CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) Đức Thánh Cha nói với các nữ tu Đaminh: truyền giáo bằng sự thánh thiện, chuẩn bị nghề nghiệp và vui tươi Sáng thứ Bảy ngày 4/1/2024, gặp gỡ các nữ tu tham dự tổng hội của các nữ tu Đaminh truyền giáo trong giáo dục, Đức Thánh Cha cám ơn công việc của họ đặc biệt trong lĩnh vực giới trẻ! Ngài khuyến khích họ hãy tiếp tục tiến bước với sự cởi mở và lòng can đảm, sẵn sàng đổi mới chính mình khi cần thiết, bằng đời sống thánh thiện, sự chuẩn bị và vui tươi niềm nở. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha: Phương pháp giáo dục của Thiên Chúa là sự gần gũi Gặp gỡ một số hiệp hội thuộc lĩnh vực giáo dục vào sáng ngày 4/1/2024, Đức Thánh Cha nhắc nhở họ rằng “phương pháp giáo dục” của Thiên Chúa là sự gần gũi. "Như người thầy bước vào thế giới học trò, Thiên Chúa chọn sống giữa loài người để giảng dạy bằng ngôn ngữ sự sống và tình yêu". Đọc tất cả   Hơn 21.000 bạn trẻ Mỹ tham dự hội nghị tìm kiếm Chúa Giêsu vào đầu năm mới Hơn 21.000 người đã tham gia hội nghị dành cho thanh thiếu niên Công giáo lớn nhất trong năm tại Hoa Kỳ, được tổ chức tại hai địa điểm. SEEK25, do Hội sinh viên đại học Công giáo tổ chức, diễn ra từ ngày 1 đến ngày 5/1/2025 tại Salt Lake City và từ ngày 2 đến ngày 5/1/2025 tại thủ đô Washington. Đọc tất cả   Tổng thống Zambia cảm ơn Giáo hội hỗ trợ nỗ lực tái cơ cấu nợ của đất nước Ngày 31/12/2024, tiếp Đức Tổng Giám mục Gianluca Perici, Sứ thần Tòa Thánh tại Zambia, Tổng thống Zambia, Hakainde Hichilema, đặc biệt công nhận vai trò quan trọng của Giáo hội Công giáo trong việc hỗ trợ các nỗ lực tái cơ cấu nợ của Zambia, đồng thời lưu ý rằng những đóng góp của Giáo hội phù hợp với mục tiêu của Zambia trong việc giảm nợ và phục hồi kinh tế. Đọc tất cả   Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 1: Cầu cho quyền được giáo dục Trong video ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 1/2025, Đức Thánh Cha bảo vệ "quyền được giáo dục" của các trẻ em và người trẻ, những người vì di dân hay di tản vì chiến tranh không có được quyền này. Ngài mời gọi cầu nguyện để quyền được giáo dục của họ được tôn trọng. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha khuyến khích huynh đoàn của Hội Hiệp sĩ Malta gia tăng cầu nguyện và phục vụ Sáng ngày 3/1/2024, tiếp Tổng huynh đoàn Thánh Gioan Tẩy Giả và Gioan Thánh Sử của Hội Hiệp sĩ Malta ở Catanzaro, Đức Thánh Cha nhắc nhở họ về mối liên hệ rất chặt chẽ giữa việc chầu Thánh Thể và phục vụ: phục vụ người nghèo, người đau khổ là phục vụ Chúa. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha: Điểm đến của người hành hương là gặp Chúa Giêsu Gặp gỡ các thiếu niên và thanh niên của Liên minh người mù và người khiếm thị của Ý vào sáng thứ Sáu ngày 3/1/2025, Đức Thánh Cha nhắc rằng điểm đến của người hành hương là gặp Chúa Giêsu, để biết Người một cách cá nhân, lắng nghe Lời Người. Đọc tất cả   Giáo hội Úc mời gọi người Công giáo sử dụng mạng xã hội để chia sẻ Chúa Kitô cho thế giới Các Giám mục Công giáo Úc kêu gọi các cha mẹ và chính phủ bảo vệ trẻ em khỏi những điều xấu từ mạng xã hội, đồng thời sử dụng phương tiện này để chia sẻ Chúa Kitô cho thế giới. Đọc tất cả   Bách hại Kitô giáo ở Ấn Độ gia tăng chưa từng có, với 745 vụ trong năm 2024 Bạo lực chống các Kitô hữu ở Ấn Độ gia tăng chưa từng có trong năm 2024, với 745 vụ, tăng gần gấp sáu lần so với năm 2014 (127 vụ). Đặc biệt trong dịp Lễ Giáng sinh có 14 vụ chống lại các Kitô hữu từ phía các tín đồ Ấn Giáo cực đoan. Đọc tất cả   Số tín hữu hành hương Đền thánh Giacôbê ở Tây Ban Nha tăng kỷ lục trong năm 2024 Số tín hữu hành hương đến Đền thánh Giacôbê tại Santiago de Compostela, đông bắc Tây Ban Nha, tăng kỷ lục. Các chuyên gia ước tính số người hành hương khoảng 1,5 triệu người, bao gồm cả những người không yêu cầu giấy chứng nhận. Đọc tất cả  

