Lễ Phục Sinh là mùa lễ đặc biệt của người Công giáo. Trước đó, các tín hữu đã chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng để đón chờ ngày Chúa sống lại.
Nhiều người chờ đón lễ bằng những chuỗi ngày đọc kinh, sám hối, nhìn lại mình… để xứng đáng là con cái Chúa hơn. Có người dành những phút giây suy ngẫm về những gì mình đã làm trong năm qua. Và một điều không thể thiếu với giáo hữu là đến tòa giải tội giao hòa cùng Chúa. Bà Lê Minh Tâm, 67 tuổi (ngụ quận 3, TPHCM) chia sẻ: “Giáo xứ chúng tôi có cha ngồi tòa mỗi ngày, chỉ cần rảnh khoảng 30 phút là xưng tội được. Nhưng tôi không muốn xưng tội một cách máy móc. Tôi muốn đến nhà thờ hoặc ở tại nhà lần hạt, suy ngẫm những gì đã qua, làm lành với những ai mình làm họ tổn thương… rồi mới đi xưng tội. Nói chung tôi muốn sám hối trước khi đi xưng tội. Như thế sau này mình mới tránh được những gì mình từng phạm phải…”.
Trước lễ Phục Sinh, nhiều Kitô hữu đã đến nhà thờ tham dự những buổi tĩnh tâm dành cho giới của mình
|
Không ít người đã có những buổi sám hối lỗi lầm như bà Minh Tâm. Có người đến nhà thờ, có người đến nhà nguyện, có người cầu nguyện và sám hối tại nhà. Ông Trần Văn Sơn, 49 tuổi (Q.8, TPHCM) kể, cứ 4 giờ chiều, ông lần hạt và suy ngẫm Lời Chúa, xét mình và làm lành những ai còn gút mắc mâu thuẫn với mình. Khi đã hoàn toàn bằng lòng với sự “dọn mình” của chính mình, ông Sơn mới đến tòa giải tội.
Không chỉ là những giờ phút sám hối, giao hòa cùng Thiên Chúa, người Công giáo còn đến những buổi tĩnh tâm dành cho lứa tuổi của mình trong thời gian chuẩn bị đón Chúa Phục Sinh. Chị Phan Thị Mai Anh, 26 tuổi (Q.Gò Vấp, TPHCM) cho biết, mình vẫn thường theo bạn bè đến Ðền Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp dự tĩnh tâm như là dịp nhìn lại mình, nhìn lại tinh thần Kitô giáo của mình: “Hằng năm, mỗi buổi tĩnh tâm, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn trong tình yêu của Chúa, gắn kết hơn với gia đình và mọi người chung quanh. Tôi sống tốt hơn tôi nhiều năm trước...”. Và trong tinh thần đó, Mai Anh cũng không quên những phút giây sám hối để giao hòa cùng Thiên Chúa một cách thánh thiện hơn. Không những thế, chị còn động viên nhiều bạn người Công giáo sống xa gia đình, đang chạy theo mưu sinh bỏ quên Chúa nơi góc nào đó của trái tim. Chị kể, bạn mình trong xí nghiệp đa phần từ Hà Tĩnh, Nghệ An vào. Họ là những người con của Chúa. Do tăng ca hoặc nhận dọn dẹp làm thêm, hầu như họ không còn màng đến mùa Thương Khó nữa. Mai Anh đã nhắc nhở, động viên…và chị thật vui khi biết các bạn đã lần hạt nơi nhà trọ. Họ cũng nhín chút thời gian đến nhà thờ xưng tội, dọn sạch tâm hồn đón Chúa.
Ðể chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bồng (Q.1, TPHCM) cũng trong tâm tình sám hối, cùng nhận những lỗi lầm trong cuộc sống vợ chồng. Và hơn tất cả, hai anh chị cùng con gái lớn là sinh viên cùng dành thời gian đi tĩnh tâm. Cả ba cùng đi, không phân biệt, như anh Bồng nói: “Chúng tôi cũng dự tĩnh tâm cho giới trẻ cùng con gái. Và con gái cũng tham dự tĩnh tâm cho giới già. Nhà đóng cửa để cả ba an tâm phụng sự Chúa. Chứ ở nhà một người hoặc hai người làm gì. Cùng đi tĩnh tâm cũng là cơ hội nhờ bài giảng, chúng tôi hiểu nhau hơn, từ đó gắn kết tình cảm gia đình với nhau hơn. Những bài giảng tĩnh tâm của các linh mục trong dịp này rất thiết thực, thể hiện đầy tình yêu thương của Thiên Chúa, làm lan tỏa tình yêu thương đến chúng tôi...”.
Và dọn mình xưng tội để chờ đón Chúa sống lại
|
Ở lứa tuổi đi học, em Nguyễn Minh Thể, 17 tuổi (Q.5, TPHCM) ngoài những buổi tĩnh tâm, ăn năn sám hối, còn tự hứa sẽ không làm buồn lòng ba mẹ thầy cô nữa. Năm lớp 10, Thể đánh nhau hơi nhiều. Năm nay lớp 12, em sẽ giảng hòa với những người từng đánh nhau với mình, sẽ chủ động đến nhà họ xin lỗi. Với thầy cô, Thể cũng sẽ xin lỗi những người mà trong giờ dạy của họ, em từng quậy phá trong lớp. “Em sẽ cố gắng hết sức để sống tốt hơn và thêm nữa, sẽ chăm chỉ học hành để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp cũng như vào đại học năm nay”, cậu học trò nói như một quyết tâm.
Có nhiều người làm đẹp tâm hồn mình bằng hành động noi gương Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Bà Cao Phước Ðạt, 57 tuổi (Q.8) đã gom góp tiền bạc rồi cùng kêu gọi bạn bè, người chung xóm giáo đi loanh quanh phường tặng mì gói, gạo, dầu ăn, nước tương, nước mắm... cho những người nghèo, không phân biệt tôn giáo. Bà bảo: “Trong mùa Thương Khó, mình phải thể hiện lòng yêu thương với những người bất hạnh hơn mình. Trong quận mình, khá nhiều mảnh đời bất hạnh, không thiếu những công nhân mất việc, không ít những người già neo đơn… Mình san sẻ chút gì mình có theo tinh thần yêu thương của Thiên Chúa. Tôi vẫn cố gắng tiết kiệm để không chỉ mùa lễ mà có thể suốt năm, những ai cần đến, mình sẽ đưa tay ra với họ trong khả năng của mình”.
Dịch bệnh chưa qua đi, cuộc sống chưa trở lại bình thường. Ðây đó vẫn có những mặt bằng chưa được sử dụng, nhân viên vẫn còn tình trạng thất nghiệp, các nhà máy chưa hoạt động đúng công suất. Vì vậy, vẫn còn đó những người cần lắm một bàn tay đỡ nâng. Trong tinh thần đó, cũng như bà Ðạt, ông Nguyễn Tấn Trung, 67 tuổi (Q.1) với chút tiền hưu trí cũng trích ra đóng góp vào quỹ học bổng Lá Xanh của nhóm thanh niên Công giáo. Cha mẹ khó khăn trong công việc làm ăn kéo theo nỗi lo trong việc học của con cái. Học bổng Lá Xanh góp phần nhỏ giải quyết khó khăn đó.
Mùa Thương Khó khiến người ta nghĩ nhiều về cuộc sống và sự chết. Người ta dễ đến với Chúa bằng sự ăn năn, sám hối, bằng những buổi tĩnh tâm thánh thiện, những buổi từ thiện nhiệt thành như thế.
Từ trước Tuần Thánh, thời điểm đón chờ Chúa Phục Sinh, trong từng trái tim người Công giáo có nhiều cách riêng để giao hòa với Chúa. Và Chúa cũng yêu thương, che chở, bảo vệ từng người theo cách riêng của Ngài.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com