Đức Giáo hoàng
Gioan Phaolo I đi dạo tại Vatican vào năm 1978
ĐÔI NÉT VỀ
TÂN CHÂN PHƯỚC GIÁO HOÀNG GIOAN
PHAOLÔ I
Nt. Anna
Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa
Minh Thánh Tâm
WHĐ (16.7.2022) – Theo thông báo từ Vatican được công bố ngày 11. 7. 2022, Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ cử hành
thánh lễ phong chân phước cho Đấng đáng kính Gioan
Phaolô I vào ngày 4. 9 tới đây tại Quảng
trường thánh Phêrô.
Dưới đây
là đôi nét về vị tân Chân phước của Giáo hội.
1. Đức Gioan Phaolô I, vị Mục tử của người nghèo
Xuất thân
trong một gia đình thợ xây, tại thị trấn miền núi nhỏ Canale D’Agordo của Ý, Albino Luciani - vị giáo hoàng tương lai- cùng 2
anh trai và 1 em gái sống trong cảnh nghèo túng, và nhiều khi phải đi ngủ với bụng
đói.
Khoảng năm 10 tuổi, cậu bé Luciani tuy rất nghịch ngợm nhưng lại được đánh động bởi
các bài giảng Mùa Chay của một thày Dòng Capuchin
nên đã ao ước sẽ trở thành một linh mục. Được sự
khích lệ của thân sinh, nên bất chấp sự ốm
yếu và gia cảnh khó khăn, Luciani đã xin vào chủng
viện, mang theo những lời nhắn nhủ:
“Bố hy vọng rằng khi trở thành linh mục, con
sẽ đứng về phía người nghèo, vì Chúa Kitô đã đứng về phía họ”.
Đây là những lời mà Luciani, vị linh mục, giám mục, hồng y, và giáo hoàng luôn ghi nhớ và thực thi trong suốt đời mục tử của mình.
Sống trong
chủng viện, nhưng mỗi dịp hè, người ta thường nhìn thấy thày Luciani làm việc trên cánh đồng trong chiếc áo chùng thâm. Vào năm 1935, thày Luciani được lãnh chức linh mục.
Sau đó, khi lên ngôi Giáo hoàng năm 1958, Đức Gioan XXIII đã bổ nhiệm cha Luciani làm giám
mục giáo phận Vittorio Veneto.
Khi chọn khẩu
hiệu giám mục là “Khiêm nhường”, ngài không chỉ muốn nhấn mạnh
một nhân đức Kitô, mà còn muốn phản ánh
tính cách thực tế và sứ vụ mục tử của ngài. Trong bài diễn văn đầu tiên với giáo dân thuộc
giáo phận của mình, vị tân Giám mục chia sẻ: "Tôi
muốn trở thành một giám mục, một người giảng dạy, và một đầy tớ." Là một mục tử sống đơn
sơ, luôn kiên định với những điểm thiết yếu trong đức tin, cởi mở theo quan điểm xã hội, và sống gần gũi với người nghèo và người lao động nhưng Giám mục Luciani lại tỏ ra rất nghiêm khắc trong việc sử dụng
tiền bạc một cách vô đạo đức, gây tổn hại cho người dân.
Vào cuối năm 1969, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã bổ nhiệm Giám mục Luciani
làm Thượng phụ Venice và phong làm Hồng y vào tháng 3. 1973. Trong vai trò mới này, ngài được biết đến với sự tận tụy dành cho người
nghèo và người tàn tật. Ngài từng kêu
gọi các linh mục trong giáo phận bán các đồ vật bằng vàng, bạc để có tiền cho một
trung tâm dành cho người khuyết tật. Chính ngài cũng khởi sự việc gây quỹ bằng việc đưa ra bán
đấu giá một cây thánh giá và dây chuyền bằng vàng, vốn là di vật
của Đức giáo hoàng Piô XII, mà Đức giáo
hoàng Gioan XXIII tặng cho mình. Hơn nữa, trong sứ vụ quan
trọng này, ngài đã phải chịu nhiều đau khổ vì những cuộc biểu tình, vốn là đặc trưng của những năm hậu Công đồng.
