CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) Kinh Truyền Tin 26/1: Mở rộng tâm trí để nhận biết Chúa Trưa Chúa Nhật 26/1, sau khi dâng Thánh Lễ tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã đến cửa sổ Dinh Tông Toà để cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha dâng thánh lễ Chúa Nhật Lời Chúa Sáng Chúa Nhật ngày 26/1, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật III thường niên, Chúa Nhật Lời Chúa và trao thừa tác vụ đọc sách cho 40 ứng viên thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha: Giáo hội Công giáo sẵn sàng chấp nhận mọi ngày Lễ Phục Sinh chung Chiều ngày 25/1, lễ Thánh Phaolô trở lại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Kinh Chiều II trong Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất Kitô giáo tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô. Năm 2025, lễ Phục Sinh sẽ được cử hành cùng ngày theo cả lịch Julius và lịch Gregorian, cũng là dịp kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Đại kết Nicea đầu tiên, Đức Thánh Cha kêu gọi thực hiện một “bước quyết định” để tiến đến sự hiệp nhất: chọn một ngày chung cho Lễ Phục Sinh. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha là nhân vật công chúng đáng tin cậy nhất của Ý Theo một cuộc khảo sát gần đây do Viện nghiên cứu quốc gia Demopolis tiến hành, chuyên phân tích các xu hướng trong xã hội Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô là nhân vật công chúng đáng tin cậy nhất tại Ý. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha: Nhiều nhà truyền thông đã hy sinh mạng sống Tiếp các nhà truyền thông tham dự Năm Thánh của giới truyền thông từ ngày 24 đến 26/1/2025, Đức Thánh Cha nói với họ: “Những nhà truyền thông có vai trò cơ bản đối với xã hội ngày nay trong việc truyền tải sự thật và cách truyền tải sự thật”, bởi vì “ngôn ngữ, thái độ, giọng điệu có thể mang tính quyết định và tạo nên sự khác biệt giữa một truyền thông khơi dậy hy vọng, tạo ra cầu nối, mở ra cánh cửa, và một truyền thông làm gia tăng sự chia rẽ, phân cực, đơn giản hóa thực tế”. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha: Linh mục không là linh mục cho mình nhưng cho Dân Chúa Sáng thứ Bảy ngày 25/1/2025, tiếp các giám đốc đại chủng viện và chủng viện dự bị của Pháp, Đức Thánh Cha cảnh giác rằng trên hành trình linh mục, một số người dần dần “phục vụ bản thân”, tìm kiếm quyền lực, danh dự và danh tiếng, rơi vào cạm bẫy của tìm kiếm danh vọng, tính thế tục, ghen tị, phù phiếm. Ngài mời gọi các giám đốc chủng viện hãy biết cách đồng hành với các chủng sinh. Đọc tất cả   Năm Thánh Truyền Thông: Câu chuyện là con đường ngắn nhất để kết nối giữa con người Mười nghìn chuyên gia truyền thông từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về Rôma trong dịp cuối tuần từ 24-26/1 để khai mạc sự kiện đầu tiên trong Năm Thánh với chương trình ba ngày dành cho Năm Thánh Truyền Thông Thế Giới. Đọc tất cả   Năm Thánh - Năm Hồng Ân #7:Cha Eli Thành, Salamanca, Tây Ban Nha Cha Eli Thành là một thừa sai Dòng Tên đến Việt Nam từ 1968 và gắn bó với người Việt cả trong và ngoài Việt Nam, suốt đời linh mục của cha. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha bổ nhiệm ĐHY Koovakad làm Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn Sáng 24/1, Đức Thánh Cha bổ nhiệm ĐHY Koovakad, người Ấn Độ, làm Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn kế nhiệm ĐHY Ayuso Guixot, qua đời vào tháng 11 năm ngoái. Đọc tất cả   Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Thái Lan về chăm sóc mục vụ cho các đôi đồng tính Sau khi Thái Lan đưa ra Đạo luật Bình đẳng Hôn nhân, có hiệu lực vào ngày 22/1/2025, và từ ngày 23/1/2025 các đôi đồng tính sẽ có thể đăng ký kết hôn chính thức, các Giám mục nước này đã đưa ra tuyên bố mục vụ, trong đó tái khẳng định tính thánh thiêng của hôn nhân Kitô giáo, trong khi đồng hành cùng mọi người với lòng trắc ẩn và sự quan tâm. Đọc tất cả  

Giáo Phận Xuân Lộc

34 linh mục kể chuyện đời mình - Linh Mục William J. Bausch

11/04/2022 - 30
Linh mục
William J. Bausch

Point Pleasant, tiểu bang New Jersey

     Cha William Bausch là một cha sở tài khéo và có óc sáng tạo, một nhà văn, một người kể chuyện tuyệt vời và là nhà giảng thuyết với những bài giảng hấp dẫn đến nỗi giáo dân đã ghi âm và yêu cầu ngài cho xuất bản. Tinh thần lúc nào cũng trẻ trung của cha phần nào được kể là do sự kiện ngài đã xin về hưu sớm vào tuổi 67 hồi năm 1996. Có lần cha được báo National Catholic Reporter[1] mô tả là một con người có “năng lực của một đứa bé năm tuổi thích sô-cô-la” và coi giáo xứ cha phụ trách trước khi về hưu, xứ Thánh Mary ở Colts Neck, tiểu bang New Jersey là một “mô hình kết hợp giữa mục vụ và phụng vụ sau Công Đồng Vatican II.”
