phòng của Thiên Chúa: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên
Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia” (Tv 19,2-3) hay “Người ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một” (Tv
147,4). Muôn vật muôn loài được tồn tại là nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa: “Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa
đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn. Ngài ban xuống, chúng lượm về, Ngài mở tay, chúng thỏa
thuê ơn phước. Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là
chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là
chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104,27-30); “Chúa nhân ái đối với mọi
người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9). Lời của
Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a cho chúng ta nhận thức rằng sự quan phòng
chăm sóc của Thiên Chúa đối với con người lớn hơn nhiều so với giữa con người với
nhau, chẳng hạn, Thiên Chúa phán: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của
mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15) hay “Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.
Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con. Kỳ diệu
thay, tri thức siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn tới!” (Tv
139,4-6). Đặc biệt, Thiên Chúa mời gọi một số người tham dự kế hoạch của Người
đối với dân Do-thái, chẳng hạn, Người nói với ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ,
Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt
ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5). Ý định và hành động của Thiên Chúa
không theo bất cứ tiêu chuẩn hay thể thức nào của nhân loại: “Chúa đảo lộn chương trình muôn nước, Người
phá tan ý định chư dân. Chương trình Chúa ngàn năm bền vững, ý định của lòng
Người vạn kiếp trường tồn” (Tv 33,10-11). Những trình thuật về sự quan
phòng của Thiên Chúa trong Cựu Ước giúp con người nhận diện rõ nét hơn về sự
quan phòng của Người trong Tân Ước được tỏ bày nơi Biến Cố Đức Giê-su giữa lòng
nhân loại.
Gia phả Đức Giê-su theo thánh Mát-thêu cho
chúng ta biết rằng những con người được đề cập nơi gia phả đều đóng vai trò đặc
biệt trong sự quan phòng của Thiên Chúa đối với gia đình nhân loại (Mt 1,1-17).
Thông thường, dưới nhãn quan người trần, các bậc vị vọng trong lịch sử thường
xuất thân từ những gia tộc thế giá, ‘không vướng bợn nhơ’. Tuy nhiên, gia phả của
Đức Giê-su không theo thể thức đó. Chẳng hạn, Giu-đa lấy Ta-ma là phụ nữ ngoại
tình (St 38,1-30); Xan-môn lấy Ra-kháp là gái điếm ở Giê-ri-khô (Gs 2,1-17); Bô-át lấy Rút là dân ngoại (R 1,4); Đa-vít lấy Bát
Se-va là vợ của U-ria (2 Sm 11,1-27). Như vậy, gia phả Đức Giê-su bao gồm những
nhân vật ‘vĩ đại’ lẫn ‘tầm thường’; những người trung tín với lề luật Thiên
Chúa cũng như những người tội lỗi; những người Do-thái thuần chủng cũng như những
người ngoại bang; những người làm cho dân tộc Do-thái hùng cường cũng như những
người đẩy dân tộc tới cảnh lầm than khốn khổ; những người đem lại tự do cũng
như những người dẫn người khác tới cảnh nô lệ. Những con người khiếm khuyết, bất
xứng, tội lỗi dưới con mắt người đời như vậy lại trở thành ông bà tổ tiên của Đức
Giê-su, Con Thiên Chúa hằng sống trong thân phận con người. Đây quả là điều khó
hiểu đối với chúng ta nhưng lại nằm trong bức tranh lớn của kế hoạch Thiên Chúa
đối với con người và toàn thể thế giới thụ tạo. Gia phả ‘bất thường’ của Đức
Giê-su được sáng tỏ nhờ sự hiện diện và hoạt động của Người, Đấng kêu gọi mọi
người hiệp nhất nên một với nhau trong Gia Đình Thiên Chúa, không phân biệt
Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, tội lỗi hay thánh
thiện, giàu sang hay nghèo khó.
Cuộc đời Đức Ma-ri-a
diễn tả sự quan phòng diệu kỳ của Thiên Chúa. Sau Biến Cố Truyền Tin, Đức
Ma-ri-a trỗi dậy, vội vã lên đường viếng thăm gia đình bà Ê-li-sa-bét. Ở đây, Đức
Ma-ri-a đã cất lên bài ca ‘Ngợi Khen’ (Magnificat). Bài ca này cho chúng ta biết
chương trình của Thiên Chúa không giống với chương trình của con cái loài người.
Nội dung chính của bài ca này diễn tả sự quan phòng của Thiên Chúa đối với con
người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Đức Ma-ri-a nói về sự quan phòng
của Thiên Chúa đối với bản thân mình: “Phận
nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm
phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí
thánh chí tôn!” (Lc 1,48-49). Đức Ma-ri-a cũng nói về sự quan phòng của
Thiên Chúa đối với những người khiêm tốn: “Chúa
hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo,
Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,52-53). Vì
luôn gắn bó với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện, Đức Ma-ri-a nhận diện rõ
hơn sự quan phòng của Người. Giữa muôn thăng trầm của cuộc đời, Đức Ma-ri-a hướng
tâm trí mình về phía Thiên Chúa, nhận diện những dấu chỉ của Người, đọc những dấu
chỉ đó và sống theo thánh ý Thiên Chúa cách trung tín nhất.
Tương tự như Đức
Ma-ri-a, thánh Giu-se (bạn trăm năm của Đức Ma-ri-a) luôn ý thức về sự quan
phòng của Thiên Chúa trong đời sống ngài. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca
cho chúng ta biết Đức Ma-ri-a và Da-ca-ri-a
được sứ thần Gáp-ri-en truyền tin về việc sẽ có con trai khi các ngài đang tỉnh
thức (Lc 1,5-38). Còn thánh Giu-se thì sứ thần Thiên Chúa truyền tin trong những
giấc mơ (Mt 1,20-21; Mt 2,13; Mt 2,19-20; Mt 2,22). Chẳng hạn, trong giấc
mơ đầu tiên, khi thánh nhân và Đức Ma-ri-a đã thành hôn nhưng chưa chung sống với
nhau thì Đức Ma-ri-a mang thai. Thánh Giu-se biết rằng người con Đức Ma-ri-a
cưu mang không phải con mình nhưng ngài đã không đối xử với Đức Ma-ri-a như những
người Do-thái đương thời là tố cáo Đức Ma-ri-a giữa ba quân thiên hạ. Trái lại, thánh nhân tín thác vào sự quan
phòng của Thiên Chúa, lắng nghe lời của sứ thần và đón nhận Đức Ma-ri-a về nhà
mình. Cuộc đời thinh lặng và cách thức hành động của thánh nhân để lại cho mọi
người trong gia đình nhân loại mẫu gương sáng ngời về việc tín thác vào sự quan
phòng của Thiên Chúa. Trong tiếng Do-thái, tên Giu-se (יוֹסֵף/ Yosef, Joseph)
có nghĩa là ‘nguyện Thiên Chúa gia tăng’ hay ‘nguyện Thiên Chúa cho lớn lên’. Quả
thực, với sự cộng tác của thánh nhân, Thiên Chúa khôi phục và gia tăng phẩm giá
của mọi người trong gia đình nhân loại. Cụ thể là nhờ sự cộng tác của Giu-se, ‘Giê-su’
đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, nghĩa là giúp con người ‘đi lên’ từ vực thẳm tội
lỗi và sự chết để được hiệp hoan cùng Thiên Chúa hằng sống.