Vào Giáng sinh năm 1976, vào thời điểm các nhà máy tại trung tâm công nghiệp
Marghera bị chiếm đóng, ngài đã đưa ra lời phát biểu
mà hiện nay, những lời này vẫn mang tính thời sự:
“Khoe khoang sự xa hoa, lãng phí tiền bạc, từ chối đầu tư, cất
giấu nó ở nước ngoài, không chỉ cấu thành sự vô cảm và vị kỷ: nó có thể trở
thành sự khiêu khích và đè nặng trên đầu chúng ta, điều mà Đức Phaolô VI gọi là “cơn thịnh nộ của người nghèo với những hậu quả khó lường".
2. Đức Gioan Phaolo I, vị Mục tử giản dị, gần gũi
Khi còn là giám mục, ngài đã tham dự tất cả các
kỳ họp của Công đồng Vatican II (1962-1965). Vốn là người con của một vùng đất phải đối mặt với
tình trạng di cư vì nghèo đói, nhưng rất sinh động theo quan điểm xã hội, và của
một Giáo hội được đặc trưng bởi hình ảnh của các linh mục vĩ đại, ngài đã nhiệt tình áp dụng các đường hướng của Công đồng.
Đức giáo hoàng Phaolô VI luôn coi Giám mục Luciani là
“một trong những nhà thần học tiên tiến nhất” thời bấy giờ, và được đánh
giá cao vì ngài không chỉ biết thần học mà còn biết cách giải thích thần học cách rất gần gũi và thiết thực.
Ngay cả
việc được chọn làm giáo hoàng, ngày 26. 8. 1978, sau khi Đức Phaolô VI qua đời, cũng không khiến ngài mất đi lối sống khiêm nhường, giản dị. Một cách cụ thể, vị tân giáo hoàng đã từ chối đội vương miện Giáo hoàng, và gọi
Thánh lễ Khởi đầu Sứ Vụ Phêrô của ngài là “lễ
nhậm chức” chứ không phải là một “cuộc đăng
quang”.
Với sự giản dị, Đức Gioan Phaolo I được biết đến với việc giảng dạy đức tin một cách dễ
hiểu.
Các buổi tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần của ngài là những
buổi học giáo lý, ngài thường nói buông mà không cần có bản viết, và trích dẫn thuộc lòng những bài thơ… Có lần trong buổi tiếp kiến dành cho các tín hữu, ngài
thân thiện mời một cậu bé và một cậu giúp lễ đến gần
bên và chuyện trò với họ.
Với tư cách là Giáo hoàng, Đức Gioan Phaolo I đã ra khỏi
thành Vatican một lần duy nhất vào tuần lễ oi bức cuối mùa hè năm 1978, để đến đền thờ thánh Gioan Lateran, thuộc Giáo phận Roma của
ngài.
Trong một bài báo trên tờ Quan Sát Viên Roma vào
tháng 4. 2020, Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà thánh, viết rằng “Đức giáo
hoàng Gioan Phaolô I đã và vẫn là một điểm tham chiếu trong lịch sử của Giáo hội
hoàn vũ, tầm quan trọng của ngài – như
thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói - tỷ lệ nghịch với thời gian triều đại
Giáo hoàng của ngài”.
Vào ngày 17. 2. 2020, Đức giáo
hoàng Phanxicô đã ký phúc
chiếu thành lập ngân quỹ Gioan Phaolô I, theo giáo luật và luật của Quốc gia
thành Vatican, nhằm đào sâu con người, tư tưởng, giáo huấn, đồng thời cổ võ việc
học hỏi và phổ biến các tác phẩm của vị tiền nhiệm đáng kính.
3. Đức Gioan Phaolo I, vị Mục tử thánh thiện
Trong huấn quyền của mình, ngài đặc biệt nhấn mạnh đến chủ đề lòng thương xót, và luôn dành nhiều thời gian ngồi tòa giải tội. Sau khi qua đời vào ngày 28. 9. 1978 ở tuổi 65, danh tiếng về sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolo I lan truyền
rất nhanh.
Thánh Têrêxa thành Calcutta đã gọi ngài là “một món quà
tuyệt vời nhất của
Thiên Chúa, một tia nắng tình yêu của Thiên Chúa chiếu sáng trong bóng tối của thế giới”.