Mẹ Maria

Dấu ấn dòng Nữ Vương Hòa Bình trên các buôn làng

24/05/2022 - 56
Trong công cuộc truyền giáo tại giáo phận Ban Mê Thuột, có thể nói, giới thiệu Chúa cho anh em sắc tộc là mục vụ được ưu tiên. Ðể góp phần cho quá trình rao truyền Lời Chúa đơm hoa kết quả, không thể thiếu sự chung tay của các thành phần Dân Chúa…
Dòng Nữ Vương Hòa Bình, từ khi ra đời đến nay đã vâng nghe lời dạy của Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, đấng thiết lập: “Như những bầy ong cần mẫn, âm thầm lặng lẽ bay khắp đó đây, từ các nẻo đường buôn xóm đến các xó xỉnh lều tranh thực thi 14 mối thương người, đem lại sức khỏe, an vui, hy vọng và thanh bình cho mọi gia đình, không trông mong một phần thưởng và biết ơn nào khác là được sung sướng thấy Chúa Kitô…” (trích bài giảng trong thánh lễ thiết lập hội dòng ngày 31.5.1969).
 

CÓ GÌ TRÊN MIỀN CAO NGUYÊN?

Thực vậy, một thoáng nhìn lại giáo phận Ban Mê Thuột với những nhu cầu mục vụ phong phú, đa dạng mà nổi bật hơn cả là chăm lo thăng tiến đức tin lẫn đỡ nâng đời sống người nghèo, người sắc tộc, có thể cho rằng sự đóng góp cộng tác của các nữ tu trong nhiệm vụ chung của giáo phận là cần thiết và quan trọng. Lãnh thổ giáo phận Ban Mê Thuột rộng lớn, bao gồm tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông và một phần Bình Phước, diện tích 24.474 km2.  Khu vực này, từ xa xưa vốn là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số Ê Đê, Gia Rai, Xơ Đăng, S’tiêng, M’Nông, H’Mông… Ngày nay, dưới áp lực kinh tế và tốc độ phát triển đến chóng mặt của cuộc sống, dường như vẫn có đâu đó một bộ phận người sắc tộc dù là tín hữu Công giáo hay không theo Công giáo đang có nguy cơ bị bỏ lại, không theo kịp, bởi những thiếu thốn về vật chất, trình độ văn hóa, khả năng thích ứng, cung cách ăn ở, nếp sinh hoạt… vì những lý do cả chủ quan lẫn khách quan mà họ vẫn chưa thoát nghèo. Và do đó, mục vụ tại nơi này cần chú ý đến phát triển con người toàn diện. Nữ tu Bề trên hội dòng Maria Nguyễn Thị Thuận chia sẻ nỗi trăn trở về sự hiện diện của các chị em Nữ Vương Hòa Bình giữa các buôn làng: “Ngay từ đầu, dòng được thiết lập với sứ mạng đến với người nghèo trên miền đất cao nguyên này. Các chị em ý thức sứ mạng của mình nên cố gắng để phục vụ bà con cách tốt nhất, làm nhiều hơn qua từng ngày. Vì nhìn thấy đời sống, nhu cầu của anh chị em, mình cảm nghiệm đó là những tặng phẩm mà Chúa gởi đến. Chị em phải yêu mến, dấn thân nhiều hơn. Và như chúng ta thấy, những điều kiện vật chất, cuộc sống của bà con nơi đây khiến các nữ tu không cho phép dừng lại mà ôm tất cả vào lòng, phục vụ để thăng tiến đức tin và góp phần canh tân cuộc sống người sắc tộc”.