Như đề cập ở trên, trong
Cựu Ước, sự quan phòng của Thiên Chúa đối với Giu-se, người con trai thứ mười một
của Gia-cóp thật đặc biệt. Nhiều chi tiết của câu chuyện này tương đồng với
‘câu chuyện của Đức Giê-su’ trong Tân Ước, chẳng hạn như: (1) Giu-se là con yêu
dấu của Gia-cóp, Đức Giê-su là Con Yêu Dấu của Chúa Cha; (2) Giu-se đến Ai-cập
thời thơ ấu, Đức Giê-su cũng đến Ai-cập thời thơ ấu, (3) Giu-se bị các anh mình
bán sang Ai-cập, Đức Giê-su cũng bị Giu-đa bán cho quân dữ; (4) các anh trai
nhà Gia-cóp bán Giu-se cho người Ít-ma-ên theo giá của một nô lệ, Giu-đa bán Đức
Giê-su cho ‘quân dữ’ với giá của một nô lệ, (5) Giu-se đến Ai-cập như là một nô
lệ, Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã mang thân phận nô lệ trong hành
trình trần thế; (6) khi các anh của Giu-se tới Ai-cập, họ không nhận ra Giu-se
là em mình, khi Đức Giê-su hiện diện giữa gia đình nhân loại, người ta cũng
không nhận ra Người; (7) Giu-se là mục tử chăn chiên, Đức Giê-su cũng làm mục tử
chăn chiên, Mục Tử nhân lành, (8) Giu-se đã cứu dân Do-thái, Đức Giê-su cứu mọi
người trong gia đình nhân loại; (9) Giu-se lo cho dân Do-thái có đủ lương thực
phần xác, Đức Giê-su cho gia đình nhân loại Bánh Hằng Sống (Bí Tích Thánh Thể),
nuôi sống mọi người trong hành trình về với Nước Thiên Chúa viên mãn.
Trước khi loan báo Tin
Mừng cách công khai, Đức Giê-su đã chịu ma quỷ cám dỗ bốn mươi đêm ngày trong
sa mạc. Nơi đây, Đức Giê-su tỏ bày sự quan phòng của Thiên Chúa. Người dựa vào lời Chúa để chống lại ma quỷ.
Chẳng hạn, trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu cho chúng ta biết khi quỷ
nói với Đức Giê-su truyền cho đá hóa bánh mà ăn thì Người đáp: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên
Chúa phán ra” (Mt 4,4); Khi quỷ dặn
Đức Giê-su gieo mình xuống từ nóc đền thờ thì Người đáp: “Ngươi chớ thử thách Đức
Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4,7). Khi quỷ nói với Đức Giê-su sấp mình
lạy nó thì Đức Giê-su nói: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của
ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10). Ba cơn
cám dỗ của Đức Giê-su liên quan đến của ăn, danh dự và vinh quang trần thế. Quỷ
đã dùng những phương cách mà con người dễ dàng gục ngã để cám dỗ Đức Giê-su
nhưng đã thất bại vì Đức Giê-su luôn thực thi thánh ý Thiên Chúa. Quả thực,
đúng như lời của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Vị Thượng Tế của
chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì
Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Trong mọi sự, Đức Giê-su để lại cho mọi người bài học về việc
phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa bởi vì nhờ sự quan phòng của Người,
con người mới có thể vượt thắng muôn vàn hình thức cám dỗ của ma quỷ trong cuộc
sống mình.
Đối với Đức Giê-su, sự
quan phòng của Thiên Chúa vượt qua mọi biên giới địa lý cũng như luân lý, bởi
vì: “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người
tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho chúng ta biết rằng
trong buổi đầu loan báo Tin Mừng tại Na-da-rét miền Ga-li-lê, ngày sa-bát, Người
vào hội đường và người ta trao cho Người sách ngôn sứ I-sai-a. Mở sách ra, Người
gặp đoạn nói về mình: “Thần Khí Chúa ngự
trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ
nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho
người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một
năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Sau đó, Người giảng dạy và mọi người
thán phục vì những lời hay ý đẹp từ miệng Người. Tuy nhiên, dân thành Na-da-rét
vẫn cứng lòng. Sau đó, Đức Giê-su nhắc họ về hai câu chuyện trong quá khứ: Câu
chuyện thứ nhất về việc ngôn sứ Ê-li-a đến giúp bà góa thành Xa-rép-ta miền
Xi-đôn trong thời gian hạn hán, đói kém. Câu chuyện thứ hai về việc Ê-li-sa chữa
bệnh phong hủi cho Na-a-man, người Xy-ri. Các thính giả Do-thái phẫn nộ với lời
của Đức Giê-su: “Họ đứng dậy, lôi Người
ra khỏi thành - thành này được xây trên núi - họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để
xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,29-30). Chúng
ta có thể nói rằng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Đức Giê-su ‘không thể chết’
trong bối cảnh này, khi việc loan báo Tin Mừng mới bắt đầu chớm nở.
Đức Giê-su tỏ bày sự
quan phòng của Thiên Chúa đối với các môn đệ thân cận cũng như những ai theo
Người khi can thiệp vào các quy luật tự nhiên. Chẳng hạn, Người làm cho gió biển
yên lặng để an ủi, trợ giúp các môn đệ trong cơn sợ hãi: “Người thức dậy, ngăm đe
gió, và truyền cho biển: Im đi! Câm đi! Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi
Người bảo các ông: Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? Các
ông hoảng sợ và nói với nhau: Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng
tuân lệnh?” (Mc 4,39-41). Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu cho
chúng ta biết rằng sau khi hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn từ năm
chiếc bánh và hai con cá, Đức Giê-su cho các môn đệ xuống thuyền mà sang bờ bên
kia trước, còn Người thì lên núi cầu nguyện một mình. Khoảng canh tư, Đức
Giê-su cũng đi trên mặt nước mà đến với các môn đệ đang khi thuyền ngược gió và
bị sóng đánh. Thấy Đức Giê-su, họ tưởng là ma và hô hoán lên. Đức Giê-su nói với
họ: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27). Khi Đức Giê-su lên thuyền thì
gió lặng ngay. Các môn đệ ngạc nhiên, bái lạy Đức Giê-su và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14,33).
Đức Giê-su cho mọi người thấy sự quan phòng của Thiên Chúa không chỉ dành
cho con người mà còn cho muôn vật muôn loài, nghĩa là Thiên Chúa quan tâm chăm
sóc hoa đồng cỏ nội, cây cối núi rừng, muôn trùng chim thú. Đặc biệt, Người
dùng hình ảnh sự quan phòng của Thiên Chúa đối với vạn vật để minh chứng sự
quan phòng của Thiên Chúa đối với con người. Chẳng hạn, khi đề cập sự lo lắng của
con người về của ăn hằng ngày, Người nói:”Hãy
xem chim trời: Chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha
anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Mt 6,25-26). Lời của Đức Giê-su gợi lại cho
chúng ta tư tưởng của tác giả Thánh Vịnh 84: “Lạy Chúa Tể càn khôn là Đức Vua, là Thiên Chúa con thờ, ngay chim sẻ
còn tìm được mái ấm, cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con bên bàn thờ của Chúa!”
(Tv 84,4). Khi đề cập sự lo lắng của con người về áo mặc, Người nói: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế
nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo
cho anh em biết: Ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp
bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò,
mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém
tin!” (Mt 6,28-30). Quả thực, cơm ăn áo mặc luôn là sự quan tâm hàng đầu của
con người qua mọi thời đại. Tuy nhiên, Đức Giê-su mời gọi mọi người tin tưởng
vào sự quan phòng của Thiên Chúa bởi vì sự lo lắng thái quá sẽ làm cho con người
chỉ quan tâm đến ‘cơm áo thể lý’ mà bỏ quên ‘cơm áo linh thiêng’, cơm áo cho
phép con người sống xứng đáng với phẩm giá mình trong hành trình trần thế cũng
như định hướng con người về Quê Hương vĩnh cửu. Quả thực, khi giảng dạy dân
chúng, Đức Giê-su nói: “Tôi là bánh hằng
sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51). Sau
này, thánh Phao-lô mời gọi mọi người: “Anh
em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô” (Rm 13,14). Như vậy, để sống trong sự
quan phòng của Thiên Chúa, mọi người được mời gọi ‘ăn Đức Ki-tô và mặc Đức
Ki-tô’ ngay trong hành trình trần thế này.
Đức Giê-su mời gọi những ai muốn theo Người biết nhận ra đâu là ưu tiên
trong cuộc sống. Khi diễn giải bài giảng Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói: “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: Ta sẽ
ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm.
Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (Mt 6,31-32). Với Đức Giê-su, ý thức về sự quan phòng của Thiên Chúa đi đôi
với việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Theo đó: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức
công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em
đừng lo lắng về ngày mai: Ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của
ngày ấy” (Mt 6,34). Đức Giê-su không khuyến khích mọi người hãy ‘ép xác lấy
hồn’ hay ‘hãy lo xa’ nhưng hãy sống giây phút hiện tại cách sung mãn nhất,
nghĩa là ‘hãy lo gần hay hãy lo hiện tại’ bởi vì những gì ở xa chỉ có thể chuẩn
bị bằng những gì ở gần, những gì trong hiện tại. Tuy nhiên, ‘ở gần’ hay ‘hiện tại’
luôn có nhiều chuyện và lắm lúc con người lẫn lộn không biết đâu là ưu tiên
trong việc chọn lựa của mình. Đức Giê-su chỉ cho cách là ‘hãy tìm kiếm Nước
Thiên Chúa và đức công chính của Người’. Đồng thời, Người cũng cho biết Nước
Thiên Chúa không giống bất cứ nước nào trong gia đình nhân loại. Câu hỏi về Nước
Thiên Chúa không phải là câu hỏi về cái gì (what) mà là câu hỏi về ai (who). Đức
Giê-su cho chúng ta biết rằng sự hiện diện của Người là sự hiện diện của Nước
Thiên Chúa, sự hiện diện của Giáo Hội do Người thiết lập là sự hiện diện của Nước
Thiên Chúa, đặc biệt, Nước Thiên Chúa sung mãn khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật
muôn loài trong Người.
Đức Giê-su không chỉ
cho các môn đệ biết về sự quan phòng của Thiên Chúa mà còn giúp họ hiểu cách thức
Thiên Chúa quan phòng. Người giảng dạy và thực hiện các phép lạ để tỏ bày sự
quan phòng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, xem ra các môn đệ không hiểu biết đúng về
Thầy mình. Chẳng hạn, khi các môn đệ lên thuyền mà chỉ đem theo một chiếc bánh.
Họ bàn tán với nhau mà không ý thức đủ rằng Đức Giê-su đang ở với họ. Đức
Giê-su nói với họ: “Sao anh em lại bàn
tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em
ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không
nhớ sao: Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được
bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” (Mc 8,17-19). Các môn đệ đã trả lời Người về
hai biến cố trước đó khi Người hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn từ
năm chiếc bánh của một em bé và khi Người hóa bánh ra nhiều cho hơn bốn ngàn
người ăn từ bảy chiếc bánh. Sau đó, Đức Giê-su bảo họ: “Anh em chưa hiểu ư?” (Mc 8,21). Đức Giê-su là Thiên Chúa, là Đấng
quan phòng đang hiện diện với các môn đệ nhưng họ không ý thức đủ về quyền năng
và lòng thương xót của Người. Đồng hành với Đức Giê-su nhưng xem ra các ông
không nghe, không hiểu, không thấy những gì mình đã chứng kiến. Thiên Chúa quan
phòng chăm sóc họ, Đức Giê-su quan phòng chăm sóc họ nhưng tâm trí họ vẫn đâu
đó chứ chưa hiệp nhất nên một với Người.
Tương tự như vậy, trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan cho chúng ta biết
rằng trong tiệc cưới tại Ca-na, miền Ga-li-lê, khi Đức Ma-ri-a nói với Đức
Giê-su rằng họ đã hết rượu, Người nói với Đức Ma-ri-a: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến"
(Ga 2,4). Đức Giê-su vẫn theo ‘thì’ Thiên Chúa quan phòng chứ không theo ‘thì’
của người khác. Trong bối cảnh trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an, chúng ta
còn gặp nhiều biến cố tương tự. Chẳng hạn, những người Do-thái tìm bắt Đức
Giê-su vì Người chữa bệnh trong ngày sa-bát cũng như trình bày tương quan mật
thiết giữa Người với Chúa Cha: “Bấy giờ họ
tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến”
(Ga 7,30); trong cuộc tranh luận về lời chứng của Đức Giê-su liên quan đến bản
thân Người, khi những người Pha-ri-sêu nghe Đức Giê-su làm chứng về Người cũng
như tuyên bố rằng Chúa Cha làm chứng về Người thì họ định bắt Người nhưng “không có ai bắt Người, vì giờ của Người chưa
đến” (Ga 8,20); khi Đức Giê-su nói về tương quan giữa người và Áp-ra-ham
(Người có trước Áp-ra-ham) cũng như nói rằng Người Hằng Hữu thì dân Do-thái lượm
đá để ném Người nhưng Người lánh khỏi Đền Thờ (Ga 8,58-59). Nói rằng Người có
trước Áp-ra-ham, cao trọng hơn Áp-ra-ham đã là xúc phạm lớn đối với dân
Do-thái. Tuy nhiên, nói rằng ‘Tôi Hằng Hữu’ lại còn xúc phạm lớn hơn bội phần bởi
vì chỉ có Thiên Chúa Hằng Hữu (Xh 3,14). Những người Do-thái tìm cách ném đá Đức
Giê-su nhưng ‘giờ của Người chưa đến’. Chương trình của những người Do-thái là
loại bỏ Đức Giê-su ra khỏi xã hội của họ nhưng chương trình của Thiên Chúa lại
không như vậy, bởi vì Đức Giê-su còn tiếp tục giảng dạy, chữa bệnh và mặc khải
về tương quan giữa Người với Thiên Chúa. Thánh Gio-an cũng trình thuật: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của
Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (Ga 13,1). Như vậy,
chương trình của Thiên Chúa đối với Đức Giê-su huyền diệu hơn mọi hiểu biết và
toan tính của con người.
Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là
một trong mười hai môn đệ Đức Giê-su lại trở thành nhân vật phản diện (ἀνταγωνιστής/
antagonist) trong cuộc khổ nạn của Đức Giê-su. Là người tham lam, bất tín, chiều
theo cám dỗ, Giu-đa hoạch định chương trình của bản thân mà không màng quan tâm
thánh ý Thiên Chúa. Nơi đây, chúng ta học được bài học về sự quan phòng của
Thiên Chúa và tự do của con người. Chúng ta biết rằng Đức Giê-su không hề tán
dương việc Giu-đa phản bội, bán Người cho kẻ dữ bởi vì Người nói: “Đã hẳn Con Người ra đi như đã ấn định,
nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người” (Lc 22,22). Thánh Phao-lô giải thích
tương quan giữa tội lỗi con người và ân sủng của Thiên Chúa nơi biến cố Đức
Giê-su như sau: “Nếu tội lỗi đã thống trị
bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm
cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa
chúng ta” (Rm 5,21). Vì A-đam và E-và, tội lỗi xâm nhập trần gian, tuy
nhiên, Thiên Chúa hằng yêu thương con người và tình yêu đó được tỏ hiện nơi Đức
Giê-su, Con Thiên Chúa đến với gia đình nhân loại. Người đã hiệp thông với con
người trong muôn vàn hình thức đau khổ mà cao điểm là sự chết. Đồng thời, Người
đã phục sinh để trao ban sự sống cho mọi người. Như vậy, việc Đức Giê-su bị nộp trong tay kẻ dữ và chịu
chết trên thập giá cũng không nằm ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa. Bởi vì, Đức
Giê-su chịu chết không chỉ cho một người nào đó mà cho mọi người trong gia đình
nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Hơn nữa, nhờ liên đới với con
người, muôn vật muôn loài cũng được biến đổi khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật
muôn loài trong Đức Giê-su (Rm 8,22-25).
Sự vâng phục của Đức Giê-su đã được báo trước trong Cựu Ước và trở nên hiện
thực trong Tân Ước. Điều này được diễn tả trong sách ngôn sứ I-sai-a (bài ca
người Tôi Trung thứ ba): “Tôi đã
đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che
mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6) hay (bài
ca người Tôi Trung thứ tư): “Đức
Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật
đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn
của Đức Chúa sẽ thành tựu” (Is 53,10). Những
câu này giúp chúng ta thấu hiểu hơn về sứ mệnh của Đức Giê-su cũng như hiệu quả
của thập giá sinh ơn cứu độ mà Người mang lại: “Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy
ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung
của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,11). Hành trình trần thế của Đức
Giê-su cho chúng ta nhận thức rằng trong khi Người không dành nhiều thời gian để
giải thích nguyên nhân của sự dữ, Người lại mang lấy hậu quả sự dữ của mọi người
trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa mà đưa lên cây thập giá (Ga
12,32; 1 Pr 2,24). Nhờ Đức Giê-su, chúng ta mới có thể cảm nghiệm được ‘chiều
kích lớn lao’ của sự dữ, lớn đến nỗi để tiêu diệt sự dữ, Con Thiên Chúa đã xuống
thế làm Người, chịu nhiều đau khổ và chịu chết trên cây thập giá. Như vậy, chúng
ta không thể đưa ra câu trả lời ngắn gọn, khúc chiết về sự dữ nhưng chúng ta có
thể nhìn nhận hậu quả lớn lao mà sự dữ gây ra cho gia đình nhân loại. Từ sự dữ mà con người đem đến cho Đức Giê-su, sự
lành nảy sinh thật lớn lao, lớn lao hơn
tất cả những gì mà con người có thể tưởng tượng trong dòng lịch sử. Đóng đinh
Con Thiên Chúa là sự dữ rất lớn nhưng phúc lộc phát sinh từ thập giá Đức Giê-su
còn lớn hơn, lớn đến nỗi mà tội lỗi của con người được tha thứ và con người được
trở thành con cái Thiên Chúa trong hành trình trần thế và trong Quê Hương vĩnh
cửu.