Vào năm 2008, kỷ niệm 30 năm ngày mất của ngài,
Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI cho biết rằng, khi suy tư về thư thánh Phaolô gửi tín hữu
Philipphê 2, 3: “Ðừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh,
nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” đã khiến ngài nghĩ đến Đức Gioan Phaolô I, người
đã chọn phương châm giám mục Humilitas – Khiêm nhường.
Tiến trình phong thánh cho ngài chính thức bắt đầu vào năm 1990 với lời thỉnh cầu của 226 giám mục
Brazil.
Vào ngày 23. 11. 2003, Đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố Đức Gioan Phaolo I là Tôi tớ
Chúa, bước đầu tiên trên con đường dẫn tới việc phong thánh.
Sau một thời
gian làm việc, các chuyên gia của Bộ
phong thánh đã hoàn thành hồ sơ đúc kết gọi là “Positio” gồm 5 cuốn, tổng cộng
hơn 3.600 trang, cho thấy cuộc đời
và việc thực hành các nhân đức Kitô của Đức Gioan Phaolo I đạt tới mức độ anh hùng. Ngày 8. 11. 2017, Đức Phanxicô, sau khi cho công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh
hùng của vị Tôi tớ Chúa, Gioan Phaolo I, đã xác nhận ngài là Đấng
đáng kính, đạt tới bước thứ hai trên tiến trình phong Thánh.
Tiếp
theo, ngày 13. 10. 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến và ủy quyền cho Đức Hồng Y
Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, về việc ban hành sắc lệnh phê chuẩn phép lạ chữa bệnh được cho là nhờ sự chuyển cầu của Đấng đáng
kính Gioan Phaolô I.
Được biết, phép lạ xảy ra vào ngày
23/7/2011 khi một bé gái 11 tuổi ở Buenos Aires, Argentina bị viêm não cấp
tính trầm trọng kèm theo bệnh động kinh ác tính và sốc
nhiễm trùng đã được khỏi bệnh cách lạ lùng, nhờ thân
nhân và tín hữu, được một linh mục
quản xứ khuyến khích cầu nguyện xin Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I cứu
chữa. Đây là trường hợp được chữa lành mà các bác sĩ
của Bộ phong thánh đánh giá là không thể giải thích được về phương diện khoa học.
Với sự
phê chuẩn này, việc phong chân phước cho Gioan Phaolô I sẽ được cử hành vào ngày 4. 9. 2022 tới đây.
*****
Dù đột ngột
qua đời do một cơn đau tim, với vỏn vẹn 33 ngày trong
cương vị giáo hoàng, nhưng Đức Gioan Phaolô I đã đi vào
trái tim của hàng triệu người vì sự giản dị, khiêm tốn, luôn lên tiếng bênh vực
những người bé mọn, và nhất là nụ
cười ấm áp, khiến ngài được mệnh danh là “vị giáo
hoàng của nụ cười”.
Nhiều người đã, đang, và sẽ cầu nguyện
với Đức Gioan Phaolô I, với niềm tin tưởng rằng, vị Giáo hoàng khiêm tốn của thời đại sẽ mau
chóng được tôn vinh và ghi danh vào sổ bộ các Thánh của Giáo hội.
Còn với chúng ta, sau khi nhìn
lại đôi nét về cuộc đời của Thánh nhân, ước mong đọng lại nơi tâm hồn mình,
chính lời mà ngài nhắn nhủ vào ngày 13. 9. 1978:
“Chúng ta
hãy cố gắng hoàn thiện Giáo
hội bằng cách chính mình trở nên tốt hơn. Mỗi người
trong chúng ta và toàn thể Giáo hội có thể đọc
thuộc lòng lời nguyện mà tôi tha thiết
nài xin mỗi ngày: “Lạy Chúa,
xin hãy coi con như con là, với những
khuyết điểm, giới hạn, yếu đuối, nhưng
xin hãy biến con trở thành người như Ngài muốn con trở thành”.
Theo: catholicnews.com (13. 10. 2021); osvnews.com (11. 7. 2022) và thetablet.co.uk (12. 7. 2022)
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com