Linh Mục
01. CHA XỨ GIACÔBÊ ĐÀO HỮU THỌ - THẦY HENRI
29/03/2022 - 191
CHA XỨ GIACÔBÊ ĐÀO HỮU THỌ - THẦY HENRI
(1954 - 1955)
Là những nhà thiết kế có biệt tài, được sự cộng tác hăng say của Cha Đài, thầy Tôma (DCCT), mô hình tổ chức, xây dựng xứ (trại định cư) Thánh Tâm được dựng lên chu đáo, toàn cảnh trông như một thành phố thu nhỏ…..
Thánh đường, trường học, cơ sở y tế là khu trung tâm. Bao quanh là chợ, các cơ sở sản xuất và các khu dân cư, nhà cửa ngay hàng thẳng lối, đường xá ngang dọc rộng rãi như một bàn cờ.
Theo mô hình, từng khu đất rừng được cha cho từng nhóm gọi là “kíp”, tùy theo thời gian đến nhập trại, có tổng cộng 4 kíp: kíp 1, 2, 3 và kíp cuối cùng gọi đùa là kíp linh tinh.
Diện tích mỗi lô đất thổ cư ngang 10m và dài 50m hoặc 60m.
Có một số người (có lẽ là ngại phá rừng) nên đề nghị Cha Thọ thu hẹp diện tích thổ cư vì cần gì rộng, ở tạm vài năm, rồi tổng tuyển cử rồi lại về Bắc.
Ngài đã trả lời: “Các anh đừng tưởng, rồi đây tấc đất tấc vàng, sau này con cháu các anh sẽ dùng nước máy ….”
Nhà ở làm theo một kích thước, mỗi nhà có hai gian dành cho hai gia đình, mỗi gian có cửa ra vào, cửa sổ riêng, lợp gianh, che chắn xung quanh và bức ngăn giữa bằng tre nứa đập dập hay trẻ tre nứa đan thành phên….
Dân số của trại thuộc nhiều địa phận cũng không ổn định, có người sau ít ngày khai phá, chán nản quá bỏ đi thì lại có những người mới tìm về xin gia nhập. Công việc khai hoang lập trại tiến hành tốt đẹp.
Các dãy nhà của từng kíp làm xong được gắp thăm nhận phần, không thiên vị ai, không u dù cho ai. Xin nêu lên một số liệu cụ thể: những tháng đầu tiên lập xóm Lộ Đức (Giáo Họ Lộ Đức ngày nay) có 84 gia đình, 42 căn nhà.
Cũng trong giai đoạn đầu, cộng đoàn làm ăn tập thể, mỗi gia đình đóng góp một người khỏe mạnh để làm công tác xây dựng, còn lại người nào việc nấy phù hợp với khả năng,, tuổi tác, sức khỏe, đoàn kết yêu thương đùm bọc nhau. Bãi đất trống (công quán phía tây Thánh đường) được ổn định làm nơi giữ trẻ để người lớn an tâm làm việc.
Tưởng cũng nên ghi lại: giai đoạn này nhiều người khi đi chặt cây làm nhà tại khu vực suối hai (qua Đền Martinô) thỉnh thoảng vẫn phát hiện dấu chân voi, chân hổ, còn khỉ, vượn thi đầy. Chúng lạ lùng, bỡ ngỡ nhìn thầy con người, chẳng sợ ai.
Các công trình công cộng cũng tuần tự song hành với việc làm nhà. Ngôi nhà Thờ tạm bằng cây rừng, lợp tôn Fibrocement, chung quanh ghép ván được dựng lên (khu nhà cô Tuyết, ông Vọng). Bên trong nhà thờ, ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp được treo giữa bức màn sau bàn thờ. Giáo dân tham dự phụng vụ ngồi, quì trên những phản gỗ. Sau thánh đường tạm, cơ sở y tế là chợ và trường học.
Cha Thọ chỉ đạo làm trường học trước. Cha đã từng nói với các người cộng tác: “giáo dục quan trọng hàng đầu, có văn hóa – giáo dục là có tất cả …”.