Với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa lòng trần thế, sự quan
phòng của Thiên Chúa đối với con người và muôn vật muôn loài không còn trừu tượng
nữa nhưng được cụ thể hóa nhờ lời nói và việc làm của Người. Bởi vì, Người từ
Thiên Chúa mà đến và thực thi những công việc của Thiên Chúa. Sống giữa thế
gian, Đức Giê-su giúp mọi người nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa, đọc những
dấu chỉ đó và hành động theo những dấu chỉ đó cách trung tín nhất. Phương cách
Thiên Chúa quan phòng được Đức Giê-su giảng dạy và thực thi cách trọn vẹn. Sự
quan phòng của Thiên Chúa được chuẩn bị trong Cựu Ước và trở nên hoàn hảo trong
Biến Cố Đức Giê-su, Con Yêu Dấu của Thiên Chúa. Là Thiên Chúa nhưng Đức Giê-su
lại trút bỏ tất cả, đặc biệt, Người phải mang trong mình bao thương tích, đau
khổ. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Dầu là
Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là
vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu
độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9). Dưới nhãn quan của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, Đức
Giê-su trở thành của lễ tạ ơn hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa nhân danh mọi người
trong gia đình nhân loại (Dt 7,26-28).
Trong hành trình loan
báo Tin Mừng, khi tỏ bày sự quan phòng của Thiên Chúa, Đức Giê-su không chỉ cho
mọi người biết tương quan giữa Người với Chúa Cha mà còn tương quan giữa Người
với Chúa Thánh Thần. Đặc biệt, trong bữa ăn cuối cùng (the Last Supper) trước
khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su cho các môn đệ biết về tương quan giữa
Người với Chúa Thánh Thần cách rõ ràng hơn. Chẳng hạn, Người nói: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho
anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Vai trò
của Đấng Bảo Trợ là dạy các môn đệ mọi điều và làm cho họ nhớ lại mọi điều Đức
Giê-su đã truyền cho các ngài (Ga 14,26). Đấng Bảo Trợ sẽ làm chứng về Đức
Giê-su và các môn đệ cũng được mời gọi làm chứng về Đức Giê-su (Ga 15,16). Đặc
biệt, Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần sẽ dẫn các môn đệ đến sự thật vẹn toàn
(Ga 16,13). Theo thánh I-rê-nê (130-202), Thiên Chúa tác tạo con người theo
hình ảnh Thiên Chúa bằng đôi bàn tay của Người là Chúa Con và Chúa Thánh Thần
(Irenaeus of Lyons, Against Heresies,
Book IV, Preface). Chúng ta cũng có thể nói rằng Thiên Chúa quan phòng con người
và muôn vật muôn loài bởi Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thánh Phao-lô viết: “Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa,
nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1 Cr 2,11). Công Đồng Vatican
II nhấn mạnh vai trò quan phòng của Chúa Thánh Thần như sau: “Thánh Thần Chúa, Ðấng điều khiển những biến
chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện
diện trong cuộc tiến hóa này. Men Phúc Âm đã và đang làm dậy lên trong lòng con
người sự đòi hỏi phải có nhân phẩm, một đòi hỏi không thể cưỡng chế được”
(GS 26).
Trong các thư của
mình, thánh Phao-lô trình bày sự quan phòng của Thiên Chúa đối với con người và
muôn vật muôn loài được Đức Giê-su thực hiện (Cv 17,24-28; Rm 8,30; Ep 1,9-10).
Đặc biệt, ngài thuật lại sự quan phòng của Thiên Chúa đối với ơn gọi của mình
khởi đi từ biến cố gặp gỡ Đức Giê-su phục sinh trên đường Đa-mát: “Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết
kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thượng
tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy
cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó,
giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị” (Cv 22,4-5). Tuy nhiên, trong sự quan
phòng của Thiên Chúa, trên đường Đa-mát, Đức Giê-su phục sinh cho thánh nhân biết
rằng bắt bớ các Ki-tô hữu là bắt bớ chính Người (Cv 9,4; Cv 22,7). Sau đó, Đức
Giê-su dặn ngài vào thành Đa-mát. Ở đây, có ông Kha-na-ni-a được Thiên Chúa sai
phái gặp ngài. Sau khi được sáng mắt, ông Kha-na-ni-a nói với thánh Phao-lô: “Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh
để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ
miệng Đấng ấy phán ra” (Cv 22,14). Nhìn lại các biến cố xảy ra với bản
thân, trong thư gửi tín hữu Ga-lát, thánh
Phao-lô quả quyết: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi
còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc
khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các
dân ngoại” (Gl 1,15-16). Niềm tin
và lòng tín thác của ngài vào sự quan
phòng của Thiên Chúa ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, ngài
viết: “Tôi tin chắc rằng cho dầu là sự chết
hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất
cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác,
không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức
Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39). Như vậy, thánh Phao-lô đã
hoán cải từ người bắt bớ các Ki-tô hữu thành người Ki-tô hữu trung tín nhất
trong việc loan báo Tin Mừng Đức Giê-su cho muôn dân nước. Không những thế,
ngài đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết để minh chứng cho tình yêu và sự quan
phòng của Thiên Chúa đối với con người mà đỉnh cao là được chung hưởng hạnh
phúc vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa.
Trong thư gửi tín hữu
Phi-líp-phê, thánh Phao-lô viết: “Quê
hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ
trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền
năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển
của Người” (Pl 3,20-21). Quả thực, con người được dựng nên theo hình ảnh
Thiên Chúa, với phẩm giá cao trọng, ‘đầu đội trời, chân đạp đất’. Con người
không bao giờ thỏa mãn với những gì trên đất hay những gì trong thế giới thụ tạo.
Đó là lý do tại sao con người luôn khao khát, luôn khắc khoải, luôn khẩn khoản
nài xin Thiên Chúa cho mình được kết hiệp trọn vẹn với Người. Như thánh
Phao-lô, trong tác phẩm Tự Thuật, nhiều
lần thánh Au-gút-ti-nô (354-430) đề cập sự quan phòng nhiệm mầu hay ẩn dấu của
Thiên Chúa đối với con người và muôn vật muôn loài. Đặc biệt, ngài nhấn mạnh sự
cao cả của con người so với vạn vật: “Con
người không được sáng tạo để hướng về đất như những động vật vô tri vô giác
nhưng thân thể con người thẳng đứng, hướng về trời, nhắc nhở con người gẫm suy
những sự trên trời” (St. Augustine, The
City of God, Book XXII,24). Theo
thánh nhân, Thiên Chúa luôn quan tâm
chăm sóc mỗi người cũng như mọi người trong gia đình nhân loại. Ngài thân thưa
cùng Thiên Chúa: “Lạy Đấng Toàn năng,
Ngài chăm sóc mỗi người trong chúng con như thể chăm sóc chỉ một mình người đó
và chăm sóc tất cả chúng con như thể tất cả chúng con là một” (St.
Augustine, The Confessions, Book
III,11,19).
