ĐTC Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Bỉ
9/30/2024 6:56:55 AMSuy niệm Tin Mừng CN 26 Thường Niên Năm B (Mc 9,38-43.45.47-48) - Lm. Minh Anh, TGP. Huế
9/30/2024 6:56:55 AMTông Đồ Cầu Nguyện - Ngày 30.09.2024
9/30/2024 6:56:52 AMVĩ Đại
9/27/2024 6:12:15 AMNgôi Nhà Trên Đỉnh Đồi Sình Mon - Tác giả: M. Minh Đức, MRP
9/27/2024 6:12:14 AMLàm Sống Lại Niềm Vui Trong Đời Sống Thánh Hiến Để Sống Niềm Vui Thuộc Về
9/27/2024 6:12:13 AMTông Đồ Cầu Nguyện - Ngày 27.09.2024
9/27/2024 6:12:07 AMGiáo Phận Phan Thiết Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập
9/27/2024 6:12:06 AMGiáo Hội tại Luxemburg và Bỉ chờ đón Đức Thánh Cha
9/27/2024 6:12:05 AMGiáo phận Xuân Lộc: Thánh lễ Trao Bổ Nhiệm Thư và Nghi Thức Sai Đi
Click vào để xem "Suy niệm tin mừng"
Trong thánh lễ, linh mục luôn mặc một bộ lễ phục đặc biệt, được trang trí bằng các biểu tượng, có nhiều màu sắc khác nhau. Đây là một chiếc áo choàng (chasuble). Từ xa xưa, bất cứ khi nào một linh mục cử hành thánh lễ, ngài sẽ mặc một bộ áo lớn giống như một cái chăn choàng (được khoét lỗ ở giữa để chui đầu) gọi là casula (chasuble) để che phủ quần áo thường ngày của mình. Trang phục này có nguồn gốc từ trang phục Rôma bình thường của một nông dân. Người nông dân đội chiếc chăn choàng lớn này để bảo vệ mình khỏi gió, mưa hoặc thậm chí là nắng. Vào thế kỷ thứ 3, nó gắn liền với các Kitô hữu.
Khi xu hướng thời trang tiến triển, áo choàng không còn là trang phục thông thường nhưng luôn được các linh mục sử dụng. Dành riêng cho các thành viên của hàng giáo sĩ, nó bắt đầu được trang trí vào thế kỷ thứ VIII để phản ánh chức năng linh thánh của nó.
Nếu lúc đầu, áo lễ lớn và cồng kềnh, cần được giúp đỡ để tập hợp nhiều nếp gấp lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển của linh mục, thì theo thời gian, hình dạng của nó sẽ giảm đi.
Biểu tượng
Tính biểu tượng của áo lễ được thể hiện trong lời cầu nguyện truyền thống mà linh mục đọc trước khi mặc nó: « Domine, qui dixisti : Iugum meum suave est, et onus meum leve : fac, ut istud portare sic valeam, quod consequar tuam gratiam. Amen ». (« Lạy Chúa, Chúa đã phán: Ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng: xin Chúa để con mặc trang phục này để nhận được ân sủng của Chúa. Amen. »).
Do đó, áo lễ nhắc lại “ách của Chúa Kitô”, và sự kiện linh mục là “một Chúa Kitô khác” trong hy tế thánh lễ. Ngài “mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”. (Eph 4, 24).
Hơn nữa, áo lễ còn tượng trưng cho “áo không đường khâu” mà Chúa Kitô đã mặc khi Người bị dẫn đi đóng đinh. Điều này càng làm nổi bật mối liên hệ giữa linh mục, thánh lễ và hy tế của Chúa Giêsu trên Thập Giá. Hình trang trí phổ biến của áo lễ là một cây thánh giá lớn ở mặt sau hoặc mặt trước của áo. Màu sắc của bộ trang phục này được phối hợp với màu tượng trưng của mùa phụng vụ hoặc ngày lễ.
Đây là lý do tại sao Giáo hội vẫn giữ lại trang phục cổ xưa này, nhắc nhở linh mục (và dân Chúa) rằng Thánh lễ không phải là một sự kiện bình thường mà là một sự kiện linh thánh.
Tý Linh
(theo Philip Kosloski, Aleteia)
Các nhà thờ thường hay tổ chức dâng hoa kính Mẹ, lúc này, mỗi màu hoa lại tượng trung cho một nỗi lòng của con cái muốn dâng lên Mẹ, hay ca ngợi một nhân đức nào đó của Mẹ. Như vậy, Hoa biểu trưng cho lòng Mẹ và cũng là biểu trưng của lòng con người:
Hoa huệ trắng biểu trưng sự trong sạch khiết trinh nơi Mẹ;
Hoa hồng diễn tả lòng mến nồng nàn mà Mẹ dành cho Chúa;
Hoa lan toát lên sự trung thành, mạnh mẽ và can đảm nơi Mẹ;
Hoa sen tượng trưng phó thác, đại lượng và cung kính nơi Mẹ;
Hoa có màu tím tượng trung cho sự khiêm tốn ...
Người Việt Nam chúng ta khi biết ơn ai, hoặc kính trọng ai, thường hay biểu cảm qua bó hoa hay bông hoa. Cũng vậy khi đón nhận được ơn lành từ Trên ban, người ta cũng dâng tạ bằng những bông hoa. Với người Công Giáo, những biến cố quan trọng trong đời sống đức tin như: khi Rửa tôi; Thêm Sức; lãnh nhận Hôn Phối; hay Truyền Chức thánh, người ta cũng tặng hoa cho những người được mừng, và ngay cả khi chết, người ta cũng biểu đạt bằng hoa trên quan tài, bên di ảnh hay nơi mộ phần. Hay khi gặp rủi ro, tai nạn, bệnh tật, khi hết bệnh, người ta cũng dâng hoa để tỏ làng biết ơn với Thiên Chúa, Đức Mẹ và các thánh...
Riêng với Đức Mẹ, người dân Việt Nam có lòng sùng kính đặc biệt. Từ khắp nơi, mọi thành phần, lứa tuổi, đều hân hoan, nô nức dâng kính Mẹ những đóa hoa tươi thắm mối dịp tháng Năm về.
Tuy nhiên, hoa được dùng để qua đó, diễn tả hoa thiêng cõi lòng của con người. Hoa sẽ tàn phai, héo úa, lòng người cũng sẽ tàn phai và ủ rũ nếu không đón nhận được sứ điệp từ những việc đạo đức này.
Gốc tích như thế này:
Vào những thế kỷ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa Đông dài của thiên nhiên bằng việc tổ chức gọi những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.
Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên khi tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.
Có nơi người ta tổ chức các cuộc “Rước xanh”. Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.
Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.
Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.
Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.
Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.
Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.
Đức Giáo hoàng Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa“, cho “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ“.
Đức Giáo hoàng Phaolô VI, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết:
“Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để “bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.
Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ.” (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, tr. 236)
Trong đức tin của Giáo Hội Công Giáo, có bốn tín điều về Đức Maria: Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và Đức Mẹ Đồng Trinh Trọn Đời. Tín điều là điều được xem như một chân lý mạc khải và cần thiết cho đức tin của một người tín hữu.
Trong bốn tín điều trên, Đức Mẹ Đồng Trinh Trọn Đời là niềm tin thường xuyên bị phê phán và bị công kích từ nhiều phía. Để hiểu được tín điều này, trước hết chúng ta sẽ nhìn lại lịch sử lâu dài của niềm tin về sự Đồng Trinh Trọn Đời của Đức Mẹ trong dòng lịch sử Kitô giáo. Đồng thời, chúng ta cũng phải xét đến các ý kiến chống đối và những căn cứ của các ý kiến ấy. Tiếp đến, chúng ta sẽ xét xem liệu những ý tưởng chối có thể phá đổ tín điều Đức Mẹ Đồng Trinh hay không. Cuối cùng, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem tín điều Đức Mẹ Đồng Trinh trọn đời có tầm quan trọng như thế nào trong toàn bộ niềm tin của một người Công Giáo.
+ Một lịch sử lâu dài
Trong tất cả truyền thống Kitô giáo, bao gồm cả Công Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành hay Anh Giáo, không ai nghi ngờ gì về việc Đức Mẹ Đồng Trinh trước biến cố Truyền Tin. Khi được loan tin về việc sẽ mang thai, Đức Maria đã bày tỏ sự bối rối: “Chuyện ấy xảy ra thế nào được, vì tôi chưa hề biết đến chuyện vợ chồng?” (Lc 1,34). Tuy đã đính hôn với Giuse theo luật Do–thái (x. Lc 1,27), Đức Maria vẫn còn là một trinh nữ.
Cũng vậy, trong việc sinh hạ Đức Giêsu, niềm tin căn bản mà tất cả các Giáo Hội Kitô chia nhau đó là: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, sinh ra bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, như được tuyên tín trong Kinh Tin Kính, chứ không phải bởi sự tác động bởi bất cứ một con người nào. Việc cưu mang và sinh hạ con Thiên Chúa chẳng những không làm mất đi sự đồng trinh thanh vẹn của Đức Mẹ, ngược lại, chính thân xác của Đức Mẹ còn được thánh hoá bởi việc cưu mang Con Thiên Chúa trong lòng mình. Ngôn ngữ truyền thống của Kitô giáo xem thân xác của Đức Mẹ được xem như là Cung Điện, Đền Thánh, Hòm Bia… là nơi vẹn sạch và thánh thiện, vì là nơi Thiên Chúa ngự.
Vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Hầu hết những tranh luận đều hệ tại câu hỏi này: sau khi sinh Đức Giêsu rồi, Đức Mẹ có còn gìn giữ sự đồng trinh của mình không? Từ đâu mà có niềm tin rằng sự đồng trinh của Đức Mẹ là trọn đời?
Khởi đầu của niềm tin này có thể tìm thấy nơi một bản văn cổ gọi là Tiền–Tin Mừng (Protoevangelium) theo Thánh Gia–cô–bê. Theo các nhà chuyên môn, bản văn này được viết vào khoảng năm 120, nghĩa là trong thời kỳ của các Kitô hữu đầu tiên, khi mà những ấn tượng về Đức Maria vẫn còn sống động và lòng sùng kính Đức Maria còn mới mẻ.
Bản văn Protoevangelium khởi đầu bằng những nét tương đồng giữa câu chuyện của bà Anna, mẹ của Samuen trong Cựu Ước, với bà Anna mẹ của Đức Maria. Giống như mẹ của Samuen, mẹ của Đức Maria cũng là người son sẻ, bà cầu xin Thiên Chúa cho mình một đứa con, và khấn hứa sẽ dâng con của mình cho Chúa. Vì thế, từ nhỏ Đức Maria đã làm người phục vụ Đền Thờ với lời khấn trọn đời đồng trinh. Theo bản văn này, việc đính hôn của Giuse với Maria không phải là để nên vợ chồng, nhưng là để Giuse trở thành người bảo hộ và giúp Maria sống chu toàn với lời khấn trọn đời đồng trinh của mình.
Bản văn Protoevangelium này không được Giáo Hội công nhận là Tin Mừng, vì nội dung chính của bản văn này không phải tập trung vào Đức Giêsu nhưng là những câu chuyện trước khi Chúa Giêsu sinh ra. Tuy nhiên, có thể thấy rằng bản văn này phản ánh rất rõ niềm xác tín được chia sẻ trong cộng đoàn các Kitô hữu đầu tiên về việc trọn đời đồng trinh của Đức Maria.
Niềm xác tín ấy trở thành một di sản của truyền thống được suy tư cách nghiêm túc và được xác quyết qua những trang viết của rất nhiều giáo phụ trong lịch sử Giáo Hội như Origen, Athanasio, Basilio, Jerome, Ambrosio, Augustino hay Cyril thành Alexandria… Ngoài ra, từ rất sớm trong dòng lịch sử, đã có rất nhiều tiếng nói chính thức từ phía Giáo Hộ khẳng định và tái khẳng định về tín điều Đức Mẹ Đồng Trinh Trọn Đời.
Chẳng hạn:
Thượng Hội Đồng Milano, dưới sự hướng dẫn của thánh Ambrosio Cả, năm 390; Công Đồng Ê–phê–sô năm 431; Công Đồng Chung Constantinope năm 553. Năm 649, tại Công Đồng Laterano, Đức Giáo Hoàng Martin tái khẳng định cách rõ ràng rằng Đức Mẹ Đồng Trinh Trọn Đời là một tín điều. Theo đó, Đức Maria trọn đời đồng trinh và vô nhiễm nguyên tội hoài thai Con Thiên Chúa là do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Khi sinh Đức Giêsu, Đức Maria không mất đi sự đồng trinh thanh vẹn của mình. Trong suốt cuộc đời của Đức Maria, sự đồng trinh ấy cũng không bị mất đi. Tuyên tín này được tóm lại trong công thức: ante partum, in partu, et post partum, nghĩa là Đức Mẹ đồng trinh trước–trong–và sau khi sinh hạ Đức Giêsu.
Gần đây nhất là khẳng định của Công Đồng Vatican II, dạy rằng việc sinh hạ Đức Giêsu chẳng những không làm ảnh hưởng đến sự đồng trinh của Đức Mẹ, ngược lại, còn thánh hiến sự đồng trinh ấy[1].
Như thế, có thể thấy rằng trong truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, Đức Mẹ Đồng Trinh Trọn Đời là một tín điều đã có lịch sử lâu đời. Tín điều Đức Mẹ Đồng Trinh Trọn Đời phản ánh một cảm thức đức tin chung (sensus fidelium), vốn đã bám rễ rất sâu trong lòng đạo đức bình dân của người tín hữu qua mọi thời đại.
+ Những ý kiến chống đối và những căn cứ
Điều mà trong câu hỏi bạn gọi là “con có nghe người ta hay nói” thật ra không phải là điều gì mới mẻ. Ý tưởng cho rằng ngoài Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse còn có những người con khác thật ra đã xuất hiện từ rất sớm trong dòng lịch sử chú giải Kinh Thánh. Chẳng hạn, vào thế kỷ thứ IV, một tác giả sống tại Roma tên là Helvidius đã viết về điều này. Ý tưởng ấy sau này được tiếp nhận cách nhiệt tình bởi những người Tin Lành cải cách.
Cần biết rằng một trong những điều những người muốn cải cách Giáo Hội chủ trương đó là từ chối tính thánh thiêng của việc giữ mình đồng trinh. Với họ, thật ra việc đồng trinh trọn đời không phải là một giá trị đáng trân trọng. Ngược lại, đời sống hôn nhân vợ chồng và ơn gọi làm cha mẹ mới được xem là thiên chức. Do đó, những người này xem Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng chỉ như những cặp vợ chồng bình thường khác.
Có một số chi tiết trong Kinh Thánh được những người này sử dụng như là những “bằng chứng” về việc Đức Mẹ còn có thể có thêm những người con khác ngoài Chúa Giêsu. Chẳng hạn, trong các Tin Mừng có nhiều chỗ kể về việc Đức Giêsu trở về rao giảng tại quê hương mình là làng Na–gia–rét. Dân làng Na–gia–rét ngạc nhiên vì họ vốn biết rõ nguồn gốc xuất thân của Đức Giêsu. Họ biết rõ anh em và chị em của người. Trong số những cái tên anh chị em của Đức Giêsu được dân làng Na–gia–rét kể ra có: Gia–cô–bê, Giu–se, Si–mon và Giu–đa[2].
Ở nhiều nơi khác, các Tin Mừng cũng kể rằng trong thời gian Đức Giêsu đi rao giảng, thỉnh thoảng có Mẹ và anh em của Người đến thăm[3]. Trong các thư của Thánh Phao–lô, có nhiều lần nhân vật Gia–cô–bê được nhắc đến, và có một lần nhân vật ấy được minh nhiên gọi là “Gia–cô–bê, người anh em của Chúa Giêsu” (x. Gl 1,19).
Một số chi tiết khác trong Kinh Thánh cũng được nhiều người diễn giải như là những bằng chứng “chứng minh” Đức Mẹ có thể có những người con khác ngoài Chúa Giêsu. Chẳng hạn chi tiết được kể lại bởi Tin Mừng Luca “bà sinh con đầu lòng” (Lc 2,6), được diễn giải như là một ám chỉ rằng Đức Mẹ còn có những người con khác.
Lý luận của họ là thế này: có con thứ hai, con thứ ba, thì người thứ nhất mới được gọi là “con đầu lòng”. Hoặc một chi tiết khác theo trần thuật của Tin Mừng Mát–thêu: “Ông (Giuse) không ăn ở với bà cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1,25). Những người này diễn giải rằng việc Thánh Giuse không ăn ở với Đức Maria “cho đến khi bà sinh một con trai” có nghĩa là: việc họ không ăn ở với nhau chỉ diễn ra trước đó và cho đến thời điểm Chúa Giêsu được sinh ra mà thôi, còn sau đó họ có thể ăn ở với nhau!
+ Lượng giá về những ý kiến chống đối và những “chứng cứ”
Lý luận nghiêm túc một tí, chúng ta sẽ nhận ra điều mà những người phản đối tín điều Đức Mẹ Đồng Trinh trọn đời gọi là “chứng cứ” thật ra không có giá trị chứng cứ tí nào.
Chẳng hạn, việc hiểu thuật ngữ “con đầu lòng” như là ám chỉ về việc có thể có con thứ hai, con thứ ba… thật ra chỉ là một lối diễn giải võ đoán. Như thánh Giê–rôm chỉ ra, khi sinh hạ đứa con duy nhất người ta vẫn có thể gọi đó là “con đầu lòng”.
Việc hiểu câu Kinh Thánh Mt 1,25 như ám chỉ về việc Thánh Giuse và Đức Maria ở với nhau sau khi sinh Đức Giêsu cũng chỉ là một lối suy luận dựa trên hiểu biết không đúng về cụm trạng từ “cho đến khi”, trong nguyên ngữ Hy–lạp là ἕως οὗ. Thật ra, ἕως οὗ có tác dụng như một cặp trạng từ được dùng để chuyển mạch văn nhằm nhấn mạnh đến việc Thánh Giuse không ăn ở với Đức Maria, và Đức Maria sinh con đầu lòng. Ngụ ý của tác giả Mát–thêu ở đây là việc Đức Maria thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần chứ không phải do tác động nào của Giuse. Việc dựa vào cụm trạng từ này để diễn giải như thể đó là một ám chỉ về việc Giuse và Maria ăn ở với nhau sau khi sinh Chúa Giêsu thật ra chỉ là một lối duy diễn thiên lệch và không có căn cứ.
Cũng vậy, hoàn toàn không có chỗ nào trong Kinh Thánh cho phép một người có liêm khiết về tri thức suy diễn rằng Đức Mẹ có những người con khác. Cụm từ “anh em” hay “chị em” của Đức Giêsu không thể được xem như một bằng chứng, vì nhiều lý do khác nhau.
Nên biết rằng “anh em” (אָח – đọc là: āḫ) là một từ vô cùng đặc biệt trong Kinh Thánh Cựu Ước và văn hoá Do–thái. Từ này có thể được hiểu theo hai lớp nghĩa khác nhau. Thứ nhất, “anh em” có thể được hiểu theo nghĩa hẹp: anh em ruột thịt trong gia đình. Thí dụ: Ca–in và A–bel, Gia–cóp và Ê–xau. Thứ hai, “anh em” có thể được hiểu theo nghĩa rộng: anh em là họ hàng thân thuộc hoặc đồng hương, đồng tộc, đồng bào.
Chẳng hạn, khi tác giả sách Lê–vi viết: “Các ngươi không được thống trị cách hà khắc anh em của các ngươi là con cái của Ít–ra–en” (Lv 25,46). “Anh em” trong mạch văn ở đây đương nhiên không phải chỉ là anh em ruột thịt, mà là những người đồng hương đồng tộc Israel. Cả trong bối cảnh tương quan gia đình, thuật ngữ “anh em” cũng thường được hiểu theo nghĩa rộng.
Chẳng hạn: sách Sáng Thế chương 13 kể về cuộc xung đột giữa Abraham và Lót. Ai cũng biết Lót là cháu gọi Abraham là cậu/ hoặc bác. Vậy mà khi có chuyện xảy ra xung đột giữa các đầy tớ của họ với nhau, Abraham đã nói gì: “Sao cho đừng có chuyện tranh chấp giữa bác và cháu… vì chúng ta là anh em – (אַחִים) của nhau.” Nguyên văn tiếng Do–thái của bản văn này dùng từ “anh em”. Từ này được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác là “anh em họ hàng”. Lối dịch ấy là chính xác nếu đặt trong mạch văn, vì từ “anh em” trong Kinh Thánh có thể được dùng để chỉ anh em họ hàng và bà con quyến thuộc.
Trong tiếng Hy–lạp của Kinh Thánh Tân Ước cũng vậy. Anh em (“ἀδελφὸς” – adelphos) cũng là một từ đa nghĩa, được sử dụng trong nhiều bối cảnh chung chứ không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp.
Chẳng hạn: “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt của người anh em (ἀδελφὸν), mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới” (Mt 7,3), hoặc: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em (ἀδελφούς) của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32). Trong câu thứ nhất, “anh em” chỉ về những người chung quanh mình. Trong câu thứ hai, “anh em” chỉ về các tông đồ khác, là những người cùng chung chí hướng với nhau.
Cũng vậy, rất nhiều lần Đức Giêsu gọi các môn đệ của mình là anh em. Khi sống lại và hiện ra với nhóm phụ nữ thành Giê–ru–sa–lem, Người sai họ: “Hãy đi và báo cho anh em của Thầy biết (Mt 28:10). Khi hiện ra với các môn đệ của mình, Người chào họ: “Bình an cho anh em” (Lc 24,38; Ga 20,19), v.v… Thánh Phao–lô cũng gọi những người môn đệ trong cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên với cùng một thuật ngữ: “Người hiện ra với 500 anh em.” (Cor 15,6).
Ngoài ra, có thể tìm thấy vô số lần sử dụng khác của thuật ngữ này trong Kinh Thánh để ám chỉ về “anh em” theo nghĩa rộng. Như trường hợp thánh Phê–rô giảng cho cộng đồng Do–thái, và gọi họ là anh em (Cv 1,16; 2,29; 3,17, v.v.), hay thánh Phao–lô gọi những người mình viết thư là anh em (Rm 7,1; 8,12; 8,29, v.v.). Tương tự như cách ngày nay người ta hay mở đầu bài diễn thuyết của mình bằng câu chào “anh chị em thân mến”… Không ai có thể ngang ngược đến độ nói rằng khi gặp từ “anh em”, hay “anh chị em” thì buộc chúng ta phải hiểu theo nghĩa là anh chị em ruột thịt!
Thêm nữa, đây là một câu hỏi rất đáng suy tư của thánh Giáo Phụ Hilary Poitiers, sống vào đầu thế kỷ IV: Nếu thật sự Đức Maria còn có những người con khác ngoài Chúa Giêsu, tại sao trong giây phút cuối cùng của mình trên Thập Giá, Đức Giêsu còn phải bận tâm đến độ phải trối Mẹ lại cho một người môn đệ của mình? (x. Ga 19,26–27).
Như thế, có thể thấy rõ rằng: không thể chỉ dựa vào một từ “anh em” hay “anh chị em” của Chúa Giêsu để đi đến kết luận Đức Mẹ có những người con khác ngoài Chúa Giêsu. Ấy là một lối chú giải thiên lệch, vì hoàn toàn bị chi phối bởi thành kiến.
Tín điều Đức Mẹ Đồng Trinh Trọn Đời trong niềm tin Công Giáo
Xét về mặt thần học, sự đồng trinh của Đức Mẹ, như được khẳng định trong Kinh Thánh (Lc 1,34), là một chân lý có giá trị mạc khải về bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu. Việc Mẹ sinh con không phải là kết quả của xác thịt loài người, nhưng là do tác động thần diệu của Thánh Thần Thiên Chúa. Do đó, Đấng được Mẹ sinh ra là Con Thiên Chúa. Đấng ấy vừa mang bản tính Thiên Chúa, nhận từ Thiên Chúa, vừa mang bản tính loài người, nhận từ máu thịt của Mẹ. Như thế, sự Đồng Trinh của Đức Mẹ thật ra chỉ là một điểm nhỏ nằm trong một cuộc tranh luận có lịch sử dài hơn rất nhiều về bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu.
Sự Đồng Trinh trọn đời của Đức Mẹ cũng là một điều quan trọng và đặc biệt ý nghĩa. Bằng việc cưu mang Con Thiên Chúa trong cung lòng mình, thân xác của Mẹ hoàn toàn được thánh hoá để trở nên Cung Cực Thánh của Thiên Chúa, do đó, Mẹ thuộc trọn về Chúa. Từ điểm này, chúng ta có thể thấy bốn tín điều về Đức Mẹ đều có liên hệ mật thiết với nhau từ góc nhìn thần học: Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì từ thân xác của Mẹ đã sinh ra Đức Giêsu là người thật và là Thiên Chúa thật. Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, vì thân xác và cuộc đời Mẹ được chuẩn bị từ trước muôn đời để xứng đáng cưu mang Thiên Chúa. Mẹ Hồn Xác Lên Trời, thân xác của Mẹ không phải hư mất, vì thân xác ấy đã được thánh hoá bởi biến cố cưu mang Con Thiên Chúa. Mẹ Đồng Trinh Trọn Đời như một người thuộc trọn về Chúa, cả cuộc đời của Mẹ là một hành trình đồng công với Con của mình trong công trình cứu chuộc.
Việc đặt câu hỏi về tín điều Đức Mẹ Đồng Trinh Trọn Đời có thể đến từ chính não trạng tục hoá của xã hội hiện đại. Khi không còn tin rằng việc giữ mình đồng trinh vì Nước Trời là một giá trị, người ta cũng dễ thấy chẳng có lý do gì để tin rằng Đức Mẹ phải giữ mình đồng trinh Trọn đời.
Người ta cũng nghi ngờ và công kích về lối sống giữ mình đồng trinh và lời khấn trọn đời khiết tịnh trong truyền thống tu trì của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng điều đó có khi đơn giản chỉ vì chính họ không muốn hoặc không thể sống giá trị ấy trong đời mình. Khi đã chọn lựa hoặc đã thoả hiệp trong chọn lựa của mình rồi, mọi suy tư và tranh luận đều chỉ có thể đi theo hướng người ta đã chọn, để biện minh và ủng hộ cho chọn lựa hoặc thoả hiệp ấy.
Ngày nay, tín điều Đức Mẹ Đồng Trinh Trọn đời vẫn giữ vẹn nguyên sức sống trong lòng Giáo Hội. Tín điều ấy là nguồn gợi hứng và là điểm bám tựa đặc biệt quan trọng đối với những người chọn sống đời thánh hiến với lời khấn giữ mình khiết tịnh trọn đời. Xuyên suốt dòng lịch sử, bất chấp những bài bác và giễu cợt, Giáo Hội Công Giáo luôn xác tín rằng việc giữ mình đồng trinh vì Nước Trời là một giá trị thiêng liêng và cao cả.
Hãy nhìn vào lớp lớp những con người bước theo mẫu gương của Đức Trinh Nữ Maria, dâng mình trọn vẹn cho việc phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội, phục vụ con người. Đó chính là lời chứng hùng hồn nhất về giá trị của việc giữ mình đồng trinh, của chọn lựa sống đời độc thân và khiết tịnh vì Nước Trời.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)
WHĐ (23.5.2022)