CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển...., trang chính thức  http://www.gxthanhtamhonai.vn - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) Tổng Giám mục Seoul kêu gọi hy vọng và đoàn kết trong bối cảnh bất ổn chính trị Trong sứ điệp Giáng sinh năm 2024, Đức Tổng giám mục Peter Chung Soon-taick của Seoul đã nhấn mạnh đến chủ đề hy vọng, hòa bình và đoàn kết, kêu gọi các tín hữu tập trung vào nhân loại và hòa giải trong bối cảnh xã hội và chính trị đang gia tăng những thách thức. Đọc tất cả   ĐTC Phanxicô: Tạ ơn Chúa vì ngày nay các tín hữu Tin Lành Giám lý và Công giáo hiểu nhau và yêu mến nhau hơn Tiếp Phái đoàn Hội đồng Thế giới của Tin Lành Giám lý vào sáng ngày 16/12/2024, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu tiến bước trên con đường tiến tới sự hiệp nhất hữu hình và hướng về Trái Tim Chúa Giêsu Kitô để sống hòa bình và phục vụ Nước Chúa. Đọc tất cả   ĐTC Phanxicô: Người Philippines là những con người của đức tin Sáng thứ Hai ngày 16/12/2024, gặp gỡ các đại diện của Cộng đồng Philippines ở Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha khuyến khích họ hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu, dù cho gặp khó khăn vẫn không bao giờ mất hy vọng, sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa nơi tha nhân để xây dựng Giáo hội thành nơi cư ngụ ấm áp đón tiếp mọi người. Ngài cũng nhắc lại Thánh lễ ngài cử hành với 7 triệu tín hữu ở Manila. Ngài khen ngợi người Philippines là những con người của đức tin và mời gọi họ tiếp tục làm chứng tá đức tin trong xã hội. Đọc tất cả   Các lãnh đạo Kitô ở Thánh địa gửi sứ điệp Giáng sinh 2024 Các lãnh đạo Kitô Thánh địa gửi sứ điệp Giáng sinh năm 2024, kêu gọi “ngừng bắn ở Gaza, trả tự do cho con tin và tù nhân”. Đọc tất cả   Số chủng sinh Tây Ban Nha tăng sau nhiều năm giảm Sau nhiều năm giảm, năm nay, số chủng sinh của Giáo hội Tây Ban Nha vượt con số 1.000, nghĩa là tăng 239 thầy. Ngoài ra còn có 103 chủng sinh nước ngoài đang được đào tạo tại Tây Ban Nha. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha: Chiến tranh là một vết thương nghiêm trọng gây ra cho gia đình nhân loại Đức Thánh Cha gửi thư cho Đức Tổng Giám Mục Giovanni d’Aniello, Sứ thần Toà Thánh tại Nga, than phiền về đau khổ mà những người dân vô tội phải chịu, đồng thời kêu gọi vị đại diện của ngài thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm hoà bình. Đọc tất cả   Thánh Lễ tại Ajaccio: Con phải làm gì để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Vào lúc 3 giờ 30 chiều Chúa Nhật 15/12, trước khi kết thúc chuyến tông du 1 ngày đến Corsica, Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ Chúa Nhật III Mùa Vọng với các tín hữu của giáo phận Ajaccio và các giáo phận lân cận. Đọc tất cả   Kinh Truyền Tin 15/12: chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác Sau buổi gặp gỡ các tham dự viên của Đại hội lòng đạo đức bình dân của khu vực Địa Trung Hải tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm của thành phố Ajaccio, Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ Đức Mẹ Lên trời để chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại đây. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha: Lòng đạo đức bình dân bén rễ trong văn hoá dân tộc Lúc 7 giờ sáng Chúa Nhật ngày 15/12, Đức Thánh Cha đã rời nhà thánh Marta để ra sân bay Fiumicino của Roma để thực hiện chuyến tông du 1 ngày đến đảo Corsica của Pháp nhân Đại hội lòng đạo đức bình dân của khu vực Địa Trung Hải. Tại Đại hội, Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ dấn thân cách tích cực hơn nữa trong đời sống xã hội, văn hóa và chính trị, với sức mạnh của những lý tưởng cao đẹp và niềm đam mê phục vụ thiện ích chung. Đọc tất cả   Các nữ tu Ghana dạy trồng cây trong dự án "Trồng cây vì một tương lai xanh hơn" Các Nữ tu Truyền giáo Đức Mẹ Mân Côi ở Ghana đã phát động một dự án trồng cây, cỏ và hoa trong khuôn viên trường, như một cách đóng góp vào việc chăm sóc môi trường đồng thời đảm bảo một tương lai xanh hơn, nghĩa là theo tinh thần bảo vệ môi trường. Đọc tất cả  