Đối với thánh Tô-ma A-qui-nô (1225-1274), quan phòng là thuộc tính Thiên
Chúa. Ngài viết: “Cần phải quy chiếu sự
quan phòng cho Thiên Chúa. Bởi vì, những gì tốt lành trong thế giới thụ tạo là
do Thiên Chúa sáng tạo. Trong thế giới này, sự tốt lành không chỉ thuộc về bản
chất của chúng mà còn về trật tự hướng tới mục đích và đặc biệt là mục đích tối
hậu, nghĩa là sự tốt lành thiêng thánh” (Thomas Aquinas, Summa Theologiae I, q.22, a.1). Thiên
Chúa quan phòng chăm sóc con người và muôn vật muôn loài ngay từ thuở ban đầu và
tiếp tục trong chương trình cứu độ và thánh hóa. Chẳng hạn, sau khi con người
phạm tội, Thiên Chúa vẫn luôn quan phòng chăm sóc con người: “Đức Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và
vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (St 3,21). Nói cách khác, sự quan phòng của Thiên Chúa đối
với con người và muôn vật muôn loài bao gồm biết trước, nâng đỡ, chăm sóc và định
hướng tới thời viên mãn. Đối với thánh Tô-ma A-qui-nô, sự quan phòng của
Thiên Chúa vừa mang chiều kích phổ quát, vừa mang chiều kích đặc thù. Ngài viết:
“Tất cả mọi sự lệ thuộc vào sự quan phòng
của Thiên Chúa, không chỉ cách phổ quát mà còn cách đặc thù của mỗi thực thể nữa”
(Thomas Aquinas, Summa Theologiae I,
q.22, a.2).
Niềm tin vào sự quan
phòng của Thiên Chúa giúp con người biết luôn kiên nhẫn với những thử thách
trong cuộc sống hằng ngày. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy con người thường mất
kiên nhẫn hay thất vọng khi đối diện với thử thách, nghịch cảnh, chẳng hạn như những
điều xảy ra không theo lòng sở nguyện. Quả thực, mỗi cá nhân cũng như các hình
thức cộng đoàn trong gia đình nhân loại luôn phải đương đầu với muôn vàn hình
thức bấp bênh trong đời sống. Xem ra những câu hỏi về Thiên Chúa, về con người,
về vũ trụ cũng như các tương quan trong đó luôn dồi dào hơn những câu trả lời.
Tâm hồn con người luôn xao xuyến với thực tế phũ phàng rằng mình không bao giờ
thông suốt mọi sự. Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su mời gọi mọi
người luôn kiên nhẫn để có thể nhận ra tình yêu Thiên Chúa trong các biến cố của
đời mình. Khi rao giảng tại Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su nói với mọi người rằng: “Dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị
mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,18-19).
Trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài
người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá
sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em
có sức chịu đựng” (1 Cr 10,13). Như vậy, thái độ cần thiết của con người là
biết luôn kiên nhẫn, đặt niềm tin và hy vọng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Con người không thể hiểu
biết tường tận tại sao lại có quá nhiều nghịch cảnh nơi bản thân mình cũng như nơi
mọi người trong gia đình nhân loại. Chẳng hạn, ai cũng muốn điều tốt nhưng lại
làm điều xấu; ai cũng muốn yêu thương người khác nhưng lòng lại chứa nhiều thù
hận; ai cũng nhận thấy sự cần thiết của việc chia sẻ nhưng thực tế lại ham
thích sở hữu. Đặc biệt, ai cũng muốn bình an nhưng gian nan ập tới; ai cũng muốn
đổi mới nhưng thói cũ cứ theo; ai cũng muốn chống chèo nhưng đời lắm bể dâu; ai
cũng muốn sống lâu nhưng thời gian từ chối; ai cũng muốn thống hối nhưng xác thịt
nặng nề! Quả thực, bao lâu còn trong hành trình trần thế, bấy lâu con người còn
khắc khoải khi đối diện với muôn nghịch cảnh nơi bản thân mình. Trong tác phẩm Tự Thuật, ngay chương đầu
tiên, thánh Au-gút-ti-nô tán dương quyền năng, sự khôn ngoan và sự quan phòng của
Thiên Chúa, đồng thời, với tâm tình phó thác, thánh nhân viết: “Chúa tạo dựng chúng con cho Chúa và tâm hồn
chúng con khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Ngài” (St. Augustine, The Confessions, Book I,1,1). Con người
không chỉ đối diện với những nghịch cảnh nơi bản thân, nơi gia đình nhân loại
cũng như nơi vạn vật mà còn phải đương đầu với muôn vàn hình thức sự dữ khác nữa.
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, tại vườn Ghết-sê-ma-ni, Đức Giê-su nói
với các môn đệ: “Anh em hãy canh thức và
cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu
đuối” (Mc 14,38). Mặc khải Ki-tô Giáo cho mọi người biết rằng Thiên Chúa là
Đấng tốt lành, nơi Người không có bóng dáng của tối tăm. Thánh Gio-an Tông Đồ
viết: “Đây là lời loan báo của Đức Giê-su
Ki-tô mà chúng tôi đã nghe, và nay chúng tôi loan báo cho anh em: Thiên Chúa là
ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào” (1 Ga 1,5). Mọi người
được mời gọi tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Giữa thế giới đầy bóng
tối, Người cung cấp đủ ánh sáng cho những ai trung tín tiến bước trong tin yêu
và hy vọng.
Ngạc nhiên trước ‘cuốn
sách thế giới thụ tạo’, đặc biệt, trước vai trò của con người trong vũ trụ, vua Đa-vít đặt câu hỏi: “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm
nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,5). Quả thực, giữa muôn vật muôn
loài, con người thật cao trọng, ‘chẳng thua kém thần linh là mấy’ (Tv 8,6). Đặc
biệt, Thiên Chúa luôn quan phòng chăm sóc con người và Thiên Chúa cho con người
tự do. Đây là ‘hai sự thật’ mà con người
cần phân biệt. Trong hành trình trần thế, con người không bao giờ có được sự hiểu
biết thấu đáo về mối liên hệ giữa sự quan phòng của Thiên Chúa và tự do của
chính mình. Một mặt, con người biết rằng Thiên Chúa quan phòng mọi sự. Mặt
khác, con người có tự do để cộng tác hay không cộng tác với Thiên Chúa. Quả thực,
Thiên Chúa muốn mọi người được sống, được hạnh phúc và được chung hưởng sự sống
vĩnh cửu với Người. Con người có tự do để tuân phục hay bất tuân phục thánh ý Người.
Sự quan phòng của Thiên Chúa không làm phương hại tự do của con người. Câu chuyện
A-đam và E-và trong sách Sáng Thế cho chúng ta biết điều đó (St 3,1-7). Quả thực,
Thiên Chúa quan phòng không làm cho tự do của con người trở nên vô hiệu. Điều
này có nghĩa rằng con người vẫn luôn có đầy đủ tự do để vâng theo hoặc từ chối
tình yêu Thiên Chúa. Chẳng hạn, trong việc Đức Ma-ri-a cưu mang Đức Giê-su, Đức
Ma-ri-a có tự do để thưa ‘xin vâng’ và cũng có tự do để ‘từ chối’ lời đề nghị của
Thiên Chúa qua trung gian sứ thần Gáp-ri-en. Tuy nhiên, Đức Ma-ri-a đã ‘xin
vâng’. Câu hỏi đặt ra là điều gì xảy đến nếu Đức Ma-ri-a không thưa ‘xin vâng’?
Thưa, chương trình cứu độ của Thiên Chúa vẫn tiếp tục được thực hiện theo thánh
ý Người. Thái độ đúng đắn của con người là hãy quan sát, lượng định, đánh giá các
hiện tượng, sự vật, biến cố trong thế giới thụ tạo ‘như chúng là’ hay ‘như
chúng xảy ra’ và trả lời cách phù hợp nhất. Sự quan phòng của Thiên Chúa nâng đỡ
tự do của con người và giúp con người ngày càng trưởng thành hơn trong việc ý
thức về tự do của mình, nghĩa là sử dụng tự do cách phù hợp với thánh ý Thiên
Chúa hơn. Dưới nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo, vì ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ và
hậu quả của Tội này, con người thường sử dụng tự do không đúng cách. Thực ra, sử
dụng tự do đúng cách không phải là muốn làm gì thì làm mà là làm mọi việc trong
sự quan phòng của Thiên Chúa. Tự do đích thực là tự do được thể hiện khi
làm điều công chính, tốt lành, thánh thiện. Nói cách khác, tự do đích thực là tự
do được thể hiện trong mối tương quan hiệp nhất nên một với Thiên Chúa trong
hành trình trần thế của mình.