 

 
Dấn thân phục vụ, đỡ nâng người nghèo khó - ảnh: tư liệu hội dòng
 
Các sơ dòng Nữ Vương Hòa Bình qua các thế hệ là những con người miệt mài để mang Tin Mừng đến mọi nơi. Với bề dày hơn 50 năm lịch sử, dòng đã phát triển nổi bật về nhân lực. Toàn dòng hiện có 428 nữ tu, 41 tập sinh, 70 bạn trẻ đang tìm hiểu ơn gọi. Số nhân sự này rải cho 62 cộng đoàn ở các khu vực của giáo phận để phục vụ cho nhu cầu giáo lý, kinh kệ, chăm lo đời sống bà con sắc tộc… Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, Giám quản Tông tòa giáo phận, nguyên Giám mục Chánh tòa giáo phận Ban Mê Thuột suốt hơn 13 năm, trong vai trò chủ chăn đã từng có thời gian làm việc, định hướng cho nhà dòng, ngài đánh giá cao sự nhiệt tình của các nữ tu: “Nếu không có các dòng tu hiện diện và cùng giáo phận chăm sóc, phục vụ người sắc tộc thì chắc chắn sẽ không gặt hái nhiều thành quả. Dòng Nữ Vương Hòa Bình, với linh đạo truyền giáo, gắn mình cùng tín hữu sắc tộc hoạt động rất hiệu quả. Các nữ tu hăng hái, tích cực đến với bà con nghèo, chịu thương, chịu khó ở sâu trong các buôn, xóm, hiện diện, giúp anh em sắc tộc bằng tất cả lòng nhiệt thành”.

Những lời chia sẻ của nữ tu bề trên và Đức Giám mục, đấng bản quyền giáo phận khiến chúng tôi liên tưởng về hình ảnh một Giáo hội hiệp hành, đồng trách nhiệm. Ở nơi đó, chúng ta bước đi cùng nhau và bước đi trong Chúa. Ở nơi đó, không có sự phân biệt, kỳ thị, hơn thua hay đua tranh nhưng là đỡ nâng, sánh bước để tiến về cùng đích. Rất nhiều lần, bài huấn dụ của các vị chủ chăn khẳng định tính hiệp hành đã hiện hữu trong nội tại Hội Thánh, làm thành lối sống của Giáo hội: “Tất cả mọi Kitô hữu, dù nhiều và đa dạng, nhưng hiệp thông sâu xa với nhau vì có chung một sự sống thần linh và làm nên một Hội Thánh duy nhất. Tất cả mọi Kitô hữu, do việc lãnh nhận Bí tích Rửa tội, dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, khác nhau về chức năng, nhưng xét về phẩm giá thì tất cả đều bình đẳng (x. LG 32). Trong Hội Thánh, không ai được thụ động hay dửng dưng; không ai là độc quyền; không ai bị loại trừ; không ai được coi thường vai trò của người khác, dù đó là một chi thể bé mọn nhất. Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người một đặc sủng là để thi hành sứ vụ xây dựng Hội Thánh và Phúc Âm hóa thế giới. Sứ vụ trong Hội Thánh thì nhiều: rao giảng, thánh hóa, phục vụ, quản trị…, tùy theo Chúa Thánh Thần hoạt động nơi từng người, theo ơn gọi riêng và cách thế riêng của người ấy”, trích bài viết “Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh”, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng (xem toàn văn trên báo CGvDT, số Xuân 2022). Như vậy, trong ơn gọi đời sống thánh hiến, các nữ tu Nữ Vương Hòa Bình đã sống hiệp hành: hiệp thông - tham gia - sứ vụ.