Lịch Phụng Vụ


Chị hãy đi bình an (21.09.2023 – Thứ Năm Tuần 24 TN)

20/09/2023
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Chị hãy đi bình an (21.09.2023 – Thứ Năm Tuần 24 TN)

Bài Ðọc I: 1Tm 4, 12-16

“Con hãy thận trọng giữ mình và giữ lấy giáo lý: như thế con sẽ cứu lấy chính mình con và những kẻ nghe lời con”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthê.

Con thân mến, chớ có ai khinh dể con vì con còn trẻ: nhưng con hãy nêu gương sáng cho các tín hữu, trong lời nói, cách ăn nết ở, trong đức bác ái, đức tin và đức thanh khiết. Cho tới khi cha đến, con hãy chăm chú đọc sách, khuyên bảo và dạy giáo lý. Con chớ quên lãng ân sủng trong con, là ơn đã ban cho con bởi lời tiên tri cùng với việc đặt tay của bậc Lão thành. Con hãy suy ngắm những sự đó, hãy để tâm đến các việc ấy, để mọi người đều thấy rõ con đã tiến tới. Con hãy thận trọng giữ mình và giữ lấy giáo lý: hãy kiên trì trong những việc ấy. Vì khi con làm như vậy, con sẽ cứu lấy chính mình con và những kẻ nghe lời con.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 110, 7-8. 9. 10

Ðáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa.

Xướng: 1) Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của người đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho đến muôn ngàn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính.

Ðáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa.

2) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước tới muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả úy!

Ðáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa.

3) Ðầu sự khôn ngoan là tôn sợ Chúa, bao nhiêu người thờ Chúa đều hành động cách khôn ngoan. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại tới muôn đời.

Ðáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa.

 

Alleluia: Tv 118,135

Alleluia, alleluia! - Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 7, 36-50

“Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!” Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: “Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông”. Simon thưa: “Xin Thầy cứ nói”.

“Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?” Simon đáp: “Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông đã xét đoán đúng”.

Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: “Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít”.

Rồi Người bảo người đàn bà: “Tội con đã được tha rồi”. Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: “Ông này là ai mà lại tha tội được?” Và Người nói với người đàn bà: “Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”.

Ðó là lời Chúa.

 

Suy niệm:

Chỉ Luca mới nói đến chuyện các người Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa.

Họ mời Đức Giêsu dự tiệc ba lần (7, 36; 11, 37; 14, 1).

Họ còn báo cho ngài biết về việc Hêrôđê toan ám hại ngài (13, 31).

Xem ra không phải mọi người Pharisêu đều có ác cảm với Đức Giêsu.

Hôm nay Đức Giêsu là khách mời của ông Simon.

Ngài chẳng ngại đáp lại lời mời của một người thuộc phái Pharisêu,

cũng như ngài đã chẳng sợ làm bạn với người thu thuế và tội lỗi (Lc 7, 34).

Khi ăn tiệc lớn ở xứ Palestine thời đó,

các vị khách thường ngả người nằm trên những chiếc ghế dài, có gối,

chân đưa ra ngoài, tay trái dùng để tựa, còn tay phải để lấy thức ăn.

 

Khi nhà có đại tiệc, người ngoài được tự do ra vào.

