CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) ĐTC Lêô kêu gọi hành động cho việc Chăm sóc thụ tạo Ngày 2/7, hướng đến Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo lần thứ 10 sẽ được cử hành vào ngày 1/9, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã công bố sứ điệp với chủ đề “Hạt giống của Hòa bình và Hy vọng”, gợi lại hình ảnh Kinh Thánh về hạt giống được gieo vào lòng đất để sinh hoa kết trái, như chính Chúa Kitô là hạt giống đem lại sự sống cho trần gian. Đọc tất cả   Lời kêu gọi của Giáo hội Nam bán cầu về công bằng khí hậu và hoán cải sinh thái Trong văn kiện “Lời kêu gọi công bằng khí hậu và Ngôi nhà chung: hoán cải về sinh thái, chuyển đổi và chống lại các giải pháp sai lầm”, các Giám mục ở Nam bán cầu kêu gọi công bằng, công lý, bảo vệ” để bảo vệ các nhóm dân bản địa, hệ sinh thái, cộng đồng nghèo đói, những người dễ bị tổn thương; cổ võ hoán cải sinh thái thực sự và thay đổi các mô hình của nền kinh tế ngày nay, phê bình mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản “xanh” và các cách tiếp cận kỹ trị. Đọc tất cả   Các Giám mục Peru mời Đức Thánh Cha Lêô viếng thăm nước này Theo một thông báo của Hội đồng Giám mục Peru, phái đoàn các Giám mục, trong đó có Đức Cha Carlos García Camader, Giám mục giáo phận Lurín, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, đã yết kiến Đức Thánh Cha Lêô XIV hôm 30/6/2025 và chính thức mời ngài viếng thăm Peru với lời bảo đảm rằng sự hiện diện của ngài sẽ canh tân niềm hy vọng của người dân Peru. Đọc tất cả   Đức Hồng y Dri, vị giải tội được Đức Phanxicô xem là gương mẫu về lòng thương xót, qua đời Đức Hồng y Luis Pascual Dri, quen được gọi là Cha Dri, một tu sĩ người Argentina thuộc dòng Capuchino, người được Đức Giáo hoàng Phanxicô xem như mẫu gương trong tòa giải tội khi giải tội nhiều giờ và luôn tha thứ theo gương Chúa Giêsu, đã qua đời ngày 30/6 tại Buenos Aires, hưởng thọ 98 tuổi. Đọc tất cả   Tài liệu đồng hành với giai đoạn thực hiện của Thượng Hội đồng về hiệp hành sẽ được công bố ngày 7/7 Vào ngày 7/7/2025, tài liệu được soạn thảo để đồng hành với giai đoạn thực hiện của tiến trình hiệp hành sẽ được công bố trên trang web của Ủy ban Thư ký Thượng Hội đồng (www.synod.va). Tài liệu đã được thông qua bởi Hội đồng thường trực của Thượng Hội đồng lần thứ 16 diễn ra trong hai ngày 26 và 27/6/2025. Đọc tất cả   Gặp gỡ các Giám mục Ucraina, ĐTC Lêô XIV cầu nguyện cho hòa bình trở lại với Ucraina Gặp gỡ các Giám mục thành viên của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina vào sáng thứ Tư ngày 2/7/2025, Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng trong bối cảnh lịch sử hiện tại, khó nói về hy vọng cho những người Ucraina, nhưng nhiều chứng từ về đức tin và hy vọng của người Ucraina cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa giữa đống đổ nát của hủy diệt. Ngài cầu cho hòa bình trở lại trên Ucraina. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha gởi sứ điệp đến hội nghị FAO: “Đã đến lúc hành động, không chỉ là khẩu hiệu” Nhân dịp Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) kỷ niệm 80 năm thành lập và đang nhóm Hội nghị lần thứ 44, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã gửi một sứ điệp kêu gọi hành động khẩn thiết để chấm dứt nạn đói, bảo vệ người nghèo và thúc đẩy hòa bình toàn cầu. Đọc tất cả   Cha sở giáo xứ Công giáo ở Gaza: Sự im lặng của quốc tế giết chết hy vọng Phát biểu với hãng tin SIR của Hội đồng Giám mục Ý, Cha Gabriel Romanelli, cha sở giáo xứ Công giáo Thánh Gia, giáo xứ duy nhất ở Dải Gaza, nói rằng “Không chỉ có vũ khí giết người ở Gaza, mà sự im lặng của quốc tế hiện cũng đang đè nặng lên Dải Gaza”. Ngài kêu gọi quốc tế lên tiếng về cuộc chiến và không được quen với tình trạng đang xảy ra ở Gaza. Đọc tất cả   Các nhà thờ ở Syria cử hành lại phụng vụ trong bối cảnh an ninh thắt chặt Một tuần sau khi Nhà thờ Mar Elias ở Damascus, Syria, bị tấn công, vào Chúa Nhật ngày 29/6/2025, các nhà thờ đã cử hành lại phụng vụ, dù số người tham dự ít hơn đáng kể do bầu không khí sợ hãi và lo lắng bao trùm. Đọc tất cả   ĐHY Parolin mời gọi các Giám mục Nhật Bản làm chứng tá cho sự hiệp nhất và phổ quát của Giáo hội Đồng tế Thánh lễ với các giám mục Nhật Bản tại Nhà thờ chính tòa Đức Maria ở Osaka, Đức Hồng y Pietro Parolin nói rằng “khi mà mọi khía cạnh của cuộc sống — văn hóa, sắc tộc, lợi ích kinh tế, chính trị, địa vị xã hội — dường như là nguồn gốc của sự chia rẽ, thì sự hiệp nhất của chúng ta chính là lời chứng lớn nhất và chân thực nhất mà các môn đệ của Chúa Kitô có thể mang đến cho thế giới”. Đọc tất cả  