Hai gian nhà lợp tôn Fibrocement chắn gỗ (phía trước nhà ông Lục) là trường tiểu học.
Một căn nhà như vậy bên kia quốc lộ 1 chếch về phía nhà thờ dành cho trung học đệ nhất cấp (PTCS). Khi đó chỉ có hai lớp đệ thất (lớp 6). Học sinh cao tuổi nhất (23 tuổi), nhỏ tuổi nhất (16 tuổi).
Cha Giacôbê Phan Văn Đài phò xứ Thánh Tâm cũng là Hiệu trưởng kiêm giám đốc trường trung tiểu học Thánh Tâm. Ngôi trường đầu tiên của cả khu vực di cư (từ Hố nai 1 “Suối máu”, Hố nai 2, Hố nai 3, Hố nai 4 “Tân Bắc – Bùi Chu”).
Ông Ngô Đình Phê, trưởng hợp tác xã nuôi gà đã trực tiếp làm việc với cha Đài và thầy Henri để xây dựng cơ sở ổn định của trường trung tiểu hõc Thánh Tâm (1/2 khu vực Dona Bochang dài 124m giáp Thánh đường).
Năm học 1954 – 1955 chính thức khai giảng.
Nối tiếp là khu vực chợ và bến xe (1/2 khu vực Donabochang về phía đông). Trường và chợ ngăn cách nhau bằng con đường rộng 10m.
Những dãy nhà bằng cây lợp tôn Fibrocement được dựng lên, đó là chọ Thánh Tâm. Ngôi chợ được Đức Cha Phạm Ngọc Chi khánh thành ngày 20/01/1955 (27 tết Giáp Ngọ) sau khi đặt nóc Thánh đường. Trong chọ có bến xe. Thuở ấy xứ có một xe chở khách mang tên “Đồng Thọ” chạy lộ trình Hố Nai - Biên Hòa, sau mở rộng chạy cả tuyến Sài gòn - Bảo Lộc. Đó là hình thức một công ty cổ phần, mỗi cổ phần 1.000 đồng (một ngàn đồng).
Để tạo công ăn việc làm cho dân, cha Thọ đã lập ra các hợp tác xã:
-
Hợp tác xã Mộc Lâm (làm mộc khu nhà cụ Hoán)
-
Hợp tác xã Nón (khu nhà cụ trùm Dung)
-
Hợp tác xã nuôi gà (khu chợ Thánh Tâm bây giờ)
-
Hợp tác xã dệt.
Đường giao thông trong xứ rộng rãi (7m – 10m) được đặt tên bằng cái tên của danh nhân.
Đường phía sau Dona Bochang thuộc giáo họ Lộ Đức từ giáp Hòa Bình đến ranh giới khu La Vang là đường Trương Vĩnh Ký (đường tổ 2, 5, 7, 9)
Đường phía sau trụ sở phường Tân Hòa ngày nay thuộc giáo họ Văn Côi là đường Nguyễn Trường Tộ.
Đường qua chọ Thánh Tâm và Đền Martinô (đường ông Năm) là đường Thánh Anphongsô.
Đường ra ga (đường cát - mét) là đường Đức Mẹ hằng Cứu Giúp.
Xứ Thánh Tâm (đạo), Trại định cư Thánh Tâm (đời)
Địa chỉ: Ấp Thái Hòa (Thái Hà – Biên Hòa) Xã Bình, trước là tổng Phước Vĩnh Thượng, Tỉnh Biên Hòa.
Trại trưởng: Ông Lê Văn Thuật
Thư ký: ông Ngô Văn Thu (sau ông Thu nghỉ giao chức vụ thư ký cho ông Mai Trung Lương).
Xứ được chia thành 4 xóm, địa giới ngăn bởi trục đường quốc lộ 1 và đường Anphongsô (đường qua chợ) kéo dài qua đường mòn tới đường tàu. Ngài đặt tên các xóm bằng tước hiệu của Mẹ Maria.