Bất ngờ có một phụ nữ mạnh dạn bước vào phòng tiệc.

Người ta nhận ra chị là một người tội lỗi sống trong thành phố,

nhưng không chắc chị có phải là một cô gái điếm không.

Chị cố ý đến đây vì biết Đức Giêsu đang có mặt trong bữa tiệc.

Đây là người mà chị đã từng gặp và đã nhận được ơn tha thứ.

Chị đã chuẩn bị khá kỹ và biết rất rõ việc mình sắp làm cho Ngài.

Chị đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm (c. 37).

Đứng ở gần chân Đức Giêsu, chị bật khóc nức nở.

Nước mắt chị làm ướt chân Ngài.

Những giọt nước mắt ăn năn vì tội lỗi quá khứ,

hay vui sướng vì biết mình đã đựoc thứ tha ?

Sau đó chị cởi khăn choàng đầu và xõa tóc để lau khô chân Đức Giêsu.

Cuối cùng, chị còn hôn lên chân và xức dầu thơm nữa.

Nói chung, những cử chỉ táo bạo của chị thật hết sức chướng mắt

đối với những người dự tiệc trong xã hội thời đó (và bây giờ cũng vậy !).

Xõa tóc trước công chúng là điều phụ nữ Do Thái không được phép làm,

vuốt ve và hôn chân một người đàn ông hẳn là những cử chỉ khêu gợi.

Hơn nữa, chị lại là một người tội lỗi có tiếng trong thành.

Một con người nhơ uế như chị khi đụng chạm sẽ làm người khác nhơ uế.

Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ông Simon nghĩ thầm:

“Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn ông phải biết

người phụ nữ đang đụng vào mình là ai, vì chị ta là một người tội lỗi.”

Đức Giêsu có biết không? Nếu không, thì Ngài không phải là ngôn sứ.

Nhưng nếu Ngài biết, mà ngài lại cứ để chị làm như vậy,

thì còn gì là danh dự của ông Simon và của chính Ngài nữa!

 

Đức Giêsu biết chị là ai, biết cả điều Simon thầm nghĩ (x. 5, 21-22; 6, 7-8).

Ngài không phản ứng gì vì ngài hiểu ý nghĩa điều chị làm.

Đó không phải là cử chỉ khêu gợi của một cô gái làng chơi,

nhưng là những hành vi diễn tả lòng biết ơn của người được tha thứ.

Đức Giêsu hiểu những giọt nước mắt của chị, vừa hối hận, vừa hạnh phúc.

Ngài hiểu cả những cử chỉ có vẻ quyến rũ của chị trên đôi chân mình:

rửa chân bằng nước mắt, lau chân bằng tóc, hôn chân và xức dầu thơm.

Ngài đọc thấy trong đó lòng trân trọng và biết ơn.

Đó là sự trào dâng không thể cưỡng lại được của tâm tình yêu mến.

Tuyệt đối không có chút nhơ uế nào nơi những cử chỉ ấy.

Và Đức Giêsu đã đón nhận tất cả với trái tim thanh khiết của mình.

 

Để soi sáng cho ông Simon hiểu về hành động của người phụ nữ,

Đức Giêsu kể cho ông nghe một dụ ngôn kèm theo một câu hỏi (cc. 41-42)

Hai người cùng mắc nợ, một người 500 quan tiền, một người 50.

cả hai cùng được chủ nợ tha vì họ không có gì để trả.

“Vậy trong hai người đó, ai sẽ yêu mến chủ nợ hơn ?”

Câu hỏi chẳng có gì khó đối với Simon và ông đã trả lời đúng.

Ta nên lưu ý: yêu mến ở đây có nghĩa là biết ơn.

Tự nhiên người được tha nhiều thì sẽ biết ơn nhiều, kẻ được tha ít sẽ biết ơn ít.

Dụ ngôn đơn giản của Đức Giêsu được áp dụng vào thực tế.

Rõ ràng là chị phụ nữ đã yêu mến Đức Giêsu hơn ông Simon.