 

 
Cùng với giáo dân miền Ban Mê quyên góp rau củ, chở về TPHCM thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tháng 7.2021

HIỆP HÀNH: NGANG QUA CÁC CỘNG ĐOÀN

Trong số 62 cộng đoàn thuộc hội dòng thì số đông gắn với các giáo xứ có bà con sắc tộc. Một buổi chiều, chúng tôi đến thăm một cộng đoàn ở khu vực giáo xứ Quảng Nhiêu (huyện Cư M’Gar, tỉnh Đăk Lăk). Nhà của các sơ cách nhà thờ mấy cây số, phải chạy xe máy một đoạn mươi phút. Trời mưa, đi chậm hơn. Ở đây, các sơ không sống chung trong nội vi nhà xứ mà ở xa nhà thờ. Căn nhà nhỏ nơi các chị ở tạm cũng là nơi bà con trong giáo họ Cư M’Ga hay tới lui. Trẻ con tới để được học kinh, tập hát, được dạy đàn. Người lớn tới để cùng trao đổi, gặp gỡ và sinh hoạt. Chị Têrêsa H’ Ă Niê, (55 tuổi, đại diện Ban Hành giáo giáo họ) chia sẻ: “Chúng tôi quý mến các sơ, xem các sơ như người ruột thịt. Ban ngày, bà con đi làm, nhưng hễ khi rảnh rỗi là lại tới thăm, trò chuyện cùng các sơ. Không phải chỉ tới để học kinh, sinh hoạt mà còn gặp gỡ, nói chuyện cuộc sống, làm ăn… Thân tình lắm!”. Nữ tu Maria Vũ Thị Đoan Trang, phụ trách cộng đoàn cảm nghiệm về bầu khí ấm áp ở giáo họ: “Đến đây, chúng tôi được bà con yêu quý. Chúng tôi tới từng gia đình để gặp gỡ, khuyến khích tham dự lễ sốt sắng, tổ chức đọc kinh tại nhà, khơi dậy các sinh hoạt đạo đức bình dân khác. Trong tuần, giáo họ có giờ chia sẻ Lời Chúa theo nhóm, lễ của anh em đồng bào. Các dịp quan trọng, sau khi lễ xong thì có giờ sinh hoạt, giáo họ chọn nhà nào có sân rộng cùng nấu cơm, mừng tiệc đơn sơ, ca hát. Chúng tôi cũng quan sát để ý xem có anh chị, gia đình nào gặp khó khăn sẽ tím cách giúp đỡ, trẻ em đến trường nếu thiếu thốn tập sách thì hỗ trợ…”. Những đồng hành của các nữ tu nơi đây không dừng lại trong mục vụ giáo lý hay sinh hoạt đức tin mà đi sâu vào đời sống. Ở giữa bà con và được dành nhiều tình cảm, sơ Đoan Trang cảm nghiệm đó là niềm vui của sứ mạng.

 