     Bất cứ linh mục nào lãnh đạo việc phát triển một giáo xứ kiểu mẫu theo tinh thần Vatican II đều là một vị mục tử chẳng những cho hiện tại mà cho cả tương lai. Đó là cha Bausch. Sinh ngày 3 tháng 3 năm 1929 tại Janesburg, tiểu bang New Jersey, cha Bausch chịu chức linh mục năm 1955 cho Giáo Phận Trenton.


     Ngay từ khi học lớp ba tôi đã là một đứa trẻ cứng đầu. Để giữ tôi vào khuôn phép, Sơ Frances Carmel đã di chuyển bàn học của tôi tới gần bàn của sơ. Sự gần gũi như thế đưa đến những cuộc đối thoại thường xuyên, và rồi sơ đã khiến tôi thích thú muốn trở thành một nhà truyền giáo, đặc biệt là thừa sai ở Trung Quốc. Đất nước ấy đã làm tôi say mê chỉ với một lý do đơn giản là nó ở tận cùng xa tắp bên kia thế giới.
   Sau hai năm trung học, tôi quyết định vào chủng viện. Tôi được nhận vào trường Đại Học Thánh Charles ở Catonsville, tiểu bang Maryland, thời ấy đi từ nhà đến đó phải mất 8 hoặc 9 tiếng đồng hồ. Một tuần sau tôi trở lại ngay ngưỡng cửa nhà cha mẹ tôi ở Brunswick. Cha giám đốc Gleason khám phá ra là tôi không biết tiếng La-tinh. Trong bài thi sơ khởi tôi được cả thảy 16 điểm, kể cả 10 điểm người ta cho vì tôi đọc đúng tên mình. Thế là các ngài trả tôi về nhà. Khi tôi bấm chuông, người mẹ khốn khổ của tôi suýt bị đứng tim. Song cả nhà đều thông cảm nâng đỡ tôi.
      Sau khi theo kịp năm thứ ba trung học, tôi lại xin vào Catonsville. Các ngài nhận tôi, song chỉ coi là học sinh lớp dự bị. Và như thế, tôi là một học sinh 17 tuổi còn hăng hái lắm, ở lại trường học một năm tiếng La-tinh với những học sinh 13 tuổi. Năm sau tôi được xếp vào một lớp ai cũng biết là dành cho những người tối dạ. Tôi có rất nhiều thời giờ rảnh, và thế mà lại hóa ra may mắn. Tôi khám phá ra một thư viện ở tầng lầu trên cùng của chủng viện và thế là tôi bắt đầu ngấu nghiến đọc sách. Việc đó đã khởi sự một tiến trình tự học. Điều bị coi như là một đại họa trong đời tôi từ lúc khởi sự, tức là việc bị học xuống lớp ở trường, đã hóa thành một món quà quý báu.
***
     Là những giáo sĩ, các linh mục chúng tôi cống hiến cho nhân loại một sự hàn gắn trong một thế giới rời rạc, nơi mà các mối tương quan dễ dàng bị cắt đứt. Chúng tôi đang móc nối họ lại với điều còn lớn lao hơn bản thân họ –đó là với giáo phận, với giáo hội toàn cầu, với mối thông công lớn lao cùng các thánh, và với một cộng đoàn có cả chiều ngang lẫn chiều dọc, cả tự nhiên lẫn siêu nhiên. Chúng tôi cống hiến cho dân chúng một dấu hiệu bí tích cho thấy luôn luôn có một điều gì đó lớn lao hơn những gì họ trông thấy.
     Một bản thăm dò mới đây cho hay 75% người Công Giáo yêu mến đức tin của họ; họ không hề có ý tưởng rời xa Giáo hội. Tôi nghĩ một phần của sự cam kết này là nhờ các linh mục đã ở đó nối kết họ, cộng tác với họ, giúp họ biết họ có liên đới với nhau. Đó là một điều mà các linh mục có thể làm được. Điều khác nữa là chúng tôi có thể nói thoải mái về những thực tại thiêng liêng. Dân chúng đói khát Thiên Chúa. Hãy coi những cuốn sách viết về các thiên thần và về đời sau. Các kệ trong tiệm sách đầy dẫy những loại như vậy, cũng như những sách viết về Kinh Thánh và đời sống thiêng liêng. Và dân chúng vẫn đang tìm mua. Các linh mục hiện diện ở đây để chỉ lối cho họ đến với Phúc Âm đích thực, để cử hành với họ các thời điểm có tính cách bí tích then chốt trong đời họ mang nhiều ý nghĩa cả với những người Công Giáo hững hờ. Truyền thông xã hội chỉ cống hiến cho họ một chiều kích nhạt nhẽo, chiều kích trần tục cho cuộc đời họ. Còn linh mục cống hiến cho họ một chiều kích khác .
***
     Có một nhóm người ngày nay rất cần đến linh mục, đó là các bạn thanh niên. Nhiều người trong số họ không có ý niệm gì về Công Đồng Vatican II và họ không có các từ ngữ mà những người Công Giáo lớn tuổi hơn vẫn thường dùng. Chẳng hạn, họ không có kinh nghiệm gì về tuần chín ngày hay về chuỗi Mân Côi. Họ coi mình là Ki-tô hữu hơn là người Công Giáo, và do đó lý lịch Công Giáo là một vấn nạn lớn đối với họ. Nhiều người trong bọn họ còn không đến nhà thờ nữa. Tuy vậy, họ thật thà và chân thực một cách lạ lùng. Hãy ngẫm nghĩ điều này: hàng trăm hàng ngàn bạn trẻ lớp tuổi 30 sẽ lang thang tới Taizé[2] và tới Tu Viện Weston[3]. Những bạn Công Giáo lớp tuổi này cũng là những người đang mua các sách thần học sơ sài. Họ đói khát một thứ gì đó và họ quá dễ dàng chạy theo nhóm Pied Piper[4]. Họ vừa cần mục vụ lại vừa trưởng thành đủ để đón nhận mục vụ do phẩm chất tự nhiên của họ.
***
     Vì một vài lý do, tôi đã không cổ võ ơn gọi nhiều trong mấy năm qua như tôi đã làm khi mới chịu chức. Tôi không nắm chắc lý do tại sao. Có lẽ vì tinh thần tôi bị giao động bởi các bạn linh mục đã bỏ đời tu. Hoặc, vì có lẽ do tôi cảm thấy quá buồn bởi những vụ xì-căng-đan của hàng giáo sĩ. Tôi đã và đang cố gắng cổ võ ơn gọi nhiều qua sách báo tôi viết hơn là bằng lời mời gọi cá nhân. Tôi không chắc là có ai đã vào chủng viện vì đọc các sách của tôi, song tôi biết có một vài linh mục vẫn ở lại trong hào lũy của họ sau khi đã đọc sách tôi viết, đặc biệt là cuốn Take Heart, Father.[5]
     Lời cam kết của các linh mục có giá trị minh chứng hùng hồn cho xã hội. Trong nền văn hoá ngày nay, mối liên hệ của chúng ta rất mong manh: có đến 40% ly dị, một phần tư số trẻ em sống trong mái gia đình không có người cha; người ta không giữ lời hứa; các công ty thu nhỏ lại đã phá huỷ sự trung thành của công nhân với mình. Các linh mục hạnh phúc sống với lời thề của mình sẽ nói cho dân chúng biết rằng: thề hứa chẳng những là có thể giữ được, mà còn mang lại phần thưởng nữa. Song điều ấy cũng đúng đối với các cặp vợ chồng đã lấy nhau 50 hay 60 năm. Chính họ cũng là một dấu chỉ bí tích cho xã hội. Hãy để ý cách người ta đứng lên vỗ tay chúc mừng mỗi khi có thông báo về những đôi vợ chồng cử hành lễ ngân khánh hay kim khánh hôn phối. Người ta cảm thấy một sự chân thực đang mời gọi, dầu rằng chính họ có lẽ đã không thể cam kết lâu dài như vậy.
     Tôi đã tìm thấy nơi sứ vụ linh mục một cuộc sống hạnh phúc và sung mãn quá sức đến nỗi tôi không thể mơ tưởng đến một lối sống nào khác. Bởi thế, tôi không thể tự hào về việc đã giữ lời thề hứa với đời mình; đó là một kinh nghiệm tuyệt vời không chỉ có tính cách sáng tạo, mà còn là cơ hội để thực hiện lý tưởng của mình nữa. Tôi nghĩ sự cam kết sẽ trở nên khó khăn những lúc cuộc đời xuống dốc. Song tôi có biết bao sự nâng đỡ, biết bao sự công nhận từ những giáo dân tôi phục vụ, nên những lúc tinh thần sa sút xảy đến rất ít. 
     Thật thú vị, có một điều ngăn cản hay ít ra giới hạn các 
bác sĩ, luật sư, nhà báo và những chuyên viên khác về việc hướng dẫn cuộc sống thiêng liêng, đơn giản chỉ vì họ được coi là những nhà khoa học. Nếu họ đề cập đến những lãnh vực thiêng liêng, họ sẽ bị kể là vượt quá lãnh vực nghề nghiệp. Tuy nhiên, họ mong mỏi một linh mục nói về những điều siêu nhiên, và nếu vị linh mục có khả năng, họ sẽ kính trọng sự chuyên môn của ngài trong lãnh vực đó.
     Đời linh mục của tôi có những niềm vui khôn tả, trong đó phải kể đến việc áp dụng những giáo huấn của Công Đồng và được thấy các giáo xứ sống động hẳn lên, đặc biệt là giáo xứ Thánh Maria[
6] ở Colts Neck. Ngay cả bây giờ mỗi khi tôi đến xứ Thánh Maria, tôi vẫn thấy xứ đạo thật sinh động. Người ta từ khắp nơi đổ về để uống cho no thoả sự sung mãn ở nơi đây. Việc trở thành một khí cụ đem lại sức sống cho xứ Thánh Maria cả về tinh thần cũng như vật chất là một niềm vui vĩ đại cho tôi. Và chỉ có linh mục mới làm được như vậy. Mỗi Thứ Năm Tuần Thánh khi lập lại lời thề hứa, tôi được nhắc nhở một cách thật diệu kỳ rằng: tôi là cha không phải của riêng ai, mà là cha của mọi người; là ‘chồng’ không phải của một ai đó, mà là của mọi người. Phần thưởng của linh mục là sự thân thiết, là biết được những điều thầm kín của người ta, là biết họ tín nhiệm mình không bao giờ tiết lộ những điều ấy, là biết rằng mình là một thành viên lặng lẽ của gia đình họ.
     Tôi thật sự tin –tôi
biết– rằng giáo dân tín nhiệm linh mục trong những điều mà họ không thổ lộ cho một ai khác. Dĩ nhiên là họ tín nhiệm, nếu linh mục sống chân thực. Tất cả chúng tôi mang trong mình cả triệu điều kín ẩn của dân chúng. Một trong những niềm vui trọng đại của chúng tôi là được cử hành phụng vụ với người dân mà mình biết. Chúng tôi ngồi trên ghế chủ tế và nhìn xuống dân chúng. Chúng tôi biết trong họ có người là phụ nữ đồng phái luyến ái, người khác có đứa con trai tự tử, có người đang chết dần mòn vì ung thư, có người đang gặp khó khăn trong đời sống hôn nhân. Song họ hiện diện nơi đây, dầu bao thánh giá đè nặng, họ vẫn ca hát, vẫn cầu nguyện, vẫn là một cộng đồng lớn hơn cả tổng số những cá nhân riêng rẽ. Từ cung thánh nhìn xuống, tôi thường có một cảm nghiệm rất mạnh mẽ về sự hiện diện lạ lùng của Chúa Ki-tô. Khi giáo dân lên rước Chúa, tôi có thể thấy Chúa Ki-tô ở đó, cho dầu tôi biết chuyện đời của họ. Thật là một phần thưởng lớn lao cho tôi. Tôi được chia sẻ những điều kín nhiệm của họ. Tôi chính là gia đình của họ. Đôi khi tôi lại có cái cảm nghiệm lớn lao là được thấy rõ hơn những gì hiện diện, và sâu xa hơn những gì đang có đó. Đấy là những giây phút tuyệt đẹp mà tôi trân quý. Những giây phút này chỉ có linh mục mới cảm nghiệm được .
     Dĩ nhiên, đời linh mục cũng có những lúc ảm đạm. Tôi cho rằng một trong những điều khó nhất mà tôi phải gánh chịu là thiếu sự công nhận của các vị bề trên. Vài năm sau khi chịu chức, tôi được cử về giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Maple Shade, tiểu bang New Jersey. Sự chuyển đổi này được kể là một cuộc lưu đày, bởi vì tôi đã viết một bài đăng trong tạp chí
Ave Maria nói về những bước đổi thay chậm chạp sau Công Đồng. Giáo phận không thích điều đó. Họ định hạ bệ tôi, nhưng cha sở nơi tôi nhận bài sai đầu tiên, là Đức Ông Robert Bulman, đã bào chữa cho tôi. Vì thế, văn phòng chưởng ấn đã thực hiện được một tuyệt chiêu sau đó: họ đổi tôi đi rất xa mãi tận ranh giới giáo phận. Mặc dầu bị bề trên chuyển tới chuyển lui, tôi vẫn luôn luôn hạnh phúc trong sứ vụ linh mục. Chẳng có gì làm trì trệ tôi xuống được, vì tôi thấy có rất nhiều sự đóng góp tốt đẹp mà tôi có thể cống hiến cho thế giới. Chúng tôi đã đấu tranh sát ván về nhiều vấn đề. Hầu như mỗi năm giám mục gọi tôi trình diện một lần và tôi sẽ đến văn phòng chưởng ấn để chịu la rầy. Ngài sẽ lại bảo tôi không được tổ chức một số buổi hội học. Song tôi sẽ trở về giáo xứ, và vẫn cứ làm những gì tôi cảm thấy là tốt nhất. Tờ báo giáo phận bị cấm không được dùng tên tôi. Tôi giải quyết vấn đề của mình bằng cách đơn giản là không bàn hỏi với các ngài nữa. Tôi không tự hào về giải pháp như vậy, nhưng nó đã xảy ra như thế đó. Nét đẹp cuộc đời tôi là giáo dân tại các xứ đạo. Họ là những cộng sự viên. Lời thề hứa linh mục không phải là sự thách đố đối với tôi, song là một người bạn đồng hành làm đời tôi sung mãn.
     Tôi cũng có những nỗi thất vọng khác nữa. Khi mới chịu chức, tôi rất lý tưởng. Rồi tôi gặp mấy lần sực tỉnh khá phũ phàng. Một bà người Ý nọ sắp chết vì ung thư. Tôi mang Mình Thánh Chúa cho bà mỗi ngày. Bà đã không làm phép cưới ở nhà thờ. Lúc gần chết, bà hỏi tôi liệu có được chôn cất trong nghĩa địa Công Giáo không. Tôi viết thơ xin phép toà giám mục thì bị từ chối. Đối với người Ý, được an táng trong nghĩa địa Công Giáo thì kể như được ơn cứu rỗi, và bị từ chối thì không khác gì bị luận phạt. Tôi không thể nào chấp nhận quyết định của toà giám mục. Hiện nay bà được yên nghỉ nơi một mảnh đất xinh xắn trong nghĩa trang giáo xứ.
***
     Độc thân là một vấn đề của hầu hết các linh mục. Tuy nhiên với cá nhân tôi, tôi phải nói đó là một điều tốt cho tôi, cả về phương diện thực tế cũng như thiêng liêng. Tôi có khuynh hướng là một người hoạt động. Để làm cho được việc, tôi không thể nào có vợ và con cái mà vẫn giữ trọn cái chương trình kỳ quặc này được. Xét theo khía cạnh thiêng liêng, sự độc thân làm cho linh mục trở thành một phần tử trong cuộc sống dân chúng. Tôi trở thành người cha, người mẹ, là anh, và là chị của họ. Chính cái chiều kích ấy, sự hiện diện ấy, và cái sự kiện là tôi ở đây không theo một thời khóa biểu nào, đã giúp tôi tạo được mối liên hệ thân tình. Dĩ nhiên nó sẽ không đến mà không phải phấn đấu.
     Ý kiến riêng của tôi về viễn tượng của việc độc thân là tôi không bao giờ muốn nó hoàn toàn bị bãi bỏ. Nó chính là một đặc sủng tốt đẹp. Đời sống độc thân được tuyên thệ nói lên rất nhiều điều với cái xã hội hỗn loạn. Tuy nhiên, vì nó là một đặc sủng, nên cũng khó biến thành luật. Ngay cả Chúa cũng nói rằng:
“Ai có thể làm được thì làm.” Rô-ma được thiết lập trên các nguyên tắc, nhưng Rô-ma vẫn luôn luôn dễ bị ảnh hưởng trước các nhu cầu mục vụ. Rô-ma cho chúng ta 30 ngàn khoản luật kết án một lối sống nào đấy, thế rồi khoản luật cuối cùng lại dạy rằng nếu chúng ta biết hối lỗi, thì được tha hết. Điều có thể xảy ra là thế này: một vị giám mục nào đấy đầy thất vọng thốt lên: “Một số giáo dân của chúng ta đã không có Thánh Lễ đến 12 năm rồi. Tâu Đức Thánh Cha, con có thể làm một luật trừ được không? Con có một Phó Tế đã 75 tuổi rồi. Vợ ông ta vẫn còn sống, và ông ta không có con cái. Con có thể truyền chức linh mục cho ông ta chứ?” Rô-ma sẽ trả lời: “Được thôi.” Và thế là cánh cửa mở ra.
***
     Để tôi kể các bạn nghe về một bước ngoặt quan trọng trong đời tôi. Bạn gọi nó là sự ngạc nhiên hay là sự thức tỉnh cũng được. Chừng sáu năm sau khi tôi chịu chức, gia đình Crowley xuất hiện với “Phong Trào Gia Đình Công giáo.”[7] Trong địa hạt của chúng tôi, nó được gọi là “Gia Đình Công Giáo Hành Động.”[8] Các cặp vợ chồng và các gia đình gặp gỡ tại nhà của họ, mang theo thủ bản và Kinh Thánh. Linh mục có thể tới dự, song không được phát biểu gì trừ năm phút cuối. Ngồi đó lắng nghe các cặp vợ chồng phấn đấu với những khó khăn, như phải lấy sữa cho con bú lúc 2 giờ sáng, con cái ghiền ma túy, người chồng lo lắng sợ thất nghiệp, tất cả khiến tôi nhận ra được cuộc sống yên ổn mà tôi đang hưởng. Tôi học được bài học tôn trọng giáo dân và ca ngợi những đặc sủng, tài năng và đời sống thiêng liêng của họ. Cho tới nay, tôi vẫn cảm thấy kính phục những con người ấy. Phong trào “Gia Đình Công Giáo Hành Động” đã lột được cái vẩy che mắt tôi, giúp tôi thấy được năng quyền, vẻ đẹp và sức mạnh của giáo dân giữa những vấn đề lớn lao. Từ đó trở đi, tôi biết rằng tôi không bao giờ còn dạy họ nữa. Trái lại họ sẽ dạy tôi. Đó là lý do tại sao tôi nhấn mạnh đến một mục vụ có sự cộng tác và chia sẻ với nhau.
***
     Chúng tôi cũng có thể có những giây phút hết sức cảm động với các linh mục khác. Tôi vừa nhận được lá thư của một đức ông ở Anh Quốc. Ngài đã đọc cuốn sách Này Cha, Hãy Can Đảm Lên của tôi. Ngài nói ngài đang có ý định rời bỏ sứ vụ linh mục. Nhưng sau khi đọc xong cuốn sách, ngài quyết định ở lại. Một linh mục khác ở Nashville cũng nói với tôi tương tự như vậy. Tôi cũng viết cuốn sách mang tựa đề Xưng Tội, Đó Chính Là Chúa[9]. Tôi đã nhận được một lá thư đầy nghị lực của một nữ tu nói rằng cuốn sách đã đem chị trở về không còn nghiêng ngả nữa.
     Tôi đã chịu chức được hơn 40 năm, và tôi tin rằng tôi đã chứng kiến một sự thay đổi tận gốc rễ trong vai trò của linh mục. Trong những năm đầu của tôi, linh mục cơ bản là bận rộn trong công việc giúp người. Giờ thì ngài bận rộn trong việc huấn luyện. Linh mục của năm 1955 là một người lo nuôi dưỡng. Ngài ban các bí tích, thăm viếng kẻ yếu đau, an ủi người lâm tử. Vì lý do thiếu ơn gọi và vì sự chuyển hướng của Vatican II, nhất là trong sắc lệnh
Tông Đồ Giáo Dânbây giờ chúng ta dưỡng nuôi những người nuôi dưỡng, làm mục vụ cho những thừa tác viên. Mọi việc đã khác hẳn xưa. 
     Về tương lai của Hội Thánh thì sao? Tôi có nhiều điều để nói về vấn đề này. Tôi đã có đủ chất liệu để viết cuốn Giáo Xứ Cho Ngàn Năm Tới[
10]. Dựa trên những gì chúng ta đã thấy, tôi tiên đoán những điểm sau đây:
     * Có chiều hướng chú trọng vào giáo dân trong Giáo Hội tương lai, một nền mục vụ được chia sẻ và cộng tác. Chỉ thị từ trên xuống sẽ không còn;
     * Giáo Hội sẽ đặt nền tảng vững hơn vào bí tích Rửa tội và đặc sủng hơn là việc truyền chức và hành chánh. Đặc sủng sẽ giúp công việc được hoàn tất, chứ không phải hành chánh;
     * Giáo Hội sẽ được diễn tả bằng các mối tương quan hơn là bằng con số thống kê và thể chế. Chúng ta sẽ có nhiều cộng đoàn có tính cách giao ước và có mục đích hơn. Trong quá khứ chúng ta kêu gọi sự vâng lời. Trong tương lai chúng ta sẽ mời gọi sự dấn thân;
     * Trong một xã hội rất đa cực, đa văn hoá, Giáo Hội của ngàn năm tới sẽ phát biểu từ sự yếu đuối hơn từ là quyền lực. Sự thật cốt lõi mà chúng ta phải sống là Ki-tô giáo ngày càng là một tôn giáo tùy chọn;
     * Giáo xứ của ngàn năm tới sẽ nhấn mạnh đến truyền thống khôn ngoan hơn là truyền thống trí thức;
     * Giáo xứ của ngàn năm tới sẽ giảm bớt chiều hướng làm việc theo kế hoạch, và chiều hướng làm việc theo tinh thần sẽ được tăng thêm, khám phá ra Thiên Chúa trong hôn nhân, trong làng xóm, trong nơi làm việc, v.v…;
     * Giáo xứ sẽ quan tâm đến việc giáo dục liên thế hệ hơn là chỉ giáo dục trẻ em. Chúng ta không liều lĩnh đặt hết mọi quả trứng chung một rổ;

     * Giáo xứ sẽ tiếp tục hiện hữu đúng với truyền thống giáo hội, như lẽ tự nhiên phải như vậy. Chúng ta sẽ tiếp tục là một cộng đoàn của giáo hội, chứ không còn là đơn vị biệt lập, tự trị, riêng rẽ. Và tôi nghĩ rằng tại nơi đó sứ vụ linh mục sẽ tìm được tầm quan trọng mạnh mẽ nhất. Linh mục sẽ là dấu chỉ bí tích của giáo phận rộng lớn, tức giáo hội hoàn vũ, liên kết chúng ta thành một dấu chỉ đến độ chúng ta không trở thành một giáo hội biệt lập.
***
     Hiện nay có phải là thời điểm tốt để làm linh mục không? Thưa phải và không phải.
     Không phải là thời điểm tốt, vì sự đối kháng của công luận, vì những vụ xì-căng-đan đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em, và vì phong trào chống Công Giáo của truyền thông.
     Đúng là thời điểm tốt, và đây là câu trả lời đích thực, bởi vì người ta đang bắt đầu đặt những vấn đề đó vào bối cảnh rộng lớn hơn.
     Đúng là thời điểm tốt, bởi vì cuộc thăm dò của viện Gallup mới đây cho thấy sự quan tâm của dân chúng về tôn giáo có tổ chức và về linh mục đã tăng 10% . Cũng đúng là thời điểm tốt, bởi vì đây là thời kỳ nhiều thách đố, thời kỳ chuyển tiếp. Chúng ta đang thắp lại tinh thần của Giáo Hội tiên khởi, trở về thời các tông đồ, thời mà Giáo Hội hoạt động từ sự yếu đuối của mình.
     Và sau cùng rất là thời điểm tốt, bởi vì chúng ta đang thành hình. Chúng ta đang đỡ đẻ cho một Giáo Hội mới. Chúng ta được kêu mời phục vụ như những môn đệ, và đó mới chính là niềm vui của việc làm linh mục hôm nay. Chúng ta đang bắt đầu trở lại rửa chân cho nhau. Chúng ta đang đối diện với những thách đố mà trước đây không có, trừ 50 năm đầu tiên của Giáo Hội.
     Đây là sứ điệp tôi muốn nhắn gửi cho những ai đang tính chuyện làm linh mục:
“Hãy nhảy lên tàu! Đây là thời đại đầy hứng thú; bạn sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn, sẽ đối diện với sự bắt bớ, song những cuộc chiến thắng sẽ hết sức vĩ đại.”



[1] National Catholic Reporter - tạm dịch là Thông Tín Viên Công Giáo Toàn Quốc.
[2] Taizé hay Taizé Community - một cộng đoàn huynh đệ đại kết ở Taizé, thuộc tỉnh Burgundy nước Pháp, sống như một dòng tu. Sáng lập năm 1950 do một tu sĩ Tin Lành là Roger Schutz, cộng đoàn qui tụ hơn 100 tu sĩ cả Tin Lành lẫn Công Giáo từ 30 quốc gia trên thế giới. Taizé là nơi đón nhận hàng trăm ngàn bạn trẻ Ki-tô hữu khắp thế giới đến hành hương mỗi năm; họ học hỏi Kinh Thánh, chia sẻ và làm việc theo tinh thần cộng đoàn.
[3] Weston Priory - Nhà chính của các tu sĩ dòng Biển-Đức tại Weston, tiểu bang Vermont. Sáng lập năm 1953 do viện phụ Leo A. Rudloff, Tu viện Weston nổi tiếng với những sáng tác thánh ca dùng trong phụng vụ Công Giáo. Người ta cũng đến Tu viện Weston để tĩnh tâm tại những khu vườn rất đẹp, và thưởng thức những đồ sứ nghệ thuật do các tu sĩ làm ra.
[4] Pied Pipers - Nhóm người chuyên hát nhạc dân gian từ cuối thập niên 1930 tại Hoa-Kỳ; có thời gian cộng tác với Frank Sinatra thực hiện nhiều đĩa nhạc nổi tiếng.
[5] Take Heart Father - Này Cha, Hãy Can Đảm Lên.
[6] St. Mary’s Parish – Căn cứ theo trang web của giáo xứ này, trong đó có nhắc đến Lazarus Ministry và Martha Mary Guild, chúng tôi nghĩ rằng đây là Maria em của La-za-rô và Mar-tha, tuy rằng mục St. Mary’s windows lại gồm toàn những kiếng mầu về Đức Mẹ Maria.
[7] Christian Family Movement (CFM) – do hai cặp vợ chồng Burnie/Helene Bauer và Pat/Patty Crowley sáng lập năm 1948 khi gặp nhau tại Cana Conference.
[8] Christian Family Action.
[9] Confession, It Is the Lord.
[10] The Parish for the Next Millenniumcuốn sách đã được xuất bản năm 1997.


Nguồn: Giáo phận Xuân Lộc - giaophanxuanloc.net

× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.