Lịch Phụng Vụ


Đứng gần thập giá (29.05.2023 – Thứ Hai Tuần 8 TN - lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh)

28/05/2023
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Đứng gần thập giá (29.05.2023 – Thứ Hai Tuần 8 TN - lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh)

Bài đọc I: St 3,9-15.20

“Mẹ của toàn thể chúng sinh”

Bài trích sách Sáng thế

Sau khi Ađam ăn trái cấm, Chúa là Thiên Chúa đã gọi ông và nói cùng ông rằng: “Ngươi ở đâu vậy?” Ông thưa: “Con nghe tiếng Ngài trong vườn, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con ẩn núp”. Chúa hỏi ông: “Ai đã cho ngươi biết ngươi đang trần truồng? Có phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi ăn không?” Ađam thưa: “Người phụ nữ mà Ngài đã cho làm bạn với con, chính bà ấy đã cho con trái cây và con đã ăn”. Chúa là Thiên Chúa nói cùng người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con, và con đã ăn”. Chúa là Thiên Chúa phán cùng con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi là thứ bị chúc dữ giữa mọi súc vật và thú hoang! Mi sẽ bò bằng bụng và sẽ ăn bụi đất suốt đời mi. Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ Bà, người miêu duệ này sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ cắn gót chân người”.

Rồi Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh.

Ðó là Lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 86 (87) 1-2.3 và 5.6-7

Đáp: Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.

1) Nền móng Sion được đặt trên núi thánh, Chúa yêu chuộng cửa thành hơn mọi nơi cư ngụ của nhà Giacob. Hỡi thành đô của Thiên Chúa. Mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành. 

Đáp: Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.

2) Nói đến Sion, thiên hạ bảo: “Tại đó, người người đã sinh ra, chính Ðấng Tối Cao củng cố thành”.

Đáp: Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.

3) Thiên Chúa ghi vào sổ bộ các dân: “Kẻ này người nọ đã sinh ra tại đó”, và họ múa nhảy hát ca: “Mọi nguồn mạch của tôi ở nơi thành”.

Đáp: Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Kính chào Ðức Trinh Nữ diễm phúc, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu. Kính chào Mẹ Hội Thánh, Mẹ là Ðấng giữ gìn trong chúng con Thần Khí của Thánh Tử Giêsu Kitô. Alleluia!

 

PHÚC ÂM: Ga 19: 25-34

“Đây là mẹ của anh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

Hôm đó là ngày áp lễ, người Dothái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày Sabát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.

Đó là lời Chúa.

 

Suy niệm:

Khi Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá,

các Tin Mừng Nhất Lãm đều nhắc đến các phụ nữ Galilê.

Họ chỉ đứng nhìn Thầy từ xa (Mt 27,55; Mc 15,40; Lc 23,49).

Còn Tin Mừng Gioan lại mô tả nhóm phụ nữ đứng gần thập giá.

Người phụ nữ đầu tiên được kể tên là thân mẫu Đức Giêsu.

Mẹ đã theo Con đến tận núi Sọ,

dám chứng kiến và cảm nghiệm mọi nỗi đau của Con.

Mẹ can đảm nhận mình là mẹ của người tử tội,

đang ở trong giây phút cuối đời, đang đối diện với cái chết.

 

Người gần chết thường hay trối trăng một điều quan trọng,

một điều cần phải làm sau khi họ nhắm mắt.

Đức Giêsu trên thập giá cũng muốn để lại một lời trối.

Từ trên cao, Ngài nhìn thấy thân mẫu của mình

và người môn đệ mình yêu dấu đứng kề bên,

Ngài muốn tạo một tương quan thân thiết giữa họ.

Ngài nói với Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”

Rồi nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” (Ga 19,26-27).

Hai người không ruột thịt máu mủ, bây giờ thành mẹ con.

 

Có người nghĩ chuyện Đức Giêsu làm ở đây cũng thường thôi.

Vì biết mình sắp chết, nên Ngài giao phó Mẹ cho môn đệ,

để anh này thay mình chăm sóc Mẹ cho tròn chữ hiếu.

Thật ra lời trăng trối của Đức Giêsu mang tầm vóc lớn hơn nhiều.

Chúng ta không rõ khi Ngài lên đường đi sứ vụ, ai đã lo cho Mẹ.