Con người được mời gọi cộng tác với chương trình của Thiên Chúa. Thánh
Tô-ma A-qui-nô khẳng định: “Việc
Thiên Chúa quan phòng mọi sự không loại bỏ các nguyên nhân đệ nhị là những tác
nhân thực thi mệnh lệnh của Người” (Thomas Aquinas, Summa Theologiae
I, q.22, a.3). Như vậy, sự quan phòng của Thiên Chúa nơi người này lại được thực
hiện nơi người khác. Do đó, sự quan phòng của Thiên Chúa có tính lan tỏa, tính
cộng đồng và tính hoàn vũ. Mọi người được mời gọi trở thành ‘những nguyên nhân
đệ nhị’ trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Lịch sử Giáo Hội cho phép
chúng ta hiểu biết điều đó, chẳng hạn như bà Mô-ni-ca (331-387) đã cộng tác đắc
lực với Thiên Chúa trong việc biến đổi con mình là thánh Au-gút-ti-nô. Hơn ai hết,
thánh nhân cảm nghiệm sâu sắc điều đó. Ngài thân thưa cùng Thiên Chúa như sau: “Lạy
Thiên Chúa của con, sự quan phòng của Ngài trong kế hoạch ẩn dấu đã không bỏ
rơi linh hồn con và từ máu của trái tim mẹ con, qua những giọt nước mắt tuôn chảy
đêm ngày là hiến tế tiến dâng Ngài vì con. Ngài đã dẫn dắt con cách lạ lùng” (St. Augustine, The Confessions, Book V,7,13). Con người được tham dự vào chương
trình của Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo hầu đem lại lợi ích cho bản thân
mình, cho anh chị em đồng loại cũng như cho muôn vật muôn loài. Quả thực, sự
quan phòng của Thiên Chúa được diễn tả qua tình yêu con người dành cho nhau,
tình liên đới của con người đối với nhau, sự chia sẻ của con người đối với
nhau, sự chung tay chung sức trong việc chăm sóc bảo vệ môi trường thiên nhiên
mà Thiên Chúa ban tặng. Như vậy, sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa đồng nghĩa
với việc đến với anh chị em đồng loại cũng như muôn vật muôn loài với tâm tình
của những người luôn xác tín rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương và rằng tình
thương Thiên Chúa dành cho tất cả những gì Người tác tạo.
Người ý thức về sự
quan phòng của Thiên Chúa thì luôn hướng về Thiên Chúa cũng như luôn hướng về
con người như Đức Giê-su đã thực thi trong hành trình trần thế của Người. Các
thành quả của con người trong việc tìm hiểu và thiết lập tương quan lành mạnh
trong đời sống nội tâm cũng như trong tương quan với người khác và với muôn vật
muôn loài chẳng phải là sự quan phòng của Thiên Chúa đó sao? Những gì thuộc về
con người đều có thể trở thành khí cụ thuận tay của Thiên Chúa. Chẳng hạn, trí
khôn con người, trái tim con người, đôi tay con người đều có thể trở thành khí cụ
Thiên Chúa để tỏ bày sự quan phòng của Người. Như vậy, con người không chỉ ngồi
chờ ‘phép lạ’ mà con người có thể cộng tác với Thiên Chúa, Đấng thinh lặng, để
làm cho ‘phép lạ’ hiện diện và hoạt động nơi bản thân mình. Khi tâm trí con người
chân thành hướng về Thiên Chúa và thành tâm cộng tác với Người thì con người có
thể thực thi biết bao điều kỳ diệu cho anh chị em đồng loại. Bởi vì, phục vụ anh chị em cách chân tình diễn tả sự
quan phòng của Thiên Chúa; cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống diễn tả sự quan
phòng của Thiên Chúa; yêu thương kẻ thù diễn tả sự quan phòng của Thiên Chúa. Thánh
Gio-an Tông Đồ viết: “Nếu ai có của cải
thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương,
thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1 Ga 3,17).
Tương tự như vậy, thánh Gia-cô-bê viết: “Giả
như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng
ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn
cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi
gì?” (Gc 2,15-16). Khi cảnh cáo những người giàu có, thánh Gia-cô-bê viết: “Kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm
thì mắc tội” (Gc 4,17).
Trong lịch sử nhân loại có những người chủ trương rằng sự hiện diện của con người cũng như muôn vật muôn
loài trong không gian, thời gian và ngay cả không gian và thời gian là ‘sản phẩm’
của tình cờ, ngẫu nhiên, may rủi. Những
biến cố xảy ra trong cuộc sống con người hay trong môi trường thiên nhiên cũng
như vậy. Tuy nhiên, dưới nhãn quan Ki-tô Giáo như đã đề cập ở trên, những gì diễn
ra trong vũ trụ đều có nguyên nhân và nguyên nhân tốt lành tối hậu là Thiên
Chúa. Đó là lý do tại sao người Ki-tô hữu cần nhìn nhận con người, sự vật,
hiện tượng hay biến cố trong cuộc sống dưới nhãn quan ‘sự quan phòng của Thiên
Chúa’. Đặc biệt, người Ki-tô hữu cần biết khiêm tốn đặt ‘bức tranh nhỏ đời
mình’ trong ‘bức tranh lớn của Thiên Chúa quan phòng’. Theo đó, những thất bại, bị bách hại, bị hiểu nhầm, bị người khác dựng
chuyện ác độc cũng như muôn vàn hình thức đau khổ khác cần được nhìn nhận dưới
lăng kính ‘sự quan phòng của Thiên Chúa’, với niềm xác tín rằng: “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của
tôi, tôi còn sợ người nào?” (Tv 27,1). Quả thực, những bất công, bấp bênh,
đau khổ có thể làm nảy sinh nhiều hoa trái tốt đẹp và giúp con người ngày càng
trưởng thành hơn giữa trần đời. ‘Qua thập giá tới vinh quang’, người Ki-tô hữu
cần biết chiêm ngưỡng Đức Giê-su chịu đóng đinh để tiếp nhận ánh sáng cần thiết
cho đời mình. Thiên Chúa ‘vẽ đường thẳng bằng những nét cong’, Người luôn có
‘chương trình lớn hơn’ cho mỗi người, bởi vì, đối với Người, mọi sự đều có thể
(Lc 1,37; Mt 19,26). Do đó, mỗi người được mời gọi nhìn sâu, nhìn xa, nhìn qua
những gì xảy đến trong từng biến cố riêng lẻ để có thể tiếp cận chương trình lớn
lao của Thiên Chúa cho bản thân mình cũng như anh chị em đồng loại.
Với những người duy lý, ‘quan phòng’ không thuộc kho tàng tư tưởng hay
ngôn ngữ của họ. Đối với họ, lý trí con người đóng vai trò chủ đạo trong việc tiếp
cận, phân định, đánh giá sự vật, hiện tượng, biến cố. Nhiều người cho rằng tin
vào sự quan phòng của Thiên Chúa làm giảm thiểu những cố gắng của con người trong
việc tiếp cận hay lĩnh hội thực tại. Hậu quả là con người ngày càng trở nên lười
biếng trong việc tìm hiểu các thực tại để mưu cầu lợi ích cho bản thân cũng như
tha nhân giữa lòng thế giới. Lịch sử nhân loại đã từng xuất hiện nhiều hình thức
tôn giáo hay triết lý chối bỏ sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa Ngôi Vị (Personal
God). Chẳng hạn, những người theo trường phái Khắc Kỷ (Stoicism,
xuất hiện khoảng đầu thế kỷ thứ II trước Công Nguyên) khuyến khích mọi người sống
thuận theo quy luật tự nhiên, hòa hợp với các nguyên lý tự nhiên. Đối với họ, muôn vật muôn loài có năng lực tự
thân để duy trì, biến đổi và phát triển mà không cần sự trợ lực nào khác. Vào
thế kỷ XVII và XVIII, với Kỷ Nguyên Ánh Sáng (the Enlightenment), có những người
cổ vũ hệ thống triết lý hay tôn giáo thuần lý (Deism) tin nhận Đấng sáng
tạo, Đấng thiết lập vũ trụ trong trật tự nhưng sau đó để mọi sự vận hành theo
luật tự nhiên chứ không tham dự hay can thiệp. Đấng ấy ‘vô cảm’, không chăm
sóc, bảo vệ, hướng dẫn muôn vật muôn loài. Thiên Chúa của mặc khải Ki-tô Giáo là Thiên Chúa sáng tạo và quan phòng
muôn vật muôn loài Người đã dựng nên. Theo đó, những gì hiện diện trong môi trường
thế giới thụ tạo đều có mục đích và mục đích tối hậu là được biến đổi trọn vẹn,
được thành toàn theo kế hoạch của Người. Nói cách khác, Thiên Chúa không sáng tạo
vũ trụ cũng như muôn vật muôn loài như con người làm chiếc bóng bay rồi thả lên
trời mà không quan tâm đến số phận của chiếc bóng bay đó.
