Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 51, 17-27
"Tôi sẽ tôn vinh Ðấng ban cho tôi sự khôn ngoan".
Trích sách Huấn Ca.
Tôi tuyên xưng, ca ngợi và chúc tụng danh Chúa.
Khi tôi còn trẻ, trước khi tôi đi đó đây, tôi đã công khai tìm kiếm sự khôn ngoan trong khi cầu nguyện. Trước đền thờ, tôi đã xin sự khôn ngoan, và tôi sẽ còn tìm nó cho đến ngày cuối đời tôi. Trước tinh hoa của sự khôn ngoan, như chùm nho hồng, tâm hồn tôi vui sướng: chân tôi bước đi trên đường ngay chính. Từ buổi thanh xuân, tôi đã tìm kiếm nó. Tôi đã lắng tai và nghe tiếng nó. Tôi đã tìm thấy trong tôi sự khôn ngoan cao cả, và nhờ nó tôi đã được tiến triển nhiều. Tôi sẽ tôn vinh Ðấng ban cho tôi sự khôn ngoan, vì tôi đã suy niệm để đem nó ra thực hành, tôi đã hăng say làm điều lành và tôi không hổ thẹn. Cùng với sự khôn ngoan, linh hồn tôi đã chiến đấu, và khi hành động, tôi được thêm vững chắc. Tôi đã giơ hai tay lên cao, và đã than khóc, vì đã không biết đến nó. Tôi đã hướng tâm hồn tôi về nó, và tôi đã tìm được nó với tâm hồn trong sạch.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11
Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.
Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).
2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.
Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy.
Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).
4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật chảy tự tàng ong.
Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).
Alleluia: Gc 1, 18
Alleluia, alleluia! - Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 11, 27-33
"Ông lấy quyền nào làm sự đó?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ lại đến Giêrusalem. Và trong khi Chúa Giêsu đi lại trong đền thờ, thì những trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão đến hỏi Người: "Ông lấy quyền nào mà làm sự đó? Và ai đã ban quyền cho ông để làm như vậy?" Chúa Giêsu đáp: "Tôi sẽ hỏi các ông một câu thôi, hãy trả lời cho Tôi thì Tôi sẽ bảo cho các ông hay Tôi lấy quyền nào mà làm việc đó: Phép rửa của Gioan bởi trời hay bởi người ta? Hãy trả lời Tôi đi". Họ liền bàn riêng với nhau rằng: "Nếu chúng ta trả lời "Bởi trời", ông ấy sẽ nói: "Vậy sao các ông không tin Người?" Nhưng nếu chúng ta nói "Bởi người ta", chúng ta sợ dân chúng, vì mọi người đều coi Gioan thật là một tiên tri. Vậy họ thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Chúng tôi không biết". Và Chúa Giêsu bảo họ: "Vậy thì tôi cũng không nói cho các ông biết bởi quyền phép nào Tôi làm sự đó".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy
hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” (c. 28).
Ba giới chức cao nhất của Do Thái giáo
đã đặt câu hỏi như vậy với Đức Giêsu khi Ngài đi đi lại lại
trong Đền Thờ Giêrusalem vào những ngày cuối đời.
Ông lấy quyền nào mà dám đuổi những kẻ buôn bán ở đây?
Ông lấy quyền nào mà lật bàn của những người đổi tiền,
và xô đổ ghế của những người bán bồ câu? (c. 15).
Tất cả những người làm chuyện buôn bán
đều nhằm phục vụ cho nhu cầu tế tự của Đền Thờ.
Nếu không cho buôn bán ở đây thì người dân lấy gì mà dâng cúng?
Có phải ông định phá hoại các sinh hoạt ở Đền Thờ không?
Tại sao ông dám nói nơi Thánh này đã trở nên hang ổ của bọn cướp ?
Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục muốn giết Đức Giêsu (c. 18).
Họ nghiêm chỉnh đến gặp Ngài và đòi Ngài phải trả lời câu hỏi của họ.
Họ muốn biết người nào đã cho Đức Giêsu quyền đó.
Đức Giêsu dùng phương pháp của các rabbi,
trả lời một câu hỏi bằng cách đặt ngược một câu hỏi khác.
“Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi.
Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết
tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy” (c. 29).
Ngài đặt cho họ câu hỏi về nguồn gốc của phép rửa bởi Gioan:
“Phép rửa của ông Gioan là do Thiên Chúa hay do loài người?” (c. 30).
Câu hỏi tưởng như đơn giản này lập tức đưa họ vào thế kẹt.
Nếu trả lời phép rửa của Gioan là bởi Thiên Chúa
thì họ sẽ bị tố cáo vì đã không tin vào lời giảng của Gioan.
Hơn nữa khi tin vào Gioan, họ cũng phải tin vào Đức Giêsu,
Đấng đã được Gioan hết lòng khiêm cung làm chứng.
Nếu trả lời phép rửa của Gioan là bởi loài người
thì họ sẽ vấp phải sự chống đối từ phía dân chúng,
vì họ tin Gioan là một vị ngôn sứ đích thực.
Như thế câu hỏi của Đức Giêsu đã đưa họ vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Câu hỏi của Ngài dồn họ vào thế phải trả lời:
“Chúng tôi không biết.” (c. 33).
Có thật họ không biết hay chỉ là né tránh sự thật?
Họ đã không tin Gioan, vì sợ tin Gioan sẽ phải tin cả Giêsu nữa.
Nhưng họ lại sợ không dám nói ra điều đó cho dân chúng biết.
Nỗi sợ bị mất uy tín, mất chỗ đứng, khiến họ trở nên câm lặng.
Câu hỏi của Đức Giê su đòi họ trở về với lòng mình
để tự tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi của họ: “Ông lấy quyền nào?”
Quyền của Đức Giêsu là quyền năng của Thánh Thần Thiên Chúa.
Làm thế nào để chúng ta thoát khỏi thành kiến và nỗi sợ hãi
để có được sự tự do khi trao đổi với nhau?
Làm thế nào để chúng ta không tìm cách tránh né sự thật,
dù chấp nhận sự thật đòi chúng ta phải thay đổi tận căn và trả giá?
Làm thế nào để chúng ta can đảm nhận mình sai để lại bắt đầu?
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.