Đức Giêsu làm một so sánh giữa cách tiếp đón của hai người (cc.44-46).

Simon đã chẳng cho Ngài nước để rửa chân, chẳng hôn, chẳng xức dầu trên đầu.

Dĩ nhiên đó chẳng phải là những đòi hỏi bắt buộc khi tiếp khách,

nhưng dù sao cách tiếp khách của Simon cũng nhạt nhẽo hơn so với chị kia.

 

Câu 47 là một câu quan trọng để hiểu đúng ý của đoạn Tin Mừng này.

Câu này trước đây thường được dịch như sau:

“Tội của chị ấy tuy nhiều, nhưng đã được tha, vì (hoti) chị đã yêu mến nhiều.

Còn ai được tha ít thì yêu mến ít,”

Dịch như thế dễ gây hiểu lầm rằng vì yêu nhiều nên chị được tha nhiều.

Thật ra phải hiểu ngược lại mới đúng.

Chính vì chị được tha nhiều nên chị mới yêu mến biết ơn nhiều.

Lòng yêu mến là kết quả, chứ không phải là nguyên nhân của sự tha thứ.

Lòng biết ơn đến sau khi nhận ơn.

Hiểu như thế sẽ hợp với ý nghĩa của dụ ngôn (cc. 41-42),

và hợp với vế sau của câu 47: còn ai được tha ít thì yêu mến ít.

 

Chẳng rõ ông Simon có nhận ra mình là ai chưa.

Ông đúng là người yêu ít hơn chị phụ nữ tội lỗi kia,

vì ông được tha ít hơn, vì ông có ít tội hơn !!!

Nhưng có thật ông ít tội hơn người phụ nữ tội lỗi này không?

Hay vì tự hào mà ông không thấy cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa?

Tự hào về đạo đức vẫn là một vật cản khiến người ta khép lại và vô ơn.

Người phụ nữ tội lỗi là người yêu hơn (c. 42) và yêu nhiều (c. 47).

Tội quá khứ, khi được tha, lại tạo nên một hứng khởi mới để người ta yêu hơn.

Những vấp ngã khi được chữa lành lại trở nên một khởi đầu cho cuộc sống mới,

can đảm hơn, quảng đại hơn và nồng cháy hơn.

 

Cuối cùng, Đức Giêsu đã quay lại nói chuyện với người phụ nữ.

Ngài khẳng định lại ơn mà chị đã lãnh nhận trước khi chị bước vào phòng tiệc:

“Tội của chị đã được tha rồi”, Ngài nhắc cho mọi người biết chuyện đó.

Như thế Đức Giêsu không phải chỉ là một ngôn sứ như Simon nghĩ.

Ngài còn lớn hơn một ngôn sứ nữa khi dám tha tội cho chị.

Cuối cùng, Đức Giêsu lại ca ngợi lòng tin của chị.

Lòng tin thắm đượm tình yêu, hay tình yêu thắm đượm lòng tin.

Cả hai quyện vào nhau giúp chị đón lấy ơn cứu độ, ơn bình an:

Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (c. 50).

 

Chúng ta có thể học được nhiều điều nơi người phụ nữ:

lòng tin mãnh liệt vào sự tha thứ, lòng mến táo bạo của sự biết ơn,

Chúng ta cũng cảm nghiệm được sức mạnh của ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Sức mạnh ấy có thể làm mới lại cuộc đời một phụ nữ hư hỏng,

và dạy chị biết yêu như yêu lần đầu.

Chẳng rõ ông Simon có học được điều gì từ biến cố này không?

 

Cầu nguyện:

 

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện :

Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi

mọi biển lận tầm thường.

 

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên

để gánh chịu mọi buồn vui.

 

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang

để đem tình yêu gánh vác việc đời.

 

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường

để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,

hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

 

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai

để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.

 

Và cho tôi sức mạnh tràn trề

để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.

R. Tagore (Đỗ Khánh Hoan dịch)

 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J




× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.