Ngài để lại Mẹ ở nhà, và Ngài đòi các môn đệ cũng làm như thế.

Không rõ lúc cuối đời, Ngài có thấy cần người chăm sóc Mẹ không?

Dù sao trước khi Ngài nói với anh môn đệ: “Đây là mẹ của anh”

thì Ngài đã giới thiệu anh với Mẹ: “Đây là con của bà.”

Ngài xin Mẹ nhận anh này làm con và chăm sóc anh.

Sau đó Ngài mới giới thiệu Mẹ với anh: “Đây là Mẹ của anh.”

Người môn đệ đã nhận bà làm mẹ, và đã đón bà về nhà mình.

Đức Giêsu đã làm xong chuyện cuối cùng mà Ngài phải làm,

đó là tạo lập một tương quan mẫu tử giữa Mẹ và anh môn đệ.

Với sự bình an thanh thản của người đã hoàn thành sứ mạng,

Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất !” (Ga 19,28.30).

 

Có người nghĩ rằng Thầy Giêsu trên thập giá

chỉ muốn nối kết Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài mến thương.

Đó là chuyện thuần túy riêng tư giữa hai người.

Anh môn đệ này không đại diện cho các kitô hữu,

nên cũng chẳng có tương quan nào giữa Mẹ Maria và chúng ta.

Truyền thống Công giáo nghĩ không nghĩ như thế,

nhưng coi cử chỉ trăng trối cuối cùng này của Đức Giêsu

đã kết nên mối dây giữa Mẹ Ngài với mọi kitô hữu.

Đức Giêsu đã chia sẻ tương quan làm con của Mẹ cho chúng ta.

để chúng ta cũng có thể coi Mẹ Maria là Mẹ của mình.

Đây là món quà quý giá Ngài ban cho ta lúc gần kề cái chết.

Chẳng thấy Mẹ hay anh môn đệ nói gì sau lời của Đức Giêsu,

nhưng chúng ta biết cả hai đã sống tương quan mới sau đó.

Đức Maria đã trở nên mẹ của từng kitô hữu.

Mẹ đã là môn đệ trung tín theo Con mình đến tận thập giá.

Người môn đệ Chúa yêu đứng gần cũng theo Thầy đến cùng.

Cả hai làm nên một gia đình thiêng liêng.

 

Khi vào một nhà thờ Công giáo, chúng ta thấy lòng ấm lại,

vì có sự hiện diện cảm thông của một Người Mẹ,

Người đã ở với Đức Giêsu hơn ba mươi năm,

đã sinh dưỡng, dạy dỗ, chở che, và làm cho Ngài lớn lên.

Đức Maria là thành viên và là Mẹ của Hội Thánh,

là người đứng dưới chân thập giá với nhóm phụ nữ ở Galilê,

nhưng cũng là người có phúc hơn mọi phụ nữ,

là người cầu nguyện với các môn đệ chờ Thánh Thần đến,

nhưng cũng là người được Thánh Thần ngự từ lúc truyền tin.

Chúng ta mong Chúa Giêsu cứ nói với Mẹ: “Đây là các con của Bà.”

Và nói với chúng ta: “Đây là Mẹ của anh chị em.”

Và chúng ta cũng mong Mẹ nhắc nhở chúng ta nhiều lần:

“Hãy làm những gì Người bảo!”

 

Cầu nguyện:

 

Lạy Mẹ Maria,

Chúng con tạ ơn Chúa Giêsu

đã ban cho chúng con một người mẹ

như quà tặng vô giá lúc Người sắp lìa đời.

Mẹ được chọn làm thân mẫu của Chúa

và được ban đầy ân sủng siêu phàm,

khiến muôn thế hệ phải ngợi khen chúc tụng.

Nhưng Mẹ cũng là tỳ nữ mọn hèn

luôn mau mắn thi hành ý định của Thiên Chúa,

dù Mẹ chẳng hiểu hết được mầu nhiệm cao sâu.

 

Chúng con tưởng Mẹ sẽ đi trên con đường đầy hoa,

nhưng thật ra Mẹ đã đi con đường của Chúa,

con đường gập ghềnh và trắc trở,

với lưỡi gươm sắc đâm thấu tâm hồn.

Trong đời Mẹ có bao tiếng xin vâng trên môi,

từ tiếng xin vâng đầu tiên đến tiếng xin vâng trên núi Sọ.

Những tiếng xin vâng này hợp với tiếng xin vâng của Con Mẹ

để Người đem ơn cứu độ cho chúng con.

 

Lạy Mẹ Maria,

là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng con.

Mẹ đã sống trọn phận người như chúng con,

và đã chiến thắng sau khi kết thúc cuộc đời trần thế.

Mẹ hiểu chúng con cần lời cầu bàu của Mẹ biết bao

đang khi phải chiến đấu giữa trần gian đầy sóng gió.

 

Ước gì chúng con cũng có phúc vì đã tin như Mẹ,

có phúc vì đã làm cho Con của Mẹ được sinh ra,

và được lớn lên trong thế giới hôm nay. Amen. 


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.




× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.