Khi tiếp cận thực thể
nào đó, con người thường dựa vào khả năng hay kinh nghiệm của mình và cho rằng
mình nắm bắt được thực thể đó. Trong thực tế, bản chất của thực thể luôn kỳ diệu
hơn khả năng nhìn nhận hay hiểu biết của con người. Nói cách khác, sự nhìn nhận
hay hiểu biết của con người về thực thể nào đó thường phiến diện. Con người hiểu
biết ‘có ngần có hạn’ bởi vì con người bị giới hạn bởi không gian, thời gian
cũng như muôn vàn hình thức giới hạn khác. Thông thường, nhận thức của con người
lệ thuộc vào kinh nghiệm mà con người thủ đắc. Do đó, con người khó có thể nhìn
nhận sự vật hay hiện tượng cách khách quan tuyệt đối. Trong Bài Ca Đức Mến,
thánh Phao-lô viết: “Khi cái hoàn hảo tới,
thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói
năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã
thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con… Bây giờ tôi biết chỉ có
ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1 Cr
13,10-12). Hơn nữa, không ít người lầm tưởng cho rằng ‘ý mình là ý Chúa’, ‘sự
hiểu biết của mình cũng là sự hiểu biết của Chúa’, ‘quyết định của mình là quyết
định của Chúa’. Thực ra, không phải như vậy, sự hiểu biết cũng như đường lối
hay tư tưởng của Thiên Chúa luôn thẳm sâu, nhiệm mầu, vượt quá khả năng con người
(Is 55,8-9). Sự hiểu biết của Thiên Chúa không lệ thuộc vào bất cứ thứ gì, đồng
thời, sự hiểu biết của Người không thay đổi, bởi vì, như thánh
Tô-ma A-qui-nô quả quyết: “Thiên
Chúa không hiểu vạn vật theo ý tưởng tồn tại bên ngoài Người” (Thomas
Aquinas, Summa Theologiae I, q.15,
a.1).
Để trả lời cho câu hỏi ‘tại sao
Thiên Chúa không tạo dựng một thế giới thật hoàn hảo để không có một sự dữ nào
xuất hiện?’, cùng với tư tưởng của thánh Tô-ma A-qui-nô, Giáo Lý Giáo Hội Công
Giáo khẳng định: “Trong sự khôn ngoan và
nhân hậu vô biên của Người, Thiên Chúa đã tự ý sáng tạo một thế giới trong ‘tiến
trình’ hướng về sự trọn hảo tối hậu. Theo ý định của Thiên Chúa, sự tiến hóa
này gồm có việc vật này xuất hiện và vật khác biến đi, có cái hoàn hảo hơn và
có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Vì vậy bao lâu
mà cuộc sáng tạo chưa đạt được sự trọn hảo của nó, thì cùng với điều tốt thể
lý, cũng có sự dữ thể lý” (GLGHCG 310). Sự dữ phổ biến, sự dữ lan tràn khắp
nơi, sự dữ hiện diện trong mỗi người cũng như trong các hình thức cộng đoàn mà
con người tham dự. Sự dữ là một trong những vấn nạn làm cho con người khó hiểu
về sự quan phòng của Thiên Chúa. Để trả lời cho những câu hỏi như ‘tại sao
Thiên Chúa toàn năng lại cho sự dữ xảy ra?’ hay ‘tại sao Thiên Chúa lại không
can thiệp những người đau khổ?’, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo quả quyết: “Việc Thiên Chúa cho phép có sự dữ thể lý và
sự dữ luân lý là một huyền nhiệm mà Thiên Chúa soi sáng nhờ Con của Người là Đức
Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại để chiến thắng sự dữ. Đức tin giúp chúng
ta xác tín rằng, Thiên Chúa sẽ không cho phép có sự dữ xảy ra nếu Người không
rút được sự lành từ chính sự dữ, bằng những con đường mà chúng ta chỉ biết được
trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu” (GLGHCG 324). Trong hành trình loan báo
Tin Mừng, khi người ta kể cho Đức Giê-su nghe về chuyện những người Ga-li-lê bị
Phi-la-tô giết cách dã man, Đức Giê-su nói với họ rằng không phải những người
Ga-li-lê này tội lỗi hơn những người Ga-li-lê khác. Đồng thời, Người nói: “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông
cũng sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13,5).
Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng sự dữ xâm nhập trần gian là do
con người lạm dụng tự do của mình, quay lưng lại với Thiên Chúa, với tình
thương của Người. Tuy nhiên, thánh Phao-lô viết: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm
5,20). Người ta không thể nói sự dữ
là sự lành, cái xấu là cái tốt, tội lỗi là thánh thiện. Các lời nguyền rủa
trong sách ngôn sứ I-sai-a giúp chúng ta hiểu thêm điều này: “Khốn thay những kẻ bảo cái tốt là xấu, cái
xấu là tốt, những kẻ biến tối thành sáng, sáng thành tối, biến cay đắng thành
ngọt ngào, ngọt ngào thành cay đắng” (Is 5,20). Với thánh Au-gút-ti-nô, sự dữ hiện diện là vì thiếu vắng sự lành (St.
Augustine, Enchiridion 11). Cũng theo
thánh nhân, Thiên Chúa toàn năng và tốt lành vô cùng, có quyền lực tối cao trên
muôn loài không bao giờ cho phép bất cứ sự dữ nào xảy ra trong những công việc
của Người nếu Người không đủ quyền năng và tốt lành để đem lại sự lành từ sự dữ
(St. Augustine, Enchiridion 11). Thánh
Tô-ma A-qui-nô căn dặn mọi người: “Tốt
hơn cho chúng ta nếu chúng ta không biết những điều thấp kém và hèn hạ bởi vì
chúng sẽ ngăn cản sự hiểu biết của chúng ta về những điều tốt lành và cao cả vượt
trội. Hơn nữa, chúng ta không thể cùng lúc hiểu biết mọi thứ. Tư tưởng của
chúng ta về sự dữ đôi khi làm cho ý muốn của chúng ta nghiêng về sự dữ”
(Thomas Aquinas, Summa Theologiae I,
q.22, a.3). Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích
cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý
Người định” (Rm 8,28). Điều này có nghĩa rằng các hình thức đau khổ mà con
người phải gánh chịu không do tội lỗi của mình cũng nằm trong sự quan phòng của
Thiên Chúa hầu thanh luyện và biến đổi con người.