Nét gần gũi, thân thương giữa người nữ tu và bà con buôn làng
 
Đến thăm cộng đoàn khi trời nhá nhem tối, vậy mà vẫn thấy năm, bảy lượt người tới lui nói chuyện, bàn việc mục vụ với các sơ. Có người mang đến biếu trái mít. Có người thấy gian bếp của các nữ tu bị hư nên sau khi xong việc đồng áng còn tranh thủ chạy lại kê, sửa. Nữ tu Đoan Trang còn kể bà con giáo dân giáo họ Cư M’ga giàu lòng quảng đại. Khi TPHCM và các tỉnh bùng dịch hồi tháng 7.2021, trước lời kêu gọi hỗ trợ của HĐGMVN qua chương trình “Thương lắm Sài Gòn ơi”, các sơ Nữ Vương Hòa Bình vận động thực phẩm nơi từng cộng đoàn thì các anh chị em dân tộc thiểu số nhiệt tình đóng góp, thu gom rau củ từ khắp làng. Chị Maria H’ Brăc Ayun (37 tuổi) nhớ lại trong niềm vui của sự phục vụ lẫn sự xúc động: “Lúc đó, dịch ở thành phố bùng quá dữ. Mình nghe trên đài, coi thời sự và nghe các sơ kêu gọi gom rau củ, trái cây, thực phẩm cần thiết… là tập trung làm ngay. Làm hết sức”. Chỉ ra khoảng sân phía dưới nhà sàn, nơi chúng tôi và các chị đang chuyện trò, chị tiếp: “Đây này, những bụi sả, ngày thường để mọc bình thường thôi, cũng không nghĩ là dùng quá nhiều vậy mà khi ấy tận dụng hết sức. Trong vườn nhà, vườn bà con, ai có chuối, khoai, rau… mọi thứ là đem lại sân của sơ chất đấy, chờ xe nhà dòng mang tới để chở về xuôi”. Chị nhớ lại với giọng điệu sôi nổi, bởi là người trong cuộc. Chúng tôi, khi đó dẫu không có mặt để cùng tham gia nhưng qua lời trình thuật cũng có thể hình dung bầu khí hăng say trong những ngày ấy ở giáo họ, nơi những tín hữu sắc tộc với cuộc sống còn đầy rẫy khó khăn mà nhiều người cứ nghĩ, mục vụ với anh em buôn làng chỉ có một chiều: “cho”, chứ ít khi nghĩ đến chiều ngược lại: “nhận”, phải xem lại để điều chỉnh suy nghĩ. Nói như thế, để thấy sự nhiệt tâm trong đời sống đức tin, lòng đạo đức, tinh thần bác ái của bà con. Và nói như thế, có thể thấy được sự nhịp nhàng trong cách làm việc giữa các sơ với giáo hữu, tình cảm đôi bên thắm thiết, nhất là những hạt giống Tin Mừng đã lớn lên, trưởng thành nơi các tín hữu sắc tộc này.

Nữ tu bề trên Maria Nguyễn Thị Thuận, khi chia sẻ về cung cách mục vụ của hội dòng đã nhấn mạnh đến sự nhiệt tâm và linh hoạt. Các nữ tu sống với người sắc tộc để thấy và chia sớt niềm vui, nỗi buồn. Tùy từng cộng đoàn mà có cách sinh hoạt, hỗ trợ cho phù hợp. Như tại giáo buôn Hra Ea Hning, giáo xứ Kim Phát, nữ tu Maria Huỳnh Thị Ngọc Trang, phụ trách cộng đoàn cho biết, phục vụ bà con giáo buôn là gắn bó mọi sinh hoạt đời sống, không chỉ việc dâng lễ. Bởi lẽ, ở vùng này, bà con Ê đê vẫn còn nghèo, chưa ổn định cuộc sống: “Tại cộng đoàn hiện có 4 chị em cùng có mặt để phục vụ cho bà con. Việc thường nhật là chia ra để thăm hỏi người nghèo, đi vào các nhà khó khăn, mang lương thực, thực phẩm mà các chị em vận động được từ các nguồn tiểu thương ở chợ để cho. Có những gia đình con cháu đi hết còn cụ già ở lại, không tự chăm lo cho mình được. Có những gia đình khác phải gỡ rối, hoặc là cha rượu chè, say xỉn, hoặc là đông con. Thương các bạn nhỏ, nhiều bạn sống trong gia đình nghèo lại có đông anh em, học mới lớp 4, lớp 5 đã nghỉ nửa chừng. Các sơ tập hợp lại, mở lớp học dạy chữ, dạy kinh… giúp để các em không quậy phá, lêu lỏng. Tìm cách hỗ trợ các em đi học. Nhìn chung, cuộc sống bà con sắc tộc khó khăn lắm”. Sơ Ngọc Trang chia sẻ, truyền giáo nhờ hiện diện, với tinh thần hiệp thông, mạnh mẽ tham gia, gắn bó trong sứ vụ của mình đã có những hiệu quả nhất định, tỷ như việc dễ thấy nhất là bà con yêu mến các cha, các sơ, thích đi lễ, bà con khác xin theo đạo để học giáo lý, để cùng sinh hoạt Nhà Chúa…

 