-
Xóm La Vang (tây nam)
-
Xóm Fatima (tây bắc)
-
Xóm Lộ Đức (đông nam)
-
Xóm Văn Côi (đông bắc)
Điều hành (đạo, đời) có vị trưởng xóm, phó xóm do dân chúng bầu cử.
Song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức các cơ cấu hoạt động, về tinh thần Ngài đã lập ra các đoàn thể tôn giáo
-
Liên Minh Thánh Tâm
-
Hội Bà Thánh Anna
-
Liên minh Thánh Mẫu (Hội con Đức Mẹ)
-
Hùng Tâm Dũng Chí (Thiếu nhi Thánh Thể).
Ngài cũng không quên bồi dưỡng tinh thần cho các đoàn thể nhất là huấn luyện cho các đoàn viên Liên Minh Thánh Tâm.
Một việc hệ trọng hàng đầu luôn canh cánh bên lòng cha xứ cũng như mọi người đó là ngôi Thánh Đường…..
Cha Thọ xin được một trại cưa lớn ở Biên Hòa bằng gỗ, cột 20 phân vuông, mái lợp ngói gỗ. Cha con tiến hành xây dựng nơi thờ phượng Chúa, tôn vinh Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Sang đầu năm 1955, vào ngày 20/ 01 (27 tết Giáp Ngọ) Thánh đường đầu tiên của Giáo xứ đã được hai Đức Cha Phạm Ngọc Chi và Harnette về cất nóc.
Các Ngài nói: "Đây là ngôi Thánh đường lớn nhất trong 105 ngôi Thánh đường di cư".
Ngôi Thánh Đường mặt tiền được xây bằng gạch ép, kích thước dài 40m, ngang 8m, mỗi bên có hiên 4m, cao 5m, cột kèo bằng gỗ dầu, lợp và chắn chung quanh bằng tôn fibrocement.
Qua thời gian xây dựng, đến ngày khánh thành, Đức Cha Phạm Ngọc Chi và cha Leroy, Bề trên DCCT về dâng lễ tạ ơn và cắt băng khánh thành, nhà thờ được gọi là Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Để giải trí và tạo phấn khởi cho đồng bào nhất là trong hoàn cảnh tha hương, nhiều buổi chiếu phim, văn nghệ ngoài trời cũng hay được thực hiện...
và thật độc đáo, tại xứ Thánh Tâm 65 năm về trước cha xứ Thọ đã tổ chức thi "hài nhi lành mạnh,vệ sinh" và "cuộc đấu xảo hài nhi lành mạnh” có mời nhiều Cha DCCT Sàigòn về tham dự.
Một ý thắc mắc có thể nảy sinh: "thế trong những ngày đầu tiên ấy, có ai qua đời không? Qua đời thì an táng ở đâu?"
Khi đó ngoài rừng cây cối um tùm, giáo dân chưa thể chặt cây, phá rừng làm nghĩa địa, nên nếu có người qua đời được chôn tạm ở hai bên đường vào suối 2. Người giáo dân trưởng thành qua đời đầu tiên của xứ Thánh Tâm là Anh Tiến, con trai của ông trưởng trại, qua đời vì bệnh mấy tháng sau ngày lập xứ... làm xao xuyến cả cộng đoàn.
Đang tiến hành tốt đẹp thì có sự thay đổi. Cha Bề trên Tổng quyền DCCT được tin về phong trào di cư, trong đó có các anh em DCCT, Ngài từ Roma bay sang và đã đến thăm hai trại định cư Tân Hà (Bảo Lộc - Lâm Đồng) và Thánh Tâm (Hố Nai - Biên Hòa) do các cha DCCT điều khiển. Ngài thấy công việc của các cha làm thật đáng khen ngợi, nhưng về lâu dài không hợp với tôn chỉ của Dòng. Ngài đã thương lượng với Đức Cha Phạm Ngọc Chi và Bề trên Dòng Đaminh Việt Nam để chuyển quyền lãnh đạo hai trại này cho Dòng Đaminh.