Sống giữa thế gian,
con người phải đối diện với nhiều hình thức sự dữ. Hai hình thức sự dữ căn bản
mà ai cũng có thể kinh nghiệm là sự dữ luân lý và sự dữ tự nhiên. Sự dữ luân lý
liên quan đến cách hành xử của các thụ tạo có lý trí, ý chí và tự do; sự dữ tự nhiên là những gì diễn ra trong
môi trường tự nhiên gây ảnh hưởng xấu đến con người cũng như vạn vật, chẳng hạn
như mưa bão, nắng hạn, động đất. Bao lâu còn trong hành trình trần thế,
bấy lâu con người không thể hoàn toàn thấu hiểu mầu nhiệm sự dữ. Quả thực, như
đề cập ở trên, vấn nạn sự dữ luôn vượt quá khả năng trả lời của con người. Giáo
Lý Giáo Hội Công Giáo đặt câu hỏi và diễn giải như sau: “Nếu Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng Sáng Tạo nên thế giới có trật tự
và tốt lành, chăm sóc hết mọi thụ tạo, tại sao có sự dữ? Trước câu hỏi không thể
tránh và khẩn thiết, vừa đau thương, vừa bí nhiệm này không thể có một câu trả
lời ngắn gọn mà đầy đủ được” (GLGHCG 309). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo:
“Không có bất cứ chi tiết nào của sứ điệp
Ki-tô Giáo mà không là một phần của câu trả lời cho câu hỏi về sự dữ”
(GLGHCG 309). Nhãn quan của thánh Tô-ma A-qui-nô về sự dữ và những khiếm
khuyết nơi vạn vật đáng để được chúng ta quan tâm. Theo ngài: “Sự
khiếm khuyết của vật này làm nảy sinh vật khác và qua đó giống loài được bảo tồn” (Thomas Aquinas, Summa Theologiae I, q.22, a.2). Cũng theo ngài: “Trong vũ trụ, nhiều điều thiện sẽ vắng bóng
nếu mọi điều ác đều bị ngăn cản” (Thomas Aquinas, Summa Theologiae I, q.22, a.2). Đặc biệt, theo mặc khải Ki-tô Giáo,
sự dữ không phải là ‘tiếng nói cuối cùng’ của xã hội loài người cũng như muôn vật
muôn loài bởi vì tiếng nói cuối cùng là tiếng nói của Thiên Chúa tình yêu, tiếng
nói cho phép con người và muôn vật muôn loài được quy tụ trong Đức Giê-su hiển
thắng.
Triết gia Descartes
(1596-1650) nói rằng ‘tôi suy tư nên tôi hiện hữu’ (Cogito, ergo sum). Là Ki-tô
hữu, chúng ta nói rằng ‘nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa nên tôi hiện hữu’. Để có thể nhận thức và đáp lại sự quan
phòng của Thiên Chúa đối với bản thân mình, với anh chị em đồng loại cũng như với
muôn vật muôn loài, mọi người được mời gọi sống trong tâm tình tạ ơn. Viết thư
cho Ti-mô-thê, thánh Phao-lô căn dặn: “Tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại
bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ” (1 Tm 4,4). Con người cần
biết tạ ơn Thiên Chúa bởi vì bản thân mình không thể ‘tự hiện hữu’. Con người tạ
ơn Thiên Chúa vì những gì mình sở hữu đều thuộc về Người. Con người tạ ơn Thiên
Chúa vì con người luôn mắc nợ Thiên Chúa chứ Thiên Chúa không mắc nợ con người
bất cứ điều gì. Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô viết: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng
ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp
Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2,10). Ngài khuyên dạy các tín hữu:
“Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân
danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa con người, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep
5,20). Đối với tín hữu Phi-líp-phê, ngài viết: “Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà
giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của
Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được
kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 4,6-7).
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: ‘Thầy là Đường’ (Ga 14,6). Chúng ta có
thể khẳng định rằng Đường của Đức Giê-su là Đường Thiên Chúa Quan Phòng. Quả thực,
nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, hơn nữa, nhờ Người mà muôn vật được duy
trì, chăm sóc, bảo vệ. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta biết ai làm được điều
gì thì cũng có thể duy trì, chăm sóc, bảo vệ điều đó. Tương tự như vậy, nhờ Đức
Giê-su, với Đức Giê-su và trong Đức Giê-su, Thiên Chúa sáng tạo, thánh hóa và
đem lại ơn cứu độ cho con người cũng như biến đổi muôn vật muôn loài. Nói cách
khác, Đức Giê-su không chỉ là Đấng ‘nhờ Người mà muôn vật được tạo thành’, mà
còn là Đấng tỏ bày sự quan phòng của Thiên Chúa hầu biến đổi và định hướng con
người cũng như muôn vật muôn loài tới thời viên mãn. Tác giả thư gửi tín hữu
Do-thái viết về Đức Giê-su như sau: “Người
là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người
là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội
lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời” (Dt 1,3). Như vậy, không có
gì nằm ngoài ‘biên giới sự quan phòng của Thiên Chúa’ được thể hiện nơi Đức
Giê-su, đặc biệt nơi Biến Cố Người hiện diện bằng xương bằng thịt giữa gia đình
nhân loại. Ngoài Đức Giê-su là Đường Thiên Chúa Quan Phòng, không có con đường
nào khác giúp con người thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, sự chết và được chung hưởng
hạnh phúc sự sống vĩnh cửu (Cv 4,12).
Các Ki-tô hữu được mời
gọi đón nhận Đức Giê-su, đón nhận Đường Thiên Chúa Quan Phòng và sống theo Đường
Thiên Chúa Quan Phòng trong mọi biến cố đời mình. Đặc biệt, các Ki-tô hữu được
mời gọi loan báo Đường Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại.
Việc loan báo này luôn đi đôi với những hy sinh, đau khổ thậm chí hy sinh mạng
sống. Tuy nhiên, chuyện ‘được hay mất’ theo ngôn ngữ nhân loại cần nhường bước
cho sự quan phòng của Thiên Chúa đối với con người cũng như muôn vật muôn loài.
Trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, thánh Phao-lô viết: “Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ
thác cho tôi, liên quan đến anh em: Đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho
trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ,
nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa” (Cl 1,25-26). Còn
trong thư gửi Ti-mô-thê, thánh nhân viết về ân sủng nhưng không của Thiên Chúa
đối với con người như sau: “Người đã cứu
độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ
chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người
đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su, nhưng giờ đây mới được
biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki-tô Giê-su đã xuất hiện. Chính Đức
Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường
sinh bất tử” (2 Tm 1,9-10). Công Đồng Vatican II dạy: “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên
Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp
nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội,
tùy sức lực họ và tùy nhu cầu của thời đại” (LG 33). Như vậy, loan báo Đức
Giê-su, Đường Thiên Chúa Quan Phòng, cũng như Tin Mừng của Người thuộc về bản
chất của Giáo Hội cũng như của những ai nhìn nhận Đức Giê-su là Thầy và là Bạn
của mình.
Chúng ta có thể kết luận
rằng sự quan phòng của Thiên Chúa là việc
Người tỏ bày quyền năng và lòng thương xót trong tiến trình sáng tạo, gìn giữ,
bảo vệ, chăm sóc cũng như định hướng muôn vật muôn loài tới sự hoàn hảo tối hậu.
Thiên Chúa sáng tạo cũng là Thiên Chúa quan phòng, do đó, sáng tạo và quan
phòng đều ở trong ‘thì duy nhất’ của Thiên Chúa đối với những gì Người dựng nên.
Theo ý định và tình yêu khôn tả của Người, các thực thể trong thế giới thụ tạo
là ‘những dự án chưa hoàn thành’ (unfinished projects). Nhờ sự quan phòng của
Thiên Chúa, tất cả được định hướng về thời cánh chung là thời Người quy tụ mọi
sự trong Con Yêu Dấu của Người là Đức Giê-su. Khi con người phạm tội, phản nghịch
cùng Thiên Chúa cũng là khi sự chết xâm nhập trần gian. Tuy nhiên, Thiên Chúa
quan phòng hoạch định chương trình cứu chuộc của Người mà cao điểm là sự hiện
diện của Đức Giê-su giữa lòng trần thế. Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức
Giê-su tỏ bày sự quan phòng của Thiên Chúa đối với con người cũng như muôn vật
muôn loài. Đặc biệt, Người tỏ bày sự quan phòng của Thiên Chúa qua việc chữa bệnh,
trừ quỷ, tuyển chọn các môn đệ, thiết lập Giáo Hội cũng như công bố những tiêu
chuẩn luân lý mới mà cao điểm là giới răn yêu thương mà Người đã loan báo và thực
thi. Người mời gọi mọi người đáp lại chương trình Thiên Chúa quan phòng đối với
bản thân và anh chị em đồng loại cũng như muôn vật muôn loài. Hơn nữa, Người mời
gọi mọi người cộng tác với Thiên Chúa và với nhau trong việc trở thành ‘những
nguyên nhân đệ nhị’, nghĩa là trở thành khí cụ hữu hiệu của Thiên Chúa quan
phòng giữa lòng thế giới. Đặc biệt, Người mời gọi mọi người trong gia đình nhân
loại hãy theo Đường của Người, Đường Thiên Chúa Quan Phòng, để đến với Thiên
Chúa, đến với nhau và đến với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com