 
Những sản phẩm mang thương hiệu “Hòa Bình” được làm ra gây quỹ bác ái - ảnh: Hùng Luân
 
Trong vai trò nữ tu, với linh đạo truyền giáo của hội dòng, các sơ đã cùng với các thành phần Dân Chúa giáo phận Ban Mê Thuột tỏa lan tình thương Chúa, ánh sáng Tin Mừng trên các buôn làng. Nhờ thấy được những nhu cầu và linh hoạt, chủ động trong cách làm việc mà nhà dòng đã giúp được rất nhiều cho các hoàn cảnh. Nữ tu Clara Cao Thị Trọng, Trưởng ban Bác ái của nhà dòng cho biết hoạt động bác ái của dòng luôn được đẩy mạnh: “Các sơ khi đi mục vụ tại giáo xứ luôn luôn chú ý việc bác ái. Vì người sắc tộc còn nghèo mà. Còn nhiều thứ phải giúp. Thế nên, ban bác ái nhà dòng qua các chương trình đã cùng với các cộng đoàn giúp đỡ bà con, đặc biệt trong mùa dịch, nhiều bà con có cuộc sống khó khăn lắm, trái cây không bán buôn được, giãn cách xã hội không đi đâu được cả, rồi có nhà đói ăn… rất đáng xót thương!”. Điện thoại và chiếc xe máy của sơ Trọng dường như có rất ít giờ ngơi nghỉ. Trên chiếc xe nhỏ, người nữ tu gấp gáp chở hàng cho kịp chuyến để chuyển vào các buôn, liên hệ ân nhân, liên hệ người nhận… thật bận bịu.

Hỗ trợ để có được cuộc sống ổn định trước mắt, đồng hành với giáo dân buôn làng, các chị em dòng Nữ Vương Hòa Bình còn thao thức nhiều về tương lai của các giáo hữu. Làm sao để phát triển văn hóa. Có văn hóa, có hiểu biết thì nhận thức về cuộc sống mới thay đổi. Có lẽ vì vậy mà ngôi nhà lưu trú sắc tộc của các nữ tu ở rải rác các cộng đoàn trong giáo phận mới hình thành và tồn tại theo dòng thời gian. Nữ tu bề trên, người có mấy chục năm đồng hành cùng các em sắc tộc trong nhà lưu trú Têrêsa trải lòng: “Một khi ngôn ngữ của dân tộc còn, thì dân tộc đó sẽ còn. Một khi các em yêu mến, tự hào về văn hóa dân tộc mình thì chắc chắc nét tinh hoa ấy sẽ được gìn giữ, bảo tồn, ít là trong các em. Nhưng các em phải được giáo dục để trở thành những con người biết nhận thức đúng đắn, biết đúng sai, biết luân lý. Các em còn vướng phải hoàn cảnh gia đình, cha mẹ nghèo khổ, lam lũ… cách nào để các em thoát khỏi nương rẫy mà đến giảng đường. Hội dòng lập nên những mái nhà nội trú sắc tộc để phần nào sẻ chia gánh nặng với các gia đình và quan trọng hơn là chắp thêm đôi cánh cho các em…”. Ở mái nhà lưu trú sắc tộc, các bạn trẻ còn được đào tạo kỹ năng mềm và năng khiếu, học ngôn ngữ để có thêm tự tin, mạnh mẽ và có nền tảng vững bước vào đời. Trải qua mấy mươi năm, đã có nhiều bạn trẻ trưởng thành dưới những mái nhà nội trú. Trong đó, có cả các tu sĩ…

Ngang qua các cộng đoàn, có thể thấy lát cắt đời sống của các nữ tu Nữ Vương Hòa Bình. Những lát cắt ấy thực tế và phong phú, nhân văn, đậm tính hiệp hành, trên hết, giàu tình quảng đại và có giá trị. Các chị đã sống tinh thần Tin Mừng hữu hiệu, trở thành những chứng nhân hòa bình giữa lòng xã hội.

 
Nguyễn Hùng Luân
Nguồn: http://www.cgvdt.vn/


Nguồn: Dòng Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình - dongnuvuonghoabinh.org

× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.