CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển...., trang chính thức  http://www.gxthanhtamhonai.vn - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) Tổng Giám mục Seoul kêu gọi hy vọng và đoàn kết trong bối cảnh bất ổn chính trị Trong sứ điệp Giáng sinh năm 2024, Đức Tổng giám mục Peter Chung Soon-taick của Seoul đã nhấn mạnh đến chủ đề hy vọng, hòa bình và đoàn kết, kêu gọi các tín hữu tập trung vào nhân loại và hòa giải trong bối cảnh xã hội và chính trị đang gia tăng những thách thức. Đọc tất cả   ĐTC Phanxicô: Tạ ơn Chúa vì ngày nay các tín hữu Tin Lành Giám lý và Công giáo hiểu nhau và yêu mến nhau hơn Tiếp Phái đoàn Hội đồng Thế giới của Tin Lành Giám lý vào sáng ngày 16/12/2024, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu tiến bước trên con đường tiến tới sự hiệp nhất hữu hình và hướng về Trái Tim Chúa Giêsu Kitô để sống hòa bình và phục vụ Nước Chúa. Đọc tất cả   ĐTC Phanxicô: Người Philippines là những con người của đức tin Sáng thứ Hai ngày 16/12/2024, gặp gỡ các đại diện của Cộng đồng Philippines ở Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha khuyến khích họ hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu, dù cho gặp khó khăn vẫn không bao giờ mất hy vọng, sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa nơi tha nhân để xây dựng Giáo hội thành nơi cư ngụ ấm áp đón tiếp mọi người. Ngài cũng nhắc lại Thánh lễ ngài cử hành với 7 triệu tín hữu ở Manila. Ngài khen ngợi người Philippines là những con người của đức tin và mời gọi họ tiếp tục làm chứng tá đức tin trong xã hội. Đọc tất cả   Các lãnh đạo Kitô ở Thánh địa gửi sứ điệp Giáng sinh 2024 Các lãnh đạo Kitô Thánh địa gửi sứ điệp Giáng sinh năm 2024, kêu gọi “ngừng bắn ở Gaza, trả tự do cho con tin và tù nhân”. Đọc tất cả   Số chủng sinh Tây Ban Nha tăng sau nhiều năm giảm Sau nhiều năm giảm, năm nay, số chủng sinh của Giáo hội Tây Ban Nha vượt con số 1.000, nghĩa là tăng 239 thầy. Ngoài ra còn có 103 chủng sinh nước ngoài đang được đào tạo tại Tây Ban Nha. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha: Chiến tranh là một vết thương nghiêm trọng gây ra cho gia đình nhân loại Đức Thánh Cha gửi thư cho Đức Tổng Giám Mục Giovanni d’Aniello, Sứ thần Toà Thánh tại Nga, than phiền về đau khổ mà những người dân vô tội phải chịu, đồng thời kêu gọi vị đại diện của ngài thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm hoà bình. Đọc tất cả   Thánh Lễ tại Ajaccio: Con phải làm gì để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Vào lúc 3 giờ 30 chiều Chúa Nhật 15/12, trước khi kết thúc chuyến tông du 1 ngày đến Corsica, Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ Chúa Nhật III Mùa Vọng với các tín hữu của giáo phận Ajaccio và các giáo phận lân cận. Đọc tất cả   Kinh Truyền Tin 15/12: chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác Sau buổi gặp gỡ các tham dự viên của Đại hội lòng đạo đức bình dân của khu vực Địa Trung Hải tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm của thành phố Ajaccio, Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ Đức Mẹ Lên trời để chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại đây. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha: Lòng đạo đức bình dân bén rễ trong văn hoá dân tộc Lúc 7 giờ sáng Chúa Nhật ngày 15/12, Đức Thánh Cha đã rời nhà thánh Marta để ra sân bay Fiumicino của Roma để thực hiện chuyến tông du 1 ngày đến đảo Corsica của Pháp nhân Đại hội lòng đạo đức bình dân của khu vực Địa Trung Hải. Tại Đại hội, Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ dấn thân cách tích cực hơn nữa trong đời sống xã hội, văn hóa và chính trị, với sức mạnh của những lý tưởng cao đẹp và niềm đam mê phục vụ thiện ích chung. Đọc tất cả   Các nữ tu Ghana dạy trồng cây trong dự án "Trồng cây vì một tương lai xanh hơn" Các Nữ tu Truyền giáo Đức Mẹ Mân Côi ở Ghana đã phát động một dự án trồng cây, cỏ và hoa trong khuôn viên trường, như một cách đóng góp vào việc chăm sóc môi trường đồng thời đảm bảo một tương lai xanh hơn, nghĩa là theo tinh thần bảo vệ môi trường. Đọc tất cả  

Mẹ Maria

Bạn Có Bỏ Quên Lời Mời Gọi Sống Thánh Thiện Không?

07/06/2022 - 52


BẠN CÓ BỎ QUÊN LỜI MỜI GỌI SỐNG THÁNH THIỆN KHÔNG?
Hạt suy từ về SỰ THÁNH THIỆN trong đời sống của người môn đệ
 
“Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (1Pr 1,15-16).
Sự thánh thiện, một chủ đề ít được đề cập tới

Ngày nay, dường như các Kitô hữu, thậm chí những người tu hành, thường ít nói đến sự thánh thiện. Đạo đức thì có, nhưng sự thánh thiện thì… chưa chắc. Ai “sống thánh” một tí thì sẽ bị người khác dị nghị ngay, và sẽ bị coi như “người cõi trên”. Có lẽ, vì kiểu “sống thánh” đó chưa đúng, chưa tương thích với đời sống thường ngày của họ. Người sống thánh thiện thực sự là người mà ai ai cũng thích gần gũi, vì họ phản ánh sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa. Nơi họ toát lên một niềm vui thánh thiện, một sự bình an nội tâm sâu xa và một đời sống yêu thương mẫu mực đáng để học hỏi. Thật vô phúc cho chúng ta nếu trên bước đường tu hành, đi theo Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện, mà lại lỡ đánh rơi lời mời gọi sống thánh thiện ở một xó xỉnh nào đó.

Tôi đã làm Linh mục, cha xứ, cha phó, cha bề trên, mẹ bề trên, nữ tu… Tôi đâu cần phải để ý sống thánh thiện nữa. Việc đó chỉ dành cho các chủng sinh, đệ tử, tập sinh, hay các bà đạo đức thôi. Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta nghe một lời tuyên bố nào như thế, vì ai lại dám nói như vậy chứ. Tuy nhiên, dường như đó là một phần của thực tế mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Một Linh mục dâng lễ cách nóng nảy, hằn học, hay la lối giáo dân; một nữ tu hành xử thiếu tế nhị; một Kitô hữu buôn gian bán dối… Tất cả những mẫu gương đó đều là phản ảnh của một lối sống thiếu thánh thiện.

Chúng ta hay nói đùa với nhau là: ở đâu có một vị thánh hiển tu thì ở đó có nhiều vị thánh tử đạo. Thực ra không phải như thế, những người sống thánh thiện là một phúc lành cho tha nhân (x. Gl 5,13-14). Các vị ấy “tử đạo” vì họ đã không đủ thánh để nhìn ra sự thiện nơi người bạn thánh thiện, hoặc có thể vì họ ganh tỵ với người ấy. Người thánh thiện là chứng cớ hùng hồn về hồng ân cứu độ của Thiên Chúa, vì Người chúc lành cho những ai sống thánh thiện và cuộc sống xung quanh họ. Người sống thánh thiện thì không ích kỷ, nhưng luôn trở thành phúc lành cho tha nhân (x. 1Pr 1,22).

Lời mời gọi sống thánh thiện

 

 
Sự thánh thiện là gì? Theo nguyên ngữ Hy lạp Kinh thánh, danh từ sự thánh thiện - hagiasmos có nghĩa là một quá trình đạt tới hoặc trở nên thánh thiện (the process of making or becoming holy, set apart, sanctification, holiness, consecration[1]). Tính từ thánh - hagios có nghĩa là dành riêng cho/bởi Chúa, thuộc trọn về Chúa (set apart for/by God, holy, sacred[2]). Như thế, có hai chiều kích để đạt tới sự thánh thiện đúng nghĩa, một là từ phía Thiên Chúa (được dành riêng bởi Chúa), hai là từ phía con người (được dành riêng cho Chúa). Tự gốc chữ mà Kinh thánh dùng đã nói lên được thế nào là sự thánh thiện mà chúng ta cần phải vươn tới. Sự thánh thiện không thể đạt được một lần cho tất cả, rồi không phải làm gì nữa. Nó là cả một quá trình để vươn lên, để trở thành, chứ không phải đã hoàn thành khi trải qua đủ các giai đoạn đào tạo, rồi thôi, không tiến tới sự thánh thiện nữa.

Cung thánh, chén thánh, đĩa thánh… đều là những vật thánh dành riêng cho Chúa. Người thánh là người thuộc về Chúa, dành riêng cho Chúa, qua chức thánh hay lời khấn dòng. Các Kitô hữu cũng thuộc về Đức Kitô, qua bí tích rửa tội. Trong Tiếng Anh, Đức Kitô là Christ, còn Kitô hữu là Christian - người Kitô, nghĩa là Đức Kitô như thế nào, chúng ta cũng phải như vậy. Đức Kitô là khuôn mẫu cho sự thánh thiện của chúng ta. Tuy nhiên, Đức Kitô lại hướng sự thánh thiện đến Thiên Chúa Cha.

Đức Kitô, khuôn mẫu của sự thánh thiện

 

 
Thánh Phaolô đã quả quyết: Sống thánh thiện là ngày càng biến đổi trở nên giống Đức Kitô hơn (x. 2Cr 3,18). Đó là cả một quá trình biến đổi, trong những giới hạn của bản thân, chứ không phải là một sự hoàn hảo vô tội. Thánh Phaolô khuyên nhủ các Kitô hữu phải sống thánh thiện để xứng đáng với Thiên Chúa là Đấng thánh: “Hãy tẩy rửa hồn xác cho sạch mọi vết nhơ, và đem lòng kính sợ Thiên Chúa mà lo đạt tới mức thánh thiện hoàn toàn” (2Cr 7,1). Thánh Giacôbê cũng nhắc nhở: “Anh em hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em” (Gc 4,8). Điều đó có nghĩa là chúng ta phải đến gần Thiên Chúa hơn mỗi ngày, phải để cho Thánh Thần tác động và biến đổi nên giống Đức Kitô hơn, vì chúng ta hay phớt lờ tác động của Thánh Thần và chấp nhận một sự thánh thiện tương đối.

Hơn ai hết, chính Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48). Lời dạy đó đã vang vọng trong sách Lêvi, khi Thiên Chúa đòi hỏi dân Người phải sống thánh thiện: “Các ngươi hãy nên thánh và phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,44-45; 19,2; 20,7). Không chỉ dừng lại ở lời răn nhủ, Chúa Giêsu còn chỉ cho chúng ta cách thức để nên giống Ngài, đó là: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy” (Ga 14,23). Thật vậy, để có thể biến đổi nên thánh giống Chúa Giêsu, chúng ta không còn cách nào khác là phải yêu mến Ngài, vâng lời và thực hành các lời dạy của Ngài (Ga 13,34-35).

Nên thánh là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta phải cộng tác với ân sủng để tự thánh hóa bản thân (x. 2Pr 3,11). Nếu thật lòng yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta sẽ muốn nên giống Ngài và sống lời Ngài. Chính khi chúng ta sống theo lời Chúa dạy thì Thiên Chúa ngự nơi chúng ta; Và vì Thiên Chúa là Đấng thánh nên chúng ta sẽ là người thánh. Như thế, câu trả lời cho vấn đề nên thánh là nhận ra tình yêu của Chúa dành cho mình và sống tình yêu thương, như Chúa Giêsu đã yêu thương (x. Ga 15,12), vì ai nói mình yêu Chúa mà ghét anh em mình thì đó đích thị là kẻ nói dối (x. 1Ga 4,20).

Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ làm sao để chúng ta nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa đang dành cho mình, vì một khi đã cảm nhận rõ ràng tình yêu ấy thì chắc chắn chúng ta không thể hờ hững mãi được. Đồng thời, chúng ta phải tìm cách để gia tăng và đáp trả tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. TÌNH YÊU chính là động lực, là nguồn máu nuôi sống và là kim chỉ nam cho sự dấn thân và cho mọi hoạt động trong sứ vụ của chúng ta.

Làm sao để nhận ra tình yêu của Thiên Chúa

 

 
Ước gì tôi có thể hiểu được, dù chỉ là một chút, tình yêu của Thiên Chúa dành cho tôi. Người yêu tôi, thương tôi, mong nhớ tôi và luôn muốn được kết hợp với tôi từng giây phút. Nhưng bấy lâu nay, tôi nào có hiểu? Tình yêu của Người như dòng thác hùng vĩ nhất cuốn đi tất cả để tràn đến với tôi. Nay, tôi mới hiểu được phần nào câu nói của thánh Têrêsa: “Tình yêu như một con thác cuốn đi hết tất cả những gì nằm trên dòng nước chảy qua.” [3] Quả thật, chỉ những ai đã có kinh nghiệm yêu thương cận kề với Thiên Chúa mới có thể thốt ra được những lời như thế, mới cảm được sức nặng của tình yêu Thiên Chúa dành cho mình.

Tình yêu đâu chỉ dừng lại ở sự hiểu biết hay khả năng của lý trí. Đó chỉ là bước khởi đầu: tìm hiểu để yêu. Tình yêu là chuyện của con tim, của tâm hồn, đòi hỏi một sự gắn bó bền chặt đến tận cùng theo từng hơi thở của sự sống. Có thân xác mà không có sinh khí, chúng ta chỉ là những cái xác không hồn, không sức sống. Nói cách khác, chúng ta sẽ chết nếu Thiên Chúa không tiếp tục yêu thương chúng ta.

Nếu hiểu được giá trị của từng hơi thở mang lại sự sống, chúng ta mới có thể cảm nhận được tình yêu đang trào tràn của Thiên Chúa nơi mình. Không thở trong vài phút, chúng ta sẽ chết. Thiên Chúa là sự sống. Tình yêu của Người tạo ra sự sống nơi chúng ta. Thiên Chúa đã yêu từng người trong chúng ta như thế đó. Tình yêu của Người như một động năng mạnh mẽ nhất, chỉ muốn trào tràn, chỉ muốn trao ban, chỉ muốn dâng hiến cho những kẻ Người yêu thương.

Chẳng phải đó là lý do các vị thánh thần bí không hề muốn thoát khỏi trạng thái xuất thần sao? Trong lúc xuất thần, dường như các ngài được đưa ra khỏi thế giới vật chất hữu hạn để được gần kề Thiên Chúa, để được kết hợp với Người, hướng về Người và ở trong Người. Một sự kết hợp của thiên đàng, của hạnh phúc. Ước gì chúng ta có thể cảm nếm được, dù chỉ là một chút, trạng thái xuất thần ấy. Chắc chắn, đó là giây phút ngất ngây hạnh phúc, nơi ngưởng cửa thiên đàng.

Sống thánh thiện là sự kết hợp hài hòa giữa thể lý và tinh thần

 

 
Về phần mình, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và luôn sống trong mỗi người theo từng hơi thở, theo từng nhịp đập của con tim. Mỗi ngày, Người vẫn thực hiện công trình sáng tạo của Người nơi chúng ta. Thế nhưng, hình như chúng ta vẫn chỉ thở theo quán tính; con tim chúng ta vẫn đập một cách vô thức mà không cảm nhận được gì về sự hiện diện của Thiên Chúa tình yêu trong cơ thể và tâm hồn chúng ta. Ắt hẳn Người đau buồn lắm vì sự thờ ơ của chúng ta!

Cái đau khổ nhất của tình yêu là người mình yêu không hề cảm nhận được tình yêu của mình dành cho họ. Sự dửng dưng, vô cảm, thờ ơ, lạnh nhạt cứ như ngọn núi đá triệu năm, đứng trơ lì trước ngọn lửa tình bùng cháy của Thiên Chúa. Tôi có đang làm Chúa đau buồn vì sợ thờ ơ của mình không?

Tình yêu sợ nhất là sự chia ly, bặt vô âm tín. Nhìn theo một góc cạnh khác, tình yêu cũng sợ cả lúc hiện diện đó mà như không có đó. Sự dửng dưng như một liều thuốc độc giết chết người yêu. Người mình yêu ngồi đó, hiện diện đó, nhưng chỉ như một bức tượng đá có xác thể mà không có hồn thể. Thân xác đang hiện diện trước Chúa Giêsu Thánh thể, nhưng tâm hồn đang ngao du ở một chốn xa xăm nào đó, mải mê theo đuổi những ý tưởng, những bóng hình gió mây, những toan tính công việc…

Phải chăng sự hiện diện thể lý là cần nhưng chưa đủ cho một sự kết hợp hoàn hảo? Quả thật, để có thể hiện diện bên nhau một cách thể lý đã là một sự cố gắng, một minh chứng cho tình yêu. Tuy nhiên, chính sự kết hợp trong tâm hồn mới làm nên sự vĩ đại cho sự kết hợp ấy, mang lại niềm vui thật sự cho tình yêu.

Giả như có xa nhau ngàn dặm mà tâm hồn vẫn sống trong nhau, thì cái ngàn dặm kia cũng chẳng nghĩa lý gì. Sự xa cách giữa trời với đất, giữa vinh quang Thiên Chúa với sự giới hạn của con người cũng không nghĩa lý gì, nếu tâm hồn chúng ta “nuôi” Thiên Chúa, và để Thiên Chúa sống trong chính mình. Thánh Phaolô cũng đã có kinh nghiệm như thế khi thốt lên: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nếu để Thiên Chúa luôn sống trong chúng ta thì chúng ta đã có một sự kết hợp trọn vẹn rồi. Ước gì chúng ta làm mọi việc mà vẫn ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa trong chính lúc mình làm việc. Ôi! Những vị thánh giữa đời!

Tôi nên thánh đâu cần ai biết và công nhận, ngoài một mình Chúa tôi

 

 
Có thể chúng ta không thờ ơ hoặc không thừa nhận điều đó. Tuy nhiên, có thể chúng ta đang hài lòng với một sự đạo đức bình dân theo cái chung của cộng đoàn, một sự thánh thiện tàm tạm theo ánh nhìn của người khác. Dường như, chúng ta đã đánh rơi đâu mất ước mơ đạt tới sự thánh thiện ở một thời điểm nào đó, vì thấy nó sao… xa vời quá! Không thực tế! Hãy lấy lại khát khao nên thánh của mình.

Nên thánh, để được gần Đấng Thánh. Một chủ đề hình như không còn gặp nơi các bàn cơm, các giờ gặp chung, hay các giờ nói chuyện nhóm với nhau trong cộng đoàn, giáo xứ... Thiên Chúa vẫn gửi những ngôn sứ của Người đến, để nhắc nhở chúng ta, nhưng dường như tiếng nói của các ngài vẫn đang bị lãng quên, bị lất át bởi bao nhiêu thứ công việc… Hãy tìm lại ước mơ nên thánh của mình.

Lạy Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện. Thế gian lôi kéo con, công việc của Chúa lôi kéo con. Con không còn thời gian cho sự kết hợp liên lỉ với Chúa nữa. Ôi! Làm sao lại như thế! Lạy Chúa, xin giúp con. Xin mặc khải cho con cách thức để có thể kết hợp với Chúa. Xin tỏa sự thánh thiện của Chúa xuống con người nguội lạnh của con. Xin bao phủ con bằng một tình yêu nồng cháy, một động năng chỉ muốn nên thánh, để được kết hợp với Chúa và thuộc trọn về Chúa mãi mãi. Amen.
 
Giuse hạt bụi tro

[1] https://biblehub.com/greek/38.htm
[2] https://biblehub.com/greek/40.htm
[3] Trần Ngọc Anh. “Bài đọc thêm số 8: Kinh nghiệm của thánh nữ Têrêsa thành Lisieux.” Nhân Học Kitô giáo, tập 2, Ân Sủng. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2020. 388-392.


Nguồn: Dòng Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình - dongnuvuonghoabinh